CN_20_TN_BChúa Nhật 20 Thường Niên, Năm B

Cn 9:1-6; Ep 5:15-20; Ga 6:51-59

Khi ma qủi thách thức Ðức Giêsu biến đá thành bánh mà ăn, Chúa liền trích lời sách Ðệ nhị Luật (Dt 8:3) mà quở trách nó: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4:4). Lời Chúa trong Thánh kinh đã trở thành lẽ sống cho người Do thái hằng bao nhiêu ngàn năm, ngay cả trước khi Chúa cứu thế giáng trần.

Họ đặt tin tưởng vào lời Chúa, lời Chúa hứa qua tổ phụ Áp-ra-ham, và qua các ngôn sứ đại khái như sau: Chúa là Thiên Chúa của họ, Ðấng sẽ bảo vệ họ, săn sóc họ và đưa họ về đất hứa. Người Tin lành cũng sống bằng lời Chúa: lời Chúa giữ vững niềm tin của họ, lời Chúa là ánh sáng và là niềm hi vọng của họ. Còn đối với người công giáo, ngoài lời Chúa là lời hằng sống, là của ăn thiêng liêng, còn có Mình thánh Chúa là bánh hằng sống.

Phúc âm hôm nay mời gọi dân chúng tin vào bánh hằng sống. Chúa Giêsu biết lời Người giảng dạy về bánh hằng sống làm dân chúng chướng tai. Họ thắc mắc hỏi nhau: Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được (Ga 6:52)? Ngay cả các môn đệ cũng cảm thấy chói tai, khi nghe Chúa giảng dạy về của ăn thiêng liêng là thịt máu Người. Tuy nhiên Chúa không rút lại lời Người giảng dạy. Chúa không thay đổi lời Người rao giảng  với  hi vọng bắt được mẻ cá lớn, nghĩa là thu hút được nhiều người nghe theo. Lời giảng dạy của Chúa là lời xác tín. Và bởi vì Chúa xác tín về lời Người giảng dạy, nên Chúa không thoả hiệp theo quan niệm và ước muốn của quần chúng, Người vẫn nói sự thật: Thịt tôi là thật của ăn, và máu tôi là thật của uống (Ga 6:55).

Không phải chỉ có người Do thái tranh luận với nhau làm sao ông Giêsu có thể ban cho họ thịt máu Người làm của ăn thiêng liêng. Trải qua suốt dòng lịch sử Ki-tô giáo, người ta cũng tranh luận tương tự như vậy về sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể. Từ khi Lu-tê-rô tách rời khỏi Giáo hội công giáo và thiết lập giáo phái riêng, thì từ đó nhiều giáo phái Kitô giáo xuất hiện. Ða số các giáo phái Kitô giáo ngày nay chỉ nhấn mạnh đến việc giảng lời Chúa, mà không tin mình thánh Chúa. Một số giáo phái Kitô giáo khác, ngoài phần rao giảng lời Chúa, còn có nghi thức tưởng nhớ bữa tiệc ly của Chúa và các môn đệ, được cử hành tương tự như thánh lễ công giáo. Tuy nhiên họ chỉ coi việc bẻ bánh như một kỉ niệm, một hình bóng biểu hiệu sự hiện diện của Chúa mà thôi, chứ không coi đó thực sự là mình thánh Chúa.

Ðó là lí do tại sao Giáo hội công giáo không thể mời gọi người ngoài công giáo lên rước lễ trong nhà thờ công giáo. Mời gọi người không tin có Chúa hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh thể lên rước lễ trong nhà thờ công giáo thì sợ rằng đó là việc phạm thánh chăng? Giáo hội công giáo cũng không cho phép người công giáo rước lễ trong nhà thờ không phải là công giáo. Lí do là vì người công giáo tin rước lễ là rước mình thánh Chúa mà khi rước lễ trong nhà thờ mà bánh không phải là mình thánh Chúa thực sự, thì e rằng việc tin tưởng của người công giáo là việc tin ngẫu tượng chăng?

Ngày nay có những người công giáo bị ảnh hưởng bởi những giáo phái khác, có khuynh hướng nhấn mạnh đến việc đọc lời Chúa, họp nhau chia sẻ lời Chúa, mà không quan tâm đến việc đi dự lễ để được rước Mình thánh Chúa. Ðối với người công giáo, lời Chúa và Mình thánh Chúa đều là lương thực thiêng liêng. Ðọc lời Chúa và suy gẫm lời Chúa mà không đi dự lễ để được kết hiệp với Chúa trong Bí tích Thánh thể thì mất đi căn tính của người công giáo. Cha ông ta thường nói quen quá hoá nhàm, nghĩa là người ta không quí trọng điều mà ngưòi ta có trong tay. Chỉ khi nào ngưòi ta mất đi, người ta mới cảm thấy luyến tiếc. Giả sử trong một thời gian khá lâu vắng bóng linh mục và không có thánh lễ, người ta mới đánh giá đuợc tầm quan trọng của thánh lễ.

Ðể làm tăng triển đức tin về sự diện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, người tín hữu nên đi thăm viếng những nơi có phép lạ Thánh Thể xẩy ra hầu hết tại Ý Đại lợi. Khoảng năm 750, ở Luciano, Ý Đại lợi, một linh mục dòng hồ nghi sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể. Chúa muốn làm chứng sự hiện diện thực sự cùa Người trong Bí tích Thánh thể, thì ngay sau khi đọc lời truyền phép bánh rượu, linh mục đó thấy bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu. Phép lạ bánh rượu trở thành thịt máu vẫn được giữ trong nhà nguyện tại Luciano. Những thử nghiệm được thực hiện gần đây một số lần do những chuyên viên khác nhau đều xác quyết đó là thịt máu, không bị hư nát.

Dịp lễ phục sinh năm 1171 tại Vương cung Thánh đường thánh Maria ở Ferrara, Ý Ðại Lợi, đang khi bẻ bánh trong thánh lễ, một linh mục thấy máu thánh từ bánh thánh tuôn toé lên trần bàn thờ. Ngày nay người ta vẫn còn thấy vết máu thánh trên trần bàn thờ Vương cung Thánh đường.

Vào năm 1263, một linh mục người Ðức, nổi tiếng về khôn ngoan và đạo đức, nhưng lại đa nghi: cho rằng sao bánh rượu sau khi truyền phép có thể trở thành thịt máu thánh Chúa? Vào một dịp kia khi linh mục đương sự đến thăm Bolsena, Ý Đại Lợi, xin dâng thánh lễ tại nhà thờ thánh Christina. Lúc đọc lời truyền phép, thấy bánh thánh biến thành thịt có vết máu và khăn thánh có thấm máu. Hoảng sợ, linh mục đó ngừng dâng lễ, đặt Mình Thánh với lòng kính tin và tôn thờ vào nhà trạm, ăn năn sám hối về tội hồ nghi, vội vàng đến xưng thú tội với Ðức Giáo hoàng Urbano I đang cư ngụ tại Orvieto gần Bolsena lúc bấy giờ. Ðức Giáo hoàng cho rước Mình Thánh Chúa qua phép lạ về nhà thờ chính toà Orvieto và đặt trong nhà trạm. Đó là buổi rước kiệu Thánh Thể đầu tiên trong Giáo hội. Năm sau: 1264, Ngài thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa. Hằng năm vào ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, phép lạ Thánh Thể này được trưng bầy cho dân chúng đến chiêm ngưỡng.

Rồi còn phải nhắc đến những phép lạ Thánh thể như phép lạ Thánh thể của thánh Antôn Padua tại Ý Đại Lợi, năm 1227; phép lạ thánh thể tại Alatri, Ý Ðại lợi năm 1228; phép lạ Thánh thể của thánh Clara, năm 1240 tại Ý Đại lợi; phép lạ thánh thể ở Bagno Romagna tại Ý Ðại Lợi, năm 1412; phép lạ Thánh thể tại Turin, Ý Ðại lợi, năm 1453; phép lạ Thánh thể ở Siena, cũng tại Ý, năm 1730; phép lạ thánh thể chữa bệnh ở Lộ Ðức, Pháp quốc, năm 1888; phép lạ Thánh thể chữa bệnh mù của chị Marie Louise Horeau, năm 1889; phép lạ Thánh thể chống bệnh tê liệt của Gabriel Gargam tại Bordeau ,năm 1899; phép lạ có hình in trên Bánh thánh tại đảo La Réunion, Phi Châu,  năm 1902. (1)

Lại có những người mang những khổ đau, tủi nhục trong thân xác cũng như tâm hồn, mà không thể tâm sự được với ai, cũng không khóc được trước mặt người nào. Họ chỉ có thể khóc trước nhà trạm có Mình Thánh Chúa ngự. Và như vậy thì không gọi được là phép lạ thánh thể sao? Lần kia một linh mục VN sống ở ngoại quốc quyết định đi cấm phòng riêng tại một tu viện nhỏ miền đồi núi. Chiều tối linh mục đương sự vào nhà nguyện một mình, quì trước Thánh Thể Chúa ngự chỉ cách nhà trạm khoảng một mét. Trước khi nói ra lời, nước mắt linh mục đó tuôn trào đầm đìa trên hai gò má. Từ đó, đời ông linh mục đó, về một vài phương diện nào đó, đã được thay đổi.

Giờ phút cảm nghiệm được sự thân mật với Chúa Thánh thể, đến với mỗi người vào những thời điểm, hoàn cảnh và trường hợp khác nhau. Không ai giống ai.

Lời cầu nguyện xin cho được lòng tin vào Bí tích Mình Máu thánh Chúa:

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể!

Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con

lương thực thiêng liêng là Mình Máu Thánh Chúa.

Xin Chúa tha thứ những lần con rước lễ bất xứng,

những lần con hồ nghi sự hiện diện của Chúa

trong Bí tích Thánh thể.

Xin Mình Máu Thánh Chúa mà con lãnh nhận

làm no thoả những đói khát thiêng liêng của con. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng

_____________________

  1. Các phép lạ Thánh thể ghi trong bài này được tóm tắt từ: Coggi, R. Little Catechism on the Eucharist. New Hope, Kentucky. New Hope Publications, 2005, trang 56-79.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch