20102011tailieuChúa Nhật 30 Thường Niên, Năm A

Mt 22,34-40

Bài Tin Mừng kể lại một cuộc đấu lý giữa Chúa Giêsu và những người thù nghịch chống đối Ngài. Cuộc đấu lý này do nhóm luật sĩ đặt ra, họ hỏi Chúa điều răn nào hay điều luật nào là quan trọng nhất ?

Vào thời Chúa Giêsu, bộ luật của Do Thái gồm 613 điều. Trong số này có 365 điều tiêu cực, cấm không được làm, tương ứng với số ngày trong năm, và 248 điều tích cực, truyền phải làm, tương ứng với con số bộ phận trong cơ thể theo suy luận của người Do Thái. Đối với các luật sĩ, thì điều luật nào cũng quan trọng, bỏ một điều là bỏ cả lề luật.

Thế nhưng trong thực tế, chẳng ai có thể giữ được tất cả 613 điều. Vì thế, người ta phải tìm xem điều luật nào quan trọng hơn để phấn đấu tuân giữ triệt để, còn điều luật nào ít quan trọng thì giữ được chừng nào hay chừng ấy. Và người ta không nhất trí với nhau khi lượng giá các điều luật, nhất là không nhất trí điều luật nào là quan trọng nhất. Vì thế, ông luật sĩ hỏi Chúa Giêsu để biết quan điểm của Chúa ra sao ?

Chúa đã trả lời thế nào ? Trước hết, Chúa trích dẫn Kinh Thánh, sách Đệ Nhị Luật: “Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Đó là điều thứ nhất và quan trọng nhất. Rồi Chúa lại trưng dẫn sách Lê-vi: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Đó là điều thứ hai, quan trọng không kém điều thứ nhất.

Như vậy, Chúa Giêsu đã cho biết: điều luật quan trọng nhất của đạo Chúa là mến Chúa yêu người. Ông luật sĩ hỏi điều răn nào quan trọng nhất, nghĩa là chỉ có một, vậy mà Chúa Giêsu lại nói tới hai: mến Chúa và yêu người. Vậy phải hiểu thế nào ? Đúng, đó là hai điều răn, nhưng chỉ là một nhân đức có liên quan mật thiết với nhau, đó là đức bác ái. Hay nói khác đi, đây là hai mặt hay hai đối tượng của một tình yêu, cả hai chỉ là một, bỏ một là bỏ cả hai: ai mến Chúa phải yêu người, và ai yêu người tất nhiên sẽ mến Chúa. Ngược lại, ai không yêu người, không thể nói mến Chúa, và ai không mến Chúa tất nhiên không yêu người. Không ai có thể nói rằng: tôi chỉ lo yêu mến Chúa mà thôi, vì Ngài là Đấng trọn hảo. Tôi khó yêu người hay tôi chỉ yêu một số người đáng yêu mà thôi, bởi vì con người thì gian ác, lừa lọc, thấp hèn. Những lý luận đó không chấp nhận được, vì một tình yêu không trọn vẹn nơi con người thì tình yêu ấy cũng không trọn vẹn nơi Thiên Chúa.

Đàng khác, mến Chúa và yêu người không phải là hai điều răn mới, vì đã được ghi từ lâu trong Cựu Ước. Điều mới mẻ ở đây là Chúa Giêsu đặt hai điều răn từ hai nơi khác nhau lại bên cạnh nhau, và “táo bạo” hơn, đặt ngang hàng: yêu người cũng như yêu Chúa. Thông thường ai cũng nghĩ mến Chúa quan trọng hơn yêu người, và cần mến Chúa trước rồi mới yêu người sau. Nhưng ở đây Chúa Giêsu không muốn tách biệt hai tình yêu, bởi vì chính Ngài đã làm công việc kết hợp. Vì thế, điều răn quan trọng nhất là luật yêu: yêu Chúa và yêu người. Sau đây là hai điều chúng ta cần suy nghĩ và ghi nhớ.

Thứ nhất, điều răn yêu thương phải là hơi thở, phải là lối sống của người Ki-tô hữu. Tình yêu Chúa được sưởi ấm ở nhà thờ phải được tỏa lan đến từng gia đình, từng cá nhân gặp gỡ, giao tiếp trong cuộc sống. Tình yêu tha nhân cũng là mực thước để kiểm nghiệm tình yêu của chúng ta đối với Chúa trung thực đến độ nào. Cách sống đầy đủ của chúng ta phải gồm cả hai vế: mến Chúa và yêu người, không thể bỏ vế nào được. Sở dĩ phải nói như thế vì ngày nay khá nhiều người vô tình hay hữu ý hiểu sai đi. Có những người cho rằng đi lễ không ích lợi bằng ở nhà giúp đỡ người khác, hoặc đi lễ có ích lợi gì khi không sống được tình bác ái.

Có những người tuy không chủ trương theo nghĩa lý thuyết, nhưng cách sống lại nói lên điều ngược lại: siêng năng đi lễ, thậm chí hằng ngày nữa, nhưng lại sống quá ích kỷ, quá tham lam, quá xấu với những người chung quanh. Cả hai thái độ đó đều sai, vì không có lòng yêu Chúa đích thực nào mà lại không có lòng yêu tha nhân là hình ảnh Chúa, và cũng không có lòng yêu thương đích thực nào mà không phát xuất từ lòng yêu Chúa. Nếu không thực hiện đồng thời cả hai thì không phải là tình yêu đích thực.

Điều thứ hai, yêu Chúa có thể nói: dễ hơn, vì Chúa dễ yêu lắm. Ai yêu Chúa cũng được, và yêu Chúa hết lòng, hết sức. Còn yêu người: khó hơn. Làm sao có thể thương yêu một người vừa mới làm thiệt hại của cải, vừa mới xúc phạm đến danh dự của ta ? Làm sao có thể yêu được người vừa mới công khai nói hành nói xấu mình ?  Sự thù hận, giận ghét nhiều khi lại thường xuyên có mặt ngay trong một mái nhà, nơi những người ruột thịt sống chung. Người ta có thể dễ dàng bố thí cho những người nghèo khổ, dễ dàng bày tỏ tình thương đối với những người không quen biết, thế nhưng người ta cũng rất sẵn sàng loại nhiều người ở gần ra khỏi đối tượng tôi phải yêu, đó là cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái, anh chị em..v.v..Không thiếu gì cảnh cha mẹ bị con cái đối xử tệ bạc, vợ chồng, anh chị em cãi nhau, chửi bới nhau, đánh lộn nhau.

Hôm nay, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ xem: chúng ta đã sống điều răn yêu thương Chúa dạy từ trong gia đình và với những người chung quanh như thế nào ? Có những người sống yêu thương trong gia đình rất tốt, nhưng lại thiếu sót đối với những người ngoài. Ngược lại, có những người sống rất lịch sự, vui vẻ, yêu thương rất tốt đối với những người khác, nhưng trong gia đình thì lại rất thiếu sót. Cũng thế, chúng ta hãy suy nghĩ xem: tình yêu thương của chúng ta có phải chỉ là những tình cảm hời hợt, ích kỷ, bề ngoài hoặc vụ lợi không ? Chúng ta hãy nhớ: tình yêu thương thật là biết dùng những lời nói tốt để an ủi nhau, giúp ý kiến xây dựng cho nhau, nhất là sẵn sàng giúp đỡ nhau.

Yêu người, yêu thương nhau là chứng tích cho người ta nhận ra Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ đến nhà thờ để nghe nói đến tình yêu của Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ được thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà thờ, nhưng người ta xem thấy cách chúng ta yêu thương nhau thật mà họ nhận ra Thiên Chúa của tình yêu. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương nhau, thì không ai đánh giá sai lầm về đạo của chúng ta.

Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch