CN_20_CChúa Nhật 20 Thường Niên, Năm C

Lc 12:49-53

Nếu khẳng định Đức Giêsu là "Hoàng tử Bình an", người ta sẽ nói sao trước lời tuyên bố thẳng thừng của Ngài về chính mình: "Các ngươi nghĩ: Ta đến để ban bình an trên mặt đất ư? Không đâu! Ta bảo thật các ngươi, không gì khác ngoài sự chia rẽ! Vì từ nay, trong một nhà có năm người, sẽ có chia rẽ: ba với hai, hai với ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha với con, con với cha…"?

Làm sao có thể hiểu được khi một người vốn tự xưng là "hiền lành và khiêm nhường" lại gây nên bao nỗi phân ly trong gia đình, một cấu trúc cần được hiệp nhất hơn bất cứ một cấu trúc hay tổ chức nào trên thế giới?

Người ta sẽ phải hiểu thế nào câu nói của Đức Giêsu: "Ta đến ném lửa xuống đất và Ta mong sao lửa đó được cháy lên"? Đây có phải là thứ lửa mà anh em nhà Zêbêđê từng đề nghị Chúa đổ xuống đốt trụi dân thành Samari hỗn láo, hay thứ lửa đã thiêu huỷ thành Sôđôma và Gômôra tội lỗi xưa kia chăng?

Khi nhìn vấn đề qua lăng kính "Lưỡi là lửa" trong thư của Thánh Giacôbê, thì lửa của Đức Kitô đã tương phản với thứ lửa hoen ố "do chính hoả ngục nhóm lên" (Gc 3:6). Ngài chính là "Chiếc Lưỡi"—Ngôi Lời của Thiên Chúa, làm phát sinh bao "lời hằng sống", nung đốt tâm hồn thế nhân và thúc đẩy một hành trình rao giảng. Lời Chúa phải được toả lan đến khắp mọi nơi và sưởi ấm cho hết mọi người.

Lời của Thiên Chúa đã từng thúc bách ngôn sứ Giêrêmia, một con người có tâm hồn diệu hiền và nhạy cảm, sinh ra để yêu mến, thích yên lành hơn gây phiền phức, thành một con người mang sứ mạng ra đi "để nhổ và lật đổ, để huỷ và để phá, để xây cất và để cấy trồng" (Gr 1:10).

Dù luôn cảm thấy mình như một đứa trẻ, nhưng Lời Chúa đã bắt ông đứng dậy, mở miệng ra nói những lời đanh thép và quyết liệt hầu thức tỉnh con cái Israel đang trong cảnh u mê lầm lạc. Thiên Chúa muốn cứu độ Israel qua việc vạch trần các thói hư nết xấu của dân chúng, sự lật lọng giả hình của hàng tư tế, thói bội phản thất ước của hạng quan quyền để từ đó Ngài đòi buộc họ phải có một sự chọn lựa phân minh: phúc hay hoạ, sống hay chết, bình an hay bất hạnh, cậy dựa Thiên Chúa hay con người.

Vì trung thành với sứ mạng truyền đạt Lời Chúa mà ngôn sứ Giêrêmia đã bị dân chúng đối xử tệ bạc. Có lần người ta tìm cách ném ông xuống một giếng bùn cho lún sâu đến chết, hầu không còn tuyên sấm những lời của Giavê nữa. Nhưng một vị hoạn quan người ngoại là Abđêmêlech biết chuyện, đã tìm cách cứu ông ra khỏi giếng bùn. Về sau vì không nghe lời ông, người Do thái đã phản lại vua Babylon và cấu kết với Ai cập. Thế nên chẳng bao lâu, đất nước Giuđa đã rơi vào sự tàn phá kinh hoàng của dân Babylon. Vị ngôn sứ đã bị một nhóm người bắt đưa sang Ai cập. Có lẽ ông đã chết tại đây, giữa những kẻ hằng chống đối giận ghét, vì cớ ông không ngừng nói Lời Chúa để cảnh báo và thúc dục họ.

Theo nhận xét của một nhà chú giải Kinh Thánh là cố linh mục Nguyễn Thế Thuấn, : "Sứ vụ của Giêrêmia quả đã thất bại lúc ông sinh tiền, nhưng dung mạo của ông không ngừng lớn lên sau khi ông chết. Bởi giáo lý của ông về một Giao ước mới, đặt nền tảng trên lòng đạo, tôn giáo nội tâm, ông đã là cha của Do-thái-giáo trong cái nhìn tinh ròng nhất… Đặt giá trị tinh thần lên hàng đầu, nêu cao những liên lạc thân mật mà tâm hồn phải có đối với Thiên Chúa, Giêrêmia đã chuẩn bị cho Giao ước mới, và cuộc quên mình chịu đau khổ để phục vụ Thiên Chúa đã biến ông thành một dung mạo của Đức Kitô".

Như vậy, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã phô bày trọn vẹn dung mạo của người ngôn sứ khi phân rõ ánh sáng và tối tăm, điều tốt và điều xấu, chân thật và giả trá, cùng kêu gọi một thái độ rõ ràng: đón nhận hoặc khước từ, bước theo hay chống đối.

Lời ông Simêon nơi Đền thờ đã được xác nhận: "Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người té nhào và chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi lên chống đối" (Lc 2:34). Như thế tất có sự đối kháng, mâu thuẫn. Trong một gia đình, cộng đoàn, hay dân tộc, sẽ có người tin nhận và có người chống cự, có người tìm được bình an đích thực, nhưng cũng có người tự ru mình bằng thứ bình an giả tạo.

Bình an là nỗi khát khao trầm lặng của nhiều tâm hồn. Nhưng để có bình an đích thật lắm khi tôi phải trả giá bằng chiến đấu và hy sinh. Đây là một trong những điểm "nghịch lý" của Tin Mừng, nơi mà người ta thường bắt gặp những giá trị "trái ngược" như: cho chính là nhận, thu tích là mất đi, ai tìm sự sống sẽ phải chết, ai đành chết thì lại có sự sống…

Thực tế, có biết bao chân lý của Tin mừng đã không được nói ra vì sợ gia đình bất thuận, có bao sự thoả hiệp nghịch luân đã không được nhắc tới vì sợ cộng đoàn bớt người, và có biết bao nhập nhằng tội lỗi xấu xa vì sợ phải mang một vết thương rướm máu trong tâm hồn. Tất cả đều là những nguỵ trang giả dối và bình an trá hình.

Bình an thật sự chỉ có được khi con người biết "đặt giá trị tinh thần lên hàng đầu" và "nêu cao những liên lạc mật thiết mà tâm hồn phải có đối với Thiên Chúa". Bằng việc nhận chân và nêu cao giá trị tinh thần, cùng sự liên lạc thẳm sâu với Thiên Chúa, mà người môn đệ chân chính của Đức Kitô dám hy sinh những mối quan hệ cao quí trong cuộc đời. Dù đó có là quan hệ ruột thịt thân thương như cha mẹ với con cái.

Chắc hẳn lịch sử Giáo hội không bao giờ quên được hình ảnh của một Phanxicô Assisi, người dám lột bỏ hết mọi giàu sang nhung lụa, trả lại cho người cha trần thế, để chỉ chú tâm kiếm tìm các giá trị thiêng liêng nơi người Cha trên trời. Lịch sử cũng không thể quên được hình ảnh của một Giêrađô Majella quyết liệt trốn nhà ra đi sau khi ghi vội cho mẹ dòng chữ: "Mẹ ở lại. Con đi làm thánh."

Lại còn nữa hình ảnh của một Charles Cornay đã can đảm bước qua mình song thân, lên đường đi truyền giáo tại Việt Nam, chấp nhận biết bao khốn khó nguy nan, để rồi cuối cùng, dù bị kết án lăng trì, vẫn không dập tắt được ngọn lửa khát khao: làm cho Tin mừng Phúc âm được cháy lên trên mảnh đất xa xôi và nghèo nàn này. Và còn nhiều… còn nhiều lắm các mẫu gương hào hùng của những con người đang tiếp nối việc thực hiện nỗi mong của Chúa Giêsu.

Là người Kitô hữu, tôi cũng được mời gọi dấn bước không ngừng trên hành trình loan báo các giá trị Tin mừng, để lửa yêu thương và bình an được bừng sáng khắp nơi trên thế trần.

Lm Bùi Quang Tuấn CSsr

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch