Lời nói đầu: Trong lễ an táng, ngoài tang quyến và bạn hữu, còn có những giáo dân theo thói quen đạo đức, thường đi dự lễ để cầu nguyện cho người quá cố và để yên ủi tang gia. Rồi cùng một ca đoàn có thể thường xuyên được mời hát lễ an táng.

Như vậy cũng như lễ cưới, nếu linh mục chủ tế cứ nhai đi nhai lại một vài ý tưởng trong bài giảng, thì người nghe có thể nhàm. Vì thế linh mục cần sửa soạn tư tưởng để nói gì khác biệt cho hợp với từng trường hợp và hoàn cảnh của người quá cố và nhu cầu mục vụ của người dự lễ.

 Trong nghi thức lễ an táng, có 7 bài Thánh Kinh Cưu Ước; 10 bài Đáp Ca; 19 bài Thánh Kinh Tân Ước; 11 câu tung hô Tin Mừng; 19 bài Phúc Âm để lựa chọn. Linh mục nên chọn hoặc hướng dẫn cho người nhà lựa những bài Thánh Kinh thích hợp với hoàn cảnh của người qúa cố và nhu cầu mục vụ của tang gia để có thể đánh động tâm hồn người nghe. Theo ý hướng đó, thì trong lễ an táng cho cụ bà cao tuổi chẳng hạn, mà chọn bài Phúc Âm về cái chết của người thanh niên thành Na-in, là không thích hợp khi xét về phương diện mục vụ áp dụng Lời Chúa. Trái lại trong lễ an táng của một người gặp nhiều đau khổ thử thách về đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng, mà vẫn giữ vững đức tin vào Chúa và sống đạo, mà chọn bài Phúc Âm về Tám Mối Phúc, hoặc bài Phúc Âm khi Chúa mời gọi những ai phải vất vả và mang gánh nặng của cuộc sống đến cùng Chúa để được bổ sức thì lại rất thích hợp.

 Dựa theo những bài Thánh Kinh, nhất là bài Phúc Âm, linh mục có thể diễn nghĩa theo bài Thánh Kinh. Rồi kể những gương nhân đức, những mẩu chuyện sống đạo và  sống đức tin của người quá cố để làm gương cho con cháu và người tín hữu noi theo. Đó là cơ hội thuận tiện để phúc âm hoá, nghĩa là để rao giảng sứ điệp phúc âm cho những người đến dự lễ an táng, gồm cả những người ngoài Công giáo.Đó còn là cách thế để giúp giáo dân sống và thực hành Lời Chúa.

 Sau cùng kết bài giảng giống như kết trong bài Số 1 với những thêm bớt cho thích hợp với tùng trường hợp và cầu nguyện cho người quá cố, cho các linh hồn nơi luyện ngục, cho người tín hữu tại thế và cho cộng đoàn tín hữu hiện diện.

 Việc đọc điếu văn hoặc làm lễ truy điệu để ca tụng những thành quả của người quá cố là không thích hợp và không được phép trong thánh lễ an táng. Điếu văn hay truy điệu có thể làm nơi khác như tại nhà quàn hay nghĩa trang.

 Phần 1 gồm 5 bài diễn giảng Lời Chúa để làm ví dụ:

 1`. “Ta là sự sống và là sự sống lại. Ai tin ta sẽ được sống muôn đời”

Đối với những người tin tưởng vào cuộc sống vĩnh cửu, thì người khuất bóng không phải là xa cách vĩnh viễn. Người khuất bóng vẫn hiện diện trong tâm trí những phần tử trong gia đình, gia tộc, bạn hữu, bằng hình ảnh, bằng công việc người khuất bóng để lại và nhất là bằng lời cầu nguyện.

Giáo lí Công giáo về sự sống lại không phải chỉ dạy rằng loài người có hồn thiêng bất tử. Sự sống lại trong giáo lí Công giáo cũng không phải là thuyết luân hồi của nhà Phật. Sự sống lại cũng không phải là điều chúng ta nhìn về quá khứ, vì chúng ta chưa có kinh nghiệm về sự sống lại, nhưng là điều chúng ta nhìn về tương lai với hi vọng.

Theo Thánh Phaolô thì: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” ( 1Cr 15:14). Như vậy, nếu không có chết, thì không có phục sinh. Không có phục sinh, sẽ không có sự sống vĩnh cửu. Nếu không có sự sống lại, thì người Công giáo không cần cầu nguyện cho người quá cố, không cần cầu nguyện cho linh hồn nọ, linh hồn kia được giải thoát khỏi tội lỗi. Nếu không có sự sống lại, hay không tin vào sự sống lại, thì việc xin lễ cầu nguyện cho linh hồn đã qua đời là việc làm vô ích.

Theo Tín điều Các Thánh Cùng Thông Công, điều mà Công Đồng Vaticanô II gọi là Hiệp Thông Sống Động, thì Mẹ Maria và các thánh trên trời có thể bầu cử cho người tín hữu tại thế và người tín hữu tại thế có thể cầu xin với Mẹ Maria và các thánh trên trời, xin các vị bàu cử. Người tín hữu tại thế cũng có thể giúp các linh hồn đã qua đời bằng việc cầu nguyện, bằng công hiệu của lễ dâng và những việc hi sinh, bác ái chỉ cho các linh hồn đã qua đời.

Hôm nay vì lòng hiếu thảo và tình bác ái Kitô giáo, chúng ta đến nhà thờ dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn (Rồi kể ra những liên hệ của người quá cố với những người đang hiện diện trong lễ an táng như người bố, ông nội, ông ngoại, người chú, người anh, người họ hàng, người tín hữu, bạn hữu..).

Chúng ta cũng tiễn biệt người thân yêu ra nghĩa trang đến nơi an nghỉ cuối cùng. Theo lời Thánh Kinh thì người tín hữu thảo kính ông bà cha mẹ khi còn sống, thì cũng thảo kính ông bà cha mẹ khi khuất bóng bằng lời cầu nguyện. Xin Chúa vì lòng nhân hậu, khoan dung và hay tha thứ, xét xử nhân hậu với linh hồn người thân yêu, đưa dẫn LH (..) về hưởng ơn nghĩa trong nước Chúa.

Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho chính chúng ta nữa, xin Chúa củng cố đức tin của chúng ta để trong đời sống hằng ngày mặc dầu chúng ta có gặp thử thách, bệnh tật, đau khổ về tinh thần cũng như thể xác, chúng ta vẫn giữ vững niềm tin cậy mến vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời: “khi vui .. cũng như khi buồn, khi thành công cũng như khi thất bãi, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ”

Chúng ta cùng cầu nguyện:

-           Lạy Chúa xin đừng để chúng con ngã lòng trông cậy Chúa.

-           Xin đừng để chúng con phàn nàn kêu trách Chúa.

-           Xin đừng đế chúng con bao giờ xa cách Chúa.

-           Xin Chúa là lẽ sống của chúng.

-           Xin Chúa là niềm vui, niềm hi vọng và là sự cậy trông của chúng con.

-           Xin Chúa là gia nghiệp đời chúng con ở đời này cũng như đời sau.

-           Và xin Chúa là sự cứu rỗi của chúng con.

 

  1. Trên đường hành trình đức tin, người tín hữu không đi một mình

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người đã trải qua những cuộc chia li khác nhau: chia li nhỏ rồi chia li lớn.  Người ta trải qua những cuộc chia li nhỏ khi đi học, đi làm xa, lập gia đình ở xa nhà. Người ta cũng trải qua những cuộc chia li lớn hơn như khi rời quê hương ra ngoại quốc lập nghiệp. Cuộc chia li cuối cùng là khi nằm xuống vĩnh viễn mà không ai có thể đánh thức nổi. Đối với những người tin tưởng vào sự sống vĩnh cửu ở đời sau, thì ngay cả khi nằm xuống, cũng không phải là cuộc chia li vĩnh viễn. Với niềm tin vào sự sống vĩnh cửu, người ta hi vọng sẽ được gặp lại người quá cố.

Trên đường lữ hành đi về nhà Chúa, người tín hữu  không đi một mình, nhưng đi cùng với toàn thể dân Chúa: đi cùng với Mẹ Maria và các thánh trên trời, đi cùng với người tín hữu tại thế, và đi cùng với các linh hồn nơi luyện ngục. Theo Tín điều Các Thánh Cùng Thông Công thì Mẹ Maria và các thánh trên trời có thể bầu cử cho người tín hữu tại thế. Người tín hữu tại thế có thể cầu xin với Mẹ Maria và các thánh trên trời. Người tín hữu tại thế cũng có thể hiệp thông với nhau bằng lời cầu nguyện, bằng gương sống đạo và việc hi sinh bác ái và thiện hảo. Người tín hữu tại thế còn có thể dâng lời cầu nguyện và công hiệu của việc hi sinh, bác ái và thiện hảo cho các linh hồn nơi luyện ngục.

Như vậy đối với những người tin tưởng vào cuộc sống vĩnh cữu, thì người khuất bóng không phải là xa cách vĩnh viễn. Người tín hữu phải làm mới lại sự hiện diện của người khuất bóng bằng tâm trí, bằng hình ảnh, bằng những kỉ niệm và công việc người khuất bóng để lại, nhất là bằng những lời cầu nguyện cho người khuất bóng.

Giáo lí về việc người tín hữu tại thế cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục được các Công Ðồng Nicea II, Firenze và Triđentinô gọi là Tín điều Các Thánh cùng Thông Công, thì Công Ðồng Vaticanô II gọi là sự Hiệp Thông Sống Động (GH # 51). Như vậy đời sống đức tin của người tín hũu được hỗ trợ một cách tối đa bằng việc bầu cử của Mẹ Maria và các thánh, bằng việc cầu nguyện và nâng đỡ, củng cố đức tin của người này lẫn cho người kia. Và ngay cả khi nằm xuống vĩnh viễn, người quá cố vẫn còn được hỗ trợ, vẫn được nhớ đến bằng hình ảnh, bằng công việc người quá cố để lại, bằng kỉ niệm và nhất là bằng lời cầu nguyện và lễ dâng.

Biết được như vậy, biết được sau khi chết, người tín hữu vẫn còn được nhớ đến và hỗ trợ bằng lời cầu nguyện sẽ làm sưởi ấm lòng người tín hữu biết bao! Ðối với người tin tưởng vào ơn cứu chuộc của Chúa Kitô Phục sinh, Ðấng cứu độ trần gian, thì chết không phải là hết, cũng không phải là xa cách vĩnh viễn. Chết không phải là một thất bại, vì Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết bằng việc phục sinh vinh hiển của Người, để mở cửa sự sống cho người tín hữu.

Chết chỉ là một biến đổi từ đời này qua đời khác.  Người thân nhân còn sống cần đem sự hiện diện của người khuất bóng vào đời sống gia đình, bằng hình ảnh của người quá cố, bằng công việc của người quá cố để lại, bằng những kỉ niệm có được với người quá cố và nhất là bằng lời cầu nguyện và lễ dâng cho người quá cố. Trước khi về trời, chính Đức Giêsu đã hứa với các tông đồ: “Thầy đi dọn chỗ cho chúng con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho chúng con thì Thầy sẽ trở lại và đón chúng con về với Thầy, để Thầy ở đâu, chúng con cũng sẽ được ở đó” (Ga 14:2-3).

Còn trong Phúc Âm hôm nay, Chúa cầu nguyện cho các tông đồ và qua các tông đồ, Chúa cầu nguyện cho chính chúng ta thế này: “Lạy Cha, những người Cha ban cho con, thì con muốn rằng, con ở đâu, họ cũng được ở đấy với con” (Ga 17:24). Có thể thêm lời kết tương tự như ý tưởng lời kết cuối đề tài số 1.

  1. Xin Chúa là đường, là sự thật và là sự sống

Lời nói đầu: Nếu chọn bài Phúc Âm: Ga 14: 1-7 thì rất thích hợp với ý tường bài diễn giảng.

Trước khi về Trời, Đức Giêsu trấn an các tông đồ: “Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14: 1-2).  Khi phải đương đầu với những khó khăn và vấn nạn của cuộc sống, người tín hữu cảm thấy như là Chúa đi vắng và họ hỏi tại sao Chúa lại để những sự dữ xẩy đến cho cá nhân và cho gia đình họ. Nếu nhìn sự vật xẩy ra với con mắt đức tin, thì những khó khăn và vấn nạn của cuộc sống sẽ giúp người tín hữu đến gần Chúa trong lời cầu nguyện. Qua các tông đồ, Chúa cũng muốn người tín hữu đặt tin tưởng, cậy trông, phó thác vào lời Chúa và sự quan phòng săn sóc của Chúa.

Ðứng trước những vấn nạn và trắc trở của cuộc sống, người tín hữu tự hỏi tại sao Chúa để gian nguy, khốn khó xẩy đến cho bản thân và gia đình họ? Tuy nhiên nếu nhìn sự vật bằng con mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy những cảnh gian nan, khổ cực và thử thách làm tăng triển đời sống đức tin.

Từ giã các tông đồ về Trời, Chúa không bỏ rơi họ, mà vẫn ở lại với các tông đồ bằng ơn thánh, bằng sức mạnh thiêng liêng. Thoạt tiên xem ra chúng ta có đặt tin tưởng vào Chúa. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta lại đi theo đường lối riêng. Trong Phúc âm hôm nay Chúa hứa ở lại với các tông đồ và qua các tông đồ, ở lại với chúng ta cho tới ngày sau hết: “Thầy sẽ trở lại và đón anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng được ở đó” (Ga 14:3). Lúc này Ông Tôma nói với Chúa rằng Ông không biết đường. Chúa bảo: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Ông Philippê cũng có vấn đề tương tự như Ông Tôma khi Ông hỏi Chúa chỉ cho Ông thấy Chúa Cha. Vấn nạn của Ông Tôma và Ông Philippê phản ảnh sự thiếu hiểu biết của các tông đồ khác về sự hiệp nhất tuyệt đối giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Họ đã ở với Chúa Giêsu  ba năm trời, nghe lời Người giảng dạy và  chứng kiến phép lạ của Người. Tuy nhiên họ đã không biết được Chúa Cha. Lời Chúa hứa Người đi để sửa soạn chỗ cho chúng ta và lời Chúa bảo đảm Người là đường, là sự thật và là sự sống phải là nguồn an ủi và hi vọng cho chúng ta trước cái chết của người thân yêu.

Tang chế là dịp chúng ta bày tỏ lòng hiếu thảo và tình bác ái cũng như tình bạn hữu khi chúng ta nâng tâm hồn lên với Chúa để cầu nguyện cho người quá cố, cho linh hồn (mỗ - người cha (mẹ, anh, chị, bác, chú, dì, cậu, mợ, thím.. người họ hàng, người bạn, người giáo dân.. ). Xin Chúa vì lòng nhân từ, hay thương xót, tha thứ tất cả các tội lỗi cho linh hồn.. và dẫn đưa linh hồn… về hưởng nhan thánh Chúa, để hưởng ơn phục sinh. Có thể thêm lời kết tương tự như ý tưởng lời kết cuối đề tài số 1.

  1. Sống 8 mối phúc thật

Lời Chúa dạy trong Tám Mối Phúc (TMP) là làm sao để được thực sự hạnh phúc. Nếu những người sống TMP bị coi là khờ dại, thua thiệt trước mắt người đời, thì trước mặt Thiên Chúa, họ lại được chúc phúc. Dưới con mắt người đời, thì tiền của đồng nghĩa với quyền thế và danh vọng, vì người ta quan niệm: “Có tiền mua tiên cũng được”.

Còn khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa là sống tinh thần nghèo khó. Ở đây ta cần lưu ý đến tinh thần nghèo khó hơn là thực tại nghèo khó. Như vậy thì giàu hay nghèo theo tinh thần phúc âm, không tuỳ thuộc vào việc có nhiều tiền hay thiếu tiền, nhưng tuỳ thuộc vào thái độ của mỗi người đối với của cải vật chất. Do đó một người nghèo xơ xác, mà cứ để lòng trí mơ ước của cải và ước muốn làm giàu bằng những phương tiện bất chính, thì có thể được coi là giầu có trong tư tưởng và ước muốn. 

Trái lại một người giầu có về của cải vật chất, nhưng nếu họ làm giàu cách chính đáng, biết dùng của cải vào việc từ thiện bác ái, và không để lòng trí dính bén vào của cải, thì trước mặt Thiên Chúa họ cũng được chúc phúc. Theo quan niệm người đời thì nếu người ta cứ ăn ở hiền lành, người ta sẽ bị ăn hiếp. Ở đây Chúa bảo họ cứ ăn ở hiền lành mà theo nghĩa Thánh kinh thường đi đôi với khiêm hạ và bé mọn thì sẽ được đất nước làm cơ nghiệp. Dưới con mắt trần gian thì đau buồn là một bất hạnh. Ðể bù lại Chúa hứa cho người buồn khổ sẽ được an ủi.

Dưới cặp mắt người đời, nếu người ta ao ước sống đời công chính, người ta sẽ bị coi là ảo tưởng. Chúa lại hứa cho người đói khát sự công chính được no thoả. Dưới cái nhìn đời, nếu người ta cứ thương xót mãi, người ta có thể bị lợi dụng. Còn Chúa lại hứa cho họ được xót thương. Dưới lăng kính trần thế, người ta phải tìm hưởng thú vui cho thoả mãn ở đời này. Ðiều Chúa hứa cho người có lòng trong sạch là được nhìn xem Thiên Chúa.

Theo kinh nghiệm loài người, thì những người ăn ở thuận hoà, thường hay bị qua mặt. Còn Chúa lại hứa cho họ được làm con Thiên Chúa.

Trong thế giới ngày nay vẫn còn có những người đang bị bách hại, bị ghét bỏ, bị vu khống vì lẽ công chính tại những phần đất khác nhau do việc tin theo Chúa, và Chúa hứa cho họ nước Trời. Chúng ta có thể tưởng tượng những người bị bách hại vì lẽ công chính, những người bị cấm đạo ở những miền đất vẫn còn bị cấm thực hành đức tin, họ sẽ được an ủi biết bao khi nghe mối phúc thứ Tám của TMP thật.

TMP không phải là lời mời gọi sống đời khốn cùng, làm hạ nhân phẩm loài người. Những ai đã xem phim “Những kẻ khốn cùng” thì biết đời họ khốn cùng như thế nào. TMP không phải là lời mời gọi sống đời nghèo khó chỉ vì nghèo khó, vì không có lối thoát. Người ta có thể có dư thừa tiền của, nhưng vẫn có thể chọn sống tinh thần nghèo khó.

TMP không phải là lời mời gọi để than khóc, để chịu đau khổ về bệnh tật, thể xác và tâm hồn như một đường cùng không lối thoát. Đúng hơn TMP là lời mời gọi để mang những gánh nặng của cuộc sống như khổ đau, bệnh tật về phần xác và tâm hồn với niềm tin và hi vọng vào Chúa để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô vì yêu mến Chúa hầu được chia sẻ vào cuộc phục sinh với Chúa.

Và như thế chịu nghèo khó, khóc than, chịu đau khổ bệnh tật vì yêu mến Chúa có tính cách giải thoát, mang lại ơn cứu độ. Có những người có thể đặt câu hỏi này. Giữ Mười Giới răn Chúa không đủ hay sao mà còn cần đến TMP? Thưa rằng Mười Giới răn là những điều kiện tối thiểu đòi buộc người tín hữu phải sống và làm thế này, mà không được sống và làm thế kia, để giúp họ chu toàn bổn phận với Chúa và tha nhân. Tuy nhiên là người con thảo, người tín hữu phải vượt lên trên những điều kiện tối thiểu để sống TMP hầu được trở nên hoàn thiện như Chúa muốn họ trở nên hoàn thiện và hưởng hạnh phúc đời sau.

Người sống TMP còn được hưởng hạnh phúc ngay tại đời này. Hạnh phúc đó là tâm hồn bình an và lòng thư thái. Tại sao người sống TMP lại được chúc phúc?  Lý do là người sống theo đường lối TMP là sống theo đường lối của Chúa. Người không cậy dựa vào tiền của, người không có ai và không có gì để nương tựa, thường tìm đến nương tựa vào Chúa, đặt niềm cậy trông phó thác vào Chúa. Họ tìm  đến Chúa là lẽ sống của họ, là phần gia nghiệp đời họ.

Trải qua suốt dòng lịch sử Giáo hội, có những người, gồm cả người ngoài Kitô giáo đã tự ý sống đường lối TMP với hi vọng rằng đời sống tinh thần của họ được nâng cao. Sống TMP, người ta sẽ bị chìm xuống, để rồi lại được vươn lên. Ðó là một định luật mà người ta gọi là ‘định luật của sức cố gắng đảo ngược’ mà Thiên Chúa đã đặt để vào tâm khảm loài người.

Hôm nay chúng ta đến thánh đường để tiễn đưa người  quá cố (kể ra những liên hệ của người quá cố với người dự lễ như người vợ, mẹ, bà nội, bà ngoại, bà cố nội, ngoại người họ hàng thân quyến, người giáo dân, ngưòi bạn, người đồng hương), để dâng lễ cầu nguyện cho LH.. Xin Chúa là Đấng rộng lượng từ bi thưong xót, tha thứ các tội lỗi mà người quá cố có thể súc phạm, và dẫn đưa linh hồn … về hưởng nhan thánh Chúa. Chúng ta cũng cầu nguyện cho chính chúng ta để mặc dầu trong đời sống ở trần gian có gặp những đau khổ, khó khăn, thử thách và  trắc trở của cuộc sống, chúng ta vẫn có thể giử vững niềm tin cậy, tức là hi vọng vào Đức Kitô, là sự sống và là sự sống lại. Có thể thêm lời kết tương tự như ý tưởng lời kết cuối đề tài số 1.

  1. “Hãy đến, Thầy sẽ bổ sức cho các con”

Lời Chúa trong Phúc âm hôm nay có thể nói là những lời đẹp đẽ và an ủi nhất trong toàn bộ Thánh kinh. Chúa Giêsu cảm tạ Thiên Chúa Cha đã mạc khải cho những người bé mọn, khiêm tốn, được hiểu biết mầu nhiệm nước Trời. Nói như vậy không có nghĩa là những nhà hiền triết và những người khôn ngoan thông thái không được Thiên Chúa mạc khải cho biết những mầu nhiệm nước Trời. Những người hiền triết, không ngoan và thông thái mà có lòng khiêm tốn trước mặt Đấng tối cao, thì vẫn được mạc khải cho biết những mầu nhiệm của nước Trời.

Trong Phúc âm hôm nay, Chúa mời gọi loài người: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Dựa vào ý nghĩa của lời Chúa, chúng ta cũng có thể suy thêm như Chúa mời gọi: Hỡi những ai đang buồn sầu vì cái chết của người thân yêu, hãy đến với Chúa. Hỡi những ai đang lo sợ cho cảnh cô đơn goá bụa, hãy đến với Chúa. Hỡi những ai đang lo sợ cho tương lai đen tối, hãy đến với Chúa, Chúa sẽ bổ sức cho.. .

Nếu có ai hỏi tại sao Chúa lại gửi đau khổ, bệnh tật, thánh giá đến cho gia đình mình. Câu hỏi này thì không ai trả lời được, mà người ta chỉ có thể nói đó là đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa. Người ta chỉ có thể chấp nhận bằng đức tin. Đức tin của người tín hữu không bảo đảm cho người ta một đời sống miễn trừ khỏi bệnh tật, đau khổ, thánh giá và những trắc trở của cuộc sống. Điều mà đức tin có thể mang lại là giúp người ta đương đầu với bệnh tật, đau khổ, thánh giá dưới một chiều hướng khác. Đó là chiều hướng thiêng liêng và siêu nhiên.

Đời sống con người là những chuỗi ngày vui buồn, hạnh phúc, khổ đau, thành công, thất bại lẫn lộn. Có khi nào chúng ta phải mang những gánh nặng của cuộc đời như bệnh tật nan trị trong thân xác hoặc những vết thương về tinh thần và tình cảm khiến tâm can ta bị hao mòn, héo hắt không? Có bao giờ ta gặp cảnh khổ đau, sầu não, phiền muộn, âu lo, sợ hãi, chán nản, thất vọng không? Có khi  nào người khác thấy ta có vẻ hạnh phúc, nhưng thực sự ta đang phải mang tủi hổ về bản thân và gia đình, ta phải ngậm đắng, nuốt cay và khóc thầm trong lòng không? Có khi nào ta không có ai hoặc không tìm được ai để thổ lộ nỗi lòng cho vơi nhẹ, vì sợ không được lắng nghe và không được giữ kín không?

Nếu vậy thì hôm nay Chúa mời gọi chúng ta đến với Chúa để bày tỏ nỗi lòng với Chúa, để trút những gánh nặng của cuộc sống vào lòng từ ái của Chúa, để hoà lẫn những đau khổ của đời ta với những khổ đau của Chúa trên thập giá mà dâng lên Thiên Chúa Cha, hầu làm giá đền tội cho chính mình và cho loài người. Chúa không hứa cất đi những gánh nặng khỏi cuộc sống của ta, nhưng còn mời gọi chúng ta mang lấy những gánh nặng của cuộc sống. Chúng ta cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống vì chúng ta cậy dựa vào sức mình, mà không cậy dựa vào ơn Chúa.  Khi chúng ta cậy dựa vào ơn Chúa, Chúa sẽ ban cho chúng ta đủ sức để mang vác những gánh nặng của cuộc sống.

Và Chúa bảo đảm với ta: “Ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11:30). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma nêu lí do tại sao ách ta mang không được êm ái, và gánh ta vác không được nhẹ nhàng là vì ta không sống theo Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8:10). Ta cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống khi ta dựa vào sức riêng mà không cậy dựa vào ơn Chúa giúp cho ta vượt qua. Có bao giờ ta phàn nàn rằng Thiên Chúa và đạo giáo không đem lại ích lợi gì cho cuộc sống không? Nếu đạo giáo không mang lại được gì ích lợi cho cuộc sống, thì đạo phải tới ngày tàn lụi. Tuy nhiên đạo vẫn đứng vững được cho tới ngày nay và đã đem lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống muôn vàn người tín hữu. Nếu người ta không đạt được lợi ích thiêng liêng đó, thì lỗi tại đâu?

Vậy ta cần xét đâu là động lực thúc đẩy khiến cho ách mà ta vác trở nên êm ái, gánh nặng ta mang trở nên nhẹ nhàng? Thưa chính tình yêu của Ðức Kitô đã khiến cho ách của Người trở nên êm ái, và gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô cũng đã nhận ra hệ quả của tình yêu khi đặt bút viết: “Ðâu có yêu, đấy không còn khổ, mà giả như người ta vẫn cảm thấy khổ, người ta lại chấp nhận cái khổ đó vì yêu”. Ðến với Chúa, tâm hồn ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng như lời Chúa hứa (Mt 11:29) và như thánh Augustinô đã xác nhận: “Tâm hồn ta sẽ thao thức khắc khoải, cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”.

Hôm nay chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho người quá cố (Ô, B…) được ơn sinh ra làm người, ơn được nhận lãnh đức tin. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về những ân huệ Chúa đã ban cho (Ô, B.. ) ở đời này: ơn được có con cái, cháu chắt. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về những ơn khác (kể ra) mà Chúa đã ban cho (Ô, B.).

Đây là lúc chúng ta tỏ lòng hiếu thảo và đức bác ái Kitô giáo với người quá cố (kể ra những liên hệ với người dự lễ: như người bố, người bác..) và dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn (tên). Chúng ta nhớ ơn người quá cố khi còn sống thì  cũng nhớ ơn khi qua đới bằng cách dâng lễ cầu nguyện. Chúng ta cũng đến đây để tiễn biệt người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, và dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn.. Nguyện xin Chúa vì lòng nhân từ hay thương xót, xét xử nhân hậu với người quá cố và ban cho linh hồn.. được hưởng hạnh phúc trong nước Chúa hằng sống. Chúng ta cũng cầu nguyện cho chính chúng ta, xin Chúa củng cố đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta để trong cuộc đời mặc dầu có gặp những vất vả, thử thách và gánh nặng của cuộc sống, chúng ta vẫn có thể giữ vững đức tin mà nhìn về cuộc sống vĩnh cửu. Có thể thêm lời kết tương tự như ý tưởng lời kết cuối đề tài số 1.

Lưu ý: Mời đón coi tiếp phần 2 gồm 7 bài từ bài 7 đến bài 12.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch