Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm C
Xh 17:8-13; 2 Tm 3:14- 4:2; Lc 18:1-8
Có lẽ có những người đã nghe câu chuyện ngụ ngôn của Aesop về cuộc chạy đua giữa con thỏ và con rùa. Hai con vật đồng ý làm một cuộc chạy đua.
Vừa bắt đầu thì con thỏ liền phóng nước đại, phi một đường rất là ngoạn mục và lả lướt, nghiêng qua phải, ngả qua trái. Còn chú rùa thì cứ ì ạch, khệnh khạng từng bước giống như điệu đi của mấy bà bận áo đình chiến vậy. Ðể tỏ ra khinh thị đối thủ hạng nhẹ, con thỏ quyết định dừng lại ngủ một giấc cho đỡ buồn. Giật mình tỉnh giấc, thấy con rùa đã gần tới đích. Con thỏ vội đuổi theo, nhưng hết kịp. Ngụ ngôn của câu chuyện là kiên trì sẽ giúp người ta thắng cuộc.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy ta kiên tâm cầu nguyện. Cầu nguyện là việc cần thiết đối với người tín hữu vì mỗi người đều tuỳ thuộc vào Chúa từng hơi thở. Sự cần thiết của việc cầu nguyện bắt đầu từ thái độ khiêm tốn, chấp nhận thân phận yếu hèn và những thiếu thốn của mình. Bài trích sách Xuất hành hôm nay ghi lại lòng kiên nhẫn cầu nguyện của ông Môsê. Khi ông Môsê giang tay cầu nguyện thì dân Chúa thắng thế quân Amalếch. Còn khi ông mệt mỏi xuôi tay xuống thì quân Amalếch lướt thắng. Vì thế ông Aaron và ông Khua phải đỡ tay cho ông Mosê để khỏi rũ xuống. Nói như vậy không có nghĩa là khi cầu nguyện người ta phải giang tay ra như ông Môsê. Cách thế cầu nguyện của người Á đông là chắp tay, khoanh cánh, mắt nhấp nháy, miệng lẩm bẩm. Dầu sao đi nữa, cách thế cầu nguyện không quan trọng bằng việc kiên nhẫn cầu nguyện. Thánh Phaolô trong thư căn dặn Timôthê phải kiên nhẫn và trung kiên cầu nguyện và suy gẫm lời Chúa trong Thánh kinh. Rồi đến dụ ngôn bà goá trong Phúc âm. Bà nài nẵng xin quan toà xét xử công lí cho bà. Ðể bà khỏi quấy rầy, ông quan toà, mặc dầu là người thiếu thanh liêm, cuối cùng cũng xét xử vụ kiện cho bà (Lc l8:5)..
Việc trở lại của thánh Âu-tinh là một ví dụ điển hình nói lên lòng kiên nhẫn trong việc cầu nguyện của bà mẹ là Monica trong vòng mười bảy năm. Sống trong thời hiện tại và hiện đại, người ta được dùng nhiều thứ dịch vụ nhanh chóng như trà, cà phê, đồ hộp chế sẵn, máy ảnh chụp lấy ngay, lò nướng microwave mau lẹ, gửi fax, gửi điện thư trong vòng giây lát. Tuy nhiên trong đời sống thiêng liêng, không gì có thể trở nên hoàn hảo nhanh chóng như vậy. Qua ngụ ngôn trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu hứa Thiên Chúa sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của ta. Tuy nhiên trong thực tế có những khi người ta không xin được điều họ xin. Vậy thì phải cắt nghĩa thế nào? Chúa hứa nhậm lời ta cầu nguyện nhưng là theo đường lối của Chúa như Người xin với Chúa Cha cất đi chén đắng, nhưng không theo ý Chúa Con, một theo ý Chúa Cha (Lc 22:42). Bao giờ Chúa mới ban ơn, ta không biết được, nhưng ta phải đặt tin tưởng phó thác vào Chúa.
Ðôi khi người ta xin ơn này mà Chúa lại ban ơn khác, khiến cho người ta không ý thức được là Chúa đã ban ơn. Ví dụ có người xin được khỏi bệnh phần xác, mà Chúa lại ban ơn khỏi bệnh tinh thần: cho người đó vui lòng chấp nhận bản thân và hoàn cảnh. Có trường hợp Chúa không ban ơn ngay, nhưng Chúa chữa trị dần dần. Ví dụ một người xin Chúa chữa bệnh đau lưng. Chúa soi sáng cho người đó biết đau lưng là tại đầu óc bị căng thẳng làm máu tụ vào một nơi, không được vận chuyển điều hoà. Và Chúa chữa họ bằng cách soi sáng cho họ đọc sách để hiểu tại sao bắp thịt ở lưng bị yếu đau, để rồi bầy cách cho họ tập thể thao ở bắp thịt lưng, cho máu luân chuyển điều hoà. Như vậy bác sĩ cũng như thuốc men là những dụng cụ Chúa dùng để chữa trị bệnh tật loài người. Có trường hợp người ta tưởng Chúa không nghe lời cầu của họ, nhưng thực sự Chúa đã nhậm lời mà người ta không hay biết. Chẳng hạn người ta xin cho một người chịu đau đớn về phần xác được khỏi bệnh, mà Chúa lại cất họ ra khỏi thế gian. Thực ra thì Chúa đã chấp nhận lời họ xin bằng cách chấm dứt đau khổ về phần xác cho người đau ốm.
Còn thắc mắc tại sao điều ta xin mà chưa được hay không được? Lí do có thể là vì người ta không cộng tác với ơn Chúa hoặc không biết tự giúp mình. Ví dụ một người xin Chúa giúp chống trả cám dỗ về đức khiết tịnh mà cứ coi báo chí hay xem phim ảnh trụy lạc thì làm sao tránh khỏi cám dỗ được? Ðiều mình xin chưa được chấp nhận cũng có thể là vì người ta đặt chướng ngại vật, làm cản trở ơn Chúa. Chẳng hạn tính ích kỉ, lòng hận thù là những chướng ngại vật làm cản trở ơn Chúa. Không xin được điều mình xin có thể tại vì người ta thiếu bền chí và thiếu đức tin. Kiên tâm trong việc cầu nguyện là dấu chỉ người bền chí. Có những người cầu nguyện một thời gian mà không được, trở nên chán nản, bỏ việc cầu nguyện. Bỏ việc cầu nguyện cũng có nghĩa là không còn hi vọng. Còn hi vọng là còn cầu nguyện. Hết hi vọng, người ta sẽ thôi cầu nguyện.
Ðức tin là yếu tố quan trọng trong việc cầu nguyện vì nếu người ta cầu nguyện mà không có đức tin, lời cầu nguyện khó lòng mà được chấp nhận. Ðó chính là điều Chúa Giêsu thắc mắc cuối Phúc âm hôm nay: Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? (Lc 18:8). Ngưôc lại, cầu nguyện cũng là cách thế để nuôi dưỡng đức tin. Như vậy để cho đức tin được sống động, ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, ngay cả khi đêm nằm trên giường mà chưa ngủ được. Trong trường hợp này, lời cầu nguyện của ta không cần theo mẫu nào vì cầu nguyện là nói chuyện tâm tình với Chúa: trình bày với Chúa về nhu cầu thiếu tốn của ta, hay dâng cho Người thân xác, ngũ quan, tâm hồn và mọi quan năng của ta, xin Chúa sửa sang, biến đổi mọi sự trong ngoài ta; dâng cho Chúa hoàn cảnh và điều kiện của ta: đau yếu, bệnh tật, đau khổ.. để được hiệp nhất với cuộc khổ nạn của Chúa để cầu nguyện cho phần rỗi các linh hồn.
Cầu nguyện cũng có thể lập đi lặp lại mấy lời ca tụng Chúa như: Chúc tụng, ngợi khen, tung hô, tôn vinh và cảm tạ Chúa. Có linh mục kia có những đêm nằm khó ngủ, cứ thầm thĩ lặp đi lặp lại những lời chúc tụng và cảm tạ trên để khỏi nghĩ ngợi vẩn vơ cho tới lúc thiếp ngủ lúc nào không hay. Hoặc lặp đi lặp lại lời kêu cầu: Giêsu Maria Giuse, xin ba Ðấng giúp con được như thế nọ thế kia.. Có những người sợ làm như vậy là kêu tên cực trọng vô ý vô tứ. Ðó không phải là kêu tên cực trọng vô ý vô tứ, nhưng là kêu cực trọng hữu ý hữu tứ, với dụng ý cầu xin. Lặp đi lặp lại kinh nọ kinh kia hay lời chúc tụng nào đó còn có tác dụng tâm lí là khi lặp đi lặp lại mãi rồi người ta cũng cảm, cũng tin dựa theo phương pháp ‘tự kỉ ám thị’. Và khi người ta không có đủ từ ngữ để cầu nguyện và diễn tả tâm tình của mình với Đấng tối cao, thì người ta cần lặp đi lặp lại kinh nguyện có sẵn.
Lời cầu xin cho được lòng kiên trì cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu! Qua dụ ngôn về lời cầu nguyện
của ông Môsê và bà goá năn nỉ,
Chúa dạy con bài học kiên nhẫn cầu nguyện.
Xin dạy con biết xin điều thích hợp với lòng tin tưởng.
Và xin đừng để con bao giờ ngã lòng trông cậy Chúa
nhưng đặt tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa
trong mọi hoàn cảnh của đời con. Amen.
Lm Trần Bình Trọng