Chúa Nhật 6 Mùa Phục Sinh, Năm C

Ga 14: 23-29

Vào trung tuần tháng 11 năm 2000, đang khi các giám mục Công giáo Hoa kỳ tiến hành cuộc họp thường niên, một số các nhà hoạt động bênh vực “quyền lợi” của những người đồng tính luyến ái đã đột nhập và phản đối ồn ào, chống lại những giáo huấn của giáo hội liên quan đến “quyền lợi” của những người đồng tính.

Được biết trong cuộc họp lần này, các giám mục Hoa kỳ đã đưa ra bản tuyên ngôn về hôn nhân, kêu gọi một sự tín trung hơn trong giao ước hôn nhân giữa nam và nữ. Bản tuyên ngôn xác định rõ ràng hôn phối là sự kết hiệp thánh thiện giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Không thể chấp nhận chuyện những người cùng phái lấy nhau.

Đã có khoảng 200 người tụ tập biểu tình đòi giáo hội chấm dứt tình trạng “khủng bố tinh thần” chống lại những người đồng tính hay đổi phái. Sau đó có khoảng 100 người biểu tình bị bắt giữ vì đã có hành vi bạo động quá đáng. Một số người trong tổ chức “Dignity and Soul Force” cho rằng Giáo hội không đi đúng đường lối Phúc âm khi không mang lại an bình cho tâm hồn người ta, lại còn tạo nên bầu khí phân cách đối với người đồng tính.

Đức Cha Joseph A. Galante, Giám mục Phó của địa phận Dallas đã trả lời những người trong tổ chức Dignity and Soul Force rằng: “Phúc âm vẫn là Phúc âm. Trong đó luôn có thách đố, nhưng chắc chắn không có việc khơi mào bạo động hay thù hận đối với ai. Tuy nhiên có những người dùng Thánh kinh như để phục vụ cho mục đích riêng của mình chứ không phải để trung tín bước theo ý nghĩa xác thực của Tin Mừng.”

Hoa trái của Tin Mừng là bình an, thứ bình an do Thiên Chúa ban tặng chứ không phải đến từ thế gian. Có nhiều người lầm tưởng bình an là những cảm giác yên hàn, mọi chuyện xuôi đẹp, không có chông gai, chiến tranh, thập giá. Đây không phải là thứ bình an đích thực. Nó tuỳ thuộc vào ngoại cảnh. Nó không phải là thứ bình an mà Đức Giêsu đã hứa ban cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Bình an Chúa ban luôn có bóng hình thập giá.

Danh ngôn thế giới có câu “Nemo dat quod non habet” – Không ai cho kẻ khác điều mình không có. Vậy thì làm sao Đức Giêsu lại có thể có được an bình để trao ban cho các môn đệ khi mà trước mắt Ngài là những đau thương và ngăm đe của khổ hình thập giá, cùng với muôn sự ruồng bỏ dể duôi của bao người?

Có lẽ chỉ khi nhìn vào Đức Giêsu trong thời điểm đối diện với những gian nan thử thách, chiến đấu cam go, người ta mới thấy rõ hơn sự bình an sâu thẳm mà Ngài để lại cho các môn đệ như món gia bảo cuối đời. Đây là thứ bình an nội tại, một thứ bình an được kết tinh nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, thế nên, dù bóng cao thập giá có mịt mùng thì hồn Ngài vẫn là nguồn sáng cho nhân loại.

Một khi có được sự hiệp thông với Thiên Chúa thì dù gặp thành công hay thất bại, may mắn hay rủi ro, giàu có hay khó nghèo, chống đối hay ủng hộ, đều không làm người ta xao xuyến, nhát đảm, hoặc bất an. Còn khi bước sai lệch nẻo đường đến với Thiên Chúa thì dù muôn sự tưởng như thuận buồm xuôi gió hay an nhàn vô sự, tâm hồn vẫn mãi bất an cho đến khi tìm lại được ơn giao hoà.

“Ta để lại bình an cho các ngươi; Ta ban bình an cho các ngươi” (Ga 14:27a). Hẳn là Chúa Giêsu muốn nói đến sự bình an mà Ngài sẽ mang lại cho con người qua mầu nhiệm thập giá. Bởi vì bấy lâu nay, kể từ ngày Adong Eva sa ngã, nhân loại mãi sống trong tội, chạy theo những đam mê thế tục, để cho những tên giặc xác thịt khuấy động và làm bất an tâm hồn. Nay qua cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu mà an bình được ban xuống cho nhân loại. Chiếc cầu giao hoà giữa trời cao với đất thấp được lập nên nhờ thập giá.

Biết bao bạo động, chiến tranh sảy ra đều phát xuất từ những dục tình xấu xa nơi tâm hồn người ta. Muốn dẹp chiến tranh bạo động trước hết phải học chế ngự những mầm mống nổi loạn của trí lòng. Muốn chế ngự được những mầm mống đó không thể không có sự trợ lực của hy sinh, khổ giá. Nhưng điều kỳ lạ mà Tin Mừng Đức Kitô mang cho con người lại là chính khi đón nhận khổ giá thì bình an và sự sống lại phát sinh dồi dào.

Những lời sau đây trích trong sách “Gương Chúa Giêsu” đáng để chúng ta suy gẫm giữa bao vinh nhục, thăng trầm của cuộc sống:

Đời hứa bình an cho những ai phụng sự đời. Nhưng thứ bình an nền tảng ở tiền tài, sắc dục, kiêu ngạo… đã đánh lừa những người theo đuổi nó, và nó đã tiêu tan đi như giấc mộng đẹp.

Trái lại, bình an thực nền tảng ở một lương tâm thanh thản. Nó hệ tại biết kìm hãm ước muốn, biết tự thoát, khiêm nhường, hơn là thoả mãn dục vọng, ăn trên ngồi trốc.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thứ Bình an của Chúa, thứ bình an mà người đời không thể cho được, để chúng con được thư thả mà phụng thờ Chúa và được hạnh phúc an nghỉ trong Chúa cho đến muôn đời.

Thành tâm tuân giữ luật Chúa, bước theo Đức Kitô như Ngài đang “tiến đến với Cha” (Ga 14:28), dù bước tiến đó đầy chông gai, thử thách, và đau đớn xác thân, chắc một điều: an bình, niềm vui, và sự sống chính là phần thưởng cho những người môn đệ tín trung.

Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch