Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Năm A
Ed 34:11-12,15-17; 1Cr 15:20-26,28; Mt 25:31-46
Giáo hội thiết lập lễ Chúa Kitô, vua vũ trụ vào cuối năm phụng vụ có ý chỉ cho người Kitô giáo thấy, không những Chúa là khởi nguyên của mọi loài, mọi vật, mà còn là cùng đích của mọi sự.
Ðó chính là lời Chúa mạc khải cho thánh Gioan trong sách Khải huyền: Ta là Alpha và là Omêga (Kh 21:6 & Kh 22:13) có nghĩa là Chúa là nguyên thuỷ và là cùng đích của mọi loài, mọi sự, mọi vật. Cũng theo sách Khải huyền thì Chúa Kitô là Chúa trên các chúa, là Vua trên các vua (Kh 17:14) vì Người đã toàn thắng sự chết. Tất cả các vua chúa đều phải khuất phục thần chết, chứ không ai có thể tự mình sống lại. Còn Ðức Kitô-Vua đã tự chấp nhận cái chết và sau ba ngày đã toàn thắng sự chết bằng việc phục sinh khải hoàn.
Chính vì thế mà thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintô hôm nay đã rao giảng vương quyền của Ðức Kitô: Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc (1Cr 15:20). Cũng vì chấp nhận vương quyền của Chúa là Vua các vua, là Chúa các chúa, mà các vị anh hùng tử đạo đã sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho đức tin.
Trong kinh Tin kính, người tín hữu tuyên xưng cùng với Giáo Hội: Người sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết. Trong ngày phán xét, Chúa Kitô hiện ra như là Vua và là thẩm phán tối cao. Với tư cách là Vua, Chúa phải cai trị cho tới khi Thiên Chúa đặt mọi kẻ thù dưới chân như thánh Phaolô nhắc lại trong thư gửi tín hữu Corintô hôm nay (1Cr 15:25). Với tư cách là Thẩm phán tối cao, Ðức Kitô sẽ tách biệt chiên ra khỏi dê (Mt 25:32). Chiên và dê được nuôi cho ăn trong cùng một đồng cỏ. Ðêm đến người ta cho chiên và dê vào chuồng tách biệt và người ta cũng tách biệt khi đem chiên và dê ra chợ bán.
Vương quốc của Chúa Kitô được thể hiện rõ rệt nhất qua hình ảnh người chăn chiên. Theo bài trích sách ngôn sứ Êdêkien hôm nay thì vị ngôn sứ đã than trách những hành động bê trễ của các tư tế và vua xứ Giuđa trong việc săn sóc đàn chiên là dân Chúa chọn. Và rồi ngôn sứ Êdêkien tiên báo là Chúa sẽ đích thân đến đưa dẫn đàn chiên lạc trở về: Ta sẽ đích thân săn sóc chiên Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như người mục tử kiểm soát đàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm soát đàn chiên của Ta như vậy (Ed 34:11-12).
Khi mặc lấy thân xác loài người, sống giữa nhân loại, Ðức Kitô đã nêu gương phục vụ loài người bằng cách rửa chân cho các môn đệ và căn dặn họ cũng phải rửa chân lẫn cho nhau, nghĩa là phục vu lẫn nhau. Ðức tin của người công giáo vào ngày thế mạt hay ngày phán xét là dựa vào Thánh kinh. Thánh kinh Cựu ước cũng như Thánh kinh Tân ước đều nói về ngày phán xét. Và tiêu chuẩn cho ngày phán xét là việc bác ái phục vụ. Ðể cho phù hợp với lời Người giảng dạy, Ðức Kitô trong Phúc âm hôm nay đồng hoá với loài người khi Người phán: Bất cứ việc gì các con làm cho một trong những người hèn mọn nhất là các con làm cho chính Ta (Mt 25:40).
Như vậy Phúc âm cho thấy thành phần trong nước Trời mang theo trách nhiệm săn sóc, phục vụ giúp đỡ tha nhân như chính Chúa đã phục vụ. Ðức Kitô cho thấy ngoài mối liên hệ hàng dọc giữa thần linh và nhân loại, nghĩa là giữa Thiên Chúa và loài người, thì còn một liên hệ hàng ngang giữa người với người. Loài người là tuyệt tác phẩm của Thiên Chúa vì loài người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:26-27; 9:6) và được máu Con Thiên Chúa đổ ra để cứu chuộc (Dt 9:12). Vậy một trong những điều kiện để gia nhập vương quốc của Ðức Kitô-Vua là dựa trên việc bác ái phục vụ như: Con Người đã đến, không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (Mt 20:28). Về Trời rồi, thì Chúa cần dùng trái tim của ta để thoa dịu những nỗi thống khổ của loài người. Chúa cần dùng tay ta để nuôi dưỡng người đói khát, băng bó những vết thương người bệnh tật. Và Chúa cần dùng chân ta để đi thăm viếng người tù đầy và đau yếu...
Theo lời Chúa dạy thì trong ngày cánh chung, người ta sẽ phải chịu phán xét về trách nhiệm của mình đối với người lầm than xấu số. Cực hình sẽ được dành cho người không chịu phục vụ những người kém may mắn. Ðó là hình phạt mà người phú hộ đã phải gánh chịu vì khi còn sống không chịu giúp đỡ người nghèo đói là Ladarô (Lc 16:19-31). Người phú hộ bị kết án, không phải vì ông ta giầu có, nhưng vì ích kỉ, không chịu chia sẻ. Giáo lý Công giáo cũng dạy: Sự phán xét sau cùng này sẽ phơi bầy tất cả những hậu quả tối hậu của những gì mà mỗi người đã làm tốt, hoặc đã bỏ qua không làm trong cuộc đời trần gian của mình (GLCG # 1039). Có lẽ từ trước đến nay khi đi xưng tội, ta chỉ có thói quen xưng thú những tội lỗi ta đã phạm. Ðể nhắc nhở cho mình về giáo lí Chúa dạy, khi đi xưng tội, ta cũng cần xưng những tội mà mình bỏ qua, không làm cho người khác. Ðó là tội thiếu trách nhiệm liên đới với người lầm than, khổ cực.
Lời cầu nguyện xin cho được phán xét khoan dung:
Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng loài người giống hình ảnh Chúa
và cứu chuộc loài người bằng máu Ðức Kitô.
Xin dạy con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa
nơi người đói khát, vô gia cư, rách rưới, đau yếu, tù đầy.
Xin tha thứ những lần con bịt tai nhắm mắt
trước những nỗi thống khổ và rên xiết của người lầm than,
bất hạnh vì tính íck kỉ và lười biếng của con.
Xin ban cho con một trái tim biết rung cảm
để con sẵn sàng đáp ứng nhu cầu loài người. Amen.