Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm C
Gr 38:4-6, 8-10; Dt 12:1-4; Lc 12:49-53
Trải qua suốt dòng lịch sử nhân loại, người ta đã dùng lửa để nấu ăn và thiêu đốt, để chiếu sáng và sưởi ấm, để chạy máy và bắn phá. Lửa mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong Thánh kinh. Lửa trong Thánh kinh Cựu ước ám chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa như khi ông Môsê thấy Chúa trong bụi cây bốc lửa cháy (Xh 3:2).
Lửa còn được dùng như là hình phạt khi thành Sôđôma bị thiêu hủy (St 19:24). Trong Thánh kinh Tân ước, lửa ám chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa (Cv 2:3). Trong đêm thánh Vọng Phục sinh, lửa mới được làm phép và thắp vào cây nến phục sinh, tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô. Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu phán: Thầy đã đến đem lửa vào mặt đất, và Thầy ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên (Lc 12:49).
Lửa Phúc âm mà Ðức Kitô mang đến đã là cớ cho người ta chia rẽ và chống đối ngay từ khi Chúa giáng sinh. Trong Phúc âm hôm nay, Chúa phán: Anh em tưởng rằng Thày đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ (Lc 12:51). Lời Chúa trên đây xem ra có vẻ mâu thuẫn với sứ mệnh và đường lối của Chúa cứu thế.
Khi Chúa cứu thế sinh ra tại Bêlem, các sứ thần ca hát vang dội: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (Lc 2:14). Khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi từng hai người một, Chúa bảo các ông chúc bình an cho nhà mà các ông vào (Lc 10:5). Khi Chúa sống lại từ cõi chết, lời đầu tiên Chúa nói với các môn đệ là lời chào bình an (Mt 28:9; Lc 24:36; Ga 20:19, 21, 26). Và trước khi về trời, Chúa hứa ban bình an (Ga 15:27) cho các tông đồ.
Vậy làm sao người ta giải quyết được những mâu thuẫn này? Nếu hiểu bình an theo quan niệm người đời, người ta sẽ thấy lời Chúa mâu thuẫn. Còn bình an theo nghĩa Thánh kinh không hiểu theo nghĩa vắng bóng chiến tranh. Bình an theo nghĩa Thánh kinh là không thoả hiệp với sự dữ và tội lỗi. Bài trích sách Giêrêmia cho thấy vị ngôn sứ được Chúa sai đến cảnh giác là thành Giêrusalem sẽ bị phá huỷ vì tội lỗi dân thành. Ngôn sứ Giêrêmia bị tố cáo là phản bội vì làm nhụt chí của dân thành với thái độ chủ bại. Kết quả là ngôn sứ Giêrêmia bị bắt và tống ngục. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Do thái bảo ta: Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu (Dt 12:4). Ngụ ý lời thánh Phaolô là người tín hữu phải sửa soạn đổ máu trong cuộc chiến đấu với tội lỗi. Ðó là việc mà có những vị tử đạo trong Giáo hội đã làm.
Từ khi mới sinh, Chúa Giêsu đã là cớ cho người ta chống đối. Vua Hêrôđê khi nghe tin Chúa cứu thế giáng sinh, vì sợ mất ngai vàng nên đã ra lệnh giết các trẻ em từ hai tuổi trở xuống (Mt 2:16). Khi Ðức Mẹ dâng Chúa vào Đền thờ, ông Simêon tiên báo là con trẻ sẽ nên cớ cho nhiều người vấp ngã (Lc 2: 34). Cuộc đời Chúa cứu thế trong ba năm giảng dạy là những chuỗi ngày bị người ta chống đối, bách hại và cuối cùng bị lên án tử hình trên thập giá. Như vậy phải chăng Chúa đến gây ra ngọn lửa bất hoà và chia rẽ trong thế gian?
Ngay cả trong một gia đình, cũng có sự chia rẽ vì danh Chúa. Ðọc lịch sử các thánh giúp ta hiểu được tại sao những phần tử trong một gia đình lại phân rẽ, chống đối nhau. Có những vị thánh khi tận hiến đời mình cho Chúa đã bị gia đình phản đối và tẩy chay. Trong cùng một gia đình khi có những người tin theo Chúa, nghe lời Chúa giảng dạy, còn những người khác không tin theo, cũng có thể gây bất hoà và chia rẽ. Ðọc lịch sử Giáo hội, ta thấy đạo Chúa thường bị chống đối. Những cuộc bách hại đạo là bằng chứng của việc chống đối. Khi người Kitô hữu muốn cải cách Giáo hội, muốn đem lửa Kitô giáo làm bừng cháy trong lòng thế giới (Lc 12:49), tẩy chay và chống đối sẽ đến ngay từ trong lòng Giáo hội. Ðó là trường hợp thánh Têrêsa thành Avila, thánh Jean d'Arc, thánh I-nha-xi-ô đã bị lên án và chống đối chỉ vì chỉ muốn cải cách Giáo hội.
Như vậy người ta thấy càng theo sát gót chân Chúa bao nhiêu, người ta càng bị chĩa mũi giùi bấy nhiêu. Tại sao người ta bị chống đối khi mang lửa Phúc âm vào thế gian? Lí do là vì người khác không muốn chấp nhận hi sinh cố gắng, không muốn thay đổi cách sống, không muốn trả giá cả để làm môn đệ Chúa. Khi người ta muốn sống theo đường lối Phúc âm, khác đường lối thế gian, người ta sẽ bị nghi ngờ, tẩy chay và kì thị. Giáo lý của Chúa giảng dạy, đường lối của Chúa đi đã đem lại tẩy chay và chống đối, nghĩa là đem lại chia rẽ ngay cả giữa các phần tử trong một gia đình.
Sự hiện diện của Chuá, lời Chúa giảng dạy, đường lối Chúa đi, thường làm xáo trộn tâm trí loài người trước đã. Chỉ khi nào người ta bất mãn với con người cũ, với lối sống hiện tại, người ta mới có thể chấp nhận giáo lí của Chúa, sống theo đường lối Phúc âm và coi Chúa là trung tâm điểm của đới sống. Lúc đó bình an mới đến trong tâm hồn. Kết quả của việc chấp nhận đường lối Phúc âm là bình an. Ðó là điều mà thánh Âu-tinh đã có cảm nghiệm được khi thốt lên: Lạy Chúa, tâm hồn con còn lo âu khắc khoải mãi, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.
Lời cầu nguyện xin cho được bình an trong tâm hồn:
Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một Chúa đến
giao hoà loài người với Thiên Chúa,
và đem bình an đến cho người thiện tâm.
Vậy sao sứ điệp của Chúa cứ làm xáo trộn tâm trí loài người?
Xin cho con được nhận thức rằng:
chấp nhận sứ điệp Phúc âm và sống theo đường lối Chúa đi,
con mới có được sự bình an trong tâm hồn. Amen.
Lm Trần Bình Trọng