Chúa Nhật 4 Thường Niên, B
Ðnl 18:15-20; 1Cr 7:32-35; Mc 1:21-28
Có ai bao giờ mở máy truyền thanh hoặc truyền hình, nghe người nọ người kia diễn giảng về vấn đề chính trị hay đạo giáo nào đó mà người nghe chịu không nổi, liền tắt máy ngay, dùng hộp điều khiển tắt mở từ xa nhấn mạnh về hướng máy cho máy tắt liền không?
Ở đây không ai có ý nói về cá nhân diễn giả nào cũng không nói về đạo nào, mà chỉ nói chung vậy thôi. Tại sao lại có chuyện như thế? Lí do không hẳn là người nói có giọng buồn ngủ, trái lại diễn giả có thể có khoa nói hoạt bát, nhưng làm người nghe chán ngấy vì tính cách giả tạo, bốc thơm hoặc ngụy biện.
Tại hội đường Do thái, thầy tư tế hay người đứng đầu hội đường có quyền mời người diễn giảng trong đám cử tọa. Diễn giả được mời thường là người có học cao hiểu rộng và có ảnh hưởng trong cộng đồng. Như vậy thì những người kinh sư đã phải được mời diễn giảng trong hội đường như Phúc âm đề cập đến sự khác biệt giữa cách giảng dậy của Chúa với người kinh sư. Hôm nay Chúa Giêsu cũng được mời diễn giảng trong hội đường Do thái tại Ca-phác-na-um. Phúc âm ghi lại như sau: Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có quyền chứ không như các kinh sư (Mc 1:22). Nếu cử tọa trong Phúc âm hôm nay có dịp nghe Chúa tại Ðền thờ Giêrusalem lúc Chúa mới lên mười hai tuổi, thì họ cũng đã phải: Ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu (Lc 2:47). Hoặc nếu họ đã nghe Chúa tại hội đường Nadarét, họ cũng đã phải: Tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người (Lc 4:22). Phúc âm hôm nay còn ghi thêm: Chúa ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh (Mc 1:27).98
Vậy thì các kinh sư diễn giảng như thế nào? Khi diễn giảng, những người kinh sư thường trích dẫn lời giảng dạy của các thầy ráp-bi và rồi đưa ra một quan niệm và lập trường phổ thông của vấn đề. Họ tự nhận họ chỉ giảng dạy dựa trên quyền thế mà Môsê nhận được nơi Thiên Chúa. Họ thường tránh né việc trả lời dứt khoát trước những câu hỏi của dân chúng. Ngay cả các ngôn sứ cũng bắt đầu giảng dạy bằng câu vào đề: Thiên Chúa phán như thế hoặc Thiên Chúa phán thế nọ thế kia. Ðiều đó chứng tỏ các ngôn sứ cũng không dựa trên quyền thế của họ mà nói, nhưng là dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu đến, Người cắt đứt truyền thống giản dạy kiểu đó. Chúa chứng minh lời Người giảng dạy, không dựa trên quyền thế của ai, nhưng dựa vào quyền năng nội tại của chính Người. Vì thế mà Chúa nói: Anh em đã nghe Luật dạy (người xưa) rằng (Mt 5:21, 27, 31, 33, 38, 43). Còn Thầy bảo anh em biết (Mt 5:22, 28, 32, 34, 39, 44). Khi người ta hỏi Chúa, với dụng ý không phải muốn biết, nhưng để bắt bẻ và gài bẫy Chúa, thì Chúa tỏ ra uy quyền bằng cách trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi lại. Chẳng hạn khi Chúa giảng dạy trong Ðền thờ thì các trưởng tế, kinh sư và kỳ lão của dân đến hỏi: Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy (Mc11:28)? Rồi Chúa Giêsu đáp: Tôi cũng hỏi các ông một điều. Các ông trả được, thì tôi sẽ nói cho các ông biết, tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy (Mc 11:29).
Chúa không dựa vào mánh lới hay lời nói khôn khéo của người đời mà vẫn giữ được sự chú ý của người nghe, bởi vì Chúa xác tín về lời Người giảng dạy. Chúa tin điều Người nói và nói những điều Người muốn cho người ta tin. Chúa không cần chứng minh lời Người giảng dạy bằng việc trích dẫn. Chúa trả lời câu hỏi một cách trực tiếp và xác đáng. Chúa sống lời Người giảng dạy và kinh nghiệm những lời Người sống. Và bởi vì Chúa xác tín lời Người giảng dạy, cho nên Chúa không thỏa hiệp. Ðiều đó chứng tỏ những điều gì Chúa nói đều là lời Chúa chứ không phải là ý kiến hay quan niệm của quần chúng.
Từ khi bắt đầu cuộc sống công khai, người ta thấy Chúa giảng dạy và hành động dựa vào chính quyền thế của Người là Ðấng Cứu thế, là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Vì thế trước khi về trời Chúa truyền cho các môn đệ: Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được trao ban cho Thày. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ: nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều, Thày đã truyền dạy các con (Mt 28:18-20).
Lời Chúa trong sách Ðệ Nhị luật hôm nay, bảo Môsê rằng người ngôn sứ thật thì nhân danh Chúa mà nói và phải nói lời Người truyền dậy (Ðnl 18:20). Tuy nhiên vì vô thức nội tại hay áp lực ngoại lai, người rao giảng lời Chúa có thể cắt nghĩa lời Chúa cách sai lạc hoặc bóp méo lời Chúa, khiến cho giáo lí về đạo giáo trở thành lỏng lẻo để mong thu hút tín đồ nhất thời. Do đó chỉ có lời giảng dạy trung thực với đường lối Phúc âm mới có sức lôi kéo người nghe thực sự đến với Chúa và trở về hiệp nhất với nhau và với Giáo hội mà chính Chúa đã thiết lập. Qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, người tín hữu cũng được gọi để sống và làm chứng cho lời Chúa và quyền năng Chúa bằng lời nói và việc làm.
Ðể áp dụng thực hành, hôm nay ta cầu xin cho được biết yêu mến lời Chúa, tin tưởng vào lời Chúa và quyền năng Chúa trên các thần ô uế (Mc 1:27). Nếu muốn được tham phần vào quyền thế của Chúa trong lời giảng dạy, nói cách khác, nếu muốn được người ta chăm chú đọc hay nghe mình trình bầy, người giảng dạy hay viết sách phải trung thực với lời Chúa và đường lối Phúc âm. Hôm nay ta cầu xin cho được ơn biết phân biệt ngôn sứ thật với ngôn sứ giả. Như được mô tả trong Thánh kinh thì ngôn sứ giả thường thỏa hiệp theo quan niệm riêng hay thị hiếu của quần chúng. Do đó lời họ rao giảng thường nhắm chiều theo sở thích của người nghe hầu làm vừa lòng thính giả. Họ có thể làm khoái tai người nghe, nhưng không đánh động được tâm hồn người nghe hay đọc. Còn ngôn sứ thật thì xác tín rằng họ là sứ giả của Thiên Chúa. Họ dám nói lên sự thật dù có làm mất lòng. Nghe theo sứ điệp chân thật có thể làm ta chột dạ, khiến ta phải suy tư nghĩ ngợi. Chính việc suy tư nghĩ ngợi đó mới là khởi điểm cho những quyết định thay đổi tâm hồn và đời sống người nghe.
Lời nguyện xin cho được ơn biết tuân phục lời Chúa và quyền năng Chúa:
Lậy Chúa, ‘lời Chúa là thần khí và là sự sống’.
Hằng ngày có nhiều tiếng nói
trên phim ảnh, báo chí, truyền thanh, truyền hình, mạng tin
bảo con việc gì phải trái, điều gì phải tin hoặc hồ nghi.
Xin dạy con biết lắng nghe và nhận định
hầu có thể phân biệt đâu là sự thật, đâu là hư giả.
Và xin ban ơn để con biết đáp trả và thực thi lời Chúa
hầu được hưởng nhờ sự sống vĩnh cửu. Amen.
Lm Trần Bình Trọng