1330564851_nv

Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm B

Từ xưa, người Công giáo quen gọi việc Chúa Giêsu biến đổi diện mạo sáng chói trên núi cao là “Biến Hình”. Đúng hơn, phải gọi là “Hiển Dung”. Bởi đây là cuộc tỏ mình vinh quang, chứ không là cuộc “chạy trốn”. Kẻ chạy trốn, buộc phải ẩn mình đi, mới phải “biến hình”. Đàng khác, đây càng phải là “Hiển Dung”, vì cuộc Hiển Dung này báo trước sự phục sinh khải hoàn của chính Chúa Giêsu.

I. ĐÀNG SAU CUỘC HIỂN DUNG LÀ GÌ?

Trong mùa Giáng sinh, Hội Thánh cũng mừng đến hai thánh lễ Chúa tỏ mình, đó là lễ Chúa Giêsu giáng sinh và lễ Hiển Linh (hay còn gọi là lễ Ba Vua). Để tỏ mình trong mầu nhiệm Giáng sinh, Thiên Chúa nhờ thiên thần báo tin, nhờ ánh sao sáng trên bầu trời để nói với các mục đồng, nói với ba nhà đạo sĩ, với cả loài người rằng, em bé Giêsu mà họ nhìn thấy trong máng cỏ đơn hèn là Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian.

Còn cuộc Hiển Dung hôm nay, trước mắt các môn đệ, không phải thiên thần – đại diện của Thiên Chúa, không phải ánh sao sáng, mà là chính thân xác sáng láng tuyệt hảo của con người Giêsu ấy. Tỏa sáng đến nỗi tác giả Marcô reo lên sung sướng: “Áo Người trở nên rực rỡ trắng tinh, không một thợ gặt nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”.

Còn thánh Phêrô, lần đầu nhìn thấy ánh sáng siêu phàm, ông như người mất trí, tiêu tan hồn phách: “Chúng ta ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen và một cho Êlia”. Ông nói, nhưng nếu hỏi ông vừa nói gì, ông sẽ không thể trả lời. Ông chìm trong hạnh phúc tuyệt diệu đến nỗi như ngớ ngẫn, như mất trí, không biết mình vừa nói gì! Càng kinh hoàng hơn, khi ngay sau đó, ông nghe có tiếng nói như xé trời vọng xuống, chứng minh Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.

Chúa Hiển Dung để báo trước ánh sáng huy hoàng của ơn Phục sinh mà Nguời sẽ bước vào. Nhưng ta đừng quên một điều cần phải nhấn mạnh: Trước khi đi vào Phục sinh vinh hiển, Chúa Giêsu phải chấp nhận cuộc sống con người, phải đi vào đau khổ đến tột cùng và chết tủi nhục trên đồi Calvariô. Để có sự biến đổi huy hoàng như Chúa đang mạc khải cho ta trong cuộc Hiển Dung của Người, tất yếu Người phải nếm trải thử thách. Thử thách chẳng còn bao xa. Nó ở ngay phía trước cuộc Hiển Dung mà thôi. Đàng sau cuộc Hiển Dung rực rỡ không là hạnh phúc viên mãn, nhưng sẽ là thử thách đang giăng mắc.

Có một người Thầy nêu gương chấp nhận như thế, ta cũng chấp nhận chính cuộc sống mà Chúa ban cho mình hôm nay. Chỉ có sự chấp nhận toàn bộ cuộc sống này, và kiên vững đi hết con đường mà Chúa an bài cho ta, ta mới được tham dự vào cuộc Phục sinh hồng phúc của Người. Chúa cho các môn đệ nhận ra sự vinh hiển của Chúa, cũng là cách báo cho ta biết cuộc phục sinh của chính chúng ta. Bởi Chúa đã làm người, đã sống, đã chết như ta, thì ta cũng sẽ sống lại và hưởng vinh quang như Người. Nói cách khác, bởi Chúa của ta hội nhập trong thử thách để được biến đổi, thì đến lược mình, ta cũng chỉ có một con đường phải chọn để được biến đổi là đón nhận thử thác của đời mình.

II. HỘI NHẬP THỬ THÁCH ĐỂ BIẾN ĐỔI CHÍNH MÌNH

Một hình ảnh giúp ta hiểu cuộc hội nhập này: Một học sinh, nếu ươn lười, không dám đương đầu với bài học, em sẽ thất bại trong các cuộc ứng thí. Để có được sự tiến triển ngày càng cao trong học tập, rồi lên từ bậc cấp này đến bậc cấp khác, đưa tới thành công trong cuộc sống sau này, thì ngay hiện tại, em học sinh ấy phải miệt mài đèn sách, phải chăm chú hết sức vào việc ôn luyện, lắm khi mất cả ăn, cả ngủ… Cuộc đời của em chỉ có thể biến đổi từ sự vất vả sang hạnh phúc khi em chấp nhận sự khó nhọc của thời hiện tại.

Ông Abraham là mẫu gương kiên cường, là bài học lớn cho ta về việc hội nhập thử thách: Một ngày kia, Thiên Chúa gọi Abraham. Ngay từ lúc bắt đầu nhận lời mời gọi đầu tiên của Thiên Chúa, cũng đồng thời với việc ông nhận lấy sự thử thách đầu tiên dành cho mình: Thiên Chúa muốn Abraham phải bỏ xứ sở, gia đình và mọi thứ thuộc về ông, để ra đi. Nhưng lại hoàn toàn đi vào vô định. Ông đi, nhưng chẳng hề biết đích phải đến là đâu.

Chưa hết! Chúa vẫn tiếp tục thử thách ông. Người hứa ban cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời, như cát ngoài biển, nhưng ông đã phải chờ, phải đợi đến mỏi mòn mới có duy nhất một đứa con trai trong sự già nua tuổi tác. Đến lúc ấy, lời hứa về một dòng dõi, tuy chưa hề nên vóc nên hình, nhưng vẫn còn có thể hy vọng, thì lại quá sức bất ngờ, quá sức khó hiểu: Ông nhận được lệnh Chúa truyền, phải sát tế đứa con duy nhất của ông cho Người. Có lẽ ông sẽ thật cay đắng và chua chát trước lời đề nghị của Chúa?

Không! Không phải thế! Bài đọc một trình bày một trong các cuộc biến đổi của ông Abraham: Thiên Chúa vừa cất tiếng gọi “Abraham”, ông lập tức đáp lại “Dạ tôi đây”. Chúa muốn ông làm một việc vừa ngược với tình cảm của ông, ngược với lời hứa về một dòng dõi đông đúc, vừa cho thấy sự độc ác quá đỗi khi đòi người cha giết con tế lễ cho mình: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac… dâng nó làm lễ toàn thiêu… trên một ngọn núi, Ta sẽ chỉ cho”. Đã nhiều lần hội nhập vào thử thách, giờ đây Abraham lại liều mình một lần nữa: Cúi đầu đón nhận lời Thiên Chúa, ông không hề có một tiếng than thở, thắc mắc, càng không có bất cứ một lời oán trách nào.

Đức tin kiên cường của Abraham đã làm cho ông biến đổi hoàn toàn trong tất cả các lần ông hội nhập vào thử thách: Ông càng tin Chúa mãnh liệt. Ông nhận ra cách chắc chắn rằng, chỉ cần để Chúa dẫn dắt, ông sẽ khám phá lòng thương vô cùng của Chúa. Người sẽ đưa ông đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhờ đó, ông bước tới từ hết cuộc biến đổi này đến hết cuộc biến đổi khác. Thiên Chúa trả lại cho ông điều ông yêu quý nhất: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: Đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc… Ta lấy chính danh Ta mà thể: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển… Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được chúc phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Thánh giá trong đời không là điều lạ. Đó là cơn thử thách triền miên của từng người. Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức. Dù có chạy trốn, vẫn không bao giờ có ai có thể trốn thoát. Càng tìm cách trốn chạy bao nhiêu, đau khổ như càng bám chặt lấy đời người bấy nhiêu. Càng trốn chạy, lòng ta càng đi từ sự mất bình tỉnh đến chẳng còn bình an.

Nhưng những thử thách trong đau khổ, nếu được ta hội nhập với mình như một trong vô số những sự kiện đã từng xảy ra, ta sẽ có đủ sáng suốt để mà giải quyết, mà vượt trên chúng. Đón nhận thử thách và vượt lên trên nó, là cách tốt nhất cho thấy ta vừa không cam chịu, vừa không quá sức bi quan.

Nhìn vào bài học hội nhập thử thách của tổ phụ Abraham, chúng ta chấp nhận đau khổ như ông để được biến đổi chính mình. Bởi nếu Abraham, dù đời ông xảy ra quá nhiều thử thách, ông vẫn lớn lên trong đức tin, thì chắc chắn sự hội nhập thử thách của ta cũng sẽ đưa ta tới sự biến đổi như ông.

Suy niệm về cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu, ta không bao giờ được phép quên rằng: Chúa Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Chúa Kitô của sự chấp nhận bị chống đối, bị thù nghịch trên khắp nẻo đường truyền giáo của Palestine. Chúa Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Chúa Kitô trong cơn hấp hối tại vườn Dầu đã túa mồ hôi pha trong máu. Chúa Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Chúa Kitô mang cả một thân xác bầm giập, trần trụi bị treo trên đỉnh đồi tử nạn Golgota.

Sau cùng, cũng chính Chúa Kitô vinh quang của Tabor, nhưng héo úa ngay sau đó trên đỉnh đồi tử nạn, lại thực sự là Chúa Kitô của ngày sống lại huy hoàng. Trong vinh quang phục sinh, Người dạy chúng ta cách hết sức thấu đáo bài học của sự hội nhập thử thách để biến đổi chính mình.

Loài người thật vinh phúc, bởi họ có Thiên Chúa, vì yêu thương, cúi mình sâu xuống để nên một trong họ và cho họ điểm tựa là chính Người để họ vượt qua và có thể đạp trên đầu sóng ngọn gió của đời thường mà giữ niềm tin, nghị lực và được biến đổi như Người. Abraham đã đi bước trước. Chúa Giêsu đã dùng chính mình để dạy bài học hội nhập thử thách ấy. Vì thế, loài người hãy nhìn vào đó mà suy niệm và học tập suốt đời để sống cho mình, cho anh em của mình, dù có phải đối đầu với bất trắc lớn đến mức độ nào đi nữa

Lạy Chúa xin cho chúng con được hiển dung. Nhờ đó, chúng con biết thay đổi đời sống của mình. Chúng con hiểu, thay đổi không có nghĩa là chúng con trở thành một cái khác. Đúng hơn, khi được hiển dung, chúng con sẽ trở về với cái tôi sâu thẳm của mình, để nhận ra chính chúng con cũng là con yêu dấu của Chúa. Nhận ra chính mình rồi, chúng con sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Con Chúa, mà thêm sức chịu đựng chấp nhận thánh giá, chấp nhận thân phận kiếp người của mình mà đi hết con đường trần thế. Chúng con tin, một khi nên giống Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc chúng con, chúng con cũng sẽ tham dự vào vinh quang phục sinh trong nhà Chúa trên trời.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch