Chúa Nhật 7 Thường Niên, Năm C

1 Sm 26:2, 7-9, 12-13, 22-23; 1Cr 15:45-49; Lc 6:27-38

 Theo khuynh hướng đổi chác tự nhiên của loài người, thì ai làm ơn cho mình, mình nên trả ơn cho họ; ai ghét mình, mình có thể ghét lại họ; ai chửi mình, mình được chửi lại họ. Theo luật công bình cũng vậy. Luật báo thù trong Cựu ước cho phép người ta lấy mắt đền mắt; răng đền răng.

Ðiều đó có nghĩa là nếu ai móc mắt mình, mình có quyền móc lại mắt họ, và ai bẻ gẫy răng mình, mình có quyền bẻ lại răng họ. Luật đền bù trong xã hội hiện tại cũng vậy. Người phạm pháp phải bị kết án tuỳ theo tội nặng nhẹ họ đã phạm.

 Vì thế mà lời Chúa dạy trong Phúc âm hôm nay về việc yêu kẻ thù có thể trở thành đề tài cho người đời nhạo báng trong thế giới trần gian. Làm sao người ta có thể yêu kẻ thù được? Ai lại nhu nhược đến nỗi khi người khác vả má này, lại đưa cả má kia cho họ vả. Ai lại khờ dại đến nỗi khi người khác lấy áo ngoài, lại cho họ cả áo trong. Ai lại vô tư đến độ khi người khác lấy gì của mình, lại không cần đòi lại. Sống trong xã hội tranh sống và hưởng thụ, nguyên tắc yêu vô vị lợi của Chúa xem ra như là một giáo lý không tưởng, xa vời với cuộc sống thực tế.

 Chúa đến dạy loài người về luật tha thứ, nhân hậu và bác ái thay vì luật báo thù, báo oán. Nếu chỉ nghĩ đến chuyện tư lợi và đền bù, thì đó là chuyện đổi chác và thương mại. Ðiều đó không có gì liên quan đến yêu thương và bác ái cả. Chúa dạy các môn đệ: Nếu anh em yêu những kẻ yêu thương mình, .. làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, .. cho vay mà hi vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa, ngay cả người tội lỗi cũng làm như vậy (Lc 6:32-34). Và rồi Chúa dạy tiếp: Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hi vọng được đền trả (Lc 6:35).

 Bài trích sách Samuen hôm nay cho thấy ông Ðavít có cơ hội giết đối thủ là vua Sa-un có âm mưu sát hại mình chỉ vì lòng ghen tị khi Ðavít bắt gặp vua nằm ngủ mệt. Số là sau khi chiến thắng quân Phi-li-tinh trở về, phụ nữ Ít-ra-en kéo ra đường đánh trống con và não bạt, rồi nhảy múa ca hát tưng bừng: Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, còn Ða-vít hàng vạn (1 Sm 18:7). Lời ca hát qui cho vua Sa-un chỉ hạ được một ngàn quân đích, còn Ðavít hạ được gấp mười lần số địch quân, khiến vua Sa-un bực tức và sinh ghen tị với Ða-vít. Tuy nhiên Ða-vít không nỡ hạ sát vua Sa-un, người được Chúa sức dầu. Vì hành động tha thứ cho mạng sống nhà vua, mà Thiên Chúa cũng thứ tha cho Ða-vít về tội ngoại tình với bà Bát Se-va, vợ tướng U-ri-gia và còn tha tội sát nhân của Ða-vít khi ông cho ám sát U-ri-gia ngoài trận địa.

 Yêu kẻ thù, theo lời Chúa dạy, không có nghĩa là ngưòi ta phải yêu họ với cùng một cảm tình trìu mến mà người ta dành cho thân nhân và bạn hữu vì hai mối liên hệ thuộc hai lành vực khác nhau. Tuy nhiên Chúa bảo ta phải làm quyết định không được ghét kẻ thù mà còn phải cầu nguyện cho kẻ thù được hoán cải và được cứu rỗi. Trong Phúc âm hôm nay Chúa còn dạy ta đừng xét đoán thì sẽ không bị xét đoán (Lc 6:37). Như vậy ta cần nhận thức rằng xét đoán là quyền của Chúa, và chỉ có Chúa là Ðấng phán xét công minh, vì Chúa thấu suốt tâm hồn của mỗi người.

 Có bao giờ ta nhận ra rằng mình đã sai lầm trong việc xét đoán người khác sau một thời gian xét lại hoặc kiểm chứng lại không? Như vậy trong trường hợp không có đủ bằng chứng, ta phải giả sử rằng người khác vô tội, hay cho họ một lợi điểm mà kiểu nói Anh ngữ là: Give somebody the benefit of the doubt (cho ai lợi điểm không chắc). Kiểu nói Pháp ngữ gọi là: Dans le doute, abstiens-toi (Hồ nghi thì hãy kiềm chế, nghĩa là không thể kết luận). Ngay cả tại tòa án dân sự, mặc dầu có luật sư biện hộ cho can phạm, chánh án và bồi thẩm đoàn cũng sai lầm vì sai lầm là kiếp người (Errare humanum est).. Theo Hiệp hội Tranh đấu cho Tự do Nhân quyền tại Hoa kì, thì từ năm 1900 tới 1992, có 25 người bị hành quyết oan, vì toà kết án lầm và 318 người bị tù cũng vì toà án lầm lẫn.

 Trước toà án lương tâm của mỗi người, biết bao lần ta cũng kết án người khác cách vô căn cớ. Tệ hơn nữa ta còn kết án người khác là xấu thay vì chỉ kết án hành động xấu của họ. Hành động xấu của một người có thể chỉ xẩy ra một vài lần vì yếu đuối hay vì bệnh hoạn. Ta kết án người khác nhiều khi chỉ dựa trên một lời nói, một cử chỉ hay một hành động của họ, thay vì dựa trên toàn diện con người của họ và dựa trên tất cả các công việc họ làm. Ta không biết được tất cả những yếu tố nội tại cũng như ngoại lai có ảnh hưởng đến lời nói và hành động của mỗi người vào thời điểm cũng như hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Ví dụ một người tử tế và tốt lành mà khi bị căng thẳng về trí óc hoặc gặp đau khổ về thể lí hay tinh thần, có thể nói hoặc hành động làm người khác buồn giận. Có người kia, lúc bình thường thì từ tế và tế nhị. Tuy nhiên khi thận bị suy, không làm việc điều hoà thì hay sinh ra bẳn gắt. Có người khác mắc bệnh đường trong máu, khi quên uống thuốc, chất đường có thể lên cao, khiến họ nói và hành động súc phạm đến cả người phối ngẫu. Hiểu biết như vậy ta sẽ dễ dàng bỏ qua những cử chỉ lời nói của tha nhân.

 Luật tha thứ, thương xót, nhân hậu và bác ái của Chúa dạy ta tránh việc xét đoán. Tuy nhiên trong cuộc sống hằng ngày, ta vẫn chỉ trích và xét đoán. Vậy có lẽ ta cần tìm ra căn nguyên cội rễ của việc tại sao có chuyện xét đoán vô cớ. Tìm ra căn nguyên cội rễ của việc xét đoán vô căn cớ là bước khởi đầu cho việc chữa trị tính hay xét đoán bừa bãi. Sở dĩ người ta hay phê bình, chỉ trích và xét đoán có thể là để che đậy những cái chướng, những khuyết điểm và thất bại của mình hầu đánh lạc hướng người khác về mình. Trong trường hợp đó, thì chỉ trích và xét đoán chẳng qua là một hình thức tự vệ. Hôm nay mỗi người cần nhận thức rằng mình phê bình, chỉ trích người khác, thì người khác cũng có thể phê bình chỉ trích mình, nghĩa là họ cũng nhận ra những sai lầm, những nết xấu của mình.

 Sống đức ái chân thực như lời Chúa dạy về lòng thương xót và tha thứ là thước đo mối liên hệ của mỗi người với Chúa và cũng là thước đo mức độ đời sống thiêng liêng của mỗi người. Có những nết xấu người ta phải tập loại bỏ suốt đời, thì cũng có những nhân đức mà người ta phải tập luyện suốt đời. Ví dụ để loại bỏ tính thiếu kiên nhẫn, hay tức giận, ta cần nhận thức rằng ta có lỗi lầm và giới hạn và người khác cũng có lỗi lầm và giới hạn để khi gặp lời nói, cử chỉ, việc làm hoặc hoàn cảnh trái ý, ta dễ dàng dung thứ. Nếu muốn cho việc chịu đựng được hiệu nghiệm, ta có thể đem ý tưởng đền tội vào việc chịu đựng những lời nói, cử chỉ, việc làm hay hoàn cảnh trái ý bằng cách cầu nguyện chẳng hạn như: Lạy Chúa, con xin chịu đựng lời nói, cử chỉ, việc làm, hay hoàn cảnh trái ý này để đền tội lỗi con và nhân loại. Lời cầu nguyện đó có công hiệu giống như dội một gáo nước lạnh lên đầu khi máu bực tức, giận dữ đang bốc lên đầu mình. Nếu kê khai tội cụ thể của mình, thì lời cầu nguyện còn có công hiệu tâm lí làm nguôi giận hơn nữa.

 Ta không thể trở nên môn đệ đích thực của Chúa, nếu ta bỏ ngoài tai lời Chúa dạy về luật thương xót và tha thứ và nếu luật thưong xót và tha thứ của Chúa không ăn nhập gì đến cuộc sống hiện tại của mỗi người.

 Lời cầu nguyện xin cho biết đối xử nhân từ:

 Lạy Chúa, Chúa là Ðấng hay thương xót và tha thứ.

Ðường lối của Chúa khác hẳn đường lối loài người.

Khi con người phạm tội, Chúa không nỡ bỏ rơi,

lại còn sai Con Một đến cứu chuộc loài người.

Xin ban cho con một tâm hồn quảng đại

để con có thể bỏ qua những súc phạm của tha nhân đến con.

Xin dạy con biết đối xử nhân từ, tha thứ và thương xót,

để được Chúa xử đối nhân hậu, thứ tha và xót thương con. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch