Chúa nhật 2 Phục sinh, Năm A
Kính lòng thương xót của Chúa
Cv 2:42-47; 1Pr 1:3-9; Ga 20:19-31
Khi bà Maria Mácđala và mấy bà khác về đưa tin cho các tông đồ về tình trạng mồ trống của Thầy họ và có thiên sứ hiện ra bảo các bà về loan báo cho các tông đồ, đa số các ông cho đó là sản phẩm của trí tưởng tượng đàn bà (Mc 16:11, Lc 24:11). Có thể các ông bị ảnh hưởng bởi luật pháp Do thái thời bấy giờ, không công nhận lý chứng của đàn bà nơi toà án, nên các ông cũng coi thường lời tường thuật của các bà trong cộng đồng, ngoại trừ ông Gioan là người đã tin Thầy mình sống lại, khi ông thấy mồ trống và thấy khăn che đầu được xếp lại và để riêng biệt khỏi khăn liệm xác.
Cuộc tử nạn của Ðức Kitô là một tiếng sét đánh bên tai các tông đồ, làm tiêu tan mọi mối hi vọng của các ông. Trong ba năm theo Chúa làm môn đệ, Người tiên báo nhiều lần cho các tông đồ về cuộc khổ nạn mà Người sẽ phải chịu, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại (Mt 16:21; Mt 17:23; Mt 20:19; Mc 8:31; Mc 9:31; Mc 10:34; Lc 9:22; Lc 18:33; Ga 2:19). Các ông vẫn chưa hiểu ý nghĩa của lời Chúa tiên báo về việc phục sinh của Người và cũng chưa hiểu lời Thánh kinh Cựu ước về viêc chỗi dạy của Ðấng thiên sai (Tv 16:10; Hs 6:2). Các ông đã chứng kiến quyền phép của Thầy họ qua các phép lạ Người làm, nhưng các ông chưa chịu ghi nhận.
Chính lúc các ông đang cầu nguyện trong phòng đóng cửa kín mít vì sợ người Do thái làm khó dễ thì Ðức Kitô phục sinh đích thân hiện ra với các ông và phán: Bình an cho anh em (Ga 20:19). Lần này vắng mặt ông Tôma. Khi các ông báo tin cho Tôma về việc Thày họ đã sống lại, ông Tôma nhất định không tin. Ông đòi phải được nhìn thấy Chúa, phải nghe tiếng Chúa, phải sờ mó vào dấu đinh trên tay chân và dấu đòng trên cạnh sườn Người, ông mới tin. Tôma là người có óc thực tiễn. Chứng cớ ông đòi phải có nơi Chúa như vậy chứng tỏ ông là người thực tiễn vì ông đã phải đứng xa xa nhìn cảnh Thầy mình bị đóng đinh, nên mới biết được trên mình Chúa có những vết thương như vậy. Có lần kia khi Chúa nói Người sẽ đi và dọn chỗ cho các tông đồ, ông Tôma thắc mắc là các ông không biết Thầy họ đi đâu thì làm sao các ông biết đường lối (Ga 14:5)? Người ta có thể trách Tôma vì ông không chịu tin việc Thày mình sống lại. Tuy nhiên đây chỉ là một lần thánh Tôma tỏ ra cứng lòng tin. Sau khi Chúa đích thân hiện ra với ông, Tôma đã bày tỏ lòng tin một cách cá biệt, quả quyết và vững mạnh: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con (Ga 20:28). Lời tuyên xưng đức tin của thánh Tôma đáng làm mẫu mực và lặp lại hằng trăm, hàng ngàn lần cho tất cả những ai còn hồ nghi về quyền năng thiên tính của Ðức Kitô phục sinh.
Câu chuyện cứng lòng tin của thánh Tôma xem ra vẫn còn thích hợp trong thời đại ta đang sống. Trong thời đại khoa học thực nghiệm, người ta muốn kiểm chứng tất cả mọi giả thuyết. Tuy nhiên đức tin khác với khoa học. Ðức tin là một ân huệ do Chúa ban. Tuy nhiên đức tin không phải cái gì ta có thể nắm chắc trong tay, hay bỏ vào hộp an toàn ở nhà băng, hay bỏ vào bình sành chôn giấu dưới đất, nhưng phải luôn tìm cách bảo trì. Vì đức tin là một ân huệ nên người ta không cần dùng lý trí để tìm hiểu điều mình tin, bởi lẽ tin và hiểu biết thuộc hai lãnh vực khác nhau. Người ta không thể dùng lý trí hữu hạn để thấu hiểu những màu nhiệm trong đạo như màu nhiệm một Chúa ba ngôi, màu nhiệm nhập thể, màu nhiệm phục sinh, mà chỉ có thể chấp nhận bằng đức tin. Giả sử người ta hiểu được những màu nhiệm trong đạo thì cái gọi là đạo, không còn phải là đạo nữa, mà chỉ là một triết thuyết hay một hệ thống khoa học.
Nhưng mà tại sao người ta không hiểu mà lại tin? Thưa rằng tin là dựa trên thế giá của người đáng tin cậy. Người Kitô giáo tin vào việc Ðức Kitô sống lại là dựa vào Thánh kinh, dựa vào lời Người tiên báo trong Phúc âm, vào việc Người hiện ra với các tông đồ, và còn dựa vào những gương sống đạo trung thành của hằng ngàn, hằng vạn, hằng triệu giáo sĩ và giáo dân trên khắp thế giới.
Trong toà án Do thái thời bấy giờ, lí chứng của người bàn bà là vô hiệu năng. Như vậy việc làm chứng của bà Maria Mác-đa nơi toà án là không có giá trị rồi. Và trong bất cứ thời nào, người ta cũng coi: Nhất chứng, phi chứng: Testis unus, testis nullus. Trường hợp ở đây còn có mười một chứng nhân là các tông đồ và hai chứng nhân nữa là hai môn đệ đi thành E-mau (Lc 24:35). Trong đó mười tông đồ còn chấp nhận cái chết để làm chứng cho việc Thầy mình sống lại.
Tin vào Chúa không có nghĩa là không còn vấn nạn của cuộc sống. Vì thế ta thấy nhiều người có đức tin vững mạnh, nhưng họ vẫn gặp những khó khăn về đời sống, những bệnh tật, những đau khổ về phần xác cũng như về tinh thần. Như vậy đức tin phải giúp ta đương đầu với những đau yếu, bệnh tật, những khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Ðức tin đi vào đời ta một cách từ từ tiệm tiến. Quan sát và ghi nhận, ta nghiệm thấy rằng Chúa dẫn đưa ta từng bước qua những nẻo đưởng khác nhau của cuộc sống từ tuổi thơ ấu, qua tuổi trưởng thành, tới tuổi bạc đầu long răng: có khi phẳng lặng thênh thang, có lúc gồ ghề trắc trở.
Hôm nay cũng là Chúa Nhật sùng kính lòng thương xót của Chúa. Thứ Sáu Tuần thánh năm 1937, Chúa Giêsu hiện ra và bảo Nữ tu Faustina Kowalska cổ võ lòng thương xót Chúa. Chúa còn bảo làm tuần cửu nhật bắt đầu từ Thứ Sáu Chịu nạn bằng cách đọc chuỗi thương xót: Vì cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới như khi lần hạt mà đọc kinh Kính mừng vậy.
Lời nguyện theo kinh đọc ngày thứ nhất của Tuần cửu nhật Kính lòng Thương xót Chúa:
Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót,
bản tính Chúa là trắc ẩn, yêu thương và tha thứ.
Xin Chúa đừng nhìn đến tội lỗi chúng con,
nhưng hãy xem chúng con tín thác
vào lòng nhân hậu vô cùng của Chúa.
Xin hãy đón nhận hết thảy chúng con
vào trái tim từ bi lân tuất của Chúa,
đừng bao giờ để chúng con thoát khỏi nơi đó.
Chúng con cầu xin nhân danh tình yêu kết hiệp Chúa
làm một cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Amen.
Lm Trần Bình Trọng
________________________
- Bản dịch kinh của Văn Phòng Mục Vụ Tông Ðồ Fatima Việt Nam tại Hoa Kì từ bản Anh ngữ
Marians of the Immacualate Conception/ Association of Marian Helpers, Stockbridge, MA