Lời Phi Lộ - Tài liệu Mầu Nhiệm Thánh Thể trong đời sống Hội Thánh của các Giám mục Hoa Kỳ về Bí tích Thánh Thể là tài liệu nền tảng cho kế hoạch Phục hưng Thánh Thể của các ngài. Tiếc rằng rất ít người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ biết đến tài liệu này. Trong loạt bài này chúng tôi cố gắng tóm lược các bài học rút ra từ tài liệu và từ các lớp online do Đức Cha Cozzens hướng dẫn để giúp độc giả hiểu sâu xa hơn về Bí tích Thánh Thể và sống Mầu Nhiệm Cao Quý này. Dươi đây là Bài Thứ Năm. Trong bài này Đức Cha Cozzens giải thích một cách rõ ràng hơn về sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể so với nguyên bản của các Giám mục Hoa Kỳ.
Tầm Quan trọng của Sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể
Trong bài này, chúng ta sẽ đi sâu vào đặc điểm nổi bật của đức tin Công giáo: niềm tin vào sự Hiện diện Thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Ngay từ thủa ban đầu, niềm tin này của đạo Công giáo đã gây ra nhiều cuộc tranh luận, tương tự như cuộc tranh luận của người Do Thái về giáo huấn này của Chính Chúa Giêsu trong Chương 6 của Tin Mừng Thánh Gioan.
Câu 1336 của Sách Giáo lý Công giáo nhìn nhận sự chia rẽ này, “Lời loan báo đầu tiên về Bí tích Thánh Thể đã gây chia rẽ các môn đệ, giống như lời loan báo về Cuộc Khổ Nạn đã làm cho họ vấp phạm: ‘Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?’ (Ga 6:60)”. Như những lời của Chúa Giêsu về Bí tích Thánh Thể thời ấy đã thách thức niềm tin của các môn đệ của Người thế nào, thì những lời này vẫn tiếp tục thách thức niềm tin của các tín hữu thời nay như vậy. Tuy nhiên, những trở ngại này không phải là hàng rào ngăn cản ân sủng mà là cửa ngõ dẫn đến sự hiệp thông sâu xa hơn với Chúa.
Nghiên cứu Pew năm 2019 cho thấy rằng hầu như 70% người Công giáo Hoa Kỳ coi Bí tích Thánh Thể chỉ là biểu tượng. Dù không chính xác mấy, nhưng nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu biết chính xác về sự Hiện diện Thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Mặc dù Bí tích này thực sự mang những yếu tố biểu tượng, nhưng nó vượt trên tính đơn thuần là biểu tượng. Đó là một Bí tích, một dấu chỉ hữu hình hiện tại hóa thực tại vô hình mà nó biểu thị: là Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Câu trả lời thâm thuý của nhà văn Flannery O'Connor cho một người bạn Tin Lành về quan niệm Thánh Thể như một biểu tượng phản ánh một chân lý sâu xa: nếu Thánh Thể chỉ mang tính biểu tượng thì nó không còn quan trọng nữa. Đối với O'Connor, Chính vỉ Bí tích Thánh Thể là trung tâm của cuộc đời, cho nên niềm tin vào sự Hiện diện Thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể phải là điều thiết yếu với người Công giáo.
Nền Tảng Thánh Kinh của Sự Hiện Diện Thật
Xác tín sâu xa về tính trung tâm của Bí tích Thánh Thể bắt nguồn từ các giáo huấn của chính Chúa Giêsu, đặc biệt là trong chương 6 của Tin Mừng Thánh Gioan. Ở đây, Chúa Giêsu tuyên bố rằng Người là Bánh Hằng Sống từ Trời xuống, vượt trên manna của Cựu Ước. Người khẳng định rằng “Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy" (Ga 6:53-56). Câu nói này đã thách thức sự hiểu biết thông thường của người Do Thái về việc ăn uống, khiến nhiều kẻ, kể cả các môn đệ của Người, đã thắc mắc và thậm chí bỏ Người mà đi.
Sự nhấn mạnh một cách cương quyết của Chúa Giêsu về việc phải ăn Thịt và uống Máu Người càng làm nổi bật tính triệt để trong giáo huấn này của Người. Trong câu 54, Thánh Gioan đã sử dụng từ “trogo (τρώγω: nhai như nhai thịt)” thay vì “phago (φάγω: ăn thức ăn nói chung)” của tiếng Hy Lạp, để nhấn mạnh đến việc chúng ta phải thật sự “ăn” Thịt của Người.
Việc Chúa Giêsu đã để cho những kẻ không chấp nhận Lời Người bỏ đi mà không tìm cách ngăn cản chứng tỏ Người thật sự muốn chúng ta ăn Thịt và uống Máu Người, chứ không phải Người chỉ nói cách biểu tượng. Bất chấp sự hoài nghi và bỏ đi của nhiều môn đệ, câu trả lời của Thánh Phêrô tóm tắt niềm tin vững chắc vào Chúa Giêsu là nguồn sống vĩnh cửu. Lời tuyên bố của ông, "Bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6:68) khẳng định lòng trung thành với Đức Kitô ngay cả khi đối diện với những giáo huấn khó hiểu.
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể khi tuyên bố rõ ràng rằng bánh là Mình Người và rượu là Máu Người. Giây phút long trọng này tóm gọn bản chất của niềm tin Công giáo: Lời của Chúa Giêsu thực sự làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Người. Cho nên Thánh Thể là sự Hiện diện Thật của Người. Chính vì lý do ấy mà Thánh Phaolô khẳng định, “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình." (1 Cor 11:27-28).
Nền Tảng Bí Tích và Thần Học của Sự Hiện Diện Thật
Sự hiểu biết về Bí tích Thánh Thể đòi hỏi phải thấu triệt quan niệm về bí tích, trong đó các yếu tố vật chất chỉ đến những thực tại vô hình. Như các Bí tích khác, Bí tích Thánh Thể siêu vượt tính biểu tượng, làm cho những gì nó biểu thị trở nên hiện diện. Trong Bí tích này, bánh và rượu là những thực tại vọ hình, còn toàn thể Đức Kitô là thực tại vô hình.
Khái niệm thần học về sự biến thể làm sáng tỏ cách biến đổi này. Khái niệm này khẳng định rằng bản thể của bánh và rượu biến thành bản thể của Mình và Máu Đức Kitô. Như vậy, việc gặp gỡ Thánh Thể đưa đến việc gặp gỡ Chính Đức Kitô, là Thiên Chúa.
Niềm tin vào sự Hiện diện Thật này thấm nhuần giáo huấn của các Giáo phụ Hội Thánh thời sơ khai và các thần học gia sau này. Từ Thánh Ignatiô thành Antiôkia đến Thánh Ambrosiô và Augustinô, vẫn có sự đồng thuận: Bí tích Thánh Thể không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là một biểu hiện sâu xa về sự Hiện diện Thật của Đức Kitô giữa các tín hữu.
Về bản chất, Bí tích Thánh Thể là đỉnh cao của đức tin Công giáo, hiện thân cho mầu nhiệm sâu xa về sự Hiện diện của Đức Kitô. Nó không chỉ đơn thuần là một biểu tượng mà còn là một cuộc gặp gỡ hữu hình với Thiên Chúa, mang đến cho các tín hữu sự hiệp thông có khả năng biến đổi với Đấng Cứu Thế. Như Flannery O'Connor đã diễn tả một cách hùng hồn, “Bí tích Thánh Thể không phải điều không cần thiết mà là trung tâm của sự hiện hữu của những ai đón nhận thực tại sâu xa của Bí tích này.”
Sự Biến Thể
Hội Thánh sử dụng thuật ngữ “sự biến thể (transubstantiation)” để tóm lược sự biến đổi sâu xa xảy ra trong việc truyền phép Thánh Thể. Từ này do Thánh Tôma Aquinô đề ra, nó biểu thị một sự biến đổi về bản thể trong khi hình dáng bên ngoài vẫn không thay đổi. Rút ra từ triết lý của Aristốt, Thánh Tôma Aquinô phân biệt giữa bản thể (substance) là bản chất nội tại của một sự vật và phụ thể (accident), là thuộc tính của nó mà giác quan có thể cảm nhận được.
Dưới đây chỉ là một thí dụ tượng trưng, không thể diễn tả hết về mầu nhiệm Thánh Thể được, nhưng chứng minh cho chúng ta thấy rằng giác quan có thể sai lầm. Hãy nhìn một cái bàn: bản thể của nó nằm ở tính chất của nó là loại vật chất cấu thành nó, trong khi phụ thể, tức là hình dáng bên ngoài, màu sắc và trọng lượng của nó tạo thành các thuộc tính của nó. Tuy nhiên, nhận thức giác quan của chúng ta khi nhìn vào nó có thể bị đánh lừa, vì những gì trông giống như gỗ, khi xem xét kỹ hơn, mới biết chúng là những vật liệu khác.
Cũng tương tự, trong Thánh Lễ, bánh và rượu trải qua một sự biến đổi cơ bản về bản thể trong khi vẫn giữ được các đặc tính bên ngoài của chúng. Qua lời truyền phép của Linh mục, bản thể của bánh và rượu không còn nữa mà được thay thế hoàn toàn bằng Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô. Toàn thể Đức Kitô – Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính – hiện diện trong từng hạt của các yếu tố được thánh hiến. Nhưng phụ thể (vẻ bề ngoài) của bánh và rượu vẫn còn nguyên.
Sự hiện diện kỳ diệu này thách thức sự hiểu biết thông thường, vượt trên các thuộc tính điển hình gắn liền với các vật thể lý. Đức Kitô hiện diện một cách siêu vượt thể chất thông thường, tồn tại bao lâu các đặc tính của bánh và rượu còn tồn tại, cho phép các tín hữu thông phần trọn vẹn vào sự hiệp thông với Người.
Nếu bạn tin Chúa Giêsu có thể biến đổi nước thành rượu ở Cana, thì tại sao lại không tin rằng Chúa có thể biến đổi bánh và rượu thành Mình Máu Người trong Thánh Lễ?
Bất chấp nhiều nỗ lực nhằm làm sáng tỏ mầu nhiệm này, đặc biệt trong thời kỳ Cải cách, sự hiểu biết của Hội Thánh về Bí tích Thánh Thể tập trung vào thực tại của sự Hiện diện của Đức Kitô. Một trắc nghiệm cho niềm tin Công giáo đích thực nằm ở chỗ liệu các yếu tố được thánh hiến có được coi là xứng đáng để tôn thờ hay không. Người Công giáo và Chính thống giáo Đông phương khẳng định bản chất Thiên Chúa của Thánh Thể, nên họ cung kính dâng Mình Thánh Chúa lên và quỳ gối trước Thánh Thể. Còn người Tin Lành coi việc đó là thờ ngẫu tượng.
Những cách giải thích trái ngược, chẳng hạn như thuyết đồng bản thể (consubstatiation) của Lutherô, trong đó sự hiện diện của Đức Kitô cùng tồn tại với bánh, khác xa với giáo lý Công giáo.
Lời khẳng định của Thánh Augustinô rằng việc không tôn thờ Bí tích Thánh Thể là một trọng tội, nhấn mạnh đến lòng tôn kính đối với sự Hiện diện của Đức Kitô. Xác tín này khiến vô số tín hữu, kể cả các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, đã liều mạng để cử hành Thánh Lễ, khẳng định ý nghĩa sâu xa của Bí tich này siêu vượt tính đơn thuần biểu tượng.
Kết Luận
Sự Hiện diện Thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể là giáo lý nền tảng của đức tin Công giáo. Nó hiện thân cho mầu nhiệm hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa. Bất chấp những thách đố và chia rẽ, niềm tin vào sự Hiện diện Thật của Đức Kitô vẫn tồn tại, mang đến cho các tín hữu một cuộc gặp gỡ hữu hình với Thiên Chúa. Khi người Công giáo tiếp tục cố gắng tìm hiểu những chiều kích sâu xa của mầu nhiệm này, họ tìm thấy nơi Bí tích Thánh Thể không những chỉ một biểu tượng mà còn một thực tại có khả năng biến đổi cuộc đời và hình thành cuộc hành trình tâm linh của họ. Thực tại ấy chính là Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa. Qua nhiều kỷ nguyên, Bí tích Thánh Thể vẫn là tâm điểm của phụng tự Công giáo, kết hợp các tín hữu vào sự hiệp thông mật thiết hơn với Đức Kitô và với nhau trong Nhiệm Thể của Người.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Câu hỏi để suy nghĩ
- Có khi nào bạn nghi ngờ sự Hiện diện Thật của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể không? Nếu không thì theo bạn, Sự hiện Diện Thật nghĩa là gì?
- Hãy nhìn lại thái độ của bạn khi tham dự Thánh Lễ. Thái độ ấy có phản ánh niềm tin rằng Chúa Giêsu thật sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể không? Bạn sẽ điều chỉnh thái độ của bạn thế nào cho phù hợp với niềm tin của bạn?
- Trong cuộc sống thường nhật, bạn có sống như một người được vinh dự kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể là Sự Sống và gương mẫu của bạn không?