Viết lời tựa cho cuốn sách “Công lý và Hoà bình sẽ giao duyên”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh hoà bình không chỉ được xây dựng bởi các cường quốc với các hiệp ước, nhưng còn bởi những cử chỉ bác ái và tha thứ được thực hiện trong cuộc sống hàng ngày.
Trong lời tựa cuốn sách được xuất bản nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Verona ngày 18/5, có đoạn Đức Thánh Cha viết: “Nếu thiếu công lý, hoà bình bị đe dọa; không có hòa bình, công lý bị nguy hại. Hơn bao giờ hết, công lý được hiểu như nhân đức trao tặng những gì thuộc về Thiên Chúa và người khác, gắn liền chặt chẽ với hòa bình, theo nghĩa đích thực và đúng đắn nhất của từ shalom trong tiếng Do Thái. Một thuật ngữ ám chỉ không phải là không có chiến tranh mà là sự sống tràn đầy và thịnh vượng”.
Đức Thánh Cha giải thích hoà bình làm cho công lý trở nên khả thi, trước hết giữa các nạn nhân của mọi cuộc xung đột, cũng như hoà bình trở thành điều kiện tiên quyết cho một xã hội công bằng. Nhưng cả hai chiều kích nhân loại này có một cái giá đó là đấu tranh với tính ích kỷ, nghĩa là đặt những gì của tôi trước của chúng ta. Ích kỷ là bất công và khi nó trở thành một hệ thống của đời sống cá nhân và xã hội, nó sẽ mở ra những cánh cửa xung đột, bởi vì để bảo vệ lợi ích của mình người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì, thậm chí xâm chiếm hàng xóm, từ hàng xóm trở thành đối thủ và rồi là kẻ thù.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Hoà bình không chỉ được xây dựng bởi những người có quyền lực với những chọn lựa và hiệp ước của họ, vốn vẫn là những lựa chọn chính trị quan trọng và cấp bách. Chúng ta cũng xây dựng hoà bình trong các gia đình, giữa những người hàng xóm xung quanh, ở nơi làm việc, trong khu phố nơi chúng ta sinh sống. Chúng ta xây dựng hoà bình bằng cách giúp đỡ một người di cư trên đường phố, thăm một người già cô đơn, tôn trọng Trái đất bị ngược đãi, chào đón các trẻ em chưa chào đời”.
Đức Thánh Cha nhắc đến mẫu gương của cha Domenico Mercante, linh mục coi sóc giáo xứ vùng núi Verona bị bắt làm con tin bởi Đức Quốc xã, và người lính Leonardo Dallasega đã từ chối giết vị linh mục vì anh là một tín hữu. Linh mục và người lính sau đó đã bị sát hại dã man, nhưng theo Đức Thánh Cha, cả hai đều là nhân chứng cho thấy tình yêu đã đánh bại bạo lực và cái chết.
Đối với Đức Thánh Cha, có lẽ chúng ta không phải đổ máu để tuyên xưng đức tin như vẫn đang xảy ra ở các nơi trên thế giới, nhưng chính trong những điều bé nhỏ chúng ta được mời gọi làm chứng cho sức mạnh bình an của thập giá Chúa Kitô và sự sống mới nảy sinh từ đó: một cử chỉ tha thứ đối với người đã xúc phạm chúng ta, chịu đựng những lời vu khống bất công, giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Vatican News
16 tháng năm 2024