LeChuaChiuPhepRuaChúa Nhật Lễ Chúa Chịu Phép Rửa,  Năm A

Is 42:1-4, 6-7; Cv 10:34-38; Mt 3:13-17

Nói một cách tổng quát, ba Tin Mừng nhất lãm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tiên tri Isaia. Bài tường thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođanô của thánh Matthêo hôm nay là một thí dụ rõ ràng. Nhưng trước tiên chúng ta tập trung suy tư vào bài đọc thứ nhất. Bài đọc này có tên rất thơ mộng : "Bài ca của người tôi tớ trung tín". Người tôi trung được Thiên Chúa chuẩn nhận và có một sứ mệnh đặc biệt : "Ðây là người tôi trung Ta nâng đỡ, người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Thần khí của Ta ngự trên nó. Nó sẽ làm sáng tỏ Công lý trước muôn dân" (42,1). Ðoạn văn này được vang vọng lại trong trình thuật của thánh Matthêo : "Thần khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên người và có tiếng lớn từ trời phán rằng : "Ðây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." (Mt 3,13). Ðây là lần thứ nhất chúng ta gặp người tôi tớ. Trong Isaia tất cả có bốn bài ca như thế này. Vậy người tôi trung đó là ai ? Một vài tác giả nói là một nhân vật nào đó rất đặc biệt. Người khác lại nói là toàn thể Israel xét như một dân tộc. Dù thế nào đi nữa, thì người tôi tớ đó sẽ làm tròn nhiệm vụ Thiên Chúa trao trong dân Do thái : "Trên ngươi Ta sẽ đổ thần khí của Ta xuống. Nó sẽ làm sáng tỏ Công lý trước muôn dân". Từ quan trọng nhất, nổi bật nhất, an ủi nhất là từ "Công lý". Ba lần trong bài đọc hôm nay nhắc đến từ này : "mang lại Công lý, thiết lập Công lý và làm sáng tỏ Công lý". Ðó chắc chắn là nhiệm vụ của người tôi trung Thiên Chúa.

Như thế "Công lý" là từ vĩ đại, chủ chốt trong bài đọc hôm nay, và cũng là từ quan trọng bậc nhất trong toàn thể Kinh Thánh. Các tiên tri đều là phát ngôn viên của Thiên Chúa về Công lý. Họ có nhiệm vụ kêu gọi dân chúng hành động trong công lý, sống công lý. Họ là những nhân viên công lý Thiên Chúa sai đến trong dân. Bổn phận họ là rao giảng thánh ý Chúa trong lòng xã hội. Mọi người phải được đối xử ngang bằng nhau trong tình tương thân, tương ái. Ðối tượng cần được công lý che chở hơn hết là những kẻ thấp cổ bé miệng trong xã hội, những kẻ không có đủ tiền trả luật sư hay quan toà, những kẻ đứng góc phòng xử án để nghe "công lý giả hiệu" phán quyết trên mình, không có quyền lên tiếng tự bênh vực.

Công lý là đặc tính trung tâm Thiên Chúa muốn trông thấy giữa xã hội loài người, đến nỗi, mọi lời cầu nguyện, mọi nghi lễ tôn giáo mà không có Công lý đều là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa : "Lễ lạt của các ngươi Ta chán ghét khinh thường, hội hè của các ngươi Ta chẳng hề thích thú, các ngươi có dâng lễ toàn thiêu, Ta không nhận, bò béo tốt các ngươi Ta chẳng đoái hoài… Ta chỉ muốn lẽ phải như nước tuôn trào, công lý như dòng suối không bao giờ cạn (Am 5, 21-24). Mọi thành phần xã hội nhất là những kẻ thiếu thốn phải được hưởng những quyền lợi căn bản như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, học hành… Hơn nữa các tiên tri còn khơi dạy lòng khao khát "ngày của Thiên Chúa", khi mọi sự đều được làm mới, Công lý như ánh sáng chiếu vào thế giới đen tối vì bất công. Isaia đã đặt nhiệm vụ đó cho người tôi tớ trung tín khi ông viết : "Mở mắt cho người mù, mang ra khỏi ngục các tù nhân còn bị giam giữ, những ai ngồi trong bóng tối sẽ được xem thấy ánh sáng…" Trong ngày Chúa Giêsu xuất hiện tại bờ sông Giođanô, Ngài đã thấy Gioan làm phép rửa cho các tội nhân. Họ đến để xưng thú tội lỗi và nói lên nhu cầu cần Thiên Chúa giải phóng mình khỏi đủ thứ ngục tù. Tội là một thứ ngục tù ghê gớm nhất, một bệnh mù kinh niên, một kiếp nô lệ tinh thần và thể xác. Chúa Giêsu đã nhập bọn với những người này tự nhận mình là thành phần của họ. Dĩ nhiên Người không có tội và chẳng cần tẩy rửa. Có thể có khoảng cách giữa Ngài và những tội nhân khác, nhưng Người đã chọn liên kết với họ, cùng xuống nước với họ và tỏ mình là một tên nô lệ của đế quốc Roma, gánh chung số phận của dân tộc Ngài. Ngài đích thật là người tôi tớ Isaia nói tới sáu trăm năm về trước.

Chưa hết, khi Ngài tiến đến để chịu phép rửa bởi Gioan, ông này nhận ra ngay vị cứu tinh nhân loại, hoàn toàn trong trắng, vô tì tích. Ðấng Thánh của Thiên Chúa, chẳng cần hối cải, thì ông đã từ chối thi hành lễ nghi tẩy rửa cho Ngài. Ngài phản đối : "Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính". Giữ trọn đức công chính là sứ mệnh của Ngài kể từ ngày hôm nay. Và phép rửa của Gioan đã được Chúa Giêsu chuẩn nhận. Ông đích thật là tiền hô của Ðấng thiết lập Công lý trước mặt muôn dân.

Tuy nhiên, lễ nghi tẩy rửa chỉ là phần nhỏ của trình thuật Matthêo. Cái mà thánh sử muốn nhắm tới là sự hiển linh của Chúa Giêsu. Tiếng vọng từ Trời xác nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Ðấng thần khí ngự xuống để thi hành những sứ vụ nói trên. Tiếng đó phán ra không phải để Ngài nghe, mà chúng ta, toàn thể nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Ai nghe thì được cứu rỗi, ngoài ra bị trầm luân. Bởi lẽ nghe thì được nên người công chính và không nghe thì vẫn còn là tội nhân.

Qua phép rửa của Chúa Giêsu bởi tay ông Gioan toàn thể nhân loại đã có thể sống công chính, bởi mỗi người cũng đã lãnh nhận phép rửa và cũng một thần khí đậu trên Chúa Giêsu đã đậu trên mỗi người, và cũng được Thiên Chúa chuẩn nhận là con rất yêu dấu của Ngài.

Khi suy gẫm bài Tin Mừng Chúa nhật 4 Mùa Vọng vừa qua, thánh Giuse đã được thiên thần nói cho hay căn cước đích thực của con trẻ mà bạn ngài đang mang thai. Căn cước đó là thần linh ở với loài người "Emmanuel". Câu hỏi là ở thế nào ? từ đàng xa ? Kính nhi viễn chi ? Ðó là cung cách của Thiên Chúa Cựu Ước trên núi Sinai hay của thần Jupiter, Hy lạp trên núi Olympia, mỗi lần hiển hiện là có sấm sét, làm run sợ lòng người. Emmanuel của Ðức Kitô khác hẳn, hiền lành và khiêm nhượng, nhưng không kém phần vĩ đại và thanh khiết - Vĩ đại trong sự khiêm nhượng, thanh khiết trong sự hiền lành. Ngài hoàn toàn mặc lấy thân phận loài người, ngoại trừ tội lỗi. Ngài bước xuống dòng sông Giođanô nhập bọn với những người tự nhận mình là tội nhân, cần lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa. Chắc hẳn, lúc ấy trong đền thờ Giêrusalem có ngàn vạn người đến cầu nguyện, dâng hương, những kẻ xứng đáng hơn để Người đến thăm viếng, nhưng không, Ngài đã lội xuống bùn với các tội nhân, tắm chung cùng dòng nước với họ. Ai có thể từ chối một Thiên Chúa như thế ? Ai có thể làm ngơ giáo lý của Ngài ?

Thực sự, Ngài đã làm tròn giấc mơ của Isaia : "Ðấng thiếp lập công lý" bằng lòng ăn năn thống hối, hoán cải cuộc sống. Phép rửa nói lên rằng Ngài không dùng bạo lực tàn nhẫn để ép buộc người ta phải ăn ngay ở lành như thiên hạ xưa nay thường quan niệm và đã từng sử dụng. Ngài chọn sống giữa chúng ta, di động giữa nhân loại để lôi kéo lòng họ về với Thiên Chúa. Ngài trà trộn với những người bị xã hội ruồng bỏ, những tội nhân, những người không thanh sạch, những cùi hủi, nghèo khổ, trả lại nhân phẩm cho họ bằng các cuộc chữa lành để nói lên rằng Thiên Chúa không phải ở xa tít mù khơi trên không trung mà ở trong trái tim mỗi người đúng như tiên tri Isaia đã loan báo : "Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập nó không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét nó cũng chẳng nỡ tắt đi."

Ngài bước xuống sông, dìm mình vào nước, nước tẩy rửa các tội nhân để tỏ rõ rằng Thiên Chúa đã bước những bước đi trước, công nhận họ là quan trọng trong chương trình của Ngài, trong công cuộc làm cho mọi sự nên công chính, hay nói như tiên tri Isaia "Làm sáng tỏ công lý." Những người đến với Gioan cảm thấy tự mình, họ chẳng có khả năng làm điều đó. Cho nên họ cần Gioan. Nhưng Gioan chỉ là tiếng kêu, chỉ là kẻ chỉ đường, chính Chúa Giêsu mới là kẻ thi hành sự Công chính trên họ, nghe những khắc khoải của họ, và đổ thần khí mới vào linh hồn họ. Vậy thì thần khí đổ trên Ngài cũng là thần khí chúng ta lãnh nhận khi chịu phép Thánh Tẩy.

Thần khí ấy không khi nào rời chúng ta nữa. Ngài có mặt vĩnh viễn trong cuộc đời mọi người để dẫn dắt và thánh hoá linh hồn chúng ta, trừ phi chúng ta cố tình phản bội, đuổi Ngài đi vì không muốn nghe lời Ngài. Nếu như hạnh phúc lớn nhất của linh hồn là được Thiên Chúa ở cùng, thì chẳng còn hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc của người tín hữu. Kết thúc Tin Mừng, thánh Matthêo kể lại, khi rời môn đệ về trời, Chúa Giêsu hứa sẽ ở với họ mọi ngày cho đến tận thế. Ðây không phải là lời hứa suông hay lời nói dối, mà sự thật là như thế. Các môn đệ hoan hỉ trở về nhà tiệc ly, giữ lấy lời hứa ấy. Vậy thì nhà tiệc ly đó hôm nay là Giáo hội mà thánh lễ này là biểu chứng. Emmanuel của phép rửa chúng ta mừng hôm nay vẫn còn đầy ắp trong thánh đường này và trong mọi tâm hồn tôi trung của Chúa. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP

FX Trọng Yên,OP chuyển ngữ

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch