Chúa Nhật 31 Thường Niên, Năm BChúa Nhật 31 Thường Niên, Năm B

Dnl 6:2-6; Dt 7:23-28; Mc 12:28b-34

Ðọc chuyện tiểu thuyết tình cảm, hoặc coi phim ảnh về tình yêu lãng mạn, người ta thường bàn tán nhiều về chữ yêu. Những cử chỉ tỏ tình yêu của những nhân vật trong cốt chuyện, xem ra có vẻ lãng mạn và thơ mộng. Người ta quan niệm yêu là cảm giác âu yếm và trìu mến, một cảm tình lôi cuốn giữa hai người khác phái. Người ta viết về tình yêu; người ta đọc chuyện tình yêu; người ta phác hoạ cảnh yêu đương trên tranh ảnh nghệ thuật; người khác lại thơ mộng hoá tình yêu bằng những vần thơ bất hủ; có người còn phổ nhạc vào tình yêu nữa.

Tuy nhiên quan niệm về tình yêu trong đạo Thiên Chúa khác hẳn với quan niệm về tình yêu của loài người. Trong bài Phúc âm hôm nay, một người trong nhóm luật sĩ tiến đến hỏi Ðức Giêsu: Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu (Mc 12:28b)? Chúa Giêsu trả lời: Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi (Mc 12:30). Ðó cũng là lời trích dẫn từ sách Ðệ Nhị luật cho bài đọc Thánh kinh Cựu ước hôm nay (Ðnl 6:5).

Vậy thì thế nào là yêu mến Chúa? Khởi điểm của tình yêu mến Chúa là việc ý thưc về sự hiện diện của Chúa trong đời sống người tín hữu, trong những vẻ đẹp thiên nhiên, những kì công của vũ trụ, những nét hồn nhiên của trẻ thơ.. Ðiểm thứ hai của tình yêu mến Chúa là việc tuân giữ giới răn Chúa như lời Chúa Giêsu dạy: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy (Ga 14:23).

Vậy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực nghĩa là sao? Ðây là kiểu nói của người Do thái nói lên tính cách toàn diện và trọn vẹn của tình yêu và có nghĩa là yêu bằng toàn diện con người chứ không cần phải phân tích và xét xem làm sao để yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực? Làm như vậy chỉ mệt óc mà thôi.

Rồi Chúa Giêsu tiếp tục dạy về giới răn quan trọng thứ hai: Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình (Mc 12:31). Lần này Chúa trích dẫn giới luật từ sách Lêvi (Lv 19:18). Hai giới răn quan trọng này có thể được gồm tóm lại trong một giới răn yêu thương song đôi như lời thánh Gioan dạy: Ai yêu mến Chúa thì cũng phải yêu thương người anh em (1Ga 4:20). Ðể có thể cảm nghiệm được tình yêu ba chiều, người ta phải:

Ý thức về thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình trước mặt Chúa. Vậy làm sao ý thức được về thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình? Có những tội mà trước kia người ta không coi là tội. Sau một cuộc tĩnh tâm sốt sắng có sửa soạn trước, sau một cuộc hành hương mà tâm hồn được đánh động, sau một cơn bệnh trầm trọng mà được chữa khỏi hay sau việc bàn chuyện linh hồn với linh mục giải tội, hoặc sau khi dấn thân vào một phong trào canh tân đời sống thiêng liêng, người ta thường có được tâm trạng ý thức được về tội lỗi của mình.

Tại sao sau khi được khỏi bệnh hiểm nghèo mà người ta lại có được tâm trạng ý thức về tội lỗi mình được? Thưa rằng sau khi được chữa khỏi bệnh tật thì người ta cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu của Chúa, khiến mình ý thức về tội lỗi mình. Cũng như thánh Phêrô sau mẻ lưới lạ lùng đầy cá, đã ý thức được quyền năng của Chúa, đồng thời ý thức về sự yếu hèn và tội lỗi của mình, mới thốt lên: Xin Thầy tránh xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi (Lc 5:8). Có những việc làm trước kia người ta không coi là tội. Sau khi được chỉ bảo đó là tội và chính đương sự cũng nhận là tội, họ ăn năn bằng những giọt lệ sám hối. Sau khi được ơn thức tỉnh tâm hồn bằng tâm tình sám hối, họ cảm thấy đói khát về nhu cầu thiêng liêng. Lúc này không ai bảo họ phải làm gì và sống thế nào. Họ tự ý làm những việc đạo đức như đọc kinh cầu nguyện, dâng lễ và làm việc từ thiện bác ái.

Từ khi ý thức được tội lỗi, người ta ăn năn sám hối, xưng thú tội lỗi để được ơn tha thứ. Xưng thú tội lỗi với lòng chân thành và sám hối thì tội được tha. Tuy nhiên để được cảm nghiệm sống gần bên Chúa, người ta nên duy trì tâm tình sám hối trong suốt cả cuộc sống. Ðể có thể ý thức về tội lỗi mình và khơi dậy và duy trì tâm tình sám hối, người ta phải xin cho được ơn biết kính sợ Chúa: sợ làm mất lòng Chúa. Khi Thiên Chúa đặt để những công thức toán học, những định luật vật lí học, những phương trình hoá học trong vũ trụ, thì Thiên Chúa cũng đặt để những nguyên tắc dẫn đàng thiêng liêng vào trong tâm khảm của con người. Nói như vậy có nghĩa là khi người ta làm việc đạo đức/thiêng liêng này, người ta sẽ có được tâm tình đạo đức/thiêng liêng khác đi theo. Như vậy thì được tha thứ rồi, người ta sẽ nảy sinh ra tâm tình thứ hai là:

Cảm tạ Chúa đã đoái thương đến thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình. Đuợc tha thứ tội lỗi hay được chữa khỏi bệnh hay thoát khỏi cảnh nguy hiểm sẽ đưa người ta đến cảm tình biết ơn. Biết ơn về lòng tha thứ của Chúa là một việc có thể học được bằng kinh nghiệm. Lúc đầu ta có thể khó tin rằng tội lỗi của mình đã được tha thứ, nhất là đối với những người bối rối, mặc dầu đã đi xưng thú tội lỗi. Với thời gian tiếp tục kêu xin Chúa tha thứ và cậy nhờ vào lòng nhân từ của Chúa, cảm tình đội ơn Chúa về lòng thương xót tha thứ của Người sẽ dần dà thấm nhập vào tâm hồn ta. Hai cuộc thức tỉnh trong tâm hồn là ý thức về tội lỗi mình, đồng thời biết ơn Chúa đã đoái thương đến mình, sẽ đưa đến tâm tình thứ ba là:

Có được cảm nghiệm gần gũi Chúa và vui sống đức tin. Trước đó người ta có thể giữ đạo vì luật buộc, vì sợ tội nếu không giữ. Người ta giữ đạo, nhưng vẫn có thể sợ Chúa, trách móc và oán hờn Chúa. Và nếu như vậy thì khó có thể nói được là yêu mến Chúa hết lòng. Bây giờ người ta đến với Chúa như là bạn hữu, thay vì sợ sệt và xa cách. Từ cảm nghiệm được gần gũi Chúa và vui sống đức tin sẽ đưa đến hiệu quả thứ bốn là:

Mức độ giảm thiểu những tranh chấp và xung khắc với tha nhân. Kết quả là người ta sẽ thấy mình bớt nói hành, nói xấu, xét đoán, bỏ vạ, cáo gian, thoá mạ, vu khống trong đời sống hàng ngày. Như vậy mức độ giảm thiểu những tranh chấp và xung khắc với tha nhân sẽ giúp người ta dễ dàng yêu mến tha nhân hơn. Cảm tình vui sống đức tin còn đưa đến hiệu quả thứ năm trong mối liên hệ với chính mình là:

Chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình. Nếu được tạo dựng có thân hình khoẻ mạnh, có tầm vóc, có trí thông minh với tài năng nọ, ưu điểm kia, ta cần cám đội ơn Chúa. Nếu mang thân xác nhỏ bé, hay ốm đau, trí khôn kém lanh lợi, tính tình khó chịu, ta cũng học để chấp nhận và dâng lên Chúa. Có những trường hợp, chấp nhận không có nghĩa là mình cứ cắn răng chịu đựng khi bệnh tật giầy vò hoặc để cho tính xấu lấn át. Khi gặp bệnh hoạn, ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Tuy nhiên bao lâu còn mang bệnh tật trong người, ta cầu xin cho được ơn biết chịu đựng vì tin yêu. Còn nếu không chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình, không bằng lòng với chính mình, người ta sẽ than thân trách phận, khó có thể nói được là người ta yêu mình. Như vậy yêu mình có nghĩa là thoả hiệp với chính mình. Yêu mình còn có nghĩa là biết tha thứ cho mình sau khi đã làm lỗi. Yêu mình là sống bình an với chính mình.

Người ta có thể đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện liên lỉ chăm chú để làm tăng triển mối liên hệ với Chúa. Tuy nhiên đối với mình, thì người ta lại bất mãn, than thân, trách phận. Còn đối với tha nhân người ta lại nói hành, nói xấu, ghen ghét, hận thù.. Lòng đạo đức như vậy có thể là một thứ đạo đức bệnh hoạn. Và yêu Chúa như vậy cũng có thể là một thứ tình yêu bệnh hoạn. Vậy chỉ khi nào người ta chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình với những khuyết điểm, những lỗi lầm của mình, những giới hạn của mình, rồi dâng lên Chúa thì người ta mới có thể yêu Chúa và đến với tha nhân trong mối liên hệ an bình được.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết yêu như Chúa dạy:

Lạy Chúa cả Ba Ngôi! Chúa là tình yêu.

Xin đổ tràn đầy tình yêu Chúa vào tâm hồn con

để đời sống con được phản ảnh bằng tình yêu của Chúa.

Xin dâng lên Chúa bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của con

để Chúa sửa sang và uốn nắn nếu đẹp ý Chúa.

Xin dạy con biết thoả hiệp với chính

để con có thể đến với Chúa và tha nhân

với tâm hồn an vui và rộng mở. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch