Trong quá khứ không xa, người ta đã có thể nghe giáo dân thắc mắc với cha sở nọ kia, hoặc xì xầm bàn tán với nhau về vấn đề gộp nhiều ý lễ lại để dâng trong một thánh lễ tại khá nhiều giáo xứ Việt Nam ở Hoa Kì.

Người ta cũng thấy có những bài báo phê bình vấn đề gộp nhiều ý lễ trong một lễ dâng. Tuy nhiên những bài viết này không đủ lí lẽ và bằng chứng và không được phổ biến rộng rãi, nên vấn đề vẫn tiếp diễn và còn lây lan thêm. Hôm nay một bài viết nữa với tựa đề “Mổ xẻ vấn đề gộp nhiều ý lễ trong một lễ dâng”.

Mổ xẻ hay giải phẫu một phần thân thể là cắt bỏ phần thân thể bị nhiễm bệnh, rồi cho uống thuốc chữa trị. Còn mổ xẻ một vấn đề là phân tích, tìm những lí do tại sao có vấn đề, rồi phê bình, nêu ra những gương xấu mà vấn đề gây ra cho cộng đồng giáo dân. Sau đó đề ra cách giải quyết vấn đề (ở cuối bài), nhằm cắt “đứt đuôi con nòng nọc”.

Bài viết được dẫn chứng bằng những khoản Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo, bằng Sắc Lệnh của Bộ Giáo Sĩ và được chứng minh bằng những dẫn chứng cụ thể. Có thể, có những linh mục nghĩ rằng việc gộp nhiều ý lễ dâng trong một lễ nhiều lần trong tuần, không phải là vấn đề vì không đọc và không biết có những khoản luật và Sắc lệnh cấm gộp nhiều ý lễ. Khi bài viết được phổ biến rộng rãi đến tai và mắt nhiều linh mục, giám mục và giáo dân Việt Nam hải ngoại cũng như Quốc Nội, thì vấn đề lạm dụng sẽ được chặn đứng dẽ dàng hơn. Khi người ta ý thức được vấn đề là vấn đề, cũng như ý thức được rằng người ta có vấn đề, người ta mới tìm cách giải quyết. Nhiều người giáo dân trong giáo xứ sẽ nhận được bài viết này. Khi mà giáo dân biết được có những linh mục đã phá luật bằng cách cho  gộp nhiều ý lễ trong một lễ dâng, thì linh mục cũng khó mà để vấn đề ngoài tai. Có những trường hợp thấy phạm tội / lỗi luật Giáo Hội công khai mà bưng bít, che giấu là đồng loã. Những phần tử phá luật, hoặc là luật dân sự, luật quân sự hay luật quốc gia, ngay cả luật bất thành văn của những bộ lạc không có chữ viết, đều bị trừng phạt theo luật lệ, hoặc bị người đời coi rẻ. 

Gần đây khi đến dự lễ một số nhà thờ dùng tiếng Việt tại Hoa Kì, người ta có thể nghe thông báo về một lô ý lễ được gộp lại trong một lễ. Sau lễ đem tờ thông tin giáo xứ về nhà đọc, người ta cũng thấy nhiều ý lễ được gộp lại trong mỗi thánh lễ trong ngày và trong cả tuần. Ở nhà mở máy vi tính ra, vào Google, đánh máy tên nhà thờ, thành phó, tiểu bang - nếu không biết tên nhà thờ, thì đánh máy giáo xứ Việt Nam, hay Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam, rồi thành phố, rồi tiểu bang, rồi mò mẫm cũng có thể tìm ra tờ thông tin của cộng đoàn hay giáo xứ nào đó, để coi xem có ghi các ý lễ không.  Độc giả có thể thấy có giáo xứ ghi cả mấy chục ý lễ trong mỗi lễ trong tất cả các lễ ngày thường và Chúa Nhật trong cả tuần.

Những khoản Giáo Luật liên quan đến việc xin lễ và bổng lễ

Trước khi trưng những khoản luật liên quan đến ý lễ và bổng lễ cũng cần tìm hiểu ý nghĩa của ý lễ và bổng lễ là gì. Ý lễ là ý chỉ của người xin lễ như xin cầu cho linh hồn nọ, linh hồn kia đã qua đời, hoặc xin tạ ơn, xin tạ tội, xin bình an, xin như ý, xin ơn chữa lành bệnh tật, xin ơn chữa lành nội tâm, xin cho con cháu được giữ vững đức tin, xin cho gia đình được hoà thuận, v.v. Còn bổng lễ là số tiền người xin lễ kèm theo một ý lễ mà họ xin.

Giáo hội khuyến khích và nhắc nhở việc cầu nguyện và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời hoặc cho ý chỉ của người xin lễ. Theo truyền thống trong quá khứ xa xưa, để giúp những linh mục nghèo túng nhất là tại những xứ truyền giáo, Giáo Hội khuyến khích người xin lễ kèm theo bổng lễ để giúp linh mục đó có phương tiện làm việc tông đồ. Tuy nhiên không thể coi việc xin lễ và bổng lễ như là chuyện mua bán theo kiểu “làm ăn buôn bán”.

Theo Giáo Luật khoản 947 về bổng lễ, thì phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại.

Giáo luật khoản 948 qui định là mỗi thánh lễ chỉ cầu nguyện cho một ý chỉ người xin lễ thôi vì đó là bổng lễ đã được dâng và nhận, cho dù bổng lễ đã nhận là bé nhỏ.

Theo Giáo luật khoản 950, nếu người xin lễ kèm theo bổng lễ, mà không nói rõ xin bao nhiêu lễ, thì linh mục dựa vào giá bổng lễ hiện hành, mà dâng bấy nhiêu lễ cho họ. Chẳng hạn tại Hoa Kì, có người xin lễ kèm theo 20 mĩ kim, thì phải dâng 2 lễ theo ý chỉ của họ theo giá bổng lễ, trừ khi có lí do phỏng đoán khá chắc chắn là họ có ý hảo tâm muốn giúp linh mục với số tiền phụ trội, hoặc để linh mục làm việc từ thiện bác ái theo như họ biết linh mục đã làm..

Theo Giáo Luật khoản 951, 1: Nếu linh mục dâng nhiều thánh lễ trong một ngày theo những ý chỉ của giáo dân cho thánh lễ đó, thì chỉ được hưởng một bổng lễ của một thánh lễ. Còn những bổng lễ của các thánh lễ khác, phải chuyển giao theo mục đích của Bản quyền ấn định.

Giáo Luật khoản 953 qui định rằng không một linh mục nào được phép nhận nhiều ý lễ đến độ không thể dâng lễ chỉ cho hết những ý lễ của người xin lễ trong vòng một năm.

Giáo Luật khoản 956: các linh mục phải chuyển về Bản quyền những ý lễ thặng dư, không  làm hết trong vòng một năm theo cách thế mà Bản quyền qui định.

Giáo Luật khoản 958, 2 ghi: Vị Bản quyền có bổn phận đích thân hay nhờ người đại diện, kiểm soát hàng năm các sổ sách ý lễ.

Sắc lệnh “Mos iugiter obtinuit” của Bộ Giáo Sĩ cấm chỉ việc gộp nhiều ý lễ trong một lễ dâng.

Tại sao đã có những khoản giáo luật liên quan đến ý lễ và bổng lễ mà còn phải thêm sắc lệnh liên quan đến vấn đề gộp nhiều ý lễ? Câu trả lời là bởi vì đã xẩy ra những lạm dụng về việc gộp nhiều ý lễ lại trong một lễ dâng, gọi là “ý lễ tập thể”. Khi việc dâng lễ theo ý lễ tập thể được những thành phần khác nhau trong Giáo Hội tâu lên Toà Thánh, nhóm thì tố cáo đó là lạm dụng, nhóm khác thì thỉnh nguyện Toà Thánh soi dẫn về việc dâng lễ theo ý lễ tập thể, thì Sắc Lệnh của Bộ Giáo Sĩ cấm chỉ việc gộp nhiều ý lễ mới ra đời.

Ngày 22-2-1991, Bộ Giáo Sĩ đã công bố Sắc Lệnh với tựa đề: “Về việc gộp nhiều ý lễ”, cấm chỉ các linh mục gộp nhiều ý lễ lại trong một lễ dâng, được Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phê chuẩn. Sắc Lệnh chỉ rõ nếu giáo xứ hay linh mục nào nhận được nhiều ý lễ thì chỉ được gộp nhiều ý lễ lại để cử hành trong một thánh lễ là hai lần trong một tuần mà thôi.

Theo Điều 3.1 của Sắc Lệnh thì linh mục chủ tế chỉ được hưởng một bổng lễ như Giáo Luật khoản 951.1 đã ấn định. Theo Điều 3.2 của Sắc Lệnh thì bổng lễ thặng dư phải được gửi về cho  Vị Bản quyền như Giáo Luật khoản 951.1, để được dùng theo giáo luật ấn định.

Điều 3.2 của Sắc Lệnh và Giáo Luật khoản 951.1 có nghĩa là linh mục triều (linh mục giáo phận) thì gửi bổng lễ thặng dư về Toà Giám mục theo mục đích mà Toà Giám mục qui định. Linh mục dòng thì gửi về cho bề trên nhà dòng. Tuy nhiên linh mục dòng mà phục vụ giáo xứ, thì phải gửi về Toà Giám mục giáo phận các bổng lễ thặng dư mà họ nhận được qua chính giáo xứ.

Sắc lệnh này được in trong Nguyệt San “Trái Tim Đức Mẹ”, số 62, phát hành Tháng 6, 1991 của Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc tại Hoa Kì (là danh xưng mới của Dòng Đức Mẹ Đồng Công cũ. Tưởng cũng nên biết danh xưng mới này thì mới đúng theo thần học bởi vì Đức Mẹ cũng cần được ơn cứu chuộc.

Như vậy có phải chỉ có Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc mới phổ biến Sắc lệnh này không? Không biết có giáo xứ nào hoặc dòng tu nào đã đăng tải Sắn Lệnh trên của Bộ Giáo Sĩ về việc cấm chỉ gộp nhiều ý lễ để dâng trong một thánh lễ không? Nếu đăng tải Sắc Lệnh mà không giữ thì lại mắc “quai”.

Vấn đề gộp nhiều ý lễ trong mỗi lễ trong ngày và trong mỗi ngày trong tuần

Linh mục được thụ phong sau năm 1991 mà Sắc Lệnh về việc gộp nhiều ý lễ lại trong một lễ dâng được công bố, không thể viện lí do là không biết có Sắc Lệnh này. Dâng thánh lễ cho giáo dân dự là việc mục vụ hàng ngày của linh mục, mà không biết những năm được đào tạo trở thành linh mục, có được dạy về các khoản luật liên quan đến ý lễ và bổng lễ không và có được học hỏi về Sắc Lệnh của Bộ Giáo Sĩ về việc cấm gộp nhiều ý lễ lại để dâng trong một thánh lễ không. Nếu được học hỏi về những khoản luật liên hệ và Sắc Lệnh cấm việc gộp  nhiều ý lễ mà vấn đề vẫn xẩy ra, là dấu chỉ không giữ Luật và Sắc Lệnh liên hệ. Trên thực tế thì một số linh mục chưa chắc có cuốn sách giáo luật để tham khảo khi cần. Một số linh mục không chắc đã đọc hết 14 khoản giáo luật liên quan đến ý lễ và bổng lễ. Tưởng cũng nên biết trong Bộ Giáo Luật 1983 của Giáo Hội Công Giáo có tất cả 1752 khoản luật liên quan đến mọi thành phần Dân Chúa về những phương diện liên quan trong đời sống đạo.

Giáo Luật và Sắc Lệnh là như vậy, nghiã là việc gộp ý lễ đã bị cấm chỉ. Tuy nhiên nhiều linh mục vẫn viện lí do nọ, lí lẽ kia để biện minh cho việc gộp nhiều ý lễ trong một lễ dâng. Tại Hoa Kì vào thời điểm sau năm 1991 mà Sắc Lệnh được công bố, người ta thấy trong tờ thông tin hàng tuần của một giáo xứ Việt Nam kia, mỗi lễ chỉ thấy ghi có một ý chỉ và một tuần chỉ có hai lần mới thấy ghi nhiều ý lễ được gộp lại trong thánh lễ. Tuy nhiên, dưới thời các linh mục kế nhiệm linh mục chánh xứ cũ, thì thấy nhiều và rất nhiều ý lễ được gộp lại trong tất cả mọi thánh lễ trong ngày và trong cả tuần.

Đọc tờ thông tin của một số giáo xứ Việt Nam bên Hoa Kì, người ta thấy mỗi lễ trong ngày, và trong cả 7 ngày, đều thấy nhiều ý lễ được gộp lại vào một lễ, nghĩa là nhiều ý lễ được gộp lại nhiều lần trong một tuần, chứ không phải hai lần một tuần. Người ta thấy có những lễ ghi đến cả   hai, ba, bốn, năm chục ý lễ, nhất là trong tháng Các Linh hồn và trong Mùa Chay.

Không những đăng nhiều ý lễ trong một lễ trong tờ thông tin mà trước lễ linh mục chủ tế còn đọc hay cho đọc một lô cả 2, 3, 4, 5 chục ý lễ trước thánh lễ. Có phải làm như vậy là có ý cho người khác biết rằng có nhiều người xin lễ như vậy đấy. Còn những người khác sao không xin lễ? Loan báo hàng chục ý lễ mà không liên quan gì đến đại đa số cộng đoàn phụng vụ, có thể khiến họ mất kiên nhẫn, khó chịu và chia trí trong giờ lễ.

Việc ghi nhiều ý lễ trong tờ thông tin hoặc thông báo nhiều ý lễ dâng trong một lễ tại giáo xứ / cộng đoàn có tác dụng dây chuyền, lây lan đến những giáo xứ / cộng đoàn khác. Đi du lịch đến một giáo xứ người ta có thể nghe bằng tai, thấy bằng mắt việc gộp nhiều ý lễ. Gửi  tờ thông tin của một giáo xứ / cộng đoàn qua điện thư, trong vòng mấy giây, người ở xa cả trăm, ngàn dậm có thể nhận được và thấy việc gộp nhiều ý lễ. Thấy linh mục ở giáo xứ đó thông báo hoặc ghi nhiềy ý lễ vào một lễ do giáo dân xin, thì linh mục ở giáo xứ khác cũng muốn làm theo, theo cách giữ  đạo kiểu “bắt chước”. Nói đến bắt chước khiến người ta liên tưởng đến cái con gì mà nó thích leo trèo cành cây và gặm trái cây, thấy người ta làm gì, nó cũng bắt chước làm theo. Phúc âm của Chúa và Giáo lí của Giáo Hội dạy người môn đệ / tín hữu cần noi gương tốt, chứ không bắt chước gương xấu..

Thắc mắc của giáo dân về giải thích của một số linh mục cho việc gộp nhiều ý lễ

Khi giáo dân hỏi tại sao giáo xứ kia gộp nhiều ý lễ trong một lễ như vậy? Có linh mục trả lời rằng ghi nhiềy ý lễ trong một lễ như vậy, nhưng linh mục chủ tế chỉ nhận có một bổng lễ thôi. Đây là vấn đề “hỏi gà đáp vịt”. Câu hỏi nhắm vào việc tại sao gộp nhiều ý lễ trong một lễ, mà câu trả lời lại lái sang việc nhận một bổng lễ thôi. Cũng một câu hỏi tại sao giáo xứ kia gộp nhiều ý lễ trong một lễ như vậy, thì có linh mục khác trả lời rằng gộp nhiềy ý lễ như vậy, nhưng linh mục chủ tế chỉ dâng lễ cho một ý lễ của người xin lễ thôi. Còn những ý lễ khác thì được gửi đi cho những linh mục khác hoặc gửi về VN. Trả lời như vậy là trả lời vu vơ vì những người xin lễ, không biết được linh mục chủ tế dâng lễ theo ý lễ nào trong hàng chục ý lễ được ghi trong thánh lễ đó, hoặc dâng lễ theo ý chỉ của người này hay người kia, hoặc ý lễ nào trong số mấy chục ý lễ được chuyển cho linh mục khác hay gửi về VN? Và tại sao không gửi ý lễ thặng dư về toà giám mục để được chia cho những linh mục thiếu và không có ý lễ dâng?

Thắc mắc thêm về những câu trả lời trên đây của linh mục

Có những người thắc mắc nhưng vì những lí do khác nhau, không dám hỏi hoặc không muốn hỏi. Thắc mắc thứ nhất về bổng lễ là nếu linh mục chủ tế dâng lễ vào ngày giờ đó và cầu nguyện cho tất cả các ý chỉ của giáo dân trong thánh lễ đó mà chỉ nhận có một bổng lễ của một ý lễ như một linh mục trả lời, còn những bổng lễ khác thì làm gì, thuộc về ai hay gửi đi đâu?

Bổng lễ theo luật giáo phận bên Hoa Kì là 10 mĩ kim cho một ý lễ từ giữa năm 1993; trước đó là 5 Mĩ kim; trước đó nữa chỉ có 2 Mĩ kim vào thập niên 70 của thế kỉ trước. Tuy nhiên có người kèm cả 20 mĩ kim hoặc hơn nữa. Có giáo xứ ngày thường có 2 lễ; Chúa nhật 4 lễ. Mỗi lễ thấy ghi  từ 10 đến cả 50 ý lễ. Mà nhân bổng lễ lên với số ý lễ cho một ngày, rồi cho cả tuần thì sẽ ra số tiền lớn.

Về câu trả lời khác của một linh mục là ghi nhiều ý lễ như vậy, nhưng linh mục chủ tế chỉ dâng lễ cầu nguyện cho một ý chỉ thôi, thì nảy ra 2  thắc mắc: (1) như vậy linh mục chủ tế dâng thánh lễ theo ý chỉ nào và của ai, (2) tại sao phải liệt kê những ý chỉ khác vào lễ đó?

 Nếu cách ghi ý lễ trong tờ thông tin giáo xứ khiến giáo dân tưởng rằng linh mục gộp các ý lại trong tất cả mọi lễ trong ngày và trong cả tuần thì giáo dân phải nghĩ rằng linh mục đi ngược hẳn lại với giáo Luật khoản 948 qui định một lễ cho một ý chỉ của người xin và cũng đi ngược lại Sắc lệnh của Bộ Giáo Sĩ về việc cấm chỉ gộp nhiều ý lễ trong một lễ.

Linh mục giải thích theo cách nào đi nữa thì trên thực tế khi người ta thấy cách loan báo nhiều ý lễ trước lễ trong một lễ dâng và cách ghi nhiều ý lễ trong một lễ là có vấn đề. Người ngoài giáo xứ mà đọc tờ thông tin giáo xứ thấy ghi nhiều ý lễ trong một lễ dâng, có thể nảy lên trong đầu óc họ ý tưởng “buôn thần bán thánh”. Như vậy lối cắt nghĩa vòng quanh, cũng như đi vòng quanh, thì không có lối thoát, vẫn gây thắc mắc, hoang mang trong tâm trí người giáo dân.

Tại sao bây giờ có nhiều người xin lễ hơn xưa như vậy?

Câu trả lời là bây giờ người ta đi làm việc chuyên môn với lương cao hơn, nên có nhiều tiền hơn để xin lễ. Còn những người qua sớm không làm nghề chuyên môn, thì bây giờ đã về hưu, nên cũng có tiền để dành, tiền an sinh xã hội và tiền hưu trí hàng tháng để xin lễ. Ngay cả những người không đi làm mà hưởng tiền xã hội, cũng dành dụm, để có tiền xin lễ.

Ngoài ra trong tờ thông tin hàng tuần của một số giáo xứ, người ta thấy ngoài việc ghi ý lễ được chỉ cho linh hồn nào đó, thì còn kèm tên của người xin lễ nữa. Điểm này có thể gợi lên ý tưởng so sánh nơi giáo dân là khi thấy người này xin lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha, mẹ của họ đã quá cố, thì người khác cũng muốn làm như vậy.

Người ta cũng có thể nghĩ rằng người xin nhiều lễ, chắc phải có hiếu với ông bà, cha mẹ đã qua đời. Còn khi thấy người khác không xin lễ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ thì có thể bị coi là bất hiếu chăng? Vì thế để được coi là đạo đức và có hiếu, thì người khác cũng phải xin lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ của họ.

Còn cứ thử xem, nếu không ghi tên người xin lễ, mà chỉ ghi ý lễ cầu nguyện cho linh hồn nào hoặc theo ý chỉ nào như thông tin của các giáo xứ Mĩ, thì số lượng ý lễ có thể giảm xuống. Trong quá khứ, thường giáo xứ không có tờ thông tin để ghi ý lễ và tên người xin lễ, thì đâu có nhiều người xin lễ như vậy đâu?

Người ta cũng có thể nghĩ rằng có lẽ linh mục nọ kia đạo đức và dâng lễ sốt sắng, nên mới có nhiều người xin lễ như vậy? Để so sánh thì linh mục của giáo xứ khác cũng muốn ghi nhiều ý lễ để tỏ ra với giáo dân là “mình” dâng lễ sốt sắng chăng? Có những giáo xứ còn để sẵn bao thơ xin lễ ở hộc ghế nhà thờ để tiện việc cho giáo dân xin lễ, kèm với bổng lễ nữa để giáo dân trao trực tiếp cho cha xứ, hoặc cho thư kí, hoặc nhờ người giúp việc trong giáo xứ trao cho Cha xứ. Có những linh mục còn gửi bao thơ xin lễ đến tận nhà giáo dân để nhắc cho họ xin lễ.

Có vấn đề gộp ý lễ và giá bổng lễ bên Việt Nam không?

Tại Việt Nam đọc trên mạng tin (Website) cũng thấy có những giáo xứ gộp nhiều ý lễ lại trong một lễ dâng, như được trích nguyên văn trong một mạng tin đáng tin cậy của một giáo phận và một học viện dòng tu như sau: “Hiện nay, tại nhiều thánh đường của chúng ta, ngay cả trong những ngày thường, có thể đến chục ý lễ đã được xướng lên”. Trong một báo điện tử khác thì đọc thấy: “Hiện nay, tại nhiều thánh đường của chúng ta, có thể hàng chục ý lễ đã được xướng lên trong Thánh lễ”. Có một linh mục Việt Nam bên Mĩ về thăm Quê Hương cũng nghe người dẫn lễ trong một giáo xứ loan báo một lô ý lễ trước thánh lễ. Có phải vấn đề này lây lan từ Mĩ sang Việt Nam không?

Người viết không kiểm chứng được việc gộp nhiều ý lễ xẩy ra thường xuyên như thế nào trong những thánh đường đó bên VN. Tuy nhiên, nếu có những linh mục cho đọc cả chục ý lễ trước lễ, mà chỉ gộp ý lễ lại hai lần một tuần. Còn những lễ khác trong tuần, ý lễ không được gộp lại, thì những linh mục đó đã áp dụng đúng theo luật trừ của Sắc Lệnh của Bộ Giáo Sĩ về việc gộp ý lễ chỉ có hai lần một tuần. Còn nếu nhiều ý lễ được gộp lại một tuần hơn hai lần hay suốt cả tuần là lạm dụng việc cử hành bí tích và đi ngược lại với Giáo Luật khoản 948 và Sắc Lệnh của Bộ Giáo Sĩ.

Nghe nói giá bổng lễ bên Việt Nam cũng bằng bên Mĩ. Vào đầu thập niên của thế kỉ 21, có một linh mục mới “ra lò” tại Việt Nam, sang Mĩ du lịch, nhận được 50 ý lễ, mà chỉ có 5 mĩ kim cho một ý lễ, phàn nàn với một linh mục VN ở Mĩ, nói là không biết phải làm gì với 50 ý lễ “còm”này. “Lễ còm, lễ béo” là tiếng lóng của một số linh mục để chỉ bổng lễ nhỏ hoặc bổng lễ lớn. Nghe vậy, thì có linh mục Việt Nam bên Mĩ thắc mắc là nền kinh tế VN chưa được phát triển, còn những người có việc làm, thì lương còn rẻ mạt và giá sinh hoạt lại thấp, mà giá bổng lễ cũng bằng bên Hoa Kì là 10 mĩ kim sao? Một linh mục VN khác bên Hoa Kì can thiệp, nói có lẽ có những linh mục ở Quê Hương có những lí do riêng như là đa số các giáo xứ tại VN không có hay chưa có lệ quyên tiền lễ Chúa Nhật chăng. Vì thế linh mục bên VN không có lương, nên mới định giá bổng lễ như vậy.

Không thấy có vấn đề gộp nhiều ý lễ trong giáo xứ không dùng tiếng Việt.

Không có luật nào buộc phải in các ý lễ vào ngày đó, giờ đó trong tờ thông tin hoặc thông báo trước lễ cho mọi ngươì nghe biết. Nếu người xin lễ muốn dự lễ đó để cùng cầu nguyện theo ý lễ họ xin, thì linh mục mới cần thông báo cho người xin lễ biết là ý lễ của họ sẽ được dâng trong lễ vào ngày đó, giờ đó mà thôi. Còn trong những giáo xứ lớn thuộc những ngôn ngữ và quốc gia khác nhau mà có tờ thông tin, người ta chỉ ghi ý lễ của ai xin, mà không cho in tên người xin lễ.

Giáo Luật về ý lễ và Sắc Lệnh về việc gộp ý lễ rõ rệt là như vậy. Và nếu không có giáo xứ thuộc ngôn ngữ hay quốc gia nào gộp nhiều ý lễ trong một thánh lễ như vậy, mà chỉ có những giáo xứ Việt Nam cố tình làm vậy, thì có vẻ như là “thương mại” đấy. Trường hợp giáo dân không phải người Việt, mà biết đọc chữ Việt và hiểu tiếng Việt, đến nhà thờ VN, nghe thông báo nhiều ý lễ trước lễ và ghi nhiều ý lễ cho một lễ trong tờ thông tin như vậy, thì không biết họ nghĩ thế nào?

Một đề nghị giải quyết cho những giáo xứ có nhiều ý lễ

Có thể có những giáo dân gồm cả linh mục cho  rằng việc gộp nhiều ý lễ trong mỗi lễ  dâng thường xuyên như vậy chắc cũng không sao, nên tiếp tục được. Giáo Luật khoản 948 cấm chỉ việc gộp nhiều ý lễ trong một lễ dâng. Vì có những lạm dụng trong việc dâng lễ theo ý lễ tập thể, nên Bộ Giáo Sĩ mới cho phép gộp ý lễ lại 2 lần một tuần mà việc lạm dụng gộp ý lễ vẫn còn xẩy ra. Việc lạm dụng gộp ý lễ như vậy trong tất cả các lễ dâng trong tuần là sai trái, lỗi luật Giáo Hội một cách công khai.

Nếu có ai hỏi tại sao có những giáo xứ VN tai hải ngoại gộp nhiều ý lễ lại dâng trong thánh lễ trong ngày và trong cà tuần như vậy mà giám mục bản quyền yên lặng như là cho phép ngầm hay sao? Giáo Luật khoản 958.2 ghi: “Giám mục giáo phận có bổn phận đích thân hay nhờ người đại diện, kiểm soát hàng năm các sổ sách ý lễ”. Còn Điều 6 của Sắc Lệnh ghi: “Giám Mục giáo phận có nhiệm vụ đặc biệt phải mau chóng và rõ ràng phổ biến các qui luật này, có giá trị đối với các giáo sĩ triều và dòng, và chăm lo cho họ thực hành”. Câu trả lời là các giáo xứ Việt Nam sinh hoạt bằng tiếng Việt, tờ thông tin hằng tuần của giáo xứ được in bằng Việt ngữ, nên đã che được mắt và bịt được tai toà giám mục.

Đời nay có những người giáo dân có bằng cấp đại học về những môn học trước đây thuộc ngành của linh mục như Thánh kinh, giáo luật, phụng vụ và cả thần học, v,v. Giáo dân cũng có thể tìm hiểu nhiều về phương diện đạo đức, luật lệ của giáo hội trên máy vi tính chứ không còn như xưa nữa. Vì thế linh mục không thể coi thường giáo dân, cho là họ không biết, mà bịt mắt họ. Cách đây chừng sáu tháng, có một giáo dân Việt Nam viết trên VietCatholic, sửa sai một linh mục trong bài suy niệm lời Chúa về việc Đức Kitô giũ bỏ nhân tính khi về Trời. Khi vị linh mục lí giải lập trường của mình, nghĩa là không chịu nhận sai, người giáo dân lại sửa sai linh mục lần nữa. Chắc phải có những người đã đọc tin này.

Để chứng tỏ cho giáo dân là linh mục có giữ các khoản Giáo Luật trưng ở phần đầu bài viết về việc xin lễ và bổng lễ, để khỏi làm cớ cho giáo dân vấp phạm (Xì căng đan), linh mục cần:

(1) Thi hành theo các khoản Giáo Luật về việc xin lễ và bổng lễ.

(2). Khi giáo xứ có nhiều ý lễ thì có thể gộp các ý lễ lại 2 lần trong một tuần theo Sắc Lệnh của Bộ Giáo Sĩ. Cần giải thích thêm là khi gộp các ý lễ lại trong một lễ dâng thì cũng chỉ nên gộp tới giới hạn nào thôi. Còn nếu gộp cả trăm ý lễ lại để dâng trong một lễ thì lại tạo thêm vấn đề.

(3). Nếu đã gộp ý lễ 2 lần một tuần rồi mà vẫn còn những ý lễ giáo dân xin trong tuần mà không xếp được vào lễ dâng nào trong tuần, thì xếp vào mục: “Các ý lễ chưa được xếp vào ngày giờ lễ trong tuần” trong tờ thông tin.

(4). Nếu ước tính trong vòng một năm mà không thể dâng lễ chỉ cho hết những ý lễ của người xin lễ, thì theo Giáo Luật khoản 956, linh mục phải chuyển những ý lễ thặng dư ghi trong mục: “Những ý lễ chưa được xếp vào ngày giờ lễ trong tuần” về vị bản quyền kèm theo bổng lễ để được phân phối, chia sẻ cho những linh mục không có hoặc thiếy ý lễ dâng trong giáo phận, hoặc cho những linh mục đang hoạt động ở những xứ truyền giáo xa xôi và thiếu thốn, chư không giữ bo bo làm của riêng cho mình.

Gửi về Vị Bản quyền là gửi cho ai? Câu trả lời là linh mục triều (linh mục giáo phận) thì gửi về Toà Giám mục; linh mục dòng thì gửi về cho bề trên nhà dòng. Tuy nhiên linh mục dòng mà phục vụ giáo xứ, thì phải gửi về Toà Giám mục giáo phận. Linh mục nhận được nhiều ý lễ cũng có thể gửi cho những linh mục không có hoặc thiếu ý lễ. Như vậy thì người xin lễ cũng yên trí là họ có xin lễ và hài lòng vì ý lễ và bổng lễ của họ sẽ được chuyển đi cho những linh mục có nhu cầu.

Trong Sắc Lệnh cho phép linh mục gộp ý lễ một tuần hai lần (không phải hai ngày) để dâng, Bộ Giáo Sĩ không ấn định mỗi lễ được gộp chừng bao nhiêu ý lễ, mà dựa theo quyết định của lương tâm ngay thẳng và trí phán đoán lành mạnh của linh mục dâng lễ. Còn nếu trong hai lần một tuần được gộp ý lễ, mà mỗi lần gộp cả hàng trăm ý lễ, thì Bộ Giáo Sĩ có thể phải cho công bố một sắc lệnh mới nữa, giới hạn số ý lễ gộp lại chăng? Tuy nhiên phải nghe báo cáo, thì Bộ Giáo Sĩ mới biết mà can thiệp.

Xin lễ và dâng lễ đời đời

Tiện đây người viết cũng muốn đề cập đến vấn đề liên quan. Có những người thắc mắc về việc: “Xin lễ / dâng lễ đời đời” (Perpetual mass, Perpetual Enrollment). Thấy một số dòng tu cổ võ việc xin và nhận dâng lễ đời đời. Nhà dòng cho in những tấm chứng chỉ bìa dày được đóng khung, trình bầy bắt mắt, ghi nhận việc xin lễ đời đời của người xin đã được ghi vào sổ bộ lễ đời đời của nhà dòng. Gần đây người viết có đọc được một tài liệu trên mạng tin là việc nhận dâng lễ đời đời đã bị Toà Thánh Vatican cấm chỉ, vì không có dòng tu nào có thể bảo đảm sẽ dâng lễ đời đời cho người xin lễ được. Hiện tại người viết không tìm lại được tài liệu cấm chỉ việc xin và nhận lễ đời đời, nên xin ngừng bàn tiếp ở đây.

Còn nếu ai nhận được thiệp xin “lễ đời đời” từ nhà dòng nào đó gửi đến, mà không muốn xin lễ đời đời, thì thử xin nhà dòng dâng lễ theo ý chỉ mình muốn xin, như thói quen đã xin lễ ở xứ đạo xem sao? Chắn là nhà dòng sẽ nhận dâng lễ theo như ý chỉ người xin, chứ không từ chối đâu..

Gia Hiến

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch