LE_THANH_GIA_CLễ Thánh Gia, Năm C

Hc 3:2-6, 12-14; Cl 3:12-21; Lc 2: 41-52

Giáo hội thiết lập lễ Thánh gia vào năm 1921 để chỉ cho thấy tầm quan trọng của đời sống gia đình, và gương mẫu của gia đình thánh. Chính Ðức Giêsu đã chỉ cho thấy tầm quan trọng của đời sống gia đình qua cuộc đời của Người tại thế. Chúa chỉ dành có ba năm đi rao giảng tin mừng cứu độ, trong khi Người đã dành ba mươi năm - nhiều hơn gấp mười lần - sống trong bầu khí gia đình, có mẹ, có cha nuôi, để tu thân luyện đức.

Theo chương trình quan phòng của Thiên Chúa, trinh nữ Maria được chọn làm mẹ Ðấng cứu thế. Còn thánh Giuse được chọn làm cha nuôi để săn sóc cho gia đình thánh.

Gia đình thánh gia sống trong bầu khí gia đình đạo đức hoà thuận theo những lời chỉ dạy khôn ngoan mà sách Huấn ca trong Ðạo cũ được chọn làm bài đọc Thánh kinh hôm nay, nói về sứ mệnh của người cha, người mẹ, và bổn phận người con. Phúc âm ghi lại gia đình Thánh gia hàng năm lên đền thờ Giêrusalem cầu nguyện và thờ phượng vào dịp lễ Vượt Qua. Khi trở về Nadarét: Ðức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa (Lc 2:52). Còn thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Colossê cũng khuyên dạy những phần tử trong gia đình sống theo đường lối Kitô giáo: Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho (Cl 3:12-13).

Trong gia đình, một thành phần cần được lưu ý và săn sóc đặc biệt là con cái còn nhỏ. Cha mẹ cần đầu tư vào con cái ngay cả trước khi sinh con. Con cái được thụ thai phải là do kết quả của tình yêu vợ chồng được thánh hiến qua Bí tích hôn nhân, chứ không phải là do chuyện qua đường. Người mẹ  cần đầu tư vào con cái từ lúc thụ thai bằng cách kiêng cữ rượu mạnh, thuốc men có thể làm suy bại thần kinh của bào thai, tránh việc nặng nhọc và ăn ngủ điều độ. Ngay cả những nỗi khổ tâm, những cảm tình buồn rầu cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Ví dụ một người đàn bàn chưa muốn hay không muốn có con mà tình cờ thụ thai, thì cảm tình buồn phiền sẽ chuyển từ thần kinh của người mẹ đến thần kinh của thai nhi. Kết quả là đứa con sẽ bị mặc cảm từ lúc đó. Có người đề nghị các bà mang thai nên nhìn vào gương mỉm cười mỗi ngày mấy lần cho con cái được lạc quan.

Đời xưa thánh Giuse và Mẹ Maria bảo vệ Chúa hài nhi bằng cách đưa Con Trẻ trốn sang Ai cập vào lúc ban đêm để khỏi bị lộ, hầu tránh cuộc tàn sát hài nhi trong Nước. Đời nay con cháu cần được bảo vệ khỏi những nguy hiểm về thể xác, về tinh thần và đời sống thiêng liêng nữa. Con cháu cần được bảo vệ khỏi những tệ đoan của xã hội như: xì ke, ma túy, hút sách, nghiện ngập, phim ảnh xấu, sách báo trụy lạc. Con cháu cần được ngăn ngừa để tránh khỏi dịp tội. Khuyên dạy con cháu không nên coi phim ảnh xấu, mà trong nhà cho mắc những đài phim ảnh đồi trụy để người lớn coi, là phản chứng, thì làm sao có thể ngăn cản con cháu khỏi coi những loại phim này?

Tuổi trẻ thường lí tưởng và phục thiện. Người xưa dạy: Nói phải, ông củ cải cũng nghe. Phụ huynh nói phải, con cháu sẽ nghe. Con cháu cần được giải thích tại sao bị cấm đoán làm điều nọ, chuyện kia, chứ không phải chỉ cấm đoán mà thôi. Giải thích cho con cháu là nghiện ngập xì ke ma túy sẽ làm nguy hại đến sức khoẻ thể xác và tâm thần, mà còn gây đau khổ cho gia đình và những người thân yêu nữa. Cho con cháu biết là những thần tượng màn ảnh hay thể thao hoặc võ sĩ của giới trẻ đã chết vì mắc bệnh nọ bệnh kia của thời đại do nghiện ngập, hút xách. Giải thích cho con cháu là nếu cứ coi phim ảnh sách báo xấu sẽ làm cho tâm trí bị ủy mị, không còn nghị lực mà vươn lên, để lo cho bản thân và cho tương lai.

 

Thiên Chúa thường ít làm những việc ngoại lệ trong lề lối sinh hoạt của loài người. Có bà kia xin một linh mục dâng lễ cầu nguyện cho bà có được con dâu là người đồng hương và công giáo. Muốn cho con lập gia đình với người cùng chung một đức tin để được nâng đỡ về đời sống thiêng liêng, thì ngoài lời cầu nguyện, bà cũng cần tạo cơ hội cho con đi lễ hay sinh hoạt trong hội đoàn nào đó với cộng đồng cùng niềm tin thì con bà mới có cơ hội gặp gỡ và làm quen với người cùng chung một tín ngưỡng được. Muốn con cháu lập gia đình với lớp người nào đó cho quen phong tục, văn hoá, ngôn ngữ thì bà cũng cần tạo cơ hội cho con gặp gỡ và làm quen với lớp người đó thì con bà mới có thể tiến tới hôn nhân được.

Có những phụ huynh hiền lành, đạo hạnh, nhưng không có cơ hội hoặc không có giờ coi tin tức hay đọc sách báo, nên không ý thức được những mặt trái của mỗi lề lối giáo dục hay mỗi nếp sống, những cạm bẫy hay những tệ đoan của xã hội, nên không biết phải dạy con cháu thế nào. Ðể bù đắp lại, phụ huynh cần đi dự những khoá giáo dục con cái được tổ chức trong nhà thờ, hay đọc sách vở đáng đọc về việc dạy con. Ðường lối dạy con cái của cha mẹ cần ăn khớp với nhau. Nếu bố dạy một đàng, mẹ dạy một nẻo, thì con cháu, nhất là con cháu còn nhỏ tuổi sẽ bị lẫn lộn, không biết phải theo đàng nào. Việc dạy con cháu phải làm sao có tính cách cụ thể. Vì dụ muốn con khi lớn lên có tinh thần trách nhiệm trong gia đình thì trao việc nhỏ cho con thực hiện. Rồi bảo con bá cáo lại cho phụ huynh sau khi hoàn tất.

Người công giáo ở đâu phải giữ điều răn Hội thánh điạ phương ở đó. Tại Hoa Kì, nhận thức được tầm quan trọng của việc học giáo lí, mà Hội Ðồng Giám Mục Mĩ đã đưa việc học giáo lí vào giới răn thứ ba của Hội Thánh tại Hoa kì khi viết: Học giáo lí dọn mình chịu phép Thêm sức và tiếp tục học thêm giáo lí và tiến tới cùng đích của Chúa Kitô. Trong đa số các giáo phận tại Hoa Kì, học sinh lên lớp tám mới được chịu Phép Thêm sức. Như vậy có nghĩa là khi chịu Phép Thêm sức, học sinh đã học hết tám năm giáo lí rồi.

Lời người xưa răn dạy như: Dạy con từ thuở còn thơ, cần được đem ra áp dụng. Con cháu cần được răn dạy để học làm người: biết xử thế, biết lễ nghĩa; làm người con hiếu thảo; làm người công dân trách nhiệm; làm người công giáo đạo hạnh. Con cháu cần được dạy bảo để nhận lỗi. Bênh con khi con làm lỗi là cách gián tiếp khiến con hành động bừa bãi. Con cháu cần được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục và cả đức dục để có thể đạt được hạnh phúc toàn diện và hạnh phúc lâu dài. Hạnh phúc toàn diện là hạnh phúc về thể chất lẫn tinh thần và đời sống thiêng liêng. Hạnh phúc lâu dài là hạnh phúc ở đời này cũng như đời sau.

Để duy trì và phát triển hạnh phúc gia đình, cha mẹ cần cho áp dụng thực hành mấy việc làm cụ thể sau đây đã được nhận xét là có kết quả khả quan để xây dựng hạnh phúc gia đình:

Ăn chung. Ở những xã hội phát triển về kỹ thuật khoa học, người ta ít có dịp ăn chung vì bị gò bó vào công việc làm và những hoạt động xã hội hay cộng đồng. Tuy vậy người ta vẫn có thể giàn xếp chương trình để mỗi tuần gia đình có thể ăn chung với nhau một, hai lần để làm phát triển mối liên hệ gia đình. Nếu không được giáo dục cẩn thận, con cái có thể giấu cha mẹ những việc làm có thể gây nguy hại hay thiệt hại cho chúng sau này. Ăn chung là cách thế giúp cha mẹ nhận ra được những dấu hiệu thay đổi về tính tình nơi con cái như tại sao lúc này con cái có vẻ ưu tư, buồn bã, ít nói? Nhận ra những dấu hiệu đó nơi con cháu, cha mẹ mới kịp thời giúp con cháu đối phó với những vấn nạn có thể xẩy ra cho con. Trong bữa ăn, nhân những câu chuyện xẩy ra hằng ngày trong khu xóm, hay trên báo chí, truyền hình, cha mẹ có thể chỉ cho con noi gương bắt chước những gương tốt hoặc xa tránh những gương xấu, mang lại hậu quả tai hại cho bản thân như tù tội, tàn tật.

Cầu nguyện chung. Gia đình công giáo cần giàn xếp thời giờ để đi lễ thờ phượng chung và đọc kinh chung với nhau thường xuyên như có thể tại gia đình, không đọc dài được thì đọc một vài kinh vắn tắt trước khi đi ngủ, xin Chúa sai sứ thần đến gìn giữ gia đình trong đêm. Cầu nguyện để đem Chúa vào đời sống cá nhân, thì cũng cần cầu nguyện để đem Chúa vào đời sống gia đình nữa. Ðem Chúa cùng đi xe, đi nghỉ hè .. để xin Chúa cùng đồng hành và làm chủ đời sống gia đình.

Tạo truyền thống gia đình. Vào những ngày tết nhất, giỗ chạp, sinh nhật, những ngày kỉ niệm hôn nhân, những ngày con cái lãnh nhận bí tích, mỗi phần tử trong gia đình nên đi lễ tạ ơn rồi tụ họp nhau lại để con cái chúc mừng cha mẹ, cha mẹ mừng tuổi con cái, anh chị em chúc mừng lẫn nhau hầu thắt chặt mối tình gia đình.

Thống kê tại Hoa Kì cho thấy những gia đình ăn chung và cầu nguyện chung, thường là những gia đình tránh được những đổ vỡ trong gia đình.

Lời cầu nguyện cho con cái trong gia đình được hạnh phúc:

Lạy Chúa hài nhi mới sinh!

Chúa đã đến sống trong gia đình có mẹ, có cha nuôi

để chỉ cho loài người tầm quan trọng của đời sống gia đình.

Xin sai sứ thần đến gìn giữ, che chở và bảo vệ gia đình con

và con cháu con khỏi mọi điều nguy hại.

Xin dạy bảo mỗi phần tử trong gia đình con

biết sống theo gương mẫu gia đình Thánh gia.

Xin Thánh gia thiết lập chủ quyền trên gia đình con. Amen,

 

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch