Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm B
Gn 3:1-5,10; 1Cr 7:29-31; Mc 1:14-20
Nhận được sứ điệp rao giảng sám hối cho dân thành Ni-ni-vê ngoại đạo, ngôn sứ Giô-na quyết định bỏ trốn vì ông cho rằng chỉ có dân Chúa mới cần nghe sứ điệp sám hối.
Ninivê là thủ đô của nước Át-sua, thù địch của Do thái vào thế kỉ thứ tám trước kỉ nguyên. Ninivê nằm bên tả ngạn sông Tigris, bên kia là thành phố Monsul hiện đại của nước I-rắc. Do đó mà Giôna không muốn cho dân thành Ninivê sám hối kẻo Chúa lại động lòng thương xót mà tha thứ cho họ chăng? Lần thứ hai ngôn sứ Giôna nhận lệnh Chúa để rao giảng cho dân thành Ninivê. Và lần này ông đã vâng lệnh Thiên Chúa. Việc Chúa sai Giôna đi rao giảng sứ điệp sám hối cho dân thành Ninivê cho thấy rằng Chúa là Thiên Chúa của mọi dân tộc, chứ không riêng gì cho người Do thái như ông Giôna lầm tưởng lúc đầu khi trí óc còn hẹp hòi và thiển cận.
Vừa thoạt nghe ngôn sứ Giôna báo trước tai hoạ sẽ xẩy đến cho thành Ninivê: Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ (Gn 3:4), dân thành Ninivê lập tức ăn chay, mặc áo nhặm. Ðối với họ, việc ăn chay, mặc áo vải thô chưa đủ, họ còn từ bỏ đường tội lỗi. Và điều đó mới đáng kể. Câu chuyện Giôna rao giảng sứ điệp sám hối cho dân ngoại phải làm thức tỉnh thái độ tự mãn của dân được Chúa chọn. Nếu Thiên Chúa cho dân thành ngoại giáo Ninivê cơ hội ăn năn sám hối tội lỗi và họ sẵn sàng lắng nghe, và nếu dân thành Ninivê sẵn sàng trở về cùng Chúa thì tại sao dân được chọn trong Cựu ước cũng như Tân ước lại không làm như vậy mà trở về với Chúa?
Hôm nay trong sứ điệp Phúc âm, chính con Thiên Chúa là Ðức Giêsu kêu gọi loài người sám hối: Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Phúc Âm (Mc1:15. Khi nghe sứ điệp sám hối, các ông thuyền chài Simon Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đều từ bỏ nghề cũ, cắt đứt những liên hệ quá khứ để đi theo Chúa.
Ngày nay, nhiều người tín hữu cũng bỏ ngoài tai lời kêu gọi sám hối là vì người ta không nghĩ đến chết. Nói đến chết người ta cho rằng sự chết chỉ xẩy đến cho người khác, chứ không xẩy ra cho mình, hay chưa xẩy ra cho mình. Lý do thứ hai khiến nhiều người bỏ qua việc sám hối vì họ cho rằng họ không trộm cướp, không ngoại tình, không giết người, không bỏ lễ Chúa nhật...
Ðể có được tâm tình sám hối, điều thiết yếu là phải nhìn vào đời sống nội tâm để tìm căn nguyên cội rễ của tội như ghen tuông, hận thù, giận ghét, nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, tức bực, kiêu hãnh, gian tham... Ðó là những rác rưởi của tâm hồn. Nếu khi dọn nhà, ta cần cho đổ rác vì không muốn ngửi mùi hôi, thì khi dọn nhà tâm hồn, ta cũng cần đổ rác rưởi trong tâm hồn. Ðể có được tâm tình sám hối, người ta phải xin cho được ơn biết kính sợ Chúa, không phải sợ Chúa mà không dám đến với Người, nhưng là kính sợ Chúa kẻo làm mất lòng Chúa. Kính sợ Chúa là ơn cần thiết cho phần rỗi linh hồn và là ơn quan trọng trong bảy ơn Chúa Thánh thần nếu xét về sự cần thiết cho việc cứu rỗi. Không biết kính sợ Chúa thì khó mà có được tâm tình sám hối.
Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế về Phụng vụ thánh có khẳng định: Giáo hội loan truyền sứ điệp cứu rỗi cho những kẻ không tin để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật cùng Ðấng Ngài sai là Ðức Giêsu Kitô, và thống hối, từ bỏ con đường của họ (PV # 9). Thế rồi Công Ðồng cũng xác định trong cùng một văn kiện là: Còn đối với các tín hữu, Giáo hội phải luôn rao giảng đức tin và sự thống hối (PV # 9).
Sứ điệp thống hối hay sám hối thích hợp cho mọi thời đại, mọi hoàn cảnh và mọi lớp người. Sám hối là từ bỏ đường tội lối cũ, trở về với Chúa. Sám hối không có nghĩa là việc đổi mới bên ngoài, nhưng là việc hoán cải nội tâm, có ảnh hưởng sâu rộng trong tâm hồn. Sám hối khác với mặc cảm tội lỗi và không phải là mặc cảm tội lỗi. Khi xưng thú tội lỗi với lòng chân thành từ bỏ, mà được tha thứ là tội được tha, không cần phải hồ nghi, bối rối, lo lắng xem tội có được tha hay không? Tuy nhiên người tín hữu đạo hạnh nên khơi dậy và duy trì tâm tình sám hối, cần thiết cho việc sống gần gũi với Chúa.
Ðem ý tưởng sám hối đền tội vào việc làm, nhất là việc làm mà mình không thích hay việc chịu đựng những trái ý về lời nói, cử chỉ, hành động, hoàn cảnh .. sẽ giúp cho việc làm hay việc chịu đựng trở nên nhẹ nhàng. Chẳng hạn như cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin chịu đựng những lời nói trái ý, những việc làm trái ý, những hoàn cảnh trái ý vì lòng yêu mến Chúa, để đền bù tội lỗi con và tội lỗi nhân loại. Lời cầu nguyện như vậy sẽ giúp ta hạ cơn nóng xuống dễ dàng.
Việc mà thánh nữ Têrêsa hài đồng đã sống, được ghi lại trong chuyện Một Tâm Hồn như sau. Chuyện kể rằng khi ngồi giặt quần áo, có một chị bạn vì ghen tuông gì đó, đã làm bắn bọt sà bông vào quần áo chị Têrêsa, thánh nữ Têrêsa không phản đối, nhưng chịu đựng việc làm trái ý vì yêu mến Chúa, coi bọt sà bông như những cánh hoa hồng dâng lên Chúa, để cầu nguyện cho kẻ tội lỗi được ơn trở lại. Thánh Têrêsa đã biết kết hiệp với Chúa trong công việc làm hằng ngày. Sống trong nhà kín, ít được học đến nơi chốn, khi qua đời mới hai mươi bốn tuổi xuân, chưa thể viết sách để hệ thống hoá một nền thần học kết hiệp, thánh nữ Têrêsa chỉ biết sống và thực hành tinh thần kết hiệp. Việc làm của thánh nữ còn là việc hoạt động truyền giáo, mặc dầu chỉ sống trong nhà kín.
Tâm tình sám hối rất là quan trọng trong đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Được tha thứ tội lỗi trong toà cáo giải rồi, người ta không cần mang mặc cảm tội lỗi hoặc hồ nghi xem tội mình có được tha không? Tuy nhiên hối nhân nên khơi dậy tâm tình sám hối. Có được tâm tình sám hối, người ta sẽ nảy sinh ra hai tâm tình khác. Ðó là tâm tình khiêm tốn, coi mình là yếu hèn và tội lỗi. Và chỉ khi nào người ta coi mình là yếu hèn và tội lỗi, người ta mới cảm thấy cần Chúa và đi tìm Chúa. Có được tâm tình sám hối, người ta sẽ nảy sinh ra tâm tình thứ hai là tâm tình biết ơn: biết ơn Chúa đã đoái thương, tha thứ tội lỗi cho mình, và biết ơn Chúa đã đoái thương đến thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình. Và có được tâm tình sám hối và những tâm tình đi theo là khiêm tốn và biết ơn rồi, người ta sẽ cảm thấy gần gũi với Chúa trong đời sống hằng ngày và dễ dàng khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống và cảm nghiệm được niềm vui sống đức tin.
Lời cầu nguyện: xin cho được ơn sám hối:
Lạy Chúa, Chúa muốn cho người tội lỗi
ăn năn trở lại để được sống.
Xin cho tội nhân nhận thức được rằng:
tội lỗi họ đã xúc phạm đến Chúa.
Cũng xin cho họ biết đáp lại sứ điệp sám hối
để họ được nhận lãnh ơn tha thứ.
Và xin cho con cũng luôn ý thức được rằng
con cũng cần sám hối và lòng thứ tha của Chúa. Amen.
Lm Trần Bình Trọng