imagesBBR70IXNLời tựa: Đây là Phần II gồm 6 bài trong 18 bài diễn giảng lễ cưới; Phần I đã đăng gồm 6 bài; Phần III gồm 6 bài sẽ đăng nối tiếp nữa.

  1. 07 Duyên số trong đời sống hôn nhân

Trong đời sống hằng ngày, người ta thường nghe thiên hạ nói: số may, số rủi. Đánh bạc có lúc gặp số may, thì được liên tiếp; lúc lại gặp toàn số rủi, ván nào cũng thua.

Người ta còn nói kết duyên với người nọ người kia cũng là cái số. Duyên số chẳng qua là người này hợp tính tình, hợp nhãn quan của người kia; người này có cái nhìn đời, nhìn những sự vật trong đời sống giống người kia; người này có lối giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày hợp với người nọ. Có những điểm hai người khác nhau, nhưng lại muốn  tiến tới hôn nhân để bổ túc, bù đắp  cho nhau. Có những điểm tương đồng mà lại gây xung khắc cho đời sống hôn nhân.  Chẳng hạn hai người cùng nóng tính cả thì sẽ đụng độ nhau. Người này nóng, người kia cũng nóng sẽ làm hai người nóng thêm như đổ dầu vào lửa vậy. Còn một người nóng mà người kia nhẫn nại sẽ giúp người nóng nguôi giận, dịu xuống dần.

Có chị kia chưa hẳn thuộc loại: Ki-ri-ế, nói với một ông cha: ‘Số con lận đận lắm cha ơi, quen nhiều người mà cuối cùng, cũng chẳng đi tới đâu’. Vậy thì thử đưa quan niệm mà người ta gọi là duyên số vào quĩ đạo tôn giáo trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa xem thế nào. Quan sát người ta thấy Thiên Chúa tạo những cơ hội khác nhau để hai người nam nữ gặp gỡ hầu có thể đi tới hôn nhân. Giả sử không có hoàn cảnh di cư ra ngoại quốc, thì cũng không có những đám cưới Việt Nam ở hải ngoại. Nếu một người di cư ra ngoại quốc mà một người ở lại quê nhà, thì cũng không có cơ hội gặp gỡ nhau. Nếu cả hai người di cư sang một quốc gia, mà không ở cùng một miền thì cũng có thể không có cơ hội gặp nhau để đi tới hôn nhân.

Có linh mục kia làm đám cưới cho những mối tình có vẻ hi hữu. Có hai anh chị kia làm cùng nghề bán ‘hot dog’, có nhiều cơ hội gặp nhau nói chuyện, nên đã đi tới hôn nhân. Ngoài mối tình bán hot dog, linh mục đó còn làm đám cưới cho mối tình ‘máy may’, mối tình ‘xếp bài hát, mối tình nấu phở’. Câu chuyện của mối tình máy may được diễn tiến thế này. Có anh chàng kia biết làm may, di cư qua Mĩ, nhưng không tiền mua máy may. Cha mẹ cô nàng nọ bèn mua một máy may cho trả góp để anh ta làm may. Với thời gian, anh chàng quen cô nàng con ông bà mua máy may, rồi đi tới hôn nhân. Còn mối tình ‘xếp bài hát’ là như thế này. Trong một ca đoàn tại một giáo xứ Việt Nam kia, một ca viên nam và một ca viên nữ được trao trách nhiệm tối Thứ Bảy soạn bài hát, làm bản sao rồi kẹp vào bìa để sáng Chúa Nhật cho ca viên dùng để hát lễ. Cứ thế từ tuần lễ nọ sang tuần lễ kia, nói chuyện tâm tình riết rồi cũng đi tới hôn nhân. Còn ‘mối tình nấu phở’ diễn ra như sau. Có một huynh trưởng nam và một huynh trưởng nữ trong Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể trong một giáo xứ hải ngoại. Chiều tối Thứ Bảy tại nhà bếp câu lạc bộ giáo xứ, hai người lãnh trách nhiệm sửa soạn những gì cần thiết, nhất là hầm xương cho nồi nước phở để bán gây quĩ cho Đoàn. Từ tuần nọ qua tuần kia, qua những bàn tính sao cho nước phở được trong mà lại ngọt, mà không cần rắc bột ngọt, thì mối tình nồi phở cũng đã dẫn tới hôn nhân. Sau gần hai mươi năm, ba mươi năm thấy những mối tinh hôn nhân bắt đầu bằng những cầu chuyện hi hữu như thế mà vẫn bền vững.

Như vậy người ta thấy Thiên Chúa dùng những cơ hội khác nhau để tạo nên những mối tình, thoạt nghe có vẻ tếu, nhưng thực tế đã đưa tới hôn nhân. Giả sử một người đàn ông đã có vợ, có được cơ hội gặp gỡ nhiều cô gái khác nhau trước khi lập gia đình, thì chưa chắc đã lậo gia đình với người vợ đã cưới. Nói một cách gần gũi hơn, giả sữ bố mình có cơ hội gặp nhiều cô trước khi cưới, thì chưa chắc đã cưới mẹ mình. Nói như thế có thể khiến con cái bị vấp phạm, nhưng thực sự là thế. Trên thực tế, con người ta bị lệ thuộc vào không gian, nên không thể đi khắp mọi nơi để gặp gỡ và lựa chọn người bạn trăm năm. Người ta cũng bị lệ thuộc vào thời gian. Nếu cứ đợi mãi có thể trở thành ‘già kén, kẹn hom’, để rồi đành ca bài theo cách nói nhà đạo là: Kiriế.

Như vậy có lúc người ta phải làm quyết định để lựa chọn, phải lựa chọn và chấp một người nào đó. Điều khác biệt ở đây là người ta chỉ được chọn có một, không thể bắt cá hai tay. Đã chọn rồi thì không còn mơ mộng hão huyền. Người đã trồng cây si nào, thì phải rào đón, chăm nom, vun tưới cho cây si đó. Khi người ta đã tín thác cho một người nào đó, người ta cần qui hướng tư tưởng, cảm tình và hành động về người đó. Rồi người ta cần cải tiến chính mình và làm thăng tiến hoá đời sống hôn nhân để có thể nhắm đến tình yêu trọn vẹn, tìm hạnh phúc toàn diện và lâu dài. Đó chính là diều Thiên Chúa dạy: ‘Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ và gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương, một thịt’. (St 2:24). Còn Đức Giêsu thì dạy: ‘Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân li’. (Mt 19:6).

  1. 08. Tình bạn trong đời sống hôn nhân

Ở Việt Nam, vợ chồng được gọi là người bạn đường hay bạn trăm năm. Bạn là người quan tâm, giúp đỡ nhau. Bạn là người gắn bó với nhau ‘khi vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ’. Và đó cũng chính là lời hứa mà AC, CC sẽ hứa với nhau: ‘Anh hứa nhận em làm vợ’, ‘Em hứa nhận anh làm chồng’. Rồi hai cùng hứa tiếp: ‘Sẽ giữ lòng chung thuỷ với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt cả cuộc sống’ (Nghi thức hôn nhân). Khi nói lên lời hứa hôn nhân, AC, CC sẽ tuyên hứa một cách ý thức và tự nguyện.  Bạn hữu, nhất là vợ chồng,  là những người trung thành, gắn bó với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, sống chết có nhau. Tuy nhiên khi hai người bạn làm mất lòng nhau, hoặc phản bội nhau mà không hối lỗi, không xin lỗi để làm mới lại tình bạn, thì không thể tiếp tục tình bạn. Không những Chúa kêu gọi AC, CC làm bạn với nhau mà Chúa còn gọi CC, AC là bạn với Chúa như lời Chúa phán: ‘Thầy không còn gọi chúng con là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho chúng con biết’ (Ga 15:15). Ở xã hội Viết Nam trước đây, một người nhỏ tuổi hay kém địa vị, gọi người lớn tuổi hay có địa vị cao là bạn,  thì bị coi là hỗn xược, chơi trèo. Tuy nhiên Đức Giêsu đã tự hạ mình xuống làm bạn với chúng ta và Chúa muốn chúng ta là bạn nghĩa thiết với Chúa. Được gọi là bạn hữu với Chúa là một hồng ân vượt quá sức tưởng tượng của loài người. Để được ở lại trong tình bạn với Chúa, chúng ta cần xa tránh những việc làm sứt mẻ tình bạn. Nói một cách cụ thể là xa tránh phạm tội. Khi tình bạn của CC, AC trở nên tốt đẹp với Chúa thì cũng giúp cho tình bạn với nhau được phát triển vì tình yêu, tình bạn giữa loài người là phản ảnh tình yêu và tình bạn với Thiên Chúa.

Bạn hữu là những người có tính tình, tập quán giống nhau, theo đuổi những mục đích giống nhau, cùng nuôi những quan điểm, những giá trị tương tự như nhau, có cái nhìn đời giống nhau. Ví thế bạn bè không muốn xa nhau. Nếu bạn bè không muốn xa nhau, thì tình bạn trong đời sống hôn nhân sẽ giúp vợ chồng sống bên nhau luôn mãi. Có hai câu chuyện về một khiá cạnh của tình bạn trong đời sống hôn nhân: một  cặp người Mĩ, một cặp Việt Nam. Cặp vợ chồng người Mĩ kia, không biết lúc khác họ đối xử với nhau thế nào, nhưng mỗi lần có linh mục Việt Nam kia đến nhà chơi, thấy hai ông bà giởn với nhau như con nít vậy.  Thấy vậy linh mục Việt Nam kia đến thăm nhà cũng vào hùa với ông chồng để trêu bà xã ông. Còn có  cặp ông bà Việt Nam kia cũng vào tuổi lục tuần. Hồi mới sang Mĩ, có bà Mĩ hàng xóm  đến thăm. Mỗi ngày bà ta xích lại ngồi gần ông chồng VN một chút. Sau hai ba lần, ông chồng Việt Nam cảm thấy ngượng, bèn hỏi bà vợ Việt Nam và người con gái biết tiếng Anh xem bà Mĩ  muốn gì. Bà Mĩ trả lời là muốn mi ông Việt Nam một cái. Ông chồng Việt Nam bèn hỏi ý kiến bà vợ Việt Nam. Bà vợ Việt Nam nói cứ để cho bà ấy mi, đâu có mất mát gì. Từ khi mi được ông chồng Việt Nam một cái, bà hàng xóm Mĩ toại nguyện, không còn đến nhà ông bà Việt Nam nữa. Câu chuyện này cho thấy tình bạn ông bà Việt Nam rất là keo sơn, không sợ mất mát gì cả.

Tình bạn trong đời sống hôn nhân rất là quan trọng, nếu muốn cho hôn nhân được hạnh phúc và bền vững. Tiếc rằng nhiều cặp vợ chồng không phải là bạn với nhau mặc dầu ở Việt Nam người ta gọi vợ chồng là bạn trăm năm. Họ chỉ liên kết với nhau theo nghĩa vụ và bổn phận: Nghĩa vụ làm chồng, bổn phận làm vợ. Vậy thì nếu trước khi cưới, hai người không phải là bạn thì cần tìm cách để có thể trở thành bạn. Để có thể trở thành bạn và bạn tri kỉ, mỗi người phải biết hi sinh bỏ ý riêng để chiều theo ý muốn và ước vọng của người kia. Khi một người làm như vậy thì có tác dụng đến người kia, khiến người kia động lòng, cảm động nên cũng muốn sửa đổi tính nết xấu để cải tiến và đáp trả.

  1. 09. Tiếp tục tìm hiểu người phối ngẫu

Hôm nay AC, CC bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Những ngày giờ năm tháng đầu của cuộc sống hôn nhân rất là quan trọng. Nó định hướng cho cả cuộc sống hôn nhân. Thời gian AC, CC tìm hiểu để quyết định xem có thể đi tới hôn nhân hay không, đã qua rồi. Nói như vậy không có nghĩa là AC, CC không cần tìm hiểu nhau nữa. AC, CC biết rằng mỗi người được tác tạo là một tuyệt tác phẩm của Thiên Chúa, không ai giống ai, ngay cả hai anh em sinh đôi, hai chị em sinh đôi tách từ một tế bào đã thụ thai cũng không giống nhau. Mỗi người là một huyền nhiệm của Thiên Chúa. Tư tưởng, cảm tình của mỗi người mỗi ngày một khác tuỳ theo những yếu tố nội tại và ngoại lai tác động đến con người. Ngày hôm đó trong người mình khoẻ, mình thấy vui thì nhìn người khác đều có cảm tình. Nếu biết ngày đó người phối ngẫu không khoẻ thì không nên đến gần, không nên nói những lời khiến cho người ta thêm khó chịu. Tư tưởng và tâm tình của mỗi người cũng tuỳ theo yếu tố ngoại lai, nghĩa là ngày hôm nay trời đẹp, thì tư tưởng tâm tình của mình có khác ngày trời u ám, mưa rơi. Vì thế mỗi ngày cần tiếp tục tìm hiểu lẫn nhau, khám phá ra những điều mới lạ nơi người phối ngẫu

Việc tìm hiểu sau khi cưới nhau không còn phải là tìm hiểu xem có thích hợp để đi tới hôn nhân không, nhưng là tìm hiểu để mà thích ứng. Việc tìm hiểu trước hôn nhân là để xem hai người có thể sống chung được không? Còn tìm hiểu sau ngày đám cưới là để hai người thoả hiệp và hoà giải để  thích ứng. Việc tìm hiểu bây giờ khác trước kia là để thoả hiệp và hoà giải những điều khác biệt để có thể sống chung. Nếu không tiếp tục tìm hiểu để khám phá ra những điều mới lạ nơi người kia để thích ứng, người ta có thể trở nên nhàm chán. Từ chỗ nhàm chán, người ta có thể bị cám dỗ đi tìm những hoa thơm cỏ lạ khác. Đời nay người ta có nhiều cơ hội để gặp hoa thơm cỏ lạ trên đường đời.

10. Nhẫn nại, xin lỗi, tha thứ và cám ơn.

Những buổi đầu khi mới gặp nhau, người ta thấy cái gì cũng đẹp. Khi mới gặp nhau người ta còn dè dặt, chưa dám để lộ ra những mặt trái của đời mình: khuyết điểm, nết xấu của mình. Trước khi cưới nhau, người này cũng có thể để lộ ra những cái chướng của đời mình hoặc người kia cũng có thể nhận ra những cái chướng đó. Người ta giận nhau mấy ngày, không nói chuyện với nhau. Rồi một người xuống nước. Thường là con trai gọi người con gái, để thanh minh thanh nga, để làm hoà. Khi cưới nhau rồi, ở trong chăn người ta mới biết chăn có rận. Vợ chồng giận nhau vì hiểu lầm hoặc xúc phạm đến nhau đã để lại những vết thương lòng. Quá nhiều vết thương lòng, không được hàn gắn, đã đưa đến đổ vỡ: Anh đi đàng anh, tôi đi đáng tôi. Tình nghĩa đôi ta chỉ đến thế thôi. Lúc này người ta không thế gọi và xưng hô bằng anh hay em nữa, mà bằng đủ thứ xưng hô.

Vậy làm sao để hàn gắn những vết thương lòng? AC, CC hàn gắn bằng những lời xin lỗi, cám ơn. Sống bên Mĩ, người ta thường nghe hai tiếng xin lỗi, cám ơn luôn trên cửa miệng của họ. Vô ý đụng chạm hay chen lấn người khác, họ cũng xin lỗi. Làm cho ai một việc gì rất nhỏ, họ cũng cám ơn. Lời xin lỗi và cám ơn giữa vợ chồng phải phát xuất tự đáy lòng thì mới có công hiệu hàn gắn vết thương. Lời xin lỗi và cám ơn phải được thể hiện bằng giọng nói, bằng ánh mắt thích hợp thì mới có hiệu nghiệm.  Nếu không thì chỉ là những lời nói xuông cho qua lần chiếu lệ. Lời xin lỗi phải được chứng minh bằng ánh mắt hối lỗi và lời cám ơn phải được bày tỏ bằng ánh mắt vui mừng thì mới có tác dụng.

Không mấy cặp vợ chồng nào mà tránh được việc làm mất lòng nhau. Nếu nói được hai lời xin lỗi và cám ơn: Xin lỗi Chúa, nghĩa là xin Chúa tha thứ những lỗi lầm rồi cám ơn Chúa: cám ơn Chúa về tất cả những hồng ân, những ân huệ Người đã làm cho AC, CC. Rồi xin lỗi nhau cũng như cám ơn nhau, AC, CC sẽ sống bên nhau hạnh phúc. Có những vợ chồng không bao giờ biết nói lời xin lỗi hay cám ơn. Họ coi việc xin lỗi cho việc mình đã làm thất bại. Họ coi việc người vợ hay chồng đã làm cho mình là việc bổn phận của người vợ hay nghĩa vụ của chồng, nên không cần cám ơn. Khi người chồng coi mình là chủ, thì ưa ra lệnh, nên rất khó xin lỗi. Nói lên được lời xin lỗi và cám ơn  là bước khởi đầu cho việc đổi mới tình yêu và đời sống hôn nhân.

Thánh Phaolô có lời khuyên nhủ người tín hữu nói chung và khuyên nhủ vợ chồng như sau: ‘Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trácch người kia’ (Col 3:12-13).

11. Những điểm tương đồng và dị biệt trong đời sống hôn nhân

La ngữ có câu: ‘Similis similem quaerit’ có nghĩa là những vật, những người giống nhau thì tìm đến với nhau. Khi thấy giống nhau về tính tình, tập quán, về những quan điểm nhân sinh, người ta sẽ cảm thấy dễ dàng đến với nhau và nói chuyện, cũng như chia sẻ. Nếu khác nhau về những điểm trên, người ta sẽ không muốn tìm đến nhau và khó nói chuyện với nhau vì sợ đụng chạm, sợ mất lòng. Hoặc nói mà không có người hưởng ứng hoặc tâm đầu ý hiệp, người ta sẽ cụt hứng.

Còn những khác biệt thì sao? Có những khác biệt có thể gây bất hoà, xung đột cho đời sống hôn nhân. Nói về việc dùng thời giờ cuối tuần chẳng hạn. Cuối tuần một người thích ở nhà dưới mái ấm gia đình, còn người kia thích ra ngoài, ăn uống, giải trí lành mạnh đi nữa, cũng có thể khiến cho người kia khó chịu. Chẳng lẽ người ở nhà cứ chịu cảnh cô đơn đó mãi sao. Hoặc vấn đề tiêu tiền. Khi một người đi làm vất vả để lãnh lương mà người kia cứ tiêu sài hoang phí thì làm sao khỏi làm mất lòng người kia.

Từ hôm nay AC, CC sẽ mất đi một phần tự do để thoả hiệp, để hai người có thể sống chung. CC, AC phải hi sinh những sở thích, những lợi ích cá nhân cho lợi ích chung, lợi ích gia đình mới tạo lập. Những hi sinh và những nhượng bộ cho nhau, nếu không được thực hiện vì yêu, sẽ trở nên cực hình và nặng nhọc. Yêu nhau là tìm những gì giống nhau, nhưng cũng phải tôn trọng những gì khác biệt.

12. Sống đạo trung tình nghĩa vợ chồng

Thiên Chúa luôn trung thành với lời giao ước Người đã thiết lập với dân Người. Chúa cũng muốn dân Người trung thành với lời giao ước họ đã làm với Chúa. Tuy nhiên theo Thánh Kinh ghi lại thì đã bao lần dân Chúa lỗi lời giao ước. Họ bỏ Chúa để đi thờ những thần ngoại lai. Họ đúc bò vàng để tôn thờ. Mỗi lần họ ăn năn sám hối thì Chúa lại mở rộng đôi tay đón nhận họ trở về.

Sự trung tín giữa vợ chồng là phản ảnh lòng trung thành giữa Thiên Chúa với dân Người. Người nam và người nữ được gọi để sống trung thành với nhau. Khi Đức Kitô xuống thế, Người đã nâng giao ươc hôn nhân lên hàng bí tích. Sợi giây ràng buộc hôn nhân Công Giáo là dựa vào lòng tín thác vào Chúa và lòng tin tưởng lẫn nhau.

Mời đọc tiếp bài: ‘Sống Đạo Trung-Tình-Nghĩa Vợ Chồng’ trong mục: Bài Viết của Tác Giả Trang Chủ trong Mạng lưới này: www.mucvuvanbut.net phóng lên ngày: 2009-10-2005.

Lm Trần Bình Trọng

-----------------------------------------------------------------------------

Còn tiếp Phần 3 gồm 6 đề tài diễn nghĩa ngày đám cưới.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch