Lễ Chúa Nhận Phép Rửa, Năm A

Mt 3: 13-17

Như sách Giáo lý Công giáo dạy rằng: “Bí tích Rửa tội là bí tích Chúa Giêsu đã lập cho ta được tha tội nguyên tổ và các tội ta đã phạm; đồng thời, thông ban sự sống siêu nhiên cho ta được làm con cái Thiên Chúa và Hội Thánh”.

Và hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Từ phép rửa của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta điều gì? Và chúng ta có liên tưởng gì đến phép rửa chúng ta đã lãnh nhận?

Trước hết, chúng ta hãy tìm lại thuật ngữ phép Thanh tẩy trong nguyên ngữ Hy văn βαπτίζω (baptízô) có nghĩa là “tắm” hoặc “nhúng vào” toàn bộ một nguời hay vật vào trong nước. Theo nghi thức và truyền thống Công giáo, Bí tích Thanh Tẩy còn được gọi là Phép Rửa tội, và Bí tích này được khơi nguồn từ Gioan Tẩy giả được điễn tả trong Tin mừng của thánh Luca:

“Gioan đi khắp các vùng gần kề sông Jordan, rao giảng về phép rửa, kêu gọi dân chúng hãy hối cải để được tha tội… Và toàn thể nhân loại sẽ nhìn thấy sự cứu rỗi của Thiên Chúa”. Dân chúng tin vào lời Gioan, họ đến để xin chịu phép rửa của Gioan. Theo truyền thống của người Do thái, Phép Thanh tẩy không chỉ là biểu trưng cho sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, mà còn là sự chuyển hoá siêu nhiên tương tự như kinh nghiệm trong cơn Đại hồng thủy thời Noê và kinh nghiệm dân Do thái vượt qua Biển đỏ thời Môsê khi nước rẽ ra cho dân chúng thoát chết. Cho nên, Phép rửa tội có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng không chỉ là sự thanh tẩy, mà còn đồng nghĩa với sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Với ý nghĩa đó, chúng ta tin rằng, Bí tích Rửa tội là cần thiết không chỉ để được tẩy sạch tội tổ tông mà còn được làm con cái của Thiên Chúa và gia nhập vào Hội Thánh. Cho nên, nghi thức Thanh Tẩy là lời chứng về đức tin của một cá nhân bày tỏ sự hiệp nhất với Chúa Kitô trong giao ước với Thiên Chúa. Vì vậy, việc cử hành Bí tích Thánh tẩy thường là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, một số giáo phái như Baptist chỉ ban lễ báp-têm cho người đủ hiểu biết vì họ tin rằng, lễ này không cứu rỗi linh hồn, nhưng đúng hơn là nghi thức để tín hữu công khai xưng nhận rằng bởi đức tin người ấy đã được cứu qua sự hiệp nhất với Chúa Kitô trong sự chết và sống lại của Ngài. Martin Luther viết: “Nói cách đơn giản nhất, quyền năng, hiệu quả, lợi ích, kết quả và mục đích của báp-têm là sự cứu rỗi. Không ai nhận lễ báp-têm để trở thành vương hầu, nhưng để được cứu rỗi. Được cứu rỗi, như chúng ta biết, không gì khác hơn là được giải thoát khỏi tội lỗi, sự chết và quyền lực ma quỷ hầu có thể vào vương quốc của Chúa Cơ Đốc và sống với Ngài đời đời.”

Kế đến, theo lời Gioan rao giảng, phép rửa là biểu diện sự sám hối, hoán cải và trở về với Thiên Chúa thì vết nhơ của tội lỗi có thể tẩy xoá bằng cách từ bỏ mọi hành vi bất chính và bước đi trong đường lối của Chúa. Ngài nói thêm: “Tôi làm phép Thanh Tẩy cho anh em bằng nước, nhưng có một Đấng quyền bính hơn tôi sẽ đến, tôi không xứng đáng mở dây giày cho Ngài. Ngài sẽ làm phép Thanh Tẩy cho anh em bằng Chúa Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3.16-17). Thế thì, việc Chúa Giêsu đến xin chịu phép rửa của Gioan có ý nghĩa gì? Vì Ngài là Đấng vô tội. Ngài không có tội như chúng ta. Nhưng qua dấu chỉ này, Chúa Giêsu muốn chia sẻ thân phận yếu hèn và cảm thông với tội nhân, Ngài đền tội thay cho con người. Hình ảnh Chúa Giêsu dìm mình xuống dòng sông Gióc-đan còn mang một ý nghĩa phép rửa bằng máu, mà Chúa Giêsu chịu trong cuộc tử nạn, dòng nước và máu tuôn ra từ cạnh sườn của Ngài. Dòng nước và máu ấy mang lại cho nhân loại sự sống mới, như lời thánh Gioan đã loan báo trong Tin mừng hôm nay.

Khi cử hành Thanh Tẩy cho Chúa Giêsu, Gioan chứng thuật rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời xuống đậu trên Ngài. Tôi không biết Ngài, nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa bằng nước bảo tôi rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Thần ngự xuống và đậu lên trên là Đấng sẽ làm phép rửa bằng Chúa Thánh Thấn. Tôi đã thấy, nên chứng thuật rằng: Ngài là Con Thiên Chúa.”. Vào những ngày cuối cùng khi sống trên thế gian, Chúa Giêsu uỷ thác sứ mạng cho các Tông đồ ra đi làm phép rửa cho muôn dân: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần ” (Mt. 28,19), và câu nói này trở nên công thức chung khi cử hành Bí tích Thanh tẩy. Từ đó, việc cử hành phép Thanh Tẩy bằng nước được gắn kết với các môn đồ của Chúa Giêsu, và kêu gọi dân chúng: “Hãy ăn năn, sám hối vì Nước Thiên Chúa đã gần kề.”

Qua những gì Lời Chúa đã mạc khải cho chúng ta về Bí tích Thánh tẩy, chúng ta nhận thấy rằng, Bí tích Thanh tẩy cho ta được ơn tái sinh từ con người mang vết tích của tội tổ tông và tội riêng ta đã phạm, nhờ Bí tích này ta được giao hòa và được làm con cái Thiên Chúa nhờ máu và nước của Đức Kitô, chúng ta được trở nên tinh tuyền. Chiếc áo trắng chúng ta mặc trong ngày rửa tội là biểu hiện sự trong trắng tâm hồn. Tuy nhiên, chiếc áo tâm hồn của chúng ta hôm nay vẫn còn đang mang vết nhơ bởi sự dục vọng, ghen tương, ích kỷ kiêu căng và hận thù, vì vậy, chúng ta cần giặt lại trong nước và máu Chúa Ki-tô qua Bí tích Hòa giải. Nếu mỗi ngày chúng ta cần được tắm để cơ thể khỏe mạnh, thì chúng ta cũng cần thanh tẩy đời sống tâm linh bởi những thứ dơ bẩn bởi cái tâm giả. Chúa Giêsu đã khiêm hạ đến nhận phép rửa của Gioan, thì chúng ta cũng chấp nhận để cho anh em sửa chữa những khiếm khuyết của mình. “Nhân bất thập toàn”. Không ai là người hoàn hảo. Khi ta biết chấp nhận sự bất toàn là lúc ta sống thật với chính mình và nhận ra được tình yêu Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa yêu thích những ai khiêm nhường. Như lời Mẹ Maria đã thưa: ” Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Tôi xin vâng theo lời sứ thần truyền”. Nếu chúng ta là con cái của Chúa và Mẹ đúng nghĩa, thì chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria. Chúng ta có đáng là gì mà tự mãn, tự kiêu trước quyền năng của Thiên Chúa. Sự thành công, chức tước, giàu có đáng là chi. Tất cả chỉ là phù du, và đối với Thiên Chúa thì vô nghĩa. Ngài cần tấm lòng của chúng ta, chứ không phải của lễ. Chẳng phải chúng ta đi tìm Thiên Chúa trong sự khiêm hạ, đơn sơ, nghèo hèn trong mầu nhiệm Giáng sinh sao? Thì hôm nay chúng ta nhận ra Chúa Giêsu nơi dòng sông Gióc-đan để nhận phép rửa của Gioan. Nơi đây, Thiên Chúa mạc khải mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Như Lời Chúa Cha phán rằng: ” Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”.(Lc 3,22).

Lạy Chúa, Ngài đã tự hạ và tự hủy để sống và chết cho chúng con, thì giờ đây xin cho chúng con khi lãnh nhận ơn Bí tích Thanh tẩy, chúng con cũng biết thanh tẩy vết nhơ của tội lỗi nơi tâm hồn của chúng con trong quá khứ cũng như hiện tại, để mỗi ngày chúng con được ơn tái sinh trong nước hằng sống từ nơi Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể, nhờ đó, mỗi ngày chúng con được sống trong nguồn mạch ơn sủng của Thiên Chúa yêu thương. Xin cho chúng con học nơi Chúa Giêsu đức khiêm nhường, nhờ đó chúng con biết chấp nhận sự yếu đuối và tội lỗi của mình để đón nhận sửa chữa của anh em. Và xin chúng con biết hát lên lời ca của Đavít khi còn đang mang đầy thương tích của tội lỗi: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Chúa chẳng khinh chê”. (Tv 50). Xin tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa nhậm lời chúng con. Amen.

Lm. John Nguyễn

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch