CN_1_MV_BChúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm B

Is 63:16-17, 19b; 64:1, 3-8; 1Cr 1:3-9; Mc 13:33-37

Hằng năm, mỗi khi mùa Vọng đến, thường cho loài người cảm giác mong mỏi, đợi chờ. Bốn tuần lễ mùa vọng tượng trưng cho thời gian lâu dài mà dân Chúa trong Cựu ước mong đợi Ðấng Cứu thế. Vì thế mà Thánh kinh Cựu ước được gọi là câu chuyện đợi chờ.

Bài trích sách ngôn sứ Isaia hôm nay ghi nhận tội lỗi của dân Chúa: tội bất trung và quên lãng ơn Chúa. Do đó vị ngôn sứ khẩn cầu Chúa thương xót mà ngự đến để giải thoát dân chúng khỏi cảnh lầm than và đưa dẫn họ về đường trung nghĩa: Vì tình thương đối với tôi tớ, là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại (Is 63:17). Bằng lời cầu khẩn cho dân chúng, ngôn sứ Isaia khơi dậy nơi họ niềm hi vọng. Và dân chúng cũng nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của họ bằng niềm hi vọng đó. Trong khi họ mong đợi Chúa đến, họ cũng được nhắc nhở rằng Chúa cũng trông đợi họ bỏ đường tội lỗi để trở về với Chúa. Qua những bức thư gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô cho thấy giáo dân Corintô đang trải qua cơn khủng hoảng trong cộng đoàn. Cộng đoàn tín hữu Corintô thời đó bị phân tán bởi phe nhóm và sống trong cảnh vô trật tự sau khi thánh Phaolô rời cộng đoàn đi truyền giáo nơi khác. Vì thế thánh nhân khuyên họ sống trung thành cho đến cùng và đặt niềm hi vọng đợi chờ ngày Chúa đến lần thứ hai (1Cr 1:8). Còn giáo dân La mã thời bấy giờ thì đang trải qua cuộc bắt đạo. Thánh sử Marcô bảo họ phải tỉnh thức.

Phải chăng người tín hữu đời nay cũng đang gặp cảnh khó khăn thử thách về đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng? Phải chăng có những người cảm thấy ưu tư khi thấy những giá trị luân thường đạo lí đã bị đảo lộn? Có những người cảm thấy mất mát khi thấy gia đình đổ vỡ, những liên hệ giữa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cháu chắt đã trở nên lỏng lẻo, xa cách, nếu không nói là đã bị cắt đứt? Còn những ngưòi khác có thể cảm thấy lo âu khi thấy việc thực hành đức tin của con cháu đã trở nên bê trễ ?

Riêng đối với khối người di cư ra ngoại quốc, có những người có thể cảm thấy nhớ cảnh thân mật duới mái gia đình và cảnh quen thuộc của khu xóm, làng mạc, phố chợ khi xưa? Có những người cảm thấy luyến tiếc khi thấy con cháu không còn nhớ đến tổ tiên, họ hàng và không còn biết nói tiếng mẹ? Những người khác cảm thấy thua thiệt khi thấy khả năng ngôn ngữ của mình bị giới hạn? Có những người cảm thấy tủi hổ khi thấy mình già cả, bị con cháu cho qua mặt, không còn được coi là thích hợp và hữu dụng?

Thêm vào đó, người ta còn có thể gặp đau khổ, bệnh tật về thể xác hay tinh thần khiến nên đặt những câu hỏi tại sao. Tại sao Chúa gửi bệnh tật, đau khổ đến với ta? Tại sao Chúa gửi thánh giá, tai hoạ đến cho gia đình ta? Bệnh tật và sự chết là nhiệm mầu. Ta không hiểu được tại sao bệnh tật và sự chết đến với mỗi cá nhân vào thời điểm này?

Ðứng trước những cảnh khó khăn trắc trở, ngôn sứ Isaia nhắc nhở cho dân Do thái đặt niềm hi vọng vào Ðấng Cứu thế sẽ đến. Thánh Phaolô khuyên giáo dân Corintô phải trung thành đến cùng. Còn thánh sử Mác-cô nhắc đi nhắc lại cho giáo dân La mã đến bốn lần phải canh thức đợi chờ chủ đến (Mc 13:33, 35, 36, 37) vào lúc chập tối, lúc nửa đêm, lúc gà gáy, hay lúc tảng sáng. Tỉnh thức hay canh thức không phải là trạng thái tĩnh, ngồi chờ cách thụ động, nhưng là tư thế sẵn sàng chờ việc kế tiếp. Như vậy theo lời ngôn sứ Isaia, lời thánh Phaolô và lời thánh sử Mác-cô, ta phải cố gắng vươn lên để vượt thắng trở ngại, vượt lên trên hoàn cảnh thay vì để cho hoàn cảnh và trở ngại đè bẹp.

Mỗi người phải đặt cho mình một mối hi vọng nào đó: hi vọng con cái thành đạt, hi vọng có việc làm, hi vọng đời sống kinh tế gia đình sẽ được cải tiến, hi vọng đời sống đạo hạnh được phát triển, hi vọng mối liên hệ gia đình sẽ được phát triển, hi vọng ngày mai trời lại sáng. Còn hi vọng là còn cầu nguyện. Khi tuyệt vọng, người ta sẽ thôi cầu nguyện. Ðồi với người Do thái, thì Giavê là niềm hi vọng của họ. Ðộng lực khiến họ đặt hi vọng vào Ðức Giavê là những việc lạ lùng Người đã làm cho họ trong quá khứ. Ðối với ngưởi Kitô giáo, thì Chúa Cứu thế phải là nguồn hi vọng và là lẽ sống của mỗi người.

Mùa Vọng mà Giáo hội bắt đầu hôm nay là mùa hi vọng. Giáo hội dùng phụng vụ lời Chúa để khơi dậy trong ta lòng mong mỏi đợi chờ Chúa đến. Việc Chúa đến lần thứ nhất trong lịch sử loài người đã được thực hiện khi Chúa Cứu thế sinh tại Bêlem. Việc Chúa đến lần thứ hai cũng đã được thực hiện và còn tiếp tục được thực hiện khi Chúa đến bằng ơn thánh trong mỗi bí tích ta lãnh nhận, trong lời cầu nguyện và việc hi sinh bác ái ta làm. Việc Chúa đến lần thứ ba sẽ xẩy ra khi Chúa sai thiên thần đến gọi ta ra khỏi đời này. Việc Chúa đến lần bốn và là lần sau hết khi Chúa đến vào ngày sau hết để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nếu ta tỉnh thức đợi chờ, thì Chúa đến vào giai đoạn nào đi nữa trong ba giai đoạn cuối, thì việc đợi chờ của ta sẽ là đợi chờ trong hi vọng. Còn nếu không tỉnh thức, thì việc đợi chờ sẽ trở thành đợi chờ trong lo âu, sợ hãi.

Lời cầu nguyện: xin cho được biết đợi chờ trong hi vọng:

Lạy Chúa, Chúa là nguồn hi vọng của người tín hữu.

Xin dạy con giữ vững niềm hi vọng vào việc Chúa đến,

để giải thoát con khỏi cảnh lầm than, sầu khổ và tội lỗi.

Xin cho con biết tỉnh thức đợi chờ trong hi vọng.

Xin đừng để con bao giờ ngã lòng trông cậy Chúa.

Và xin Chúa là niềm hi vọng và là lẽ sống của đời con. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch