Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm C
Is 66:18-21; Dt 12:5-7, 11-13; Lc 13:22-30
Sau thời kì bị lưu đầy bên Babylon, dân Do thái được đưa về quê hương xứ sở nhờ ông vua ngoại đạo là Ky-rô, xứ Ba-tư vào năm 538 trước công nguyên (2 Sb 36:23).
Vào lúc này ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy viễn tượng của ơn cứu rỗi phổ quát cho cả những người không mang dòng máu Do thái: Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta (Is 66:18). Những dân tộc và ngôn ngữ được ngôn sứ Isaia nhắc đến như là: người Tác-sít, Pút, Lút, Tu-van, Gia-van và dân cư thuộc những hải đảo xa xăm (Is 66:19).
Mặc dầu thế, nhiều người Do thái vẫn tin rằng chỉ có những ai thuộc dòng dõi Áp-ra-ham và trung thành giữ luật Môsê mới được cứu chuộc. Trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu, người ta không bàn đến câu hỏi xem dân ngoại có được cứu rỗi không. Vì thế họ căm phẫn lời Chúa giảng dạy về việc dân ngoại cũng được thông phần vào nước Chúa. Cứu rỗi theo họ, được hiểu là khi Ðấng thiên sai đến thiết lập vương quốc, thì sẽ có giặc giã dấy loạn và họ muốn được cứu thoát khỏi tai ương này.
Khi Ðức Giêsu đến thì từ ngữ cứu rỗi được chuyển ý nghĩa sang việc cứu rỗi ở đời sau. Trong Phúc âm hôm nay, một người trong đám đông hi vọng Chúa Giêsu bảo đảm cho anh ta được cứu rỗi vì anh thuộc dòng dõi Áp-ra-ham và mang máu Do thái, bèn đặt câu hỏi: Thưa Thầy, những người được cứu độ thì ít có phải không? (Lc 13:22).
Từ chối, không trả lời câu hỏi về con số người được cứu rỗi, không có nghĩa là Chúa muốn tránh né câu hỏi. Sự yên lặng của Chúa về câu hỏi bao hàm ý nghĩa là câu hỏi không thích hợp và người hỏi không nên đặt câu hỏi như vậy, mà phải cố gắng làm sao cho chính mình được hưởng nhờ ơn cứu chuộc. Nói cách khác, Chúa muốn đưa anh ta ra khỏi thái độ tự mãn. Chúa nêu lên điều kiện để được cúu rỗi là: Hãy cố gắng để qua được cửa hẹp mà vào (Lc 13:24).
Lời Chúa hôm nay là những lời khắt khe đối với những ai sống theo cảm giác, cho rằng vì Chúa nhân hậu, từ bi và hay thương xót, nên Chúa cứu rỗi mọi người, bất chấp những việc dữ họ đã làm, và tội lỗi họ đã phạm. Có những lời Chúa trong Thánh kinh mà người ta không muốn nghe vì không thích hợp với lối sống riêng của họ. Phúc âm được gọi là Tin mừng vì sứ điệp Phúc âm mang lại niềm hi vọng. Tuy nhiên Phúc âm hôm nay là tin buồn cho những ai muốn có một chúa ba phải, dễ dãi, dung túng tất cả những gì người ta làm. Buồn là vì để chấp nhận lời Chúa trong Phúc âm, người ta phải qua cửa hẹp, nghĩa là phải trả giá cả nào đó. Cửa hẹp là cửa của Mười Giới răn, của Tám mối phúc thật, của hi sinh, thánh giá, bác ái và vị tha.
Ðể có thể qua cửa hẹp người ta phải diet, nghĩa phải kiêng cữ, nếu không sẽ không qua lọt. Cũng vậy, để có thể qua cửa hẹp của nước Trời, người ta cũng phải kiêng cữ về phương diện thiêng liêng, nghĩa là phải kiêng cữ lỗ tai, con mắt, miệng lưỡi, chân tay và cả óc tưởng tượng. Người ta phải chịu sát sà bông, nếu cần phải được sát sà bông, để tẩy rửa những ghét gúa ra khỏi đời sống thiêng liêng. Ðể dọn nhà thiêng liêng, người ta cần loại bỏ những rác rưởi trong tâm hồn là tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu. Nếu xét về phương diện thể lí, người ta phải kiêng cữ một số đồ ăn thức uống nào đó, để khỏi làm nguy hại đến sức khoẻ, thì về phương diện thiêng liêng, người ta cũng phải kiêng cữ những ham muốn nào đó để có được một tâm hồn bình an thư thái. Trong thư gửi tín hữu Do thái, thánh Phaolô bảo họ: Con đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách (Dt 12:5). Rồi Thánh nhân tiếp: Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt dược hoa trái là bình an và công chính (Dt 12:11).
Có những người chỉ muốn nghe những lời Thánh kinh đem lại niềm an ủi và làm phấn khởi tâm hồn. Tuy nhiên chỉ nghĩ về Thánh kinh như là những lời đường mật mà thôi là nhìn Thánh kinh một cách khiếm diện, có tính cách một chiều. Thánh kinh còn chứa đựng những lời cảnh giác và trách móc nữa. Phúc âm hôm nay ghi lại lời cảnh giác của chủ nhà: Ta không biết các anh từ đâu đến. Hãy lui ra cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính (Lc 13:27).
Ðôi khi nghe những bài điếu văn trong thánh lễ an táng, người ta nói người quá cố sống đời ngay chính nên chắc đã được lên thiên đàng. Ðồng ý là người quá cố sống đời tốt lành và đạo hạnh, nhưng người ta có nên đóng vai Ðấng phán xét không? Lấy gì làm bảo đảm mà có thể nói người quá cố đã được lên thiên đàng? Nếu không cẩn thận, thì những lời an ủi như vậy cũng có thể được thốt ra từ miệng những vị có chức sắc trong Giáo hội, có trách nhiệm giáo huấn và hướng dẫn tư tưởng đạo đức cho người ta sống theo. Nói như vậy khiến cho thân nhân của người quá cố được yên ủi. Tuy nhiên lời nói như vậy có thể làm thiệt hại về phần thiêng liêng cho người quá cố nói riêng và cho các linh hồn đã qua đời nói chung.
Nếu nói người quá cố đã được lên thiên đàng rồi thì đâu còn cần xin lễ và cầu nguyện cho linh hồn người quá cố nữa. Mẹ Têrêsa đạo hạnh và khiêm tốn phục vụ trẻ nghèo bên Ấn độ như vậy mà sau khi chết Giáo hội vẫn đợi cho qua những thủ tục điều tra lâu dài về đời sống tư và phỏng vấn những người biết về đời sống của mẹ bề trên trước khi phong thánh. Rồi còn phải được chứng minh bằng việc làm phép lạ khi có người khẩn cầu.
Mỗi người tín hữu phải luôn tâm niệm rằng chỉ khi nào mình nhận mình là yếu hèn và tội lỗi, thì ơn xót thương tha thứ của Chúa mới tác động tâm hồn mình được. Người tín hữu không có quyền biện minh rằng mình đạo đức tốt lành hay thế nọ thế kia mà phải được lên thiên đàng ngay sau khi chết. Mầu nhiệm cứu rỗi vẫn là mầu nhiệm, vẫn là câu hỏi được mở ra. Ta chỉ nên cầu nguyện phó thác người quá cố vào lòng từ ái, hay thương xót và tha thứ của Chúa mà thôi.. Việc cầu nguyện cho người thân nhân quá cố, thì người tín hữu vẫn cần cầu nguyện. Theo Tín điều các Thánh cùng Thông công của các Công đồng Nicea II, Firenze và Triđentinô (GH #15), mà Công Đồng Vaticanô II gọi là Hiệp thông sống động (GH # 15), thì nếu người quá cố được lên thiên đàng rồi, thì ích lợi thiêng liêng của lời cầu nguyện và lễ dâng sẽ được chuyển cho các linh hồn khác. Như vậy lời cầu nguyện không bao giờ ra vô ích.
Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa cứu thế, ơn cứu độ được ban sẵn đó cho toàn thể nhân loại hưởng nhờ, nhưng không phải là tự động và vô điều kiện. Ðó là điều mà chính Chúa Giêsu đã xác quyết: Không phải hễ ai kêu: Lạy Chúa, lạy Chúa! là được vào nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi (Mt 7:21). Lời Chúa trong Phúc âm hôm nay đưa người ta ra khỏi tâm trạng thờ ơ và tự mãn, bằng cách khẳng định rằng thuộc dòng dõi Áp-ra-ham không bảo đảm cho việc cứu rỗi. Trong một cách thế tương tự, ta cũng có thể suy ra rằng là người công giáo cũng không bảo đảm được phần rỗi. Giấy chứng chỉ rửa tội không phải là thẻ thông hành để vào nước Trời, nếu người ta không sống và thực thi lời Chúa và tuân giữ giới răn Chúa.
Lời cầu nguyện xin cho được vào nước Trời qua cửa hẹp:
Lạy Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện và toàn mĩ!
Mọi loài và mọi vật Chúa tạo dựng đều tốt đẹp.
Mà tội nguyên tổ đã làm nhiễm độc tâm trí loài người.
Xin dạy con biết hướng lòng trí về chân thiện mĩ.
Nhắm thẳng vào cùng đích rồi,
con sẽ được vững tâm tiến bước,
đi vào cửa hẹp của nước Trời. Amen..
Lm Trần Bình Trọng