Lục danh bạ của một gia đình tám người con: năm trai, ba gái tại làng Ðồng Nhân, quận Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Bắc Việt Nam, thấy có người con đội sổ với danh tánh Trần Bình Trọng, thánh danh Gio-an, sinh 14/04/1944. Bố chết sớm khi con út còn tuổi măng sữa. Nhờ người mẹ đạo hạnh, bé được giáo dục về lễ nghĩa và được đi học từ nhỏ; nhưng khi tan học về nhà, cũng phải giúp việc đồng áng trong gia đình. Năm 1954, chú bé theo gia đình người chị di cư vào Nam trước, bị gián đoạn một năm học khi theo hai người anh trong quân ngũ. Tiếp tục đi học trường xứ đạo, được chọn giúp lễ trong nhà thờ. Năm 1957 chú bé được một linh mục giới thiệu vào Chủng viện trung học thánh Phaolô tại Sàigòn. Về nghỉ hè bà mẹ đánh thức con đi lễ lúc năm giờ sáng. Ngủ nướng, mẹ lại đánh thức dạy cho bằng được. Còn bà đi lễ hầu như hằng ngày lúc bốn giờ sáng.
Tiếp tục theo học Ðại Chủng Viện Triết Học thánh Giuse cũng tại Sàigòn. Năm 1966 thầy Trọng được gửi đi thực tập, làm hiệu trưởng trung học đệ nhất cấp của một giáo xứ trong Giáo phận Phú Cường. Cuối năm 1967, thầy Trọng được gửi sang Hoa kỳ theo khoa Thần học tại Ðại Chủng Viện Thần Học Saint Anthony-on-Hudson, Rensselaer, New York. Thụ phong linh mục tại Albany, New York 1971. Lãnh bằng Cao học Thần học (Master) từ Ðại Chủng Viện Saint Anthony-on-Hudson 1972 liên kết với University of the State of New York. Hoàn cảnh tài chánh giới hạn cộng thêm tinh thần độc lập trong cách suy nghĩ và hành động, khiến linh mục đương sự gặp khó khăn về một vài phương diện trong đời sống. Lãnh bằng Cao học Tâm lí Xã hội (Master) tại Đại học New School for Social Research, Graduate Faculty of Political and Social Science tại thành phố New York 1974. Tiếp tục theo học ngành tâm lí xã hội tại Ðại học Columbia, Teachers’ College cũng ở thành phố trên với dự tính lấy bằng Tiến sĩ. Phải nói rằng một linh mục Công Giáo mà theo học tại hai đại học không Công Giáo là điều bất thường.
Hết hi vọng trở về Quê hương làm việc mục vụ, khi quân đội Cộng sản Bắc Việt thắng thế miền Nam Việt l975, linh mục họ Trần đành bỏ học, nhận làm Tuyên uý cho người Việt tị nạn sáu tháng tại trại Fort Indiantown Gap, Pennsylvania theo chương trình của chính phủ Hoa kì. Xuất trại, linh mục đương sự phục vụ một số giáo xứ Mĩ và giáo xứ Việt Nam trong Giáo phận Arlington, Hoa kì trong khoảng thời gian hơn ba mươi năm với vị thế Phó xứ cũng như Chánh xứ. Giảng thuyết bằng Anh ngữ cũng như Việt ngữ là một ưu tiên trong sứ vụ mục vụ của linh mục. Khi bà mẹ qua đời 1987, Cha Trọng không thể về dâng lễ an táng cho mẹ.
Trần Bình Trọng viết bài bình luận không định kì cho Nguyệt san Chuông Việt của sinh viên VN tại Hoa Kỳ 1970-1972; Chủ bút Nguyệt san Cộng Ðồng Giáo sĩ /Tu sĩ VN tại Hoa Kì/Gia Nã Ðại 1971-1975, viết mục Tin Bán Chính Thức, rồi chuyển sang viểt sang viết mục Chuyện Chúng Mình của giới linh mục tu sĩ; Chủ nhiệm Ðặc san Giáng Sinh, Giáo xứ Các Thánh TÐVN 1989-1993, Arlington, Virginia. Viết bài không định kì cho ba Nguyệt san Chân Trời Mới, Dân Chúa Mĩ Châu và Thời Ðiểm Công Giáo. Tác giả Chỉ Nam Giáo Xứ 1992 (124 trang) của Giáo xứ trên. Biên soạn Gia Phả Họ Nội 2003 (38 trang khổ giấy đánh máy) của linh mục gồm mười đời với nhiều dữ kiện. Ông thượng tổ là Trần Văn Uy (còn gọi là Thiết - đời 1), làm tướng Nghĩa quân Phan Bá Vành (Ba Vinh), chống lại Triều đình nhà Nguyễn, tử trận 1827. Ông Trần Hữu Thuyên (đời 5) kể lại ông cố tổ làm quan tứ trụ triều đình nhà Trần năm 1258. Biên soạn Gia Phả Họ Ngoại 2003 của linh mục gồm tám đời với nhiều dữ kiện (96 trang).
Linh mục đương sự tham gia và sinh hoạt khi cần với Phong Trào Học Hội Kitô Học (Cursillo); Phong Trào Hội Ngộ Phu Thê (Marriage Encounter); thiết lập và sinh hoạt dăm năm với Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể (Eucharistic Youth Movement) và Phong Trào Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Ðình (Marriage Family Enrichment Program) tại Giáo xứ CTTÐVN; dấn thân lâu dài trong Phong Trào Canh Tân Thánh Linh (Charismatic Movement for Renewal). Mấy linh mục bạn Mĩ nói Cha Trọng là thành viên kín của Phong Trào Thánh Linh (closet Charistmatic), linh mục họ Trần không phản đối.