BeMacNamThanhDucMeTaPaoPHAN THIẾT - Ngày 8.12.1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố Tín điều ‘Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội’ như sau: «Để làm hiển danh Thiên Chúa Ba Ngôi thánh thiện và duy nhất, để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, để đề cao đức tin Công Giáo và để phát huy Kitô giáo, với quyền năng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô,…: Sự xác tín rằng, ‘Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai trong lòng mẹ, đã nhờ một ơn huệ đặc biệt độc nhất vô nhị của Thiên Chúa Toàn Năng, dựa vào công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của toàn thể nhân loại, được gìn giữ toàn vẹn khỏi mọi nguy hại của tội nguyên tổ,’ đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế buộc mọi tín hữu phải tin thật như thế.» (Tông thư ‘Ineffabilis Deus’).

Đúng bốn năm sau đó, năm 1858, chính Đức Mẹ đã chứng thực Tín điều trên khi hiện ra với thiếu nữ Bernadette tại Lộ Đức và tự xưng là «Immaculata Conceptio» - Vô Nhiễm Nguyên Tội. Sau cùng, vào năm 1917, khi hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Fatima, Đức Mẹ lại gián tiếp chứng thực Tín điều trên một lần nữa khi Người cho ba trẻ hay là để thế giới được hòa bình, Thiên Chúa muốn cho nhân loại phải tôn kính Trái Tim Vô Nhiễm cua Mẹ.

Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI gọi lễ trọng kính "Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội" là “một trong những lễ đẹp nhất và phổ biến nhất."

Hôm nay ngày 8.12, Giáo hội cử hành một trong những lễ đẹp nhất và phổ biến nhất của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria: đó là Lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ Maria không những không phạm tội nào, mà Mẹ còn được gìn giữ khỏi phạm tội nguyên tổ, phần gia tài tội mà toàn thể nhân loại phải mang lấy. Và Mẹ được vô nhiễm nguyên tội, nhờ sứ mạng mà từ muôn thuở Thiên Chúa đã dành cho Mẹ: sứ mạng làm Mẹ của Ðấng cứu chuộc. Tất cả điều này được tích chứa trong sự thật đức tin về việc Mẹ Maria được vô nhiễm nguyên tội. Nền tảng Kinh Thánh của tín điều này được gặp thấy nơi những lời của Sứ Thần ngỏ với thiếu nữ làng Nazareth như sau: "Hãy vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!" (Lc 1,28). "Ðấng đầy ơn phước", -- trong nguyên bản tiếng hy lạp là: Kêcharitomêmê -- là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, "tình thương nhập thể của Thiên Chúa" (TÐ. Thiên Chúa là tình yêu, số 12).

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Đức Trinh Nữ Maria, Giáo phận Phan Thiết tổ chức đại lễ Bế Mạc Năm Thánh Đức Mẹ TàPao.

Chiều 7.12, các giới, các đoàn thể trong giáo phận và khách hành hương đã nô nức về bên Mẹ TàPao. Xe đò đậu kín hết các bãi giữ xe và mọi ngõ nghách. Hàng chục ngàn người tay cầm nến sáng hòa vào đoàn rước cung nghi thánh tượng Đức Mẹ từ trên núi tiến về lễ đài. Ánh sáng của rừng nến lung linh xua tan màn đêm đại ngàn. Đêm linh thiêng và huyền diệu. Các tu sĩ nam nữ, các linh mục cùng Đức Giám Mục giáo phận hòa vang cùng cộng đoàn những khúc ca ngợi khen chúc tụng Đức Mẹ.

Đến lễ đài, thánh tượng Mẹ TàPao được cung nghinh lên cao trang trọng. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống xông hương thánh tượng và ngỏ lời với cộng đoàn.

Lời đầu tiên hôm nay, giữa núi rừng Tàpao, xin được gởi đến tất cả quý linh mục, tu sĩ cũng như toàn thể khách hành hương thuộc giáo phận Phan Thiết cũng như khách hành hương đến từ nhiều giáo phận khác lời chào mừng dưới bóng đêm bên cạnh Đức Trinh nữ Maria tại núi rừng Tàpao này.

Chúng ta vừa trải qua một kinh nghiệm rất đặc biệt mà nghi thức cung nghinh Đức Trinh nữ Maria đã nói lên. Đây là một cuộc cung nghinh rất trọng thể và rất sốt sắng với sự tham gia của nhiều người, nhiều thành phần dân Chúa. Xin thưa với cộng đoàn rằng đây không phải là một hình thức độc lập mà chính là thành phần của Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao. Nếu như khởi đầu Năm Thánh, mỗi người chúng ta được mời gọi để tìm đến mái trường Đức Maria, học nơi Mẹ, học với Mẹ những nhân đức cột trụ trong đời sống: đức Tin, đức Cậy, đức Mến, thì buổi cung nghinh mà chúng ta quen gọi là cuộc rước kiệu, kiệu Đức Trinh nữ Maria tối nay đã nói lên trọn vẹn. Như chúng tôi thưa, đây là thành phần của Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao nhưng tự thân, cuộc cung nghinh này cũng là cuộc cung nghinh đem lại những ý nghĩa đầy đủ của một cuộc hành hương nơi trung tâm Thánh Mẫu. Nếu như mỗi cuộc hành hương, trước hết có ý nghĩa Cánh Chung, nghĩa là tất cả mọi người chúng ta được mời gọi về một địa điểm quy tụ dưới chân Đức Trinh Nữ Maria tại núi rừng Tàpao đây để một mặt biểu lộ lòng tin của tín hữu cách riêng, được diễn tả qua việc sám hối canh tân đời sống, thì ở đây đã thoát tỏa lên ý nghĩa cánh chung. Đời người luôn luôn là những bước hành trình, trên nhịp bước hành trình ấy có những quyết tâm đổi mới: hai bước đi làm nên, triển hành của một hành trình, bước đi nhìn lại quá khứ để sám hối, bước đi hướng đến tương lai để đổi đời. Hai bước đi ấy cộng lại làm nên ý nghĩa cánh chung của bất cứ cuộc hành hương nào, cũng như cuộc rước kiệu chúng ta cử hành đêm nay. Chưa hết, thưa cộng đoàn, mỗi một cuộc hành hương, mỗi một cuộc rước kiệu cũng còn mang trong mình ý nghĩa của văn hóa. Ở đây, mỗi người được mời gọi tham gia vào cuộc lễ hội. Lễ hội ở đây tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria nhưng cũng là lễ hội chan hòa. Trên đường kiệu chắc là quý Ông bà anh chị em cũng đã ghi nhận những hình ảnh chan hòa ánh sáng của hoa đăng: nến cầm trên tay, đèn thắp trên xe hoa và đèn còn thắp dài dài trên đường kiệu chúng ta đi, đó là màu sắc của lễ hội. Chính ý nghĩa lễ hội ấy cũng làm nên bầu khí đặc biệt của cuộc gặp mặt đêm nay. Và cũng chưa hết nữa, mỗi một cuộc hành hương, mỗi một cuộc rước kiệu còn là biểu tỏ tình hiệp thông, hiệp thông với dân cư tại địa phương, miền cao của núi rừng. Những ngày 13 mỗi tháng chúng ta đến đây cánh đồng trước mặt còn ngập nước. Nhưng hôm nay khô ráo. Ngồi trên cỏ chúng ta nghe thấy mùi đất. Ngồi trên cỏ chúng ta nghe thấy hương vị của địa phương này và đó chính là tình hiệp thông biểu lộ những bàn tay nắm lấy bàn tay, nối lấy nhau trong cuộc cung nghinh vừa qua.

Vâng, đó là hai ý nghĩa, tôi mạo muội nêu lên. Ý nghĩa biểu tỏ của đức Tin, mỗi một cuộc hành hương là diễn tả ý nghĩa Cánh Chung. Ý nghĩa biểu tỏ của văn hóa mang tính lễ hội. Tất cả mọi người gặp lại nhau trong một tình mến dành cho Đức Trinh nữ Maria. Như vậy, kết thúc cuộc rước không là một kết thúc đúng nghĩa mà chính là lúc mở ra cho mỗi người một niềm vui, chính trong sự mở ra ấy ta gặp thấy chủ đề của cuộc gặp mặt đêm nay: Cùng Mẹ ra khơi, cùng Mẹ lên đường. Giờ này, kính mời cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý để kết nối hoa lòng dâng kính Đức Trinh nữ Maria như chúng ta đã quen làm trong nội tâm của mỗi người nhưng cũng cần biểu tỏ ra để người này trao cho người kia như là một món quà tinh thần nhân dịp khép lại Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao. Vâng, xin kính chào và xin kính mời cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý tham dự.

Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết với nhiều tiết mục đặc sắc tiến hoa dâng kính Mẹ. Các Bà Mẹ Công Giáo Giáo Phận góp những khúc ca điệu múa tán tụng ngợi khen Đức Mẹ.

Cha Phêrô Nguyễn Thiên Cung, công bố “Giải Thưởng Văn-Thơ-Nhạc-Họa Đức Mẹ TÀPAO lần I”.

Suốt một năm qua, Giáo phận Phan Thiết đã tưng bừng sống như Lễ hội Năm Thánh Đức Mẹ Tà Pao được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 50 năm (1959/08-12/2009) ngày Khánh thành và Làm phép Lễ đài Đức Mẹ tại núi Tà Pao nầy qua những chuyến hành hương tại các Giáo hạt, và tại chính Trung tâm Hành hương nầy, nhằm qua Mẹ và với Mẹ con người bắt lại được những nhịp cầu tương quan giữa con người với chính Thiên Chúa, giữa con người với nhau và giữa mỗi người với chính bản thân mình. Đồng thời bên cạnh đó, để giúp tìm hiểu về lịch sử Trung tâm hành hương Đức Mẹ Tà Pao, Giáo phận đã cho xuất bản và phát hành cuốn “LƯỢC SỬ TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀ PAO” do Ban Nghiên cứu Lịch sử Giáo phận Phan Thiết biên soạn; và để giúp tìm hiểu về Mái trường dạy sống Tin, Cậy, Mến của Đức Maria, tập sách “DƯỚI MÁI TRƯỜNG ĐỨC MARIA” do Lm. GB. Hoàng Văn Khanh biên soạn cũng đã được ấn hành và phổ biến rộng khắp như một tài liệu học hỏi trong Năm Thánh trên toàn Giáo phận: tài liệu nầy cũng đã được Ban Giáo lý Giáo phận Phan Thiết tóm lược lại và cho xuất bản với tựa đề: “100 câu hỏi về Đức Maria”…

Đặc biệt, để nhằm tạo bầu khí thi đua sôi nổi tìm hiểu và viết về Mẹ, trong Năm Thánh nầy, Giáo phận Phan Thiết đã tổ chức Giải Thưởng Văn-Thơ-Nhạc-Họa Đức Mẹ TàPao dành cho tất cả mọi người kể từ ngày 03-5-2008 đến hết ngày 13-8-2009. Cho đến hết ngày 13-8-2009, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được sự tham gia khá đông đảo của nhiều tác giả trong cũng như ngoài nước, xin được lược ghi theo thống kê sau:

91208tapao1

Ngoài ra, Ban Giáo lý Giáo phận cũng đã phát động Phong trào học hỏi Giáo lý về Đức Maria trong suốt năm qua và được kết thúc với những Kỳ thi Giáo lý sôi nổi, hào hứng tại các Giáo xứ, Giáo hạt và cuối cùng Giáo phận vào ngày Chúa Nhật I Mùa vọng vừa qua (tức ngày 29-11-2009) tại Hội trường Chủng viện Thánh Nicolas Phan Thiết.

Nghi thức trao các Giải thưởng Văn-Thơ-Nhạc-Họa và Giáo lý tối hôm nay được tổ chức chính là để biểu dương và tôn vinh tinh thần thi đua học tập và sáng tác về Đức Maria của tất cả anh chị em trong suốt năm qua. Vì thế, thay mặt Ban Tổ chức, tôi long trọng tuyên bố khai mạc Đêm trao giải thưởng Văn-Thơ-Nhạc-Họa và Giáo lý nầy.

Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Cha Giuse Bùi Ngọc Báu và Cha GB Trần Văn Thuyết lần lượt trao giải thưởng cho các thành viên đạt giải.

Giải thưởng Văn-Thơ-Nhạc-Họa Đức Mẹ Tàpao lần I được tổ chức từ ngày 03-5-2008 đến hết ngày 13-8-2009, đã nhận được sự tham gia đông đảo của quý vị tác giả ở các Giáo phận, trong cũng như ngoài nước. Ban giám khảo gồm các thi sĩ nhạc sĩ tên tuổi.

A. Bộ môn Thơ và Văn:

A.1- Sơ Tuyển:
1. Linh mục Thi sĩ Trăng Thập Tự
2. Nhà thơ Công giáo Trần Vạn Giã
3. Nhà thơ Nguyễn Văn Tường
4. Nhà báo Nguyễn Thanh Xuân

A.2- Chung Tuyển:
1. Đức Ông Linh mục Thi sĩ Xuân Ly Băng (thơ)
2. Linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung (văn)

B. Bộ môn Nhạc:

B.1- Sơ Tuyển:
1. Linh mục Nhạc sĩ Nguyễn Duy
2. Nhạc sĩ Phanxicô

B.2- Chung Tuyển:
Nhạc sư Linh mục Kim Long

I. DANH SÁCH QUÝ TÁC GIẢ ĐOẠT GIẢI:

91208tapao2

II. CÁC GIẢI THƯỞNG:

A. Cho những người đoạt giải:

1. Một số tiền mặt tượng trưng;
2. Một văn bằng chứng nhận đoạt giải của Ban Tổ Chức Giải Thưởng;
3. Một tượng Đức Mẹ Tàpao bằng bột đá như một món quà lưu niệm.

B. Cho tất cả các tác giả có tham gia Giải Thưởng:

Một văn bằng chứng nhận có tham gia Giải Thưởng của Ban Tổ Chức.

Tiếp theo, Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, Trưởng Ban Giáo Lý Giáo Phận tường trình “Kết quả Hội thi học tập về Đức Mẹ"

Hưởng ứng phong trào thi đua học tập về Đức Mẹ, sau những cuộc thi tổ chức tại các giáo xứ và các Giáo hạt, có bốn Giáo hạt đã tham dự Hội thi của giáo phận ngày 29/11/2009, tại Hội trường Chủng viện Thánh Nicôla: Giáo hạt Đức Tánh, Giáo hạt Hàm Tân, Giáo hạt Hàm Thuận Nam, Giáo hạt Phan Thiết. Kết quả như sau:

Kết quả như sau:

91208tapao3

Đêm tôn vinh Đức Mẹ TàPao kết thúc khi trời đã khuya nhưng hàng chục ngàn người vẫn đang còn lưu luyến muốn được hát ca ngợi khen thêm nữa.

Từng đoàn người tiếp tục lên núi cầu nguyện bên Mẹ. Các nhà trọ đã hết chỗ. Từng nhóm trải bạt ngũ trên ruộng mới gặt giữa sương lạnh gió ngàn. Được ngũ dưới chân Đức Mẹ, cho dù trời rất lạnh, gió rất buốt, mọi người vẫn cảm nhận niềm hạnh phúc của chuyến hành hương về bên Mẹ.

Sáng 8.12, khách hành hương thêm đông, ai cũng nao nức về bên Mẹ TàPao dự ngày lễ bế mạc Năm Thánh. Ánh nắng ban mai xua tan giá rét. Mặt trời lên rực rỡ trên đỉnh núi. Khung cảnh tuyệt đẹp của một ngày mới.

Đoàn đồng tế tiến lên lễ đài. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, cùng 80 linh mục hiệp dâng thánh lễ. Đông đảo chủng sinh tu sĩ và hàng chục ngàn người sốt mến hiệp thông thánh lễ tạ ơn.

Đức Cha Giuse chủ tế và giảng lễ. Ngài suy niệm Tin Mừng Truyền Tin cho Đức Maria.

Trang Tin Mừng chọn đọc trong thánh lễ hôm nay là hoạt cảnh Truyền Tin (TT), rất quen thuộc với tín hữu thường xuyên đọc kinh Mân Côi, cách riêng kinh Kính mừng. Nhưng việc Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (VNNT) đâu có liên quan gì đến việc Truyền Tin mà phải chọn đọc hoạt cảnh ấy. Hay là việc ĐMVNNT không được Phúc Âm nào tường thuật nên phải mượn hoạt cảnh Truyền Tin để “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”? Thưa không phải vậy. Hoạt cảnh TT dẫu không có mối liên quan trực tiếp với Lễ VNNT, nhưng qua lời chào mở đầu của thiên thần Gabriel và qua lời thưa kết thúc của Đức Maria, người ta gặp được những yếu tố nền tảng, từ đó xây dựng tín điều VNNT và cũng từ đó hình thành niềm vui của phụng vụ thánh lễ hôm nay. Những yếu tố nào?

1. Danh xưng “đầy ơn phúc” trong lời sứ thần chào Đức Mẹ.

Từ thuở tạo thiên lập địa đến buổi TT, chưa hề có ai được xưng hô là người đầy ơn phúc. Chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng là chủ kho tàng ơn sủng mới tự mình có đầy tràn ơn phúc thôi, còn loài thụ tạo được hưởng nhờ ơn mưa móc cũng phỉ chí toại lòng lắm rồi. Thế mà bỗng dưng một thiếu nữ Sion lại được thiên thần chào là “đầy ơn phúc”. Thật lạ lùng. Chính Đức Maria nghe lời chào ấy còn bối rối cơ mà. Nhưng tiếng “đầy ơn phúc” cần được diễn tả nôm na hơn nữa, mới có thể lột tả được ý nghĩa chính yếu.

Chắc anh chị em đã tiếp cận ít nhiều với hình ảnh nổi 3 chiều của kỹ thuật số hiện đại, gọi là kỹ thuật 3D. Tiếng “đầy ơn phúc” cũng có thể được diễn tả theo kỹ thuật 3D. “Đầy ơn phúc” thực ra là phân từ quá khứ của một động từ, nghĩa đầy đủ là “đã được ban đầy ơn sủng”. Có 3 chữ Đ: “đã, được, đầy”. “Đã”: Ơn phúc Đức Maria đạt được là một tiến trình đã khởi đầu trong quá khứ và còn được kéo dài mãi trong suốt cuộc đời Mẹ. “Được”: Ơn phúc Đức Maria có được không phải là do tự Mẹ, theo kiểu vốn tự có, mà là do nhận được từ tình thương Chúa. “Đầy”: Ơn phúc Đức Maria nhận được là một tình trạng trọn vẹn, tràn đầy, không có trường hợp thứ hai trong loài thụ tạo.

Nhìn lời chào “đầy ơn phúc” theo kỹ thuật 3D là “đã được ban đầy ơn sủng”, ta mới thấy mối liên quan khít khao với đặc ân VNNT, vốn là một ơn sủng Chúa ban để chuẩn bị Đức Maria cho thiên chức làm mẹ Đấng Cứu Thế. Dầu Mẹ đã được Chúa Cha ưu ái tuyển chọn dành riêng ngay từ lúc khởi đầu hiện hữu; nhưng là thụ tạo, Mẹ cũng cần đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu như mọi người, có điều là người ta cần ơn thánh chữa trị (bí tích rửa tội) vì đã vướng mắc tội truyền, còn Mẹ hưởng ơn thánh phòng ngừa (đã được ban đầy ơn phúc) nên được giữ gìn khỏi vướng mắc; và Mẹ được Chúa Thánh Thần che bóng, biến đời Mẹ nên cung điện thánh thiện xứng hợp cho Thiên Chúa ngự trị. Như vậy, nơi lời chào “đầy ơn phúc” của thiên thần, ta gặp thấy Đức Maria sáng lên với vị trí ưu tuyển được hưởng đầy tràn mọi ơn, trong đó VNNT là đặc ân một ở phút khởi đầu cuộc đời Mẹ.

2. Tiếng “Xin Vâng” trong lời Đức Mẹ đáp lại sứ thần.

Không chỉ là thụ tạo ưu tuyển ung dung hưởng hồng ân Chúa, Mẹ còn là phần tử ưu tú của gia đình nhân loại biết tích cực đáp lại hồng ân và làm phát triển hồng ân ấy để phục vụ ơn cứu chuộc nhân loại. Ơn VNNT không chỉ là đặc ân dành riêng cho cá nhân Đức Maria, nhưng còn là ân sủng nhắm tới chương trình cứu rỗi toàn thể nhân loại. Đặc ân ấy dầu gọi là “vô nhiễm” nhưng không chỉ có khía cạnh tiêu cực khép kín, được giữ gìn khỏi tội tổ tông, kiểu đài các con gái nhà giầu lúc nào cũng phải kín cổng cao tường sợ nắng gió mưa sương, nhưng còn mang khía cạnh tích cực là được chuẩn bị để có thể mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa, để có thể sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa một cách quảng đại, và để có thể hợp tác với ơn thánh mà không chút cò kè so đo tính toán.

Như thế, VNNT từ phía Thiên Chúa là hồng ân dành riêng cho người được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, và Đức Maria đã lọt vào mắt xanh Thiên Chúa, được giữ gìn trong tình trạng thánh đức ngay từ khi bắt đầu hiện diện trong đời. Nhưng VNNT từ phía Đức Mẹ lại là một nỗ lực đầu tư hợp tác cả đời, để vốn liếng hồng ân kia được triển nở sinh lời trăm muôn cho đời mình đã đành, và còn cho đời con đời cháu trong tương lai nữa. Chỉ khi nào công ơn Chúa và công sức con người gặp nhau, thì việc “đầy ơn phúc” kia mới bừng lên mà trở thành công trình mang tên VNNT.

Tất cả được thể hiện qua lời đáp “xin vâng”. Một lời thật ngắn nhưng âm vang cả đời. Một lần thưa lên là ngàn lần răm rắp thực thi khít khao không sai chạy, dù trên đỉnh vinh quang hay dưới vực đau thương quay quắt. Một lời vừa biểu lộ sự hiến dâng cộng tác tích cực, vừa thể hiện niềm yêu mến tin tưởng phó thác. Chả thế mà sau này GLCG đã không ngần ngại diễn tả đặc ân VNNT một cách tích cực hơn: vì Mẹ toàn thánh nên nơi Mẹ không thể gặp bất cứ tì vết nào, kể cả tì vết của NT.

3. Theo Mẹ và cậy nhờ Mẹ, con đi

Lễ VNNT hôm nay trình bày cho ta rõ nét chân dung của Đức Maria, người đã đón nhận ơn Chúa cách trọn vẹn và phục vụ ơn Chúa cách tròn đầy, không vì lợi riêng mà vì ích chung. Hiểu như thế, bỗng dưng ta thấy gần gũi Đức Mẹ hơn cả bao giờ. Đặc ân VNNT dẫu chỉ một mình Mẹ hưởng nhận, nhưng hiệu quả của đặc ân ấy con cái Mẹ tất cả đều được hưởng nhờ.

Với tiếng “Xin vâng”, Mẹ nêu gương tham gia cộng tác hết tình và hết mình vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, bất kể đời mình sẽ ra sao và bất kể tương lai sẽ như thế nào. Trong Năm thánh Đức Mẹ Tàpao, ta đã đến học dưới mái trường Đức Maria về lòng tin cậy mến, thiết nghĩ đó cũng là cách thiết yếu và thiết thực mô phỏng tiếng Fiat của Mẹ hôm nay trong đời mỗi người.

Với lời “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, Mẹ không chỉ được chào bằng một danh hiệu tuyệt vời dành cho thụ tạo ưu tuyển, để có lễ VNNT hôm nay, mà còn được giới thiệu trong một vị trí có một không hai giữa lòng Giáo Hội, là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ nhân loại, để từ đó một cách thường hằng, Mẹ nên Hiền Mẫu chuyển cầu che chở nâng đỡ ủi an mọi người trên đường lữ thứ trần gian, và một cách đặc biệt, Mẹ nên nguồn cậy trông cho tất cả những ai, không phân biệt lương giáo, đang gặp phải những nỗi đau trong đời như đau đớn xác thân vì bệnh tật, đau khổ tinh thần vì thất vọng thử thách, đau buồn vì cảnh gia đình tan tác hay đau thương vì nỗi vĩnh quyết chia xa hoặc đau điếng mãn tính cấp tính vì tình đời đen bạc trâu đánh, bò đá… Hãy bền lòng cậy trông ký thác, phần còn lại là kiên tâm làm theo hướng dẫn của Mẹ.

Kết thúc năm thánh Đức Mẹ Tàpao, như thế, không phải là lúc mãn nguyện nghỉ ngơi, mà chính là lúc quyết tâm cùng Mẹ lên đường ra khơi thực thi những gì Chúa Giêsu truyền dạy như trong tiệc cưới Cana, cách riêng đón nhận ý Chúa từng ngày, cho dẫu có lúc phải để nước mắt nuốt vào trong như Mẹ trên núi Calvê.

Nhân đây, xin ngỏ lời cám ơn đến mọi thành phần Dân Chúa Giáo Phận nhà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công trong Năm Thánh, và đã tích cực tham gia ngày hành hương hàng tháng cho từng đoàn thể hoặc từng giới. Xin cám ơn quý khách hành hương đến từ nhiều nơi đã hợp lòng tham dự, làm cho những cử hành đạo đức nơi đây được diễn ra cách sốt sắng và xứng đáng. Và cuối cùng, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria tại núi rừng Tàpao, xin Chúa nâng đỡ mọi người chúng ta trong hành trình dương thế.

Cách đây hơn một tháng, người tôi quen đến thăm và ngỏ ý muốn đi viếng Đức Mẹ Tàpao. Tôi tháp tùng đến lễ đài, có ý dừng lại, thực bụng rất ngại phải lên Tượng đài giữa trưa nắng nóng, nhưng người ấy cứ nằng nặc đòi lên. Đành chiều. Đến chân Tượng đài Đức Mẹ, chúng tôi đọc chung một chục kinh và kết thúc bằng kinh Lạy Nữ Vương với ý khấn riêng của từng người. Không biết khách khấn gì mà vừa dứt lời kinh thì điện thoại cầm tay của người ấy reo lên tín hiệu. Khách phải lui vào bóng râm để trả lời và phút sau trở ra với nét mặt hớn hở gấp mười lần lúc trước. Người ấy bảo: Mới khấn vừa dứt lời là Đức Mẹ ban ơn ngay; một công việc khó khăn đã gây lo lắng từ lâu bỗng dưng được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng. Tôi không hỏi để biết thêm chi tiết, chỉ biết trên đường xuống núi, lòng tôi thấy rộn vui với xác quyết:

Đến cùng Đức Mẹ Tàpao,
Vững lòng cầu khấn, lẽ nào về không?

Cuối thánh lễ, cha Giuse Bùi Ngọc Báu, trưởng ban Năm Thánh dâng lời cảm tạ.

Trọng kính: Đức Cha Giuse, Giám mục giáo phận Phan Thiết,
Đức Cha Nicolas, Đức Cha Phaolô,
Đức Cha Giuse, Giám mục giáo phận Lạng Sơn,
Đức Ông Xuân Ly Băng,
Quý Cha, Tu sĩ nam nữ,
Quý khách và Ông bà anh chị em.

Trước hết, chúng ta cùng cảm tạ hồng ân Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng, đã cho Đức Mẹ hiện diện tại núi rừng Tàpao này 50 năm qua, và cách riêng suốt Năm Thánh để tuôn trào ơn Thánh cho mọi người.

Chúng con cũng tưởng nhớ đến công ơn những bậc tiền bối đã đến đây đặt tượng, khánh thành và trùng tu bảo trì tượng đài Đức Mẹ Tàpao 50 năm qua, nhất là Đức Cha Marcel Piquet, nguyên Giám mục Nha Trang, Cha Chính August. Phạm Ngọc Danh, đại diện Giám mục vùng Phan Thiết.

Chúng con xin cám ơn Đức Cha Nicolas, Giám mục tiên khởi giáo phận Phan Thiết đã cho trùng tu và khởi sự cho việc tôn sùng Đức Mẹ Tàpao.

Đức Cha Phaolô đã đẩy mạnh và đặt nền cho việc sùng kính Đức Mẹ, nhất là Đức Cha đã có sáng kiến mở Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao.

Chúng con cám ơn Đức Cha Giuse đương nhiệm, Giám mục Phan Thiết, đang đẩy mạnh và tiến đến việc xây dựng Tàpao thành trung tâm Thánh Mẫu giáo phận Phan Thiết.

Xin cám ơn Đức Cha Lạng Sơn, dù cách xa ngàn trùng, Đức Cha cũng đã đến với chúng con.

Thay mặt Ban Tổ chức Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao, xin cám ơn Đức Ông, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ (trong - ngoài giáo phận), quý khách, Ông bà anh chị em, các giới: Gia trưởng, Bà mẹ, các Bạn trẻ, Thiếu nhi, các Ban ngành - đoàn thể, các Hội Dòng… đã tham gia tổ chức các dịp lễ và hành hương trong suốt Năm Thánh và ngày bế mạc hôm nay.

Xin cám ơn quý Ân nhân, công ty, xí nghiệp, bệnh viện Thánh Mẫu (Sài Gòn) và mọi người… đã góp công của cho trung tâm Thánh Mẫu Tàpao.

Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao chấm dứt, chúng ta lại hòa nhịp cùng Giáo hội Công giáo Việt Nam bước sang Năm Thánh 2010. Nhờ sự cầu bầu của Mẹ Tàpao, chúng ta sẽ hân hoan bước vào Năm Thánh của Giáo hội Công giáo Việt Nam với tâm tình sốt sắng và tròn đầy.

Sau hết, lễ Chúa Giáng Sinh 2009 đang về, xin kính chúc quý Đức Cha, quý Cha, quý khách, Ông bà anh chị em một mùa Giáng Sinh an lành và một Năm Mới tràn ngập hồng ân Chúa Giáng trần.

Đức Cha Giuse ban phép lành Toà Thánh với Ơn Toàn Xá.

Từng đoàn hành hương tiếp tục lên núi viếng thánh tượng Đức Mẹ Tàpao.

Năm Thánh Đức Mẹ TàPao kết thúc, nhưng Đức Giám Mục Giáo Phận vẫn đến dâng lễ mỗi ngày 13 hàng tháng cho khách hành hương và những công trình xây dựng tiếp tục…

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch