Dòng Xitô (S.O.C : Saint Ordre Cistercien) ở việt Nam ngày nay là một dòng chiêm niệm theo luật của Thánh Bênêđictô sáng lập. Nhưng ngược dòng thời gian 100 năm trước đây, khởi đầu ngày 15/8/1918 tại Việt Nam đã xuất hiện một dòng Khổ Tu với tước hiệu Đức Bà An Nam tại Phước Sơn (Notre Dame d’ Annam à Phuoc son) thuộc Giáo phận Huế.

Thời gian sau cải tổ thành Dòng XiTô Thánh Gia Việt Nam. Nay nhân sự kiện kỷ niệm Đệ Bách Chu Niên ngày thành lập (1918-15/8-2018) xin mời bạn đọc cùng ôn lại đôi nét về Dòng Khổ Tu này.

I.- NHỮNG NGÀY KHỞI ĐẦU THIẾT LẬP ĐAN VIÊN

Linh mục Henri-Denis thuộc Hội Thừa sai Paris (M.E.P) nhận bài sai sang Việt Nam năm 1903, gia nhập Giáo phận Huế, sau khi học tiếng Việt thông thạo, đã đi coi các xứ đạo, và phụ trách việc dịch sách, tiếp đến về chủng viện An Ninh làm Giáo sư dạy các Chủng Sinh.

Mặc dù đa đoan với công việc Mục Vụ nơi Xứ Đạo cũng như ở Chủng Viện, nhưng trong lòng Cha Henri vẫn ấp ủ một ước mơ tốt đẹp, là làm sao thiết lập được ở Việt Nam một Dòng Chiêm Niệm cho nam giới. Trong chí hướng đó Ngài đã mạnh dạn xin gặp Đức Cha Gaspar (Lộc) và trình bày dự kiến này, lúc đầu không được sự chấp thuận, nhưng Cha cứ tìm cách gặp và xin mãi Đức Cha cũng xiêu lòng và cho phép.

Được sự đồng thuận của Đức Giám Mục Huế, để có nhân sự ban đầu Cha đã viết thư liên lạc với các Đan Viện ở Trung Hoa, ở Nhật Bản, và nhất là ở các nước Âu Châu xin nhân sự đến huấn luyện khởi sự cho các tu sinh Việt Nam, nhưng không được nơi nào hưởng ứng cả và luôn được hồi âm: “ Chúng tôi không thể lập Dòng ở Đông Dương, khí hậu ở đây không cho phép tuân giữ trọn vẹn luật Dòng chúng tôi”. Việc từ chối này còn dựa trên nhiều lý lẽ khác như: “ Đan viện chúng tôi đang thiếu nhân sự; còn nếu tuyển sinh tại chỗ, liệu có thể tin tưởng vào những người Việt Nam bé nhỏ, bề ngoài có vẻ mảnh khảnh, thể chất ốm yếu, tâm thức không mấy kiên trì? Liệu họ có thích hợp với một tu luật không thể thay đổi chăng, và việc tuân giữ chay tịnh, thức khuya, dậy sớm, lao động cực khổ, mà thường thì không thể nào miễn trừ...”.

Nhận định trên của các Bề trên Âu Châu không chính xác, vì họ không có cơ may tiếp cận để hiểu rõ con người Việt Nam như Cha, nên Ngài không nản lòng. Ròng rã 9 năm trời hết đời Đức Cha Gaspar (Lộc) sang thời Đức Cha Allys (Lý) Cha luôn giữ ý định khao khát van nài xin thành lập một dòng Đan Tu chuyên về chiêm niệm tại Việt Nam. Trước sự nhiệt tình tha  thiết đó các đấng bản quyền đã bằng lòng và ban phép cho chọn nơi thích hợp để lập cơ sở, Cha rất vui mừng khởi đầu đến xem sở đất Nhà Chung ở Ba Trục, nhưng Cha xứ (Cố Soái) nơi đây, e rằng Cha Henri không dựng nổi cơ đồ gì, nên từ  chối thẳng thừng.

         Nhưng may thay qua thư ngỏ của Đức Cha Allys gửi Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, Cụ Thượng Thư đã nhường lại cho Cha Henri môt cây số vuông ở vùng núi Phước Sơn, quang cảnh ở đây thật hùng vĩ nhưng phải vào tận khu rừng sâu cha mới tìm được vùng đất ưng ý thuận việc tác sinh lập nghiệp. Ngày 25/7/1918 Cha dùng ngựa lên Phước Sơn cùng một số công nhân bắt đầu khai phá khu rừng, đào gốc, đắp nền xây dựng cái nôi ban sơ gồm: ngôi nhà lá ba gian, hai chái, cột gỗ, kèo tre và vách đất nhồi rơm... Với ý hướng  dâng đời sống, phó thác và nhờ sự chở che của Mẹ Maria, nên ngày 14.8.1918 Cha đến dâng Thánh Lễ  ở linh địa Đức Mẹ La Vang, sau đó mở tiệc mừng có cả món thịt và rượu, đây là dịp ăn thịt và uống rượu lần cuối, để rồi sáng hôm sau, Cha Henri cùng môn đệ thân tín Thađêô Chánh và mấy công nhân nghèo cất bước lên ở hẳn Phước Sơn với gánh hành trang: Một thúng gạo,  một hũ mắm ruốc và một cái nồi, một con dao và một con gà trống báo giờ. Tới nơi việc đầu tiên là Cha dâng Thánh lễ chính thức khai mạc cuộc sống đan tu ngay chiều hôm 15/8/1918 Lễ Kính Đức Bà hồn xác lên trời.

Vạn sự khởi đầu nan, trong công cuộc xây dựng cơ sở vật chất, tuyển mộ, huấn luyện và tìm lương thực cho tu sinh cũng là gánh nặng, có khi hết gạo hết tiền Cha phải đánh liều vào Huế gặp Đức Cha xin khất thực.

Đền đáp lại sự vất vả lo toan của Cha, ngày 21/3/1923 lễ Thánh Bênêđictô, lớp tu sĩ đầu tiên của Nhà dòng Đức Bà An Nam được tuyên khấn, có sự hiện diện của Đức Lecroart Khâm sứ Tòa Thánh miền Đông Dương, và từ thời điểm này Cha HENRI (tức Cố THUẬN) trở thành Đấng Tổ Phụ của Dòng.

Để củng cố vị thế  pháp lý của Hội Dòng trong tương lai, ngày 4/3/1930 Cha Tổ Phụ với sự tiếp tay của Đức Cha địa phận Huế, đã gửi thỉnh nguyện thư xin Tòa Thánh cho Nhà dòng Đức Bà An Nam gia nhập Dòng Xitô Thế giới. Trong khi chờ đợi ngày 17/3/1931 Nhà Dòng hội ý anh em cùng nhận danh hiệu cho Hội dòng mình là Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, thuộc quyền Giáo phận. Sau hơn 3 năm chờ đợi, do sắc chỉ của Thánh Bộ Tu Sĩ ngày 24/5/1934 chấp thuận cho Đan viện chính thức được sát nhập vào Đại gia đình Dòng Xitô hoàn cầu.

Một biến cố quan trọng vào năm 1933, Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, vị Giám mục đầu tiên Việt Nam, trên đường từ Sài Gòn về Phát Diệm nhận Địa Phận, đã có dịp ghé thăm Đan viện Phước Sơn gặp lại Cố Thuận mà trước đây Đức Cha là môn sinh, nên Ngài đã xin Cha mở thêm dòng ở nơi mình sẽ cai quản. Dịp may đúng lúc năm 1936 đồn điền cao su Lacombe, rộng 800 mẫu tây, dài 12 km, ngang 8 km, ở Huyện Nho Quan- Ninh Bình vỡ nợ, Đức Cha Tòng đã mua được với giá rẻ và báo tin ngay cho Cố Thuận xin tiến hành việc mở nhà Dòng.

Cha Tổ Phụ đã họp Dòng và chọn cha Lê Hữu Từ đang là phó Bề Trên làm trưởng đoàn gồm 30 người với 12 đồng bạc Đông Dương, lên đường ra Bắc vào ngày 18/2/1936 đến tiếp nhận cơ sở mới, vì đồn điền bỏ lâu ngày cỏ mọc như rừng, cả đoàn phải ra sức khai hoang, chống trả khí hậu khắc nghiệt cuốc đất trồng rau, đào ao thả cá, nuôi bò lợn gà, tự túc mọi mặt. Sau 3 năm lập nghiệp Nhà Dòng đã đủ sức đúc gạch làm nhà, đồng thời khởi công xây dựng Thánh Đường Đan viện vào ngày 18/3/1939, trong khi mọi người đang hăng say lao động mở mang các cơ ngơi thì ngày 4/11/1945 Tòa Thánh đặt Cha Bề trên Lê Hữu Từ làm Giám mục Phát Diệm. Ngài đã chọn khẩu hiệu: “Vox Clamantis-Tiếng kêu trên rừng”, Rừng ở đây chắc mang dấu vết của núi rừng Nho Quan ở đó có Nhà Dòng của Ngài. Nơi đây được xem như Nhà Con đầu tiên phát xuất từ Nhà Mẹ Phước Sơn.

Tháng 10 năm 1950 Phước Sơn có thêm Nhà Con thứ hai được thành lập tại Tân Thành thuộc Địa phận Vĩnh Long, song địa thế không thuận tiện nên đầu năm 1952 đã chuyển về Phước Lý, Xoài Minh, Biên Hòa.

Năm 1953 Phước Sơn bị ảnh hưởng chiến tranh ác liệt, một số tu sĩ bị bắt, những người còn lại chạy vào miền Nam tạm cư ở vùng đất Thủ Đức, Gia Định, cũng năm ấy 3/4 số  tu sĩ nhà Châu Sơn cũng bỏ miền Bắc vào định cư tại Đơn dương, Tuyên Đức ngày nay.

Hiện thời các Đan Viện hiện diện ở nhiều nơi, dưới sự hướng dẫn của 6 Đan Viện Phụ, 5 Đan Trưởng Viện và các Bề Trên Tu Viện. Hội Dòng đang trên đà phát triển, hoạt động vững mạnh.

II. CHA TỔ PHỤ HENRI DENIS (BÊNÊĐICTÔ THUẬN) - NGƯỜI LÀ AI ?

Ngày 17/8/1880 trong một gia đình bình dân thuộc thành phố Boulogne Sur Mer, cách thủ đô Paris khoảng 100km một bé trai cất tiếng khóc chào đời với tên gọi Henri-Denis, là con Ông Henri Cyrille Denis và Bà Annee Marie Geoffroy, tuy gia cảnh nhà nghèo với gánh bánh mì rong ruổi khắp phố phường làm kế sinh nhai, nhưng Ông Bà  rất đạo đức và có lòng thương người, như chính Cậu thổ lộ : “ Tôi có phước vì ngay từ thời thơ ấu đã được mẹ dạy cho biết ham mê sự đọc kinh cầu nguyện”.

Nhưng bất ngờ Bà Geoffroy vĩnh biệt cõi trần, trở nên mồ côi mẹ nhưng Henri vượt qua sự buồn phiền, luôn hăng say học tập với kết quả tốt nghiệp Tiểu học loại ưu cùng được cấp học bổng. Thời gian sau Ông thân sinh kết hôn với bà kế mẫu. Rất may Bà này rất hiền lành đạo đức không kém gì mẹ ruột, bao nhiêu tình cảm bà dành hết cho Cậu.

Năm 1893 Henri rước lễ lần đầu và lãnh phép thêm sức tại Wimile, Sau đó qua sự giới thiệu của Cha giáo sư Golliot Cậu gia nhập Tiểu chủng viện Boulogne, sau 6 năm học tập Cậu lại ngỏ ý với Cha Linh Hướng Golliot muốn đi truyền giáo.

Thể theo nguyện ước trên Cậu được thu nhận vào Hội Thừa Sai Paris, và trong thời gian học tập ở đây Henri được liệt vào số sinh viên hạng nhất, tuy trang nghiêm, song vui vẻ, không chỉ đạo đức và thông minh, Thầy lại có khiếu về âm nhạc, học La Tinh  rất mau. Ngày 7/3/1903 Thầy sáu Henri lãnh chức Linh Mục, với bài sai sang Truyền Giáo tại Việt Nam. Ngày 29/4/1903 Cha từ giã Đại Chủng Viện đáp tàu rời cảng Marseille vượt biển Địa Trung Hải tiến về Viễn Đông.

Ngày 31/5/1903 tàu cập bến Đà Nẵng, về tạm ở xứ Lăng Cô 10 ngày, sau đó Cha ra Huế gặp Đức Giám Mục Gaspar(Lộc) và được Đức Cha đặt tên tiếng Việt Là “ Cố THUẬN ” và sai về Xứ Kim Long giúp cố Chính Đăng và học tiếng Việt. Vốn thông minh thêm khiếu âm nhạc nên Cha hội nhập rất mau, theo chứng từ của Thầy Bênađô Thành cho biết: “ Chưa có vị Thừa sai nào nói được giọng Huế rõ ràng và đúng cung giọng như Cố Thuận” bởi vậy chỉ sau 6 tháng, Cha đã về làm giáo sư dạy các Chủng sinh kiêm nhiều môn mà môn nào Cha cũng chu toàn cách tuyệt hảo. Đầu năm 1908 Cha được bổ nhiệm làm Chánh xứ Nước Mặn, nhưng chẳng được bao lâu Bề trên chọn Cha trở lại dạy Chủng Viện An Ninh, trong sự luyến tiếc của toàn thể Giáo Dân khi  Cha Con phải chia tay nhau.

Dù phải làm bổn phận Mục vụ ở đâu, Cố Thuận vẫn hằng ấp ủ và luôn tỏ ước vọng  nài nỉ xin Đức Cha về việc lập Dòng Khổ Tu không ngơi. Bởi vậy để chiều lòng ngày 5/7/1918 Đức Cha Allys, Cha Chính Chabanon cùng Cố Thuận lên núi Phước Sơn đặt nền móng cho Dòng khổ tu Đức Bà An Nam. Kể từ giờ phút này Cố Thuận để hết tâm trí sức lực gánh vác mọi khổ cực mong sao Phước Sơn sớm hình thành. Ngày 2/2/1920 Cố Thuận lãnh áo dòng với tên gọi Bênêđictô, tiếp đến ngày 21/3/1926 Cố Thuận với Cha Quản lý Bernard Mendhiboure, Thầy Giacôbê Nghĩa và Thađêô Chánh cùng tuyên khấn trọn đời.

Với lòng hăng say muốn phát triển, nên cuối năm 1927 Cố Bênêđíctô Thuận lên đường ra Bắc rồi vào Nam để quảng bá ơn gọi và đã có nhiều người theo gót cha vào Dòng.

Trong lúc Hội Dòng Xitô ngày một đi lên trên mọi lãnh vực, thì ngược lại  sức khỏe và hình hài Cha Tổ Phụ lại sa sút, vì lao tâm lao lực quá mức, nên ngày 13/7/1933 phải đưa Cha vào nhà thương, nhưng sau 2 ngày bịnh tình Cha thêm  trầm trọng, Bệnh viện trả lại Nhà Dòng. Về lại Đan viện theo yêu cầu Cha đòi nằm ở nhà liệt chung, thay vì ở phòng khách nơi có đủ tiện nghi hơn, vì Cha không chấp nhận một ưu tiên nào kể cả lúc đau yếu. Chiều ngày 24/7 linh cảm giờ ra đi đã đến, Cha Tổ Phụ xin đổ tro trên đất và đặt Ngài nằm trên đó, nhưng chưa đến giờ Chúa gọi nên Các Thầy lại khiêng Cha lên giường, để rồi 7 giờ 30 sáng hôm sau, Cha Tổ Phụ trút hơi thở  cuối cùng trong sự thương tiếc của các Tu sĩ. Đấng sáng lập Nhà Dòng đã ra đi bình an, sau 53 năm ở trần gian trong đó 30 năm gắn bó với Việt Nam.

 III. SỰ PHÁT TRIỄN DÒNG XITÔ THÁNH GIA TRONG NIỀM TRI ÂN CẢM TẠ

Vượt qua thời gian, với ơn Chúa  và sự nhiệt tình tha thiết của Cha Tổ Phụ đã thiết lập dòng Đan tu, trong đời sống lao động chiêm niệm, theo nguyên tắc một ngày giờ của các Đan sĩ được chia làm ba: 8 giờ cầu nguyện, 8 giờ lao động và 8 giờ dành cho các sinh hoạt khác của đời sống con người. Với châm ngôn “Orare et Laborare - Cầu nguyện và Lao động “. Kết quả sau nhiều năm kiên trì theo đuổi ơn gọi, lướt thắng nhiều khó khăn vất vả, để rồi từ một cái nôi nhỏ bé đơn sơ nghèo nàn cùng vài môn đệ lao động khởi đầu từ năm 1918 cắm dùi trên rừng núi hoang vu, Phước Sơn Quảng Trị giờ trở thành một Cây Đại Thụ xanh tươi đầy hoa trái, đến nay Hội Dòng đã có 12 Đan viện (11 tại Việt Nam và 1 ở Thụy sĩ) với trên 1000 thành viên sống làm việc trong các cơ sở Đan viện nhà Chúa như:

-           Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn – Lập 1918 (Giáo phận Bà Rịa).Từ Huế dời vào.

-           Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn – Lập 1936 ( Giáo phận Phát Diệm).

-           Đan Viện Thánh Mẫu Châu sơn-Đơn Dương – lập 1936 (Gíao Phận Đà Lạt).

-           Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý – Lập 1950 (Giáo Phận Xuân Lộc).

-           Đan Viện Thánh Mẫu Châu Thủy – Lập 1971 ( Giáo phận Phan Thiết).

-           Nữ Đan Viên Thánh Mẫu Vĩnh Phước – lập 1972 ( Giáo phận Xuân Lộc).

-           Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước – Lập 1975 (Giáo Phận Bà Rịa ).

-           Đan Viện Thánh Mẫu Phước Vĩnh – Lập 1975 ( Giáo phận Vĩnh Long}.

-           Nữ Đan Viện Thánh Mẫu Phước Hải -Lập 1976 (Giáo phận Bà Rịa).                                

-          Đan viện Thánh Mẫu An Phước -Lập 1978 (Giáo phận Xuân Lộc).

-           Đan viện Thánh Mẫu Fatima – Lập 1979 ( Ở Orsonnes – Thụy Sĩ ).

-           Nữ Đan Viện Thánh Mẫu Phước Thiên – Lập 1988 ( Giáo phận Bà Rịa).

            Thời điểm cách nay 100 năm (1918-15/8 -2018)  từ cội nguồn Dòng Đức Bà An Nam ngày nào, nay Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam  phát triển trên nhiều phương diện, hướng về tương lai tràn đầy sức sống với muôn hồng ân. Dịp này Đức Thánh Cha Phanxicô đã ưu ái ban sắc lệnh só 998/17 cho Hội Dòng được mở  Năm Thánh  từ 12/8 /2017 đến 11/10/2018. Trong niềm hân hoan đó Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, giám mục Giáo phận Bà Rịa-Vũng Tàu, đã đến chủ tế Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh, mừng  biến cố trọng đại kỷ niệm Bách chu niên lập Dòng, có các Viện Phụ, nguyên Viện Phụ đồng tế và sự tham dự của quý Bề Trên, cùng khoảng 600 thành viên trong Hội Dòng và nhiều Tín Hữu đến thông công tại Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn ngày 15/8/2017 vùa qua.

Tại đây, mọi người cùng nhau dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và trong tinh thần uống nước nhớ nguồn tri ân cha Tổ Phụ Henri Denis Bênêđictô Thuận, cùng các Đấng Bậc đã dầy công tạo nên Hội Dòng XiTô Thánh Gia, nay trong cuộc sống lao động và chiêm niệm cầu nguyện hằng ngày, đang góp phần mình vào công cuộc rao giảng tin mừng Đức Kitô cho muôn dân, hầu xây dựng Giáo hội vững mạnh và một Xã Hội  công bằng nhân ái trong  nền  văn minh tình thương, và sự sống luôn triển nở trên quê hương đất nước chúng ta.

Hoa Thịnh Đốn, lễ Chúa Phục Sinh 07.03.20

Vinh sơn Vũ Đình Đường

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch