18/12/2023. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chính thức ký thư mời Giáo hoàng Phanxicô sang thăm Việt Nam. Thông tin này được đích thân ông Võ Văn Thưởng thông báo khi đến thăm các lãnh đạo giáo hội Công giáo tại Tổng giáo phận Huế hôm 14/12, hãng thông tấn Công giáo UCAN và trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam đưa tin.
Chủ tịch nước Võ Văn Thương tiếp kiến Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 27 tháng 7 năm 2023.
Tháp tùng ông Võ Văn Thưởng trong chuyến thăm có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, lãnh đạo Mặt Trận Tổ Quốc.
Sau khi chúc mừng Tổng giáo phận Huế nhân dịp Lễ Giáng sinh 2023 và năm mới 2024, nhà lãnh đạo Việt Nam thông báo với Tổng Giám mục Huế Nguyễn Chí Linh rằng ông đã ký thư mời Đức Thánh Cha Phanxicô “Sang thăm Việt Nam để chứng kiến sự phát triển về kinh tế-xã hội và đời sống tôn giáo ở Việt Nam”. Ông Thưởng nói ông “chia sẻ với nguyện vọng” của cộng đồng Công giáo Việt Nam mong muốn sớm được đón Đức Giáo hoàng sang thăm Việt Nam một ngày không xa.
“Bởi sự kiện này không chỉ là niềm vui của đồng bào Công giáo, của Nhà nước và nhân dân Việt Nam mà còn là niềm vui của cộng đồng Công giáo các nước trong khu vực”, trang tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Thưởng nói.
Chủ tịch Việt Nam cũng nhắc lại cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô và Quốc vụ khanh Hồng y Pietro Parolin trong chuyến thăm Vatican của ông ngày 27/7 và cho biết ông rất ấn tượng với cuộc gặp này. Ông Thưởng cho biết thêm rằng Giáo hoàng Phanxicô đã thể hiện sự ưu ái đặc biệt đối với ông và người dân Việt Nam.
Các giám mục và cộng đồng Công giáo Việt Nam từ lâu đã mong muốn Giáo hoàng Phanxicô đến thăm Việt Nam.
Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Giáo hoàng Phanxicô cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực châu Á. Ông đã đi thăm Hàn Quốc vào năm 2014, Sri Lanka và Philippines năm 2015, Myanmar và Bangladesh năm 2017, Thái Lan và Nhật Bản năm 2020, Mông Cổ năm 2023.
Mặc dù Việt Nam có số tín đồ Công giáo lớn thứ 5 ở châu Á, với khoảng 7 triệu người, nhưng chưa bao giờ có vị Giáo hoàng nào từng đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Nam và Tòa Thánh Vatican chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ, vốn là một điều kiện tiên quyết thông thường cho một chuyến tông du của Giáo hoàng.
Trong chuyến thăm Vatican vào tháng 7, Chủ tịch nước Việt Nam và Đức Hồng Y Parolin đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép đại diện của Giáo hoàng cư trú tại Việt Nam và mở văn phòng đại diện lần đầu tiên tại đây kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Trước thỏa thuận này, Việt Nam đã cho phép Tòa thánh có một đại diện giáo hoàng không thường trú, có trụ sở tại Singapore, đến thăm Việt Nam đều đặn kể từ năm 2011.
Dự kiến, Đức Hồng Y Parolin sẽ thăm lại Việt Nam trong năm 2024, và Vatican hy vọng sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, tạp chí America cho biết.
Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về từ Mông Cổ vào ngày 4/9, phóng viên Vatican của Mỹ đã hỏi Giáo hoàng Phanxicô liệu ngài có thể đến thăm Việt Nam hay không, vì mối quan hệ tích cực giữa quốc gia này với Tòa Thánh cũng như mong muốn lớn lao của người Công giáo Việt Nam đối với ngài, Giáo hoàng Phanxicô nói:
“Việt Nam là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất tốt mà Giáo hội có được trong thời gian gần đây. Tôi có thể nói nó giống như một tình cảm tương thân tương ái trong đối thoại. Cả hai bên đều có thiện chí hiểu nhau và tìm cách tiến tới. Đã có những vấn đề tồn tại, nhưng tại Việt Nam, tôi thấy các vấn đề sớm muộn gì cũng sẽ được khắc phục”, vẫn theo America.
Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắc đến cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam và cho biết “chúng tôi đã nói chuyện thoải mái”.
“Khi một nền văn hóa cởi mở thì có khả năng đối thoại, nếu một nền văn hóa khép kín hoặc nghi ngờ thì việc đối thoại sẽ rất khó khăn”, Giáo hoàng Phanxicô nói thêm.
“Về chuyến hành trình đến Việt Nam, nếu tôi không đi, [giáo hoàng tương lai] Đức Gioan XXIV chắc chắn sẽ đi! Thực sự sẽ có một chuyến viếng thăm vì đó là vùng đất đáng để phát triển và có tình cảm với tôi…. Nhưng thực lòng mà nói, với tôi việc đi lại bây giờ không hề dễ dàng như lúc ban đầu. Việc đi bộ bị hạn chế và điều đó hạn chế tôi”.
Mặc dù vậy, Giáo hoàng Phanxicô không loại trừ khả năng có chuyến viếng thăm Việt Nam, và các quan chức cấp cao của Vatican cũng vậy khi phóng viên Vatican của Mỹ hỏi họ câu hỏi tương tự vài ngày sau đó. Tuy nhiên, họ nói rằng Tòa Thánh muốn thấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ trước chuyến thăm.
VOA Tiếng Việt