Chúa Nhật 16 Mùa Thường Niên, Năm A

Mt 13: 24-43

“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh lại làm bật luôn rễ lúa”. Bài Tin Mừng Chúa nhật 16, mùa Thường niên, năm A, theo Thánh Matthêu (Mt 13,24-43) ghi lại việc Chúa Giêsu dùng Dụ ngôn cỏ lùng, Dụ ngôn hạt cải và Dụ ngôn men bột để nói về Nước Trời.

Trong buổi chia sẻ này, chúng ta chỉ bàn về Dụ ngôn cỏ lùng.

Các nhân vật trong Dụ ngôn cỏ lùng gồm có: Người gieo giống và hạt giống tốt, kẻ thù của người gieo giống và cỏ lùng, đầy tớ của người gieo giống và thợ gặt.

Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu giải nghĩa Dụ ngôn cỏ lùng như sau: “ Kẻ gieo hạt giống là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ”.

Ý nghĩa của Dụ ngôn cỏ lùng như thế đã rõ. Biểu tượng của cỏ lùng là điều xấu, điều ác, là mọi kẻ làm gương mù guơng xấu và mọi kẻ làm điều ác; khác với biểu tượng của hạt giống tốt là điều tốt, điều thiện, là con cái Nước Trời.

Sau đây, chúng ta thử nhìn đến cách ứng xử và thái độ của những người đầy tớ và ông chủ gieo giống tốt đối với cỏ lùng ra sao.

Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Những người đầy tớ thắc mắc: “ Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Và họ đã đề nghị: “ Nếâu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Và ông chủ thì bảo: “ Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh lại làm bật luôn rễ lúa”.

Cũng như các đấy tớ, có lẽ chúng ta cũng thắc mắc: Chúa là Đấng quyền năng, thông biết mọi sự, Chúa biết kẻ thù là ma qủy đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa thế gian, nhưng sao Chúa không ra tay hành động, không cho đầy tớ nhổ cỏ đi, sao Chúa không diệt cỏ lùng, không diệt kẻ làm gương mù gương xấu, kẻ làm điều ác; nhưng lại để cho chúng cùng nẩy nở và sống chung với hạt giống tốt là những điều tốt, điều thiện, là con cái Nước trời?

NHỔ! Tại sao không?

NHỔ cỏ lùng là một gợi ý hay, một việc làm tốt và cần thiết; nhưng lại là một việc rất khó. Khó bởi vì một khi rễ lúa và rễ cỏ lùng đã đan chen vào với nhau rồi, thay vì nhổ cỏ lùng, chúng ta lại làm bật rễ lúa, làm cho cây lúa héo đi và chết. Nhổ được cỏ lùng nơi chính bản thân mình đã khó, nói chi đến nhổ cỏ lùng nơi người khác!

Cái xấu, cái tốt, điều thiện điều ác, gương mù gương xấu do đâu mà có? Chúa thì gieo điều thiện, ma qủy lén lút gieo điều xấu. Cổ nhân cũng có nói: “ Nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người sinh ra vốn thiện, nhưng môi trường sống, xã hội… đã đẩy đưa con người xã hội của chúng ta vào những khúc quanh đi ngược lại lương tri, lương tâm của mình. Cỏ lùng và cây lúa cứ như thế mà sống chung, mà tồn tại. Nếu không có con rắn cám dỗ, nếu bà Evà không nghe theo những thôi thúc của dục vọng, thì bà đâu bị Chúa đuổi ra khỏi vườn Địa đàng!

Tốt xấu, thiện ác, bạn thù, ánh sáng bóng tối, hòa bình chiến tranh… là hai gương mặt của một con người, của xã hội, của cuộc đời…

Con người luôn phúc tạp. Chúng ta không thể phân chia hay vạch được một ranh giới rạch ròi giữa tốt và xấu nơi con người. Trong tâm hồn mỗi người, đều có điều tốt lẫn điều xấu. Biết đường thẳng ngắn hơn đường cong, thế mà chúng ta vẫn cứ chọn đường quanh co mà đi. Biết ganh ghét là sinh ra hận thù, thế mà chúng ta vẫn cứ một mực chỉ trích chê bai.

Tất cả chúng ta là một hỗn hợp giữa điều tốt và điều xấu. Người mà chúng ta coi là tốt, thì lại tiềm ẩn trong lòng những đố kỵ, gian ngoa, kiêu ngạo…và người mà chúng ta cho là xấu, thì lại chất đầy lòng vị tha, yêu thương và phục vụ…

Một số người tỏ ra bất mãn trước những thiếu sót, bất toàn của Giáo hội. Họ không muốn chấp nhận Giáo hội có những thiếu sót, sai lầm, không muốn chấp nhận sự cộng sinh giữa người người lành và kẻ dữ.

Trong con người thánh nhân, có con người thánh thiện và con người tội lỗi…

Như thế biện pháp NHỔ gương mù gương xấu, nhổ cái gian ác nơi ruộng lúa thế gian thật không phải dễ mà còn nguy hại vì nhổ lầm.

Không NHỔ nhưng để cho cây lúa và cỏ lùng SỐNG CHUNG, đó là biện pháp, cách thức người gieo giống muốn áp dụng. Vì Chúa sợ rằng: “ Khi gom cỏ lùng, anh em lại làm bật luôn rễ lúa”.

Rễ lúa và rễ cỏ lùng đan chen với nhau trong lòng đất cũng như thiện ác đan chen với nhau trong tâm hồn chúng ta. Nhổ cỏ lùng vô tình chúng ta làm bật rễ những cái thiện đang tiềm ẩn nơi chúng ta.

Gốc rễ cây lúa tốt, mạnh sẽ lấn át gốc rễ cỏ lùng. Một khi thiện tâm chúng ta có nội lực mạnh, có gốc rễ sum xuê, sẽ có thể cải hóa được cái ác nơi cỏ lùng. Tin Mừng và lịch sử Giáo hội đã chứng minh cho thấy đã có vô số người tội lỗi trở thành những thánh nhân.

Nếu không có cỏ lùng, có lẽ người ta sẽ quên hoặc không bận tâm gì lắm đến cây lúa! Sống chung với cỏ lùng là cơ hội cho cây lúa thăng tiến…

Lm. Trịnh Ngọc Danh

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch