Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm B
1V 19:4-8; Ep 4:30- 5:2; Ga 6:41-52
Phúc âm tuần trước ghi lại đám đông dân chúng đi theo Ðức Giêsu sang bên kia bờ hồ Galilê. Họ nhắc lại chuyện tổ tiên họ đã ăn man-na trong sa mạc do Môsê ban phát (Ga 6:31).
Ðức Giêsu bảo họ bánh mà Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian (c. 33), họ liền xin cho được bánh đó (c. 34).
Dân chúng trong Phúc âm hôm nay đã phải nghe biết về phép lạ Ðức Giêsu làm khi biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana và phép lạ Người chữa con của viên sĩ quan cận vệ nhà vua cũng ở Cana miền Galilê, vì họ cũng là người Galilê. Và chính họ đã ăn bánh do phép lạ Ðức Giêsu làm ở bờ hồ Galilê khi họ đói. Thấy dấu lạ, họ bảo nhau ông này phải là vị ngôn sứ Thiên Chúa sai đến. Họ nói như vậy vì họ phải biết có những ngôn sứ trong Cựu ước cũng đã làm được phép lạ.
Tuy nhiên khi Ðức Giêsu phán tại Ca-phác-na-um, chính Người là bánh bởi trời xuống (Ga 6:41) thì họ lại tẩy chay Người. Họ cho rằng họ biết tất cả về gia cảnh, thân thế và sự nghiệp của Chúa. Theo họ thì Ðức Giêsu chỉ là con ông thợ mộc Giuse và bà Maria nội trợ, sống ẩn dật giữa họ hơn ba mươi năm nơi phố nhỏ tầm thường tại Nadarét. Như vậy thì làm sao Người có thể nói Người bởi trời mà xuống được (Ga 6:42)? Làm sao Người có thể mời gọi họ đặt niềm tin nơi Người? Làm sao Người có thể ban cho họ bánh hằng sống? Do đó mà người Việt nam mới truyền tụng những kiểu nói như: quen quá hoá nhàm để chỉ cho thấy không có gì mới lạ hay gần chùa gọi bụt bằng anh để chỉ thái độ coi thường người trên.
Ðể có thể chấp nhận lời giảng dạy của Đức Giêsu về bánh hằng sống trong Phúc âm hôm nay, khác với bánh man-na mà cha ông họ đã ăn trong sa mạc, Ðức Giêsu muốn họ đặt niềm tin nơi Người là Ðấng từ trời xuống trước đã, nghĩa là họ phải tin Người là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên đối với họ, việc tin Người là con Thiên Chúa lại đặt ra một vấn đề gai góc cho họ. Từ trước đến nay người Galilê nói riêng và người Do thái nói chung chỉ thờ một Thiên Chúa. Tôn giáo của họ là tôn giáo độc thần. Vì thế khi Ðức Giêsu khẳng định Người từ trời xuống, và là con Thiên Chúa thì lại đưa vào đầu óc họ ý tưởng đa thần, nghĩa là có hơn hai thần, hơn hai chúa. Như vậy làm sao họ có thể chấp nhận hai chúa được?
Tuy nhiên Ðức Giêsu vẫn giữ lập trường giảng dạy mà nói rằng Người là bánh hằng sống từ trời xuống (Ga 6:41); ai được Chúa Cha lôi kéo đến cùng Người thì Người sẽ cho sống lại ngày sau hết (c. 44); ai tin vào Người thì có sự sống đời đời (c. 47). Nói như vậy là Ðức Giêsu coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Ðối với người không tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì đó là lời nói phạm thượng đến Thiên Chúa. Mà nếu Ðức Giêsu phạm tội phạm thượng thì làm sao Người có thể làm phép lạ được? Những người không tin, như những người trong Phúc âm hôm nay có thể trả lời: hoặc họ không hiểu, hay phép lạ là do sản phẩm của môn đệ của ông Giêsu bầy ra.
Không phải chỉ có những người Galilê mới từ chối việc tin tưởng vào Ðức Kitô là Con Thiên Chúa và là bánh hằng sống. Bài trích sách các Vua hôm nay mô tả nỗi chán nản của ngôn sứ Êlia, được sai đến vương quốc miền bắc là It-ra-en rao giảng tôn giáo thật, chống lại những quyền lực mà bà hoàng hậu I-de-ven ngoại đạo đã đưa vào đất nước. Nản chí vì dân cứng lòng tin và hoàng hậu I-de-ven còn tìm cách sát hại, Êlia trốn lên núi Khô-rếp, không còn muốn ăn uống. Thiên thần Chúa hiện ra đem bánh bảo ông ăn để lấy sức đi tiếp (1 V 19:4-8).
Vậy để có thể tin, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở trước những mạc khải và quyền lực siêu nhiên. Nói cách khác người ta cần loại bỏ những thành kiến và định kiến về đạo và người giảng đạo. Có bao giờ ta chủ trương giữ đạo tại tâm, cho rằng không cần đến nhà thờ đọc kinh, dự lễ, mà chỉ cần giữ đạo trong lòng là đủ không? Có bao giờ ta cho rằng việc đọc kinh, dự lễ là việc của đàn bà con nít chăng? Có bao giờ ta chỉ muốn giữ đạo theo sở thích, cá tính riêng của mình, hứng thì giữ đạo, không thì bỏ cuộc? Có bao giờ ta cho rằng đạo phải phù hợp với ước muốn cá nhân, đạo phải thế nọ thế kia chăng?
Hôm nay mỗi người cần xin Chúa giúp cho mình biết loại bỏ những thành kiến về đạo và người giảng đạo và ban cho được mở rộng tâm hồn đón nhận lời Chúa và Mình thánh Chúa, là bánh hằng sống, bánh làm no thoả những khát vọng thiêng liêng của tâm hồn, bánh đem lại sự sống vĩnh cửu.
Lời cầu nguyện xin cho được ơn mở rộng tâm hồn trước quyền lực siêu nhiên:
Lậy Chúa Giêsu! Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa!
Xin làm mới lại đức tin của con
vào sự hiện diện thực sự của Chúa trong Bí tích Thánh thể.
Xin loại bỏ tâm trạng ‘quen quá hóa nhàm’ nơi con.
Và xin tha thứ những lần con đóng cửa lòng lại
trước lời mời gọi của Chúa
vào việc tin và ăn bánh hằng sống. Amen.
Lm Trần Bình Trọng