CN_5_MC-CChuá Nhật 5 Mùa Chay, Năm C

Is 43, 16-21; Pl 3, 8-14; Ga 8, 1-11

Bài Tin mừng thuật lại câu chuyện một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và mọi người đang đưa chị ta ra trước mặt Chúa Giêsu để xin Người xét xử. Một vụ án xem ra hết sức đơn giản. Người phạm tội đã bị bắt quả tang, và các luật sĩ cũng đã cho biết theo luật Môisen thì chị phải bị ném đá.

Do đó, xem ra công việc của Chúa Giêsu cũng dễ dàng. Ngài chỉ việc căn cứ theo luật Môisen mà kết án chị là xong. Thế nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy. Thánh Gioan ghi rõ: “Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người”. Vậy cái bẫy ở đây là gì?

Thưa: Nếu Chúa Giêsu đồng ý với việc ném đá người phụ nữa này cho đến chết theo như luật định, thì rõ ràng điều này trái ngược với giới luật yêu thương mà Ngài đang rao giảng. Như thế, những người luật sĩ và biệt phái sẽ tuyên bố trước mặt dân chúng rằng: Chúa Giêsu “ngôn hành bất nhất”. Ngài rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa và mời gọi mọi người tha thứ yêu thương. Vậy mà giờ đây, Ngài lại đồng ý để giết đi một mạng người. Và thế là họ có lý do để kêu gọi dân chúng tẩy chay Chúa Giêsu.

Nếu Chúa Giêsu tuyên bố tha cho chị, thì ngay lập tức, các luật sĩ và biệt phái sẽ nói rằng: Chúa Giêsu chống lại luật Môisen, mà chống lại luật Môisen là chống lại Giavê, Thiên Chúa, chống lại dân tộc. Và như thế họ có lý do để xách động dân chúng kết án Chúa Giêsu.

Đây quả thực là một cái bẫy hết sức tinh vi. Chúa Giêsu nói “Không” cũng chết mà nói “Có” cũng chết. Chắc là khi đặt ra tình huống này, những người biệt phái và luật sĩ hả hê lắm, vì họ tin chắc rằng Chúa Giêsu không còn lối thoát.

Thế nhưng, với một thái độ hết sức trầm tĩnh, ôn hòa cùng với một câu nói cũng hết sức nhẹ nhàng: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” thì ngay lập tức, tiếng ồn ào, la ó của đám đông như dịu hẳn lại và ngay cả những người đứng đầu trong dân hình như cũng im tiếng. Và trái với thái độ hung hăng ban đầu khi dẫn người phụ nữ đến, đám đông đã rút lui từng người một, “bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất”. Cuối cùng chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu và người thiếu phụ. Lúc đó, Chúa Giêsu mới nói với chị: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Một câu nói có vẻ bình thường, nhưng nếu muốn hiểu hết chiều sâu của nó, chúng ta phải đặt mình trong tâm trạng của người phụ nữ đang bị kết án, chúng ta mới có thể cảm nhận được hết sự ngọt ngào, đầy yêu thương của câu nói mà Chúa Giêsu vừa thốt ra.

“Ta không kết tội chị”. Một câu nói ngắn ngủi, nhẹ nhàng nhưng âm vang của nó thật sâu. Có lẽ trong suốt cuộc đời của người thiếu phụ này, chị chưa từng được nghe bao giờ. Nhất là trong những giây phút vừa qua, khi chung quanh chị chỉ toàn là những tiếng la ó, kết án, đòi giết chết chị.

“Ta không kết tội chị”. Một câu nói như muốn diễn tả tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã không kết tội chúng ta, cho dù chúng ta đã nhiều lần bội phản, bất trung, vô tâm, bất nghĩa đối với Ngài, thì Thiên Chúa vẫn như người cha nhân hậu chiều chiều ra đứng trước ngõ nhà dõi mắt vào nơi xa xôi chờ đợi đứa con đi hoang trở về. Thiên Chúa không kết tội chúng ta vì Ngài biết rõ con người chúng ta yếu đuối. Thiên Chúa không kết án chúng ta vì chúng ta đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài, và nhất là chúng ta đã được cứu chuộc bằng chính Máu Con yêu dấu của Ngài. Ngài đã tha thứ, đang tha thứ và vẫn luôn tha thứ cho tất cả những yếu đuối lỡ lầm của chúng ta. Vòng tay yêu thương của Thiên Chúa vẫn luôn giang rộng, cánh cửa nhà của Thiên Chúa thì không bao giờ đóng.

Cảm nhận được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa nên thánh Phaolô, một con người trước đây đã từng bắt bớ các kitô hữu, đã mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết ĐứcGiêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bón”. Thánh nhân sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được Đức Giêsu Kitô, bởi vì thánh nhân đã hoàn toàn cảm nghiệm được tình yêu mà Đức Giêsu Kitô đã dành cho ngài, một “đứa con ranh”, “không xứng đáng được gọi là tông đồ” (1 Cr 15, 8-9).

Thiên Chúa đã tha thứ và vẫn luôn tha thứ cho chúng ta. Như thế điều quan trọng còn lại là chúng ta có đủ can đảm như đứa con đi hoang đứng dậy trở về để nhận được ơn tha thứ hay không. Mặt khác, tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở chỗ không kết án chúng ta, Thiên Chúa còn muốn chúng ta ngày càng trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5, 48). Trong bài Tin mừng, sau khi nói lời tha thứ: “Ta không kết tội chị”, Chúa Giêsu còn căn dặn: “Từ nay đừng phạm tội nữa”

“Từ nay đừng phạm tội nữa” không chỉ là một lời dành cho người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin mừng hôm nay, mà còn là một lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu được gởi đến cho hết thảy chúng ta trong những ngày cuối của Mùa Chay này, một lời mời gọi được gởi cho tôi, cho quý OBACE. Chúng ta đã nhận được ơn tha thứ, nhưng đừng lạm dụng. Chúng ta hãy cộng tác với ơn Chúa, nỗ lực hết sức mình để từ nay “đừng phạm tội nữa”.

“Từ nay đừng phạm tội nữa” cách cụ thể là từ nay tôi và quý OBAEC đừng nóng giận, đừng chửi thề, đừng nói xấu, đừng ganh ghét, đừng bài bạc, đừng say sưa, đừng tham lam, đừng vu khống, đừng chê bai nhau nữa. Chúng ta hãy từ bỏ hẳn con người cũ, “đừng để ý đến việc thời xưa nữa”, trái lại, chúng ta hãy theo gương thánh Phaolô “quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Đức Kitô”. Cuộc từ bỏ này chắc chắn là không dễ dàng gì. Nó chính là sự chết đi của con người cũ để nhằm đến hy vọng “từ cõi chết được sống lại”.

Tóm lại, lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta tin tưởng vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta không được phép mặc cảm, tự ti với những yếu đuối của bản thân mình. Thiên Chúa như người Cha nhân hậu vẫn đang giang rộng vòng tay chờ đón mỗi người chúng ta trở về với Ngài. Và một khi đã trở về, chúng ta hãy cố gắng giữ vững hạnh phúc này, đừng đi theo con đường cũ, “đừng phạm tội nữa”.

Cuối cùng, một lần nữa tôi muốn nhắc lại với quý OBAEC lời nói đầy yêu thương của Chúa Giêsu: “Ta không kết tội con. Vậy con hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”, “đừng phạm tội nữa”. Amen.

Lm Phêrô Trần Thanh Sơn

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch