CN_17_TN_BChúa Nhật 17 Thường Niên, Năm B

2V 4:42-44; Ep 4:1-6; Ga 6:1-15

Ðám đông dân chúng theo Ðức Giêsu vì họ thấy những phép lạ Người làm, chữa người đau yếu bệnh tật. Họ say mê nghe lời Người giảng dạy và xem việc Người làm đến độ quên rằng trời đã xế chiều và lại quên mang thức ăn.

Biết họ không có gì ăn, mà cho họ về nhà thì đường xá lại xa xôi cách trở. Vì thế Ðức Giêsu quyết định làm phép lạ hoá năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá ra nhiều để nuôi dưỡng họ. Ðọc Thánh kinh, ta thấy mỗi lần Chúa làm phép lạ đều do người ta xin. Lần này Ðức Giêsu làm phép lạ mà không có người xin, vì Người quan tâm đến nhu cầu thể xác của họ. Không thấy ai trong số năm ngàn người theo Chúa kêu đói và xin ăn. Các tông đồ cũng không đề nghị giải pháp nào cho họ ăn. Câu hỏi Ðức Giêsu hỏi Philiphê sao mua bánh ở đâu cho họ ăn có thể chỉ là câu hỏi giả vờ để thử các tông đồ mà thôi.

Bài trích sách các Vua quyển hai kể lại việc ngôn sứ Ê-li-sa dùng quyền năng Chúa ban để làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho dân chúng ăn. Câu chuyện Thánh kinh được kể lại như sau. Trong thời nạn đói, có người đem đến cho ngôn sứ Ê-li-sa hai mươi ổ bánh. Mặc dù không đủ cho một trăm người ăn, vị ngôn sứ vẫn phân phát cho dân chúng. Kết quả là khi họ đã ăn no nê, mà vẫn còn dư lại (2V 4:42-44).

Phúc âm hôm nay ghi lại Chúa Giêsu cầm bánh, tạ ơn trước khi phân phát cho dân chúng.  Bằng việc tạ ơn trước khi phân phát, Chúa muốn dạy ta bài học về việc cảm tạ khi nhận lãnh. Biết cảm tạ bao hàm ý nghĩa tuỳ thuộc vào Chúa. Bài học thứ hai Chúa muốn dạy ta là không nên phung phí đồ ăn thức uống. Sau khi nuôi dân chúng bằng phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa bảo các tông đồ thu đồ ăn còn dư lại kẻo phí phạm và họ thu được mười hai thúng đầy bánh còn dư (Ga 6:13). Bài học thứ ba là Chúa muốn sửa soạn tâm trí các tông đồ để họ đón nhận Bí tích Thánh thể mà Chúa sẽ thiết lập sau này. Chúa làm phép lạ hoá bánh nuôi dân là do lòng thương xót của Người vì dân chúng không có gì ăn. Tuy nhiên mối quan tâm của Chúa còn đi xa hơn nữa, sâu xa hơn việc đáp ứng nhu cầu đói khát của ăn vật chất của dân chúng.

Thánh Gioan nhắc đến lễ Vượt qua gần đến sau phép lạ hoá bánh. Bữa ăn vào ngày lễ Vượt Qua là hình bóng của bữa Tiệc ly. Ngay trước lễ Vượt Qua mà Ðức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, thì khi Người lập Bí tích Thánh Thể vào dịp lễ Vượt Qua, phải khiến các tông đồ nhớ lại và liên tưởng đến phép lạ hoá bánh. Phép lạ hoá bánh theo Phúc âm thánh Gioan đã được Phúc âm nhất lãm thuật lại (Mt 14:13:21; Mc 6:33-44; Lc 9:10-17).

Thường thì thánh sử Gioan không thuật lại phép lạ đã được các thánh sử ghi chép rồi. Còn khi thuật lại cùng phép lạ, thánh sử Gioan thường đưa vào câu chuyện một ý nghĩa sâu xa đặc biệt. Và trong chu kì phụng vụ năm B mùa thường niên, lẽ thường thì Giáo hội dùng Phúc âm thánh Mác-cô. Thánh sử Mác-cô cũng ghi lại phép lạ hoá bánh. Tuy nhiên phép lạ hoá bánh theo Phúc âm thánh Gioan lại được dùng hôm nay vì được coi là câu chuyện nhập đề cho Bí tích Thánh thể vì hầu hết nội dung của phần còn lại trong chương sáu đều nói về bánh hằng sống là Bí tích Thánh thể cho bốn Chúa nhật kế tiếp. Nhắc đến bữa ăn Vượt Qua, thánh Gioan muốn sửa soạn đưa độc giả đến một thực tại mà Ðức Giêsu sẽ thực hiện sau này trong bữa Tiệc Li là việc thiết lập Bí tích Thánh thể. Và đó là ý tứ mà thánh sử Gioan muốn gửi gắm trong câu chuyện Phúc âm về phép lạ hoá bánh.

Những lời Chúa dùng để làm phép lạ hoá bánh: Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi ăn (Ga 6:11) cũng giống những lời Chúa dùng khi truyền phép Thánh thể trong bữa Tiệc ly: Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ (Lc 1:19). Thánh sử Gioan ghi lại việc Chúa nuôi dưỡng năm ngàn người ăn như là dấu chỉ về quyền năng mà Người sẽ dùng để nuôi dưỡng loài người bằng của ăn thiêng liêng là Mình Thánh Người. Như vậy phép lạ hoá bánh là dấu chỉ thích hợp để sửa soạn dân chúng nghe những lời Người giảng dạy về Bí tích Thánh thể mà Người sẽ thiết lập sau này: Bánh mà Ta sẽ ban, chính là Mình Ta cho thế gian được sống (Ga 6:51). Cũng như Chúa dùng quyền năng hoá bánh ra nhiều để nuôi năm ngàn người, Chúa cũng dùng quyền năng biến bánh rượu thành Mình Máu thánh Người, để làm của ăn thiêng liêng cho loài người.

Vậy thì trong tâm tình tạ ơn, ta cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, dùng lời đáp ca trong thánh lễ để nhắc nhở ta về đường lối quan phòng của Chúa: Chúa mở rộng bàn tay ra và thi ân cho chúng tôi được no đủ (Tv 144:16). Người tín hữu thời giáo hội sơ khai khi dâng thánh lễ, họ mang trong tâm khảm tâm tình tạ ơn. Tạ ơn theo tiếng Hy lạp có nghĩa là thánh lễ. Như vậy theo nguyên tự Hy lạp, thì dâng lễ có nghĩa là dâng lời tạ ơn.

Lời nguyện xin cho người đói khát được no thoả:

Lậy Thiên Chúa toàn năng, thiện hảo!

Con xin tạ ơn Chúa cho của ăn thức uống hằng ngày.

Xin Chúa cho mưa xuống trên những miền đất khô cằn

để người dân có thể trồng cấy đồ ăn thức uống.

Và xin cho những người đói khát được no thoả.

Xin tha thứ những lần con coi là ngẫu nhiên,

những của Chúa ban, lại còn tỏ ra vô ơn bội bạc.

Và xin cho con cảm nghiệm được sự đói khát

về của ăn thiêng liêng:

lời Chúa và Mình thánh Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch