CN_16_TN_B_copyChúa Nhật 16 Thường Niên, Năm B

Mc 6:30-34

I. Hãy vào nơi thanh vắng

Hôm nay, Chúa nhật XVI thường niên, bài Tìn Mừng (Mc 6, 30-34) có nội dung liên tục với bài Tin Mừng tuần trước (Mc 6, 7-13). Tuần trước, Chúa sai mười hai tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng. Thực thi mệnh lệnh của Chúa, “các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”.

Tuần này, sau thời gian thi hành sứ mạng trở về, các tông đồ rất phấn khởi vì đạt nhiều thành công rực rỡ. Những thành công ấy cũng rất lạ thường, nó vượt xa khả năng tự nhiên của các tông đồ: có thể trừ quỷ và chữa lành nhiều bệnh. Các tông đồ vui mừng tụ họp bên Chúa, kể cho Chúa nghe “mọi việc các ông đã làm, mọi điều các ông đã dạy”.

Một mặt đón nhận thành quả đầy an ủi đối với các tông đồ, nhưng mặt khác Chúa Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn công việc. Người nhẹ nhàng kéo các tông đồ rời khỏi “cơn say” bởi “men chiến thắng”: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Bởi Người biết, con đường trước mắt mà thầy trò phải dấn bước không phải là con đường bằng phẳng, sẽ không ít gập ghềnh. Đó là một con đường dài, đầy gian nan, thử thách. Sứ mạng hôm nay dù thành công, nhưng chưa kết thúc, đúng hơn, chỉ mới mở ra. Đường còn dài đã vậy, sức lại chỉ có giới hạn. Vì thế, chưa cho phép mọi người có quyền ngủ vùi trong những thành công đầu đời tông đồ này. Thành công đầu đời chưa phải là tất cả của sự thành công.

Ngoài việc kéo các tông đồ ra khỏi cơn “say men chiến thắng”, lời động viên của Chúa: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”, còn cho thấy sự quan sát rất thực tế của Chúa Giêsu. Chính lúc này đây, các học trò của Chúa cần phải được nghỉ ngơi dưỡng sức. Bởi họ đã lăn xả nhiều cho công việc. Sức lực thể lý của họ đã bị hao mòn vì đám đông, vì cảnh ồn ào, huyên náo. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, lúc này phải là một bầu không gian cô tịch, mới có thể giúp các tông đồ tỉnh táo kiểm chứng nội tâm của mình và bồi bổ dưỡng sức.

II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ THANH VẮNG

Thánh Kinh nhiều lần nhắc đến sự liên hệ cần thiết giữa nơi hoang vu, vắng vẻ liên quan tới ơn gọi, sứ mạng và đời sống của nhiều người. Chẳng hạn, Dân của Chúa sau khi được giải thoát khỏi cảnh nô lệ Aicập đã vào hoang địa để được thanh luyện lòng trung thành của mình suốt bốn mươi năm. Ông Môisen và ông Êlia đi vào nơi hoang địa để gặp gỡ Thiên Chúa (Xh 3, 1; 1V 17,3). Thánh Gioan Baotixita vào hoang địa để nhận lãnh ơn Chúa và thanh tẩy tâm hồn mình hoàn toàn hướng về Chúa trước khi rao giảng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối (Mt 3, 1tt). Chính Chúa Giêsu, khi bắt đầu sứ vụ công khai, khi tuyển chọn các tông đồ, khi bước vào cuộc tử nạn, và rất nhiều lần trong những năm công khai rao giảng Tin Mừng, đã vào nơi thanh vắng cầu nguyện…

1. Sự thanh vắng cần cho người đời

Cũng vậy, sự thanh vắng rất cần cho cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thế giới ta đang sống cùng, đang đồng hành với nó, cũng đồng nghĩa với việc ta đang ngụp lặn trong đại dương vô bờ của tiếng ồn. Bởi thế giới đang diễn ra không biết bao nhiêu tiếng ồn.

Ồn từ trong cuộc sống tinh thần đến ồn trong cuộc sống vật chất. Ồn từ nội tâm con người đến ồn trong mọi cách mà con người thể hiện. Ồn từ chợ búa đến ồn tận miền quê. Ồn từ trong những thinh lặng đến ồn trong từng tiếng nói, tiếng cười. Ồn trong những nếp nghĩ của người giàu có đến ồn trong sự chạy đôn, chạy đáo của người thiếu thốn. Ồn từ nét hồn nhiên, tinh nghịch của đám trẻ thơ đến ồn trong vô vàn những tất bậc của thế giới người lớn. Ồn trong niềm mừng vui của người hạnh phúc đến ồn trong đau khổ của người bất hạnh. Ồn trong tình yêu đến ồn trong sự thù hằn, ganh ghét nhau. Ồn trong những vỡ kịch công phu trên sân khấu đến ồn trong những màn kịch, dù chỉ là kịch câm, nhưng được dàn dựng hoàn hảo, đủ sức “đâm” lén đối thủ. Ồn trong cả cái mà người ta gọi là văn minh, văn hóa hay kém văn minh, văn hóa. Ồn trong mọi ngóc ngách, mọi khía cạnh, mọi giao tế, mọi nhịp sống…

Giữa một cánh rừng rậm của tiếng ồn như thế, những khoảng lặn trong cuộc đời của mỗi một người là điều hết sức quan trọng. Những khoảng lặng ấy rất cần để ta tự đối thoại với mình, tự nhận diện, khám phá chính mình trong từng hoàn cảnh, từng hướng đi của đời mình. Nếu ta sống mà lại thiếu những phút giây suy tư và lặng ngắm chính nội tâm, nhằm phản tĩnh, và kiểm tra chính mình, ta sẽ dễ đánh mất mình, dễ bị lôi cuốn vào những trào lưu, những nhộn nhịp, những thu hút giả tạo bên ngoài… cách thiếu suy nghĩ nền tảng, thiếu hẳng bóng dáng cá nhân mình…

Đành rằng cần phải loại trừ chủ nghĩa cá nhân theo kiểu áp đặt, thiên kiến, lèo lái tha nhân, lèo lái hoàn cảnh theo ý riêng mình. Nhưng bóng dáng cá nhân, bao gồm tình yêu, sức sáng tạo, nét riêng làm nên sự phong phú… là điều không thể thiếu. Vì thế, nếu tự để mình vong thân, ta trở thành tội phạm, kẻ đã ăn cắp chính cuộc đời mình làm cho mình không còn là mình nữa. Biết sống thinh lặng và quay về với cõi lòng để tự nhận ra nơi mình cái gì đã tốt mà phát huy hơn, cái gì còn khuyết mà chỉnh đốn. Thinh lặng như thế, chính là sức mạnh đáng quý của một tinh thần cá nhân, để từ đó, sẽ ra đi và sống như mình là mình giữa một thế giới quá nghèo nàn về sự thinh lặng.

2. Sự thanh vắng cần cho đời Kitô hữu

Nếu những khoảng thời gian thanh vắng hoàn toàn là điều kiện cần cho đời sống con người, thì sự thanh vắng càng cần thiết hơn, càng quan trọng hơn cho đời người Kitô hữu.

Trong nghĩa vụ sống đức tin, nghĩa vụ thờ phượng Chúa, người Kitô hữu cần phải in vào tâm khảm mình lời của Chúa Giêsu: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” để luôn luôn tự nhắc nhở mình về những khoảng thinh lặng cần thiết. Những khoảng thinh lặng cần thiết đó, có thể là một chút thôi, có thể là năm phút, mưới phút, hay nhiều hơn tuỳ sự luyện tập dài lâu của bản thân.

Dù dài hay ngắn, chỉ một chút lặng lẽ, người tín hữu đã có thể lắng chìm trong Chúa, đã có thể đặt mình vào vòng tay của Chúa, đã có thể nhờ ánh sáng tình yêu của Chúa soi rọi mọi ngóc ngách của linh hồn, để nghe tiếng Chúa nói, để tự kiểm điểm mình, để bổ sung năng lực của lòng đạo đức có thể đã hao mòn vì những bon chen đời thường, nhờ đó người tín hữu tự thánh hóa mình và dễ dàng đón nhận ơn thánh hóa của Chúa.

Chúng ta hãy nhớ rằng, chỉ có sự thanh vắng thật sự mới có thể tạo được sự nhịp nhàng giữa nghĩa vụ tôn thờ Chúa, nghĩa vụ sống đức tin và những vất vả lao nhọc của đời thường nơi sự sống một người Kitô hữu. Bởi sự sống của người Kitô hữu là một hành trình liên tục đi từ sự hiện diện của con người vào sự hiện diện của Thiên Chúa, rồi lại bước ra, đi từ sự hiện diện của Thiên Chúa vào sự hiện diện của con người. Có thể ví hai sự hiện diện này như sự nhịp nhàng của giấc ngủ và làm việc. Ta không thể làm việc được, trừ khi ta đã có thời gian nghỉ ngơi. Giấc ngủ sẽ hoàn trả lại cho ta một con người tỉnh táo, khỏe mạnh nhờ đó ta tiếp tục làm việc. Cũng vậy, không ai có thể sống đời Kitô hữu hoàn hảo, trừ khi người đó đã dành thời gian cầu nguyện và sống kết hợp với Chúa.

Bởi vậy, chúng ta hãy đi tìm Chúa như đám đông ngày xưa đã đi tìm Chúa. Mặc dù Chúa bảo các tông đồ “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Rồi tất cả cùng xuống thuyền vào nơi thanh vắng. Nhưng đám đông đã không để Chúa yên. Họ tìm đến Chúa. Chúa đáp lại lòng mong mỏi của họ. “Chúa chạnh lòng thương” họ, vì cảm nhận bằng một cái nhìn hết sức yêu thương, trìu mến: Họ bơ vơ “như bầy chiên không người chăn dắt”.

Ngày hôm nay, bắt chước đám đông đi tìm Chúa, ta bước vào cõi thinh lặng của lòng mình để gặp gỡ Chúa, để được Chúa yêu thương trìu mến. Ta phải gặp gỡ Người, vì chỉ có ở trong Người, ta mới có thể hiểu một cách thấu đáo ý nghĩa cuộc sống và tìm ra nơi cuộc sống ấy lẽ sống cho đời ta. Bởi đời người đâu chỉ có làm lụng, đâu chỉ có vui buồn, đâu chỉ có cái ăn, cái mặc, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí…

Điều đáng buồn nhất, đau đớn nhất là những cái chết của những kẻ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Họ không hiểu được tại sao tôi phải sống? Sống để làm gì? tại sao phải đau khổ? Tại sao sống để rồi đi qua không biết bao nhiêu cái nhiêu khê của cuộc đời đến đích cuối cùng là sự chết phủ phàn đang chờ đợi?

Nói cách khác, sự nghèo đói, sự đau khổ chưa phải là động lực cuối cùng giục người ta liều mạng, tìm về cái chết cho bằng người ta chỉ sống trong cô quạnh vì dốt nát trước giá trị của sự sống. Họ chỉ thấy cuộc đời là phi lý, vô nghĩa, không đáng sống…

Chúa Kitô chính là Nguồn Sống duy nhất của đời người. Trong sự thanh vắng hoàn toàn của tâm hồn, tìm về bên Chúa, ta không chỉ nhận ra ý nghĩa của sự sống đời mình, mà còn múc lấy sức mạnh của sự sống đích thực từ Nguồn Sống quý giá này.

Nơi Nguồn Sống Kitô, ta biết rõ đích điểm của đời mình là chính Người. Người sẽ chỉ cho ta đường đi đến đích. Con đường đó là chính những hy sinh, chấp nhận của cõi đời này. Nơi Chúa Kitô, chính mẫu gương sống và Lời của Người sẽ soi rọi lên sự sống và lên cuộc đời ta. Bởi vậy, hãy để cho Chúa có cơ hội đi vào lòng ta bằng đời sống thanh vắng và cầu nguyện. Để như đám đông ngày xưa đi theo Chúa, một khi để Chúa ở lại nơi lòng mình, ta cũng sẽ được Chúa chỉ bảo cho ta như đã từng “giảng dạy họ nhiều điều”.

Lạy Chúa, đời nội tâm là chìa khóa của hạnh phúc, vì đời nội tâm mở cửa cho con được đi vào và đắm chìm trong hạnh phúc là chính Chúa. Xin cho con biết tìm những khoảng thời gian thanh vắng để được gặp Chúa, từ đó con sẽ gặp chính con người thật của con. Nhờ gặp Chúa và nhận diện chính mình, thì khi phải đối mặt cùng tiếng ồn của cuộc đời, cùng những sôi nổi của thành công, hoặc những ê chề của thất bại, con sẽ không đánh mất chính mình trong thế giới của tiếng ồn, nhưng có khả năng thánh hóa bản thân và thánh hóa chúng. Amen.

Lm Vũ Xuân Hạnh

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch