la-1501. Hành trình tham quan

Cha Quản xứ Thanh Đa, Sài Gòn tổ chức chuyến du lịch tham quan nước Lào 4 ngày (19-22.9.2011). Đồng thời tìm hiểu đôi nét di dân Việt Nam đang sinh sống tại Lào để chuẩn bị cho chuyến đi thăm mục vụ của Ủy ban Di dân trong tương lai.Tôi cùng với 24 linh mục thuộc ba Giáo phận (Sài gòn, Phan thiết, Phú cường) phấn khởi tham gia.

Mỗi năm có chuyến đi xa thật thú vị, vừa thư giãn vừa là dịp tham quan, vừa là cơ hội để hiểu biết thêm về lịch sử, văn hoá, tôn giáo của một đất nước và nhất là dịp anh em linh mục gặp gỡ chia sẻ nhiều kinh nghiệm mục vụ cho nhau. Mỗi đất nước đều có mỗi vẻ đẹp khác nhau về phong cảnh về con người, về lịch sử. Mỗi Dân tộc đều có một bản sắc văn hoá riêng biệt. Mỗi Giáo hội địa phương đều có một hoàn cảnh và sức sống nội tại.

-Từ Sài gòn chúng tôi bay ra Huế. Xe công ty du lịch Việt đưa đoàn đến thánh địa La vang. Cha Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu vui vẻ đón tiếp. Dưới cái nắng chói chang ban trưa, chúng tôi dâng thánh lễ tạ ơn tại linh đài, xin Đức Mẹ La Vang ban ơn bình an cho chuyến lữ hành. Trong thinh lặng, mỗi người cầu nguyện riêng với Đức Mẹ, dâng bao ước nguyện và tâm tình.

Rời La Vang, đi 80km trên đường 9 Nam Lào lịch sử, xuyên qua đường đèo uốn lượn, ngắm nhìn trong trong mưa núi rừng chập chùng vùng đất Quảng Trị, chúng tôi đến Cửa khẩu Lao Bảo làm thủ tục xuất nhập cảnh.

   DSC05051 DSC05062DSC05074

   DSC05093 DSC05117 DSC05219_copy

   DSC05228 DSC05271 DSC05236 

  

Sau 60 phút, chúng tôi tiếp tục hành trình 250km đến tỉnh Savannakhet. Đường nhỏ hẹp, nhiều ổ gà ổ voi nên xe chạy chậm. Dọc lộ trình, chỉ lác đác vài chuyến xe đi về, dân cư thưa thớt. Những căn nhà gác phía trên người ở, phía dưới nuôi súc vật, giống như bên Campuchia. Có lẽ đó là lối sống của các Dân tộc ít người. Đến nơi trời đã tối mịt, nhận phòng, ăn uống và nghĩ ngơi sau một ngày ngồi xe ê ẩm.

-Hôm sau, dâng thánh lễ chung tại khách sạn, chúng tôi đi thăm nhà thờ Savannakhet. Hai anh em linh mục người Lào gốc Việt, cha Tính và cha Tình đón tiếp thân tình. Ngày xưa cha Tính đã từng học Tiểu Chủng viện Sài gòn và Giáo hoàng Học viện. Hai anh em ruột làm linh mục phục vụ nhiều cộng đoàn truyền giáo. Cha Tính phụ trách đến 22 giáo xứ. Rời nhà thờ, đoàn đi thăm một ngôi Chùa, chụp vài tấm hình kỷ niệm với các chú tiểu.

Đường đi từ Savannakhet đến thủ đô Viêng Chăn dài đến 480km. Xe chạy mãi qua những cánh rừng bạt ngàn từ sáng đến 4giờ chiều mới đến trung tâm. Tranh thủ tham quanThat Luang, Tháp biểu tượng cho đất nước Lào triệu voi, thăm chùa Sisaket cổ kính xây dựng từ năm 1818 lưu giữ 6.840 tượng Phật và nhiều kinh sách cổ viết bằng tay trên lá cọ được làm cách đây 450 năm, tương truyền nơi có xá lợi Đức Phật Quan âm bồ tát, linh thiêng nhất nước Lào. Sau đó tham quan biểu tượng của Thủ đô Viêng Chăn là tượng đài chiến thắng Patuxay được xây dựng theo kiến trúc Khải hoàn môn của Pháp mang đậm phong cách của đất nước Phật giáo theo trường phái Nam Tông. Tối về nghĩ tại khách sạn bên bờ sông Mêkông.

-Sáng sớm, chúng tôi dâng thánh lễ tạ ơn mừng 50 năm Linh mục cha già Vũ Ngọc Long trong căn phòng nhỏ ấm áp. Cha già Long cảm động quá nên cứ quên hoài. Chúng tôi vui mừng viếng thăm Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Giám Mục dòng Phanxicô niềm nở đón tiếp. Ngài nói thông thạo tiếng Anh tiếng Pháp và tiếng Việt. Anh chị em người Việt sinh sống tại đây hân hoan chào đón và hàn huyên câu chuyện kể. Người Công giáo Việt nam đóng góp rất nhiều vào những sinh hoạt mục vụ sống động tại giáo xứ Chính tòa. Mỗi Chúa nhật đều có thánh lễ tiếng Việt, gần cả ngàn người dự lễ, đa số là công nhân từ Giáo phận Vinh sang đây làm việc. Một gia đình người Việt gốc Bến tre sống lâu năm mở nhà hàng Đồng xanh mời đoàn về thăm nhà uống càphê. Có 2 thầy Phó tế người Việt cũng đến chia vui. Trong khuôn viên rộng rãi xanh đẹp của nhà hàng có núi Đức Mẹ ban ơn, chúng tôi hát ca tôn vinh Mẹ “Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông…”. Chụp hình lưu niệm và lưu luyến chia tay. Mua sắm chút quà đặc sản tại chợ Sáng (Talat xau), chúng tôi viếng chùa Si Mương (Chùa Mẹ) là ngôi chùa linh thiêng của dân Lào.

Tiếp tục hành trình 350km về đến Thị xã Thakhek thuộc tỉnh Khăm Muộn lúc trời đã tối. Khách sạn hiện đại Riveria nằm sát bờ sông Mêkông. Trên cao nhìn qua bên kia sông đèn màu rực rỡ, phố xá hiện đại của thành phố miền đông bắc Thái Lan. Bên này sông, nhà cửa phố xá cũ kỹ, khung cảnh yên bình của miền quê dân dã. Thành phố Savannakhat, Thủ đô Viêng Chăn hay Thị xã Thakhek đều nằm bên bờ sông Mêkông, đi qua những nơi này, tôi thấy thật nghèo nàn chậm phát triển từ cơ sở hạ tầng đến mọi sinh hoạt khác. Trái lại, phía bên kia sông, những thành phố biên giới đông bắc của Thái Lan phát triển sầm uất. Hàng hóa, nhất là mặt hàng điện tử từ Thái qua Lào về Việt nam tấp nập. Gió mát từ dòng sông lớn mà hiên hòa đưa tôi vào giấc ngủ lấy lại sức cho ngày về.

-Dâng thánh lễ ban sáng với tâm tình tạ ơn Chúa, sau đó chúng tôi đến thăm Nhà thờ Thakhek và Đại chủng viện. Cha Hiền, người Lào gốc Quảng bình là cha sở, hồ hởi đón chào tay bắt mặt mừng. Giáo hội Công giáo Lào chỉ có 19 đại chủng sinh tu học tại đây từ lớp triết học đến lớp thần học. Đại chủng viện bé nhỏ đơn sơ như dãy nhà giáo lý xứ đạo miền quê. Các Giáo sư đến từ Thái Lan và Pháp. Các Thầy có nét hao hao tựa các Thầy Dân tộc K’Ho ở ĐCV Xuân lộc.

Nơi khuôn viên nhỏ này vừa có Tòa Giám mục Thakhek miền trung Lào, vừa có Đại chủng viện và nhà thờ Chính tòa. Tiếc quá, Đức Giám mục Jean-Marie-Vianney Prida Inthirath đi mục vụ. Ngài mới được tấn phong Giám Mục năm ngoái (10.4.2010). Đức Giám mục Louis-Marie Ling Mangkhanékhoune, Giám mục giáo phận Pakse Nam Lào, chủ phong. Từ trước đến nay chưa có một lễ hội tôn giáo nào đông như vậy, đoàn đồng tế gồm có Đức Khâm Sứ Toà Thánh ở Thai Lan, 11 Giám Mục và 63 linh mục, từ các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Philippine, Việt Nam. Đức Tổng Giám mục Salvatore Pennacchio Sứ thần Tòa Thánh ở Thái Lan, Campuchia, Phillipinne, Singapore, Malaysia và Myanmar, đã bày tỏ vui mừng và nói rằng: Thiên Chúa đã gửi cho Giáo hội Lào một tân Giám Mục theo mẫu gương của thánh Jean-Marie -Vianney. Ngài là Bề Trên Chủng Viện, một con người gương mẫu, về lòng đạo đức, nghèo khó, khiêm tốn, hiền hoà trong khi cư xử. (x. Vietcatholic 12.4.2010).

Chúng tôi ghé thăm Nhà trẻ do các Sr Dòng Mến Thánh giá Thakhek phụ trách, vào Nhà thờ cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho chuyến về bình an.

Hơn 470km từ Thakhek về đến Huế, không ai thấy mệt mỏi vì niềm vui được biết thêm đôi nét về Giáo hội Lào anh em.

2.Giáo hội Lào

Cha Tính cho chúng tôi biết Giáo hội Lào có 4 giáo phận, 4 Giám mục, 18 Linh mục, 19 Chủng sinh và khoảng 50 ngàn giáo dân trên 6 triệu dân cả nước.

4 Giám mục

-Đức Giám Mục Pierre-Antonio-Jean Bach, M.E.P., Giám Mục Hiệu Tòa Luang Prabang.

- Đức Giám Mục Jean Khamsé Vithavong, O.M.I., Giám Quản Tông Tòa Vientiane.

-Đức Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Giám Quản Tông Tòa Paksé.

-Đức Giám Mục Jean-Marie-Vianney Prida INTHIRATH. Giám Quản Tông Toà Thakhek.

18 Linh mục:

- Luang Prabang: không có

- Vientiane: 3 linh mục, 1cha già hưu

- Thakhek: 9 linh mục.

- Pakse: 4 linh mục, 1 cha già hưu

Đôi nét về các giáo phận(x. Vietcatholic, 19.7.2007)

- Giáo Phận Tông Tòa Luang Prabang

Giáo Phận Tông Tòa Luang Prabang là một giáo phận đại diện Tông Tòa ở miền Bắc Lào. Giáo phận này được thành lập ngày 11/3/1963, khi tách ra từ Giáo Phận Tông Tòa Vientiane. Diện tích Giáo Phận là 83.700 cây số vuông, và 2.560 người trong 1,2 triệu công dân trong khu vực là tín đồ Công giáo .

Giáo phận Đại Diện Tông Tòa bao trùm các tỉnh miền Bắc, gồm Luang Prabang, Xaignabouli, Oudomxai, Phongsali, Louang Namtha và Bokeo. Giáo phận chỉ có 6 giáo xứ và một linh mục coi sóc.

Từ khi chế độ Cộng Sản lãnh đạo đất nước Lào vào năm 1975, thì Giáo hội Công giáo tại Giáo phận đại diện tông tòa Luang Prabang bị đàn áp mạnh mẽ. Ba nhà thờ lúc đó ở Luang Prabang, thì một trong ba đã bị phá hủy, một biến thánh trạm cảnh sát và một được dùng làm nhà ở. Như thế Giám mục chỉ được phép đi lại tới hai trong sáu tỉnh, cụ thể là Luang Prabang và Xaignabouti, và cũng phải ở lại, vì nhà nước không cho phép ngài ở lại thường xuyên tại miền Bắc.

Tuy nhiên mới đây tình hình bắt đầu có cải thiện: năm 2005, nhà thờ đầu tiên từ 1975 được thánh hiến tại Ban Pong Vang (Xaignabouli); trong năm 2003 giáo hội được phép mua đất tại Luang Prabang để xây một nơi ở bên trong giáo phận.

Các Giám mục: Ngai của đại diện tông tòa bị bỏ trống từ năm 1975. Từ đó giáo phận đã được một Giám Quản Tông Tòa lãnh đạo, đó là Giám Quản Banchong Thopanhong (Apostolic Administrator), từ tháng Từ năm 1999; Thomas Nantha (Apostolic Administrator), ngày 29/11/1975 - l7/4/1984; Alessandro Staccioli, O.M.I., 26/9/1968 – 29/9/1975; Lionello Berti, O.M.I.,1/3/1963 - 24/2 1968.

-         Giáo phận đại diện tông tòa Pakse.

Giáo phận có diện tích là 45.000 cây số vuông, thuộc miền Nam Lào. Đây là Giáo phận lớn nhất thứ hai trong các giáo phận tại Lào. Số người công giáo là 14.519 (1, 3% dân số khu vực), trong 1 triệu người ở khu vực (2003). Một nửa số họ là những thành phần dân tộc thiểu số.

Giáo phận đại diện Tông tòa Pakse là một đơn vị quan trọng trong Giáo Hội Công giáo Rôma tại Lào. Vị Đại Diện Tông Tòa từ năm 2000 là Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun. Giáo phận được thành lập năm 1967, khi được tách ly từ giáo phận đại diện tông tòa Savannakhet.

Giáo phận bao gồm các tỉnh Champasak, Salavan, Xekong và Attapu, tuy nhiên hầu hết người Công giáo sống ở Champasak và Saravan. Giáo phận có 26 giáo xứ, 3 linh mục và 19 nữ tu Dòng Thánh Phaolô de Chartres và Dòng Mến Thánh giá.

Các Giám mục: Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun (từ 30/10/2000); Thomas Khamphan (10/7/1975-30/10/2000; Jean-Pierre Urkia, M.E.P. (12/6/1967 - 10/7/1975).

-         Giáo Phận Tông Tòa Savannakhet

Giáo phận đại diện tông tòa Savannakhet là một đơn vị của Giáo hội Công giáo Rôma tại Lào. Bao trùm một diện tích là 48.100 cây số vuông thuộc miền trung Lào, giáo phận này lớn nhất trong các giáo phận tại Lào. Người Công giáo có 12,500 tín đồ trong 2.7 triệu người trong khu vực.

Giáo phận bao gồm các tỉnh Savannakhet, Khammouan và Bolikhamxai. Giáo phận có 54 giáo xứ, 6 linh mục.

Phủ Doãn Tông Tòa Thakkek được thiết lập ngày 21/11/1950, khi giáo phận Lào được chia thành hai phần. Phần phía Tây tại Thái Lan trở thành Giáo Phận Tông Tòa Thare, trong khi phần thuộc Lào trở nên một Phủ Doãn Tông Tòa. Ngày 24/2/1959, phủ doãn được nâng lên hàng giáo phận tông tòa. Năm 1963, giáo phận đổi tên là Savannakhet, mặc dù trung tâm vẫn ở tại Thakhek, tỉnh Khammouan. Năm 1967 phần phía Nam của giáo phận tách lập thành giáo phận Pakse.

Các Giám Mục: Jean Sommeng Vorachak, từ ngày 21/4/1997; Jean-Baptiste Outhay Thepmany,10/7/1975-21/4/1997; Pierre-Antonio-Jean Bach, M.E.P., 28/6/1971-10/7/1975; Jean-Rosière-Eugène Arnaud, M.E.P., 17/7/1950 - 10/10/1969 .

3. Thao thức

Nước Lào có diện tích là 236.800km2 với ¾ là núi đồi, chỉ có ¼ là đồng bằng. Đất nước có 17 tỉnh và 1 Thủ đô. 34 Dân tộc anh em được chia làm 3 nhóm. Nhóm Lào Súng chiếm tỉ lệ 15%, sống trên núi du canh du cư. Nhóm Lào Thơng 25%, sống ở vùng cao nguyên. Nhóm Lào Lung 60% sống ở đồng bằng, lưu vực sông Mêkông.

Địa bàn rộng lớn, thiếu linh mục và nữ tu, mỗi linh mục chịu trách nhiệm trông coi từ 10-25 giáo xứ, mỗi giáo xứ có từ 100 -2000 giáo dân. Đời sống dân chúng đa phần khó khăn.

Nước Lào với 5 không: không biển, không tàu lửa, không thủy lợi, không có bão và không mồ mả (vì tục lệ thiêu xác). Đất nước nằm gọn trong đất liền, phía Bắc giáp Trung Hoa, phía Tây giáp Myanmar, phía Đông giáp Việt Nam và phía Nam giáp Thái Lan và Campuchia.

Miền Nam và Trung Lào nằm sát ngay phía Tây Cao Nguyên Miền Trung Việt Nam, một dãy núi trùng điệp với chiều cao trung bình là 1.200m. Chính dãy núi này đã từ lâu chia hai nền văn minh Ấn hóa và Hán hóa trong vùng. Sông Mêkông làm thành một phần lớn biên giới tự nhiên với Thái Lan, và tiếp tục xuyên qua Campuchia và Nam Việt Nam vào Biển Nam Trung Hoa. Sông Mêkông xuyên dọc biên giới đất nước và là trung tâm nền văn minh và văn hóa Lào.

Một đất nước rộng lớn nhưng chậm phát triển, một Giáo hội trải rộng với nhiều cánh đồng truyền giáo nhưng lại thiếu thốn cơ sở vật chất cho đến nhân sự. Đức Cha Louis Marie Mangkhanekhoun, Khâm sứ Tòa Thánh tại Paksé thao thức: ngày nay điều cấp bách là việc đào tạo các linh mục và các chủng sinh cũng như việc đào tạo các giáo lý viên, tác nhân quan trọng của việc mục vụ. Tìm kiếm người kế thừa, thay thế không dễ dàng chút nào.

Đức Cha Ling giải thích: theo hướng thay đổi kinh tế và cởi mở của chính phủ ở Vientiane, các quan chức đã thay đổi đôi chút cái nhìn của họ về Giáo Hội Công Giáo: “các vị lãnh đạo đã hiểu rằng Giáo Hội có thể mang lại sự trợ giúp xã hội và tôn giáo”. Nhất là nhờ những cuộc viếng thăm của Sứ thần Tòa Thánh ở Vientiane, Sứ Thần ở Bangkok, biết bao thành kiến đã tiêu tan, mặc dù cũng phải ghi nhận rằng những gì diễn ra thực sự ở thủ đô không dĩ nhiên là vậy trong các tỉnh thành khác; ở cấp bậc địa phương, đơn giản là các quan chức không biết Giáo Hội và có thể gây nên những khó khăn để cấp giấy phép cần thiết cho việc xây dựng những nơi thờ tự. Sự trợ giúp đến từ nước ngoài cho phép Giáo Hội xây dựng những phòng chữa bệnh, các trường tiểu học hay các trung tâm đào tạo giáo viên tiểu học, tiếp đến được giao lại cho các quan chức địa phương quản lý. Ngài nhấn mạnh: “Chúng tôi hành động như thế để làm cho chính phủ hiểu rằng Giáo Hội thuộc về tổ quốc và Giáo Hội làm việc vì sự phát triển của đất nước”.

Vào ngày 6.9.2007 tại Castel Gandolfo, ĐTC Biển Đức XVI đã đón tiếp các Giám Mục Lào và Campuchia. Đức Cha Ling đã giải thích rằng sự lôi cuốn đối với Giáo Hội Công Giáo ngày nay là rất khích lệ, nhất là đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên những hạn chế mở rộng đoàn chiên Công Giáo bé nhỏ của Lào thì nhiều. Một mặt, việc chuyển sang tôn giáo mới phải được khai báo với chính quyền, một phương thế ngăn cản chắc chắn việc thay đổi tôn giáo. Mặt khác, những người mới cải đạo không được đón tiếp như họ phải được, thiếu nhân viên mục vụ và được đào tạo đúng đắn. Đó là trở ngại lớn nhất. (Zenit 29.9.2007).

Đa số người Lào theo Phật Giáo. Vào năm 1975 khi Patheth Lào cầm quyền, các nhà truyền giáo đã bị trục xuất và từ đó chính quyền đã không cho các nhà truyền giáo trở lại. Hiện tại Giáo Hội Lào đang rất cần các nhà truyền giáo, các linh mục tu sĩ đến từ các nước khác nhất là Việt nam. Hy vọng cũng là niềm tin vào tình thương của Chúa Quan Phòng.

Xin thêm lời cầu nguyện cho Giáo Hội Lào và như lời Đức Khâm Sứ kêu mời các nhà truyền giáo hãy đặt những bước chân "đẹp thay" trên đất nước này để gieo mầm cứu rỗi.

Kim Ngọc 24.9.2011

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch