Biến cố các nhà đạo sĩ từ phương đông đến tìm Chúa tại Bêlem xem như một chuyện thần thoại. Có ngôi sao lạ hiện ra dẫn đường cho ba đạo sĩ, có thiên thần hiện ra báo mộng cho các ông tìm đường khác ra về. Thiên thần gọi Giuse đem Maria và Hài nhi trốn sang Ai Cập.

Xem như chuyện thần thoại, nhưng lại chuyện có thật và đến hôm nay, chưa có một nhà sử học nào chứng minh là một chuyện thần thoại. Những dấu lạ chứng minh rằng chính Thiên Chúa can thiệp trực tiếp vào thế giới để giúp con người biết được ý định của Thiên Chúa là muốn cứu vớt mọi người không trừ ai.

Những việc truyền tin cho Đức Mẹ, thiên thần đã đến báo tin. Thiên thần cũng báo tin cho các mục đồng khi Chúa sinh ra. Tất cả những sự can thiệp đó không là thần thoại mà là những cách thế Chúa dùng để giúp con người, để mang cho con người những hồng ân của Ngài.

Thiên Chúa đã dùng một hiện tượng tự nhiên để mạc khải cho các đạo sĩ biết mầu nhiệm ơn cứu độ, mầu nhiệm giấu kín đã được mạc khải. Mầu nhiệm đó là: Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”.

Giáo Hội mừng mầu nhiệm đó trong lễ hôm nay. Giáo Hội xem đó như một hồng ân lớn lao cho nhân loại và cũng là một trách nhiệm nặng nề cho Giáo Hội. Giáo Hội lãnh nhận Tin Mừng Chúa và cảm thấy có trách nhiệm loan truyền tin vui đó cho mọi người.

Khi xưa, tiên tri Isaia nhìn thấy vinh quang của Giêrusalem chói ngời, là hình bóng của Giáo Hội hôm nay. Giáo Hội tỏa sáng và các dân tộc đổ về Giáo Hội. Ngôi sao hiện ra cho các đạo sĩ thì hôm nay, ngôi sao đó chính là Giáo Hội, dẫn các dân tộc về với Chúa. Mỗi người tín hữu phải là một ngôi sao cho những người anh em khác chưa biết Chúa, một ngôi sao đủ sáng để hướng dẫn người khác tìm về với Chúa: “Anh em là ánh sáng thế gian”. Anh em hãy làm việc lành để mọi người nhìn thấy những việc lành của anh em mà ngợi khen Cha trên trời”. Chúng ta không cần phô trương, không cần quảng cáo. Việc lành tự nó tỏa sáng.

Chúng ta có thành  ngôi sao chưa? Chúng ta có làm việc lành gì khiến người ta nhìn thấy được? Chúa không đòi hỏi chúng ta làm những gì lạ lùng, Ngài chỉ muốn chúng ta sống tốt, thật tốt: “Chúng  con hãy nên trọn lành như Cha chúng con là Đấng trọnlành”. Tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta phải tốt và thật tốt.

Các đạo sĩ đã cực khổ đi tìm một vị vua mà họ chỉ mới thấy loan báo qua một vì sao, chúng ta đã được biết Chúa, chúng ta có cảm thấy cần tìm Chúa nữa không? Hay chúng ta hãnh diện đã biết Chúa rồi, không cần tìm nữa? Chúng ta biết Chúa thực sự không hay chỉ biết mập mờ? Hãy tìm kiếm công phu như các đạo sĩ mới mong tìm gặp Ngài. Chúng ta hãy lên đường, hãy đi vào những nẻo đường của Kinh Thánh, của bí tích, của việc siêng năng nghe lời Chúa, của chiêm ngắm cầu nguyện. Đừng sợ khó khăn, nhọc mệt, chúng ta sẽ không tiếc công khó, vì khi tìm được Chúa, chúng ta sẽ thấy cuộc đời chúng ta tươi sáng như thế nào. Các thánh đã tìm Chúa và đã gặp được Ngài, và hôm nay các ngài đã được hạnh phúc với Ngài.

Đức tin không là một kho tàng chúng ta có sẵn, đem cất giữ trong cái tủ nào đó, mà là một cuộc tìm kiếm không thôi. Vì chúng ta không bao giờ biết Chúa trọn vẹn. Niềm tin như sự sống, cần được lớn lên, triển nở. Tiên tri Isaia đã bảo chúng ta: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được”. Đây là thời gian ân huệ cho chúng ta vì chúng ta còn dịp để tìm kiếm: “Ai tìm thì sẽ gặp”. Chúa đã nói như thế. Nhưng trước khi chúng ta tìm Chúa thì Chúa đã đến tìm chúng ta. Ngài đã đến trong thân phận con người, đã sống giữa chúng ta. Ngài vẫn luôn đi phía trước và chúng ta mãi chạy theo Ngài. Chúng ta không thể nắm bắt Chúa trong vòng tay, Ngài vẫn vượt xa tầm tay chúng ta, Ngài luôn mời gọi. Ngài nhẫn nại chờ đợi chúng ta.

Ba đạo sĩ đã công phu tìm kiếm và được mãn nguyện. Các ông đã tin và thờ lạy Chúa qua hình ảnh của một em bé nghèo. Và cử chỉ tôn thờ của họ là hiến dâng của lễ. Họ đã nhìn nhận em bé nghèo kia là vua, là Chúa. Họ đã dâng những gì quí báu nhất của họ. Họ đã ra về mang trong tim hình ảnh của một Thiên Chúa nghèo nàn, nhưng dễ thương. Chúa đến với chúng ta cũng dưới hình ảnh của em bé nghèo nàn yếu ớt đó. Chúng ta có nhận ra Ngài không? Chúng ta có cảm thấy rằng chúng ta hạnh phúc hơn họ không? Chúng ta có Chúa gần kề. Ngài tỏ hiện cho chúng ta không chỉ bằng hình ảnh của một em bé mà thôi, Ngài tỏ hiện cho chúng ta bằng muôn vạn hình thức, chúng ta có thấy được không? Vạn vật chung quanh chúng ta là một dấu hiệu của Ngài, mọi biến cố trong đời sống là một sứ điệp. Chúa luôn hiện diện: “ Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Ngài đến với chúng ta qua khuôn mặt của một người nào đó, qua một cuộc gặp gỡ bình thường với ai đó. Đức tin cho chúng ta một cái nhìn mới. Đức tin cho chúng ta thấy vũ trụ nầy đầy tràn Thiên Chúa, là dấu hiệu của tình yêu Chúa. Chúng ta đang sống trong bàn tay yêu thương của Chúa. Hạnh phúc biết bao cho ai nhìn thấy Chúa qua mọi tạo vật!

Nhưng đức tin cũng đưa chúng ta vào thử thách, vào đau khổ. Ba đạo sĩ tìm Chúa để tôn thờ. Vua Hêrôđê tìm Chúa với ý định khác, để tiêu diệt. Thế gian cũng biết Chúa, nhưng để tiêu diệt. Vua Hêrôđê đã bảo vệ ngai vàng bằng cách biến Bêlem thành một biển máu hài nhi vô tội. Chúng ta thuộc về Chúa. Sống, đối với người tin Chúa, là chấp nhận mọi đau khổ vì Chúa. Ngay từ khi mới sinh, Chúa Giêsu đã bị bách hại. Cuộc bách hại của Hêrôđê báo trước cái chết trên thập giá.

Sống đức tin là chia sẻ thân phận với Đấng đã thương chúng ta và đã liều mạng cho chúng ta. Ngài đã chia sẻ thân phận của chúng ta khi xuống thế làm người, mang lấy tội lỗi của con người, thì chúng ta, cũng đồng số phận với Ngài. Chúng ta phải bị bách hại. Sau nầy Chúa Giêsu cũng cảnh báo các tông đồ: “ Thầy sai chúng con như chiên giữa sói”.

Cuộc sống đức tin không là một cuộc sống nhàn hạ sung sướng mà là một cuộc liều mạng cho Chúa. Trong hơn hai mươi thế kỷ, Giáo Hội luôn là đối tượng cho người ta chống đối, không lúc nào mà không có bách hại. Hiện nay trên thế giới, những cuộc bách hại tàn khốc đang xảy ra trong nhiều nước. Satan không bao giờ ngơi nghỉ tàn phá Giáo Hội, bách hại những người theo Chúa. Những cuộc bách hại đẫm máu tuy nhiên, không nguy hại bằng những cuộc bách hại không đẫm máu. Người ta bách hại bằng cách tàn phá tất cả những giá trị đạo đức, bằng lối sống vô luân, bằng những phương tiện pháp lý đi ngược với phẩm giá con người như hợp thức hóa việc ly dị, cho tự do giết hại thai nhi, và nhiều hình thức khác. Chúa Giêsu đã bảo chúng ta: “Đừng sợ những người chỉ giết chết thân xác mà không giết được linh hồn”, nhưng hôm nay người ta giết cả xác lẩn hồn.

Sống đức tin hôm nay đòi hỏi can đảm không thua gì thời Giáo Hội sơ khai. Chúng ta không vì thế mà nản chí, vì những thử thách càng làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, sáng suốt hơn. Đức tin chúng ta được truy luyện hơn. Chúng ta vững tin vì Chúa xem ra yếu ớt như một trẻ thơ, nhưng lại là Chúa của lịch sử. Con người dù có làm gì đi nữa, cũng chỉ là bọt bèo, như con thú vật một ngày kia phải chết. Chúa cũng đã nói : “Chúng con đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”. Trong lúc sắp chịu chết trên thập giá, Ngài đã nói như thế. Và Ngài đã toàn thắng sự chết và vẫn sống.

Tin chính là bám vào Đấng đã toàn thắng sự chết, là đầu và là cuối của mọi sự. Chúng ta chỉ sợ một điều là chúng ta có thể phản bội tình yêu của Chúa.

Chúng ta cần được củng cố trong niềm tin, cần được nâng đỡ trong những cơn bách hại, vì chúng ta cũng chỉ là ngọn lau phất phơ trước gió thôi. Chúa biết điều đó và Ngài đã nói: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài ở cùng chúng ta bằng một tấm bánh mà chúng ta được phép nuốt vào trong chúng ta. Tấm bánh nhỏ đó là nguồn sinh lực vô giá vì nó là tình yêu nguyên vẹn của Chúa chúng ta. Ngài không để chúng ta chiến đấu một mình. Ngài luôn đến với chúng ta và vì thế, Ngài đã biến những con người yếu ớt thành những con người can đảm phi thường. Chúa chúng ta vẫn là Thiên Chúa. Người ta tưởng Ngài chỉ là một bóng mờ nhưng những kẻ bách hại nằm xuống, Ngài vẫn còn đó. Tin vào Chúa, chúng ta bước tới, loan báo tình yêu của Ngài cho mọi tạo vật.

Lm Trầm Phúc

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch