Toi_la_aiCon người từ khi sinh ra đến lúc lớn lên cần được phát triển về nhiều mặt, không những trưởng thành về phương diện thể lý, tâm lý, tâm linh mà còn trưởng thành trong các mối tương quan giữa người với người; và đối với những người có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, họ cần được trưởng thành trong đời sống đức tin, trong mối tương giao với Ngài nữa.

Nhưng ngày nay, quan sát từ cuộc sống ta thấy các mối tương quan giữa người với người có những hành vi cư xử không tốt với nhau. Có người bộc lộ cá tính thiếu kềm chế, dễ nóng giận, dễ dàng buông xuôi, bộc trực nói nhiều, dễ hờn dễ giận, thiếu kiểm soát. Có người tính tình khắt khe, khó tính, kỷ luật với mình, khắt khe với chính mình và người khác, dễ dàng chỉ trích người khác, nóng giận không hài lòng với người khác bắt người khác phải thế này thế nọ.

Ngoài ra, đa số tuổi trẻ ngày nay rơi vào tình trạng nghiện game online, và dễ dàng trở nên nghiện tình dục, các bạn tiếp cận internet thế giới ảo quá dễ dàng từ cái tốt nhất đến cái xấu nhất.

Từ cuộc sống ta quan sát ta thấy được những hiện tượng này.

Thử hỏi xem cách hành xử hay những hành vi đó đến từ đâu? Cách hành xử như thế này trong cuộc sống của mình hay người khác đem lại cho chúng ta điều gì? Hay những cách thức này có giúp cho cuộc sống mình được triển nở hay không ? Hiện tượng này cần điều chỉnh hay tránh xa? Đó là điều ta cần phải xem xét.

 

Ngày 11/09/2010 vùa qua. Để giúp cho các tham dự viên đặc biệt là giới trẻ hiểu biết về chính mình, nhận thực được con người thật của mình trong sự trưởng thành về phương diện thể lý, tâm lý, tâm linh và trong các mối tương quan. Chương Trình Chuyên Đề Chiều Thứ Bảy đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề TRƯỞNG THÀNH TÂM CẢM, do Linh mục Giuse Trần Sĩ Nghị, SJ phụ trách, tại hội trường Nhà Thờ Đức Bà – Sài Gòn, buổi hội thảo hôm nay có sự tham dự hơn 200 người đa số là các bạn trẻ, cùng một số các phụ huynh và tu sĩ.

Linh mục Giuse Trần Sĩ Nghị chia sẻ: Chúng ta cùng nhau trở về với chính con người chúng ta.

                     tamcam2_copy    tamcam4

Trong đời sống của một người có 4 khía cạnh

1. THỂ LÝ: các cơ chế sinh học trong thân xác

2. TÂM LINH: đời sống nội tâm, tương quan của mình với Thiên Chúa

3. TÂM LÝ: ước muốn tình cảm cảm xúc xung năng trong đời sống tâm lý

4. MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI: tương quan với người khác và bối cảnh chung quanh với cả sinh vật nữa.

Một con người trong cuộc sống luôn luôn có 4 khía cạnh thể lý, tâm linh, tâm linh và môi trường xã hội này nối kết với nhau, Để hiểu một con người ta phải hiểu hết toàn thể 4 khía cạnh này. Khi ta nhận thấy hành vi của con người thế này thế kia ta cần đặt câu hỏi tìm hiều xem xét điều gì ảnh hưởng đến hành vi của họ. Ta đi từ thực tế trở về đời sống của mỗi người, ta thấy các chiều kích thể lý, tâm linh, tâm linh và môi trường xã hội có liên quan mật thiết với nhau.

Các yếu tố tâm lý liên quan gì đến hành vi của con người?

Nói đến hành vi của con người ta thấy: “trước khi tôi hành động thường thì tôi có thái độ của tôi với đối tượng nào đó”. Thái độ là khuynh hướng tích cực hay tiêu cực hướng đến một đối tượng nào đó.

Thí dụ: Khi đi xem phim tôi có thái độ thích bộ phim đó hay thích người cùng đi với tôi; hay trước khi tránh gặp ai tôi có thể có thái độ không thích người đó.

Nhận thức của tôi cũng ảnh hưởng đến thái độ của tôi. Nếu tôi có nhận thức đúng cho tôi có thái độ đúng, tôi có nhận thức sai đưa đến thái độ sai.

Ngoài ra cảm xúc cũng đưa đến thái độ của ta. Nhận thức – thái độ - cảm xúc luôn luôn đi với nhau.

Nhận thức ảnh hưởng đến cảm xúc thế nào?

Ví dụ khi gặp một con rắn.

§ Có người gặp rắn thì bỏ chạy, nhận thức của họ là sợ, vì rắn cắn chết người, chính nhận thức đó làm cho họ chạy đi.

§ Có người gặp rắn không chạy, vì họ nhận thức là thịt rắn nấu cháo thì ngon, làm cho họ cảm giác thích thú, thèm cháo rắn từ nhận thức đó làm cho họ chạy đến đập con rắn.

Nhận thức khác nhau đưa đến cảm xúc khác nhau và đưa đến hình thành thái độ, hành vi khác nhau.

Trong cuộc sống không phải chỉ có nhận thức, cảm xúc, thái độ, hành vi không thôi mà trong đời sống tâm lý còn nhiều khía cạnh khác nữa như là:

§ Nhu cầu: tác động đến thái độ và hành vi của mình, nhu cầu sinh ra do sự mất cân đối đời sống thể lý, tâm linh v…v.. chính mất cân đối đó sinh ra nhu cầu, và người muốn có nhu cầu để cân bằng lại trong đời sống của mình.

                         tamcam1

§ Về khía cạnh thể lý: Một người có lượng đường trong máu giảm xuống, khi lượng đường trong máu giảm họ cảm giác đói bụng, đói bụng thì có nhu cầu ăn. Nhu cầu ăn uống tạo ra thái độ thích thức ăn hay tạo ra cảm giác vui mừng khi thấy thức ăn.

§ Về khái cạnh tâm lý: có người thích vừa lòng người khác, thái độ của họ là luôn luôn tìm cách giúp đỡ người khác, có khi xuất phát từ một nhu cầu tâm lý nào đó. Nhu cầu của họ là gì? Họ muốn người khác thương họ, trong cuộc sống của họ thiếu tình thương, họ tìm tình thương, “tôi giúp người ta để người ta thương tôi” họ có nhu cầu cần tình thương.

Chính nhu cầu của ta cũng ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của ta.

Còn yếu tố khác nữa cũng ảnh hường đến hành vi của ta đó là:

§ Giá trị: Giá trị ảnh hưởng đến thái độ hành vi, giá trị có sự nối kết cảm xúc và nhận thức của ta. Giá trị có liên quan đến nhận thức. Giá trị là một niềm tin

Nếu tôi không tin cái computer này có ích thì nó không có giá trị gì đến tôi. Nếu tôi không tin sức khỏe có giá trị sự sống thì sức khỏe không có giá trị với tôi.

Một điều có giá trị với với tôi, khi tôi tin rằng điều đó đem lại cho tôi điều tốt nhất, đem lại hạnh phúc phúc cho tôi trong cuộc sống, trở nên mục tiêu mà tôi vươn đến.

Giá trị có ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc qua đó cũng tác động đến thái độ dẫn đến hành vi của tôi.

Một yếu tố khác nữa đó là:

§ Ý chí: Ý chí cũng ảnh hường đến hành vi, giúp cho con người chọn lựa thực hiện đạt tới mục đích, ý chí cũng liên quan đến nhận thức và cảm xúc của con người. Nếu ta nhận thức tốt, cảm xúc mạnh về điều gì đó ta sẽ có ý chí mạnh để thức hiện điều đó.

Để thực hiện hành vi, đàng sau hành vi đó còn có nhiều yếu tố tương tác cho nhau tác động đến hành vi của con người đó.

Thế nào là trưởng thành tâm cảm?

Tâm cảm là gi?

• Tâm cảm là yếu tố bao gồm xúc cảm, cảm nhận, tình cảm, ước muốn và những thôi thúc bên trong, nó còn là khả năng cảm nghiệm những tâm tình, khả năng yêu thương, khả năng thiết lập các tương quan với người khác.

Trưởng thành tâm cảm thì:

• Không đi theo tuổi, không phải người lớn hơn trưởng thành tâm cảm hơn người trẻ tuổi. Trưởng thành tâm cảm không đồng nghĩa với việc không còn xung đột nột tâm, vì người trưởng thành tâm cảm vẫn có những giằng xé sâu xa bên trong. Trưởng thành tâm cảm cũng không phải là không có bệnh lý nào đó trong đời sống. Trưởng thành tâm cảm luôn luôn là một tiến trình từng bước đi lên.

Trưởng thành tâm cảm thì hài hòa với nhau giữa phần Tâm với phần Trí,

Phần Tâm là cảm xúc, nhu cầu, ước muốn, thúc đẩy bên trong, khả năng yêu thương, khả năng thiết lập các tương quan.

Phần Trí là khả năng suy luận, quyết định sáng suốt, theo đuổi mục tiêu, điều chỉnh theo thực tại.

Phần Tâm phải được gắn kết với phần Trí, nói cách khác cái đầu và con tim luôn đi đôi với nhau.

Thế nào là hài hòa?

• Hài hòa không phải chỉ là tương hợp giữa tâm và trí, tuy nó cần sự tương hợp, nhưng nó còn cần phải mang đến sức sống, mang đến bình an nội tâm và còn mang đến sự triển nở và nối kết trong tương giao với người khác

                                      tamcam3

Người trưởng thành tâm cảm là người:

1. Hiểu biết mình: Ý thức về bản thân, nhận ra được con người mình, ý thức được hành vi của mình, Cảm thức về căn tính của mình, biết tôi là ai, sự hiện diện của tôi trên trái đất này. Cảm nhận được giá trị, bản thân của mình, cái tốt, cái xấu của tôi, có lòng tự trọng. Hiểu biết nguyên nhân của sự việc, biết sự tức giận của tôi đó đến từ đâu, và hiểu biết ý nghĩa đằng sau của những cảm xúc tức giận đó.

2. Đón nhận mình: Biết đón nhận thực trạng hiện tại của mình, ví dụ nếu tôi thấp tôi biết chấp nhận thực tại đó chứ không đòi hỏi phải cao hơn. Biết đón nhận tài năng và giới hạn của mình, và biết đón nhận lịch sử cuộc đời của mình, đón nhận biến cố thăng trầm trong quá khứ, nếu ta không biết đón nhận quá khứ, muốn tẩy xóa quá khứ, muốn tách rời quá khứ, ta không thể trưởng thành, quá khứ luôn là bài học quí giá cho hiện tại.

3. Kiểm soát và điều chỉnh: Không để cảm xúc làm chủ mình, điều chỉnh các nguyên nhân (nhận thức hay hoàn cảnh) gây ra cảm xúc tiêu cực, biết làm chủ cảm xúc, biết đáp lại chứ không phản ứng theo cảm xúc.

4. Quân bình nội tại: Biết nhận ra và gắn kết với chiều sâu nột tâm, chứ không sống cảm xúc hời hợt bên ngoài và hội nhất năng lực tâm cảm mang lại lợi ích cho mình và cho người khác. Quân bình hướng đến mang sự triển nở cho mình và cho người khác.

5. Vượt lên trên đam mê: Có thang giá trị thật làm nền tảng. Có niềm tin làm nền tảng làm nhận thức cho hành vi của mình. Có khát vọng và dám dấn thân cho giá trị thật đó.

6. Thiết lập và duy trì tương quan: Biết đồng cảm, cùng cảm nhận và cùng hiểu cảm xúc của mình và người khác. Có khả năng nối kết cách thân mật với người khác, tạo một tình bạn thân mật, chân thật chứ không lệch lạc. Thiết lập duy trì tình bạn chân thật đó và biết giữ giới hạn thích đáng trong tương quan.

Điều gì cản trở không cho chúng ta trưởng thành tâm cảm?

1. Cơ chế phòng vệ: là cơ chế trong đời sống tâm lý cho mình tránh khỏi cái lo âu, sợ hãi, khi có cảm giác bị đe dọa, ta phản ứng phòng thủ, tự vệ lại để thoát khỏi cảm giác đe dọa. Phản ứng phòng vệ như là chối bỏ, đè nén, biện hộ dùng ý chí lập luận, dịch chuyển, (là dạng giận cá chém thớt, chuyển cơn tức giận từ người này sang người khác). Những cơ chế này có những điều tốt nhưng cũng ngăn ngừa chúng ta hiểu biết mình và không cho mình đón nhận bản thân, nhận biết mình, làm cho ta mất khả năng đối diện và lượng giá đúng thực tế chạy trốn thực tế.

2. Nhận thức lệch lạc: lệch lạc về thang giá trị, lấy giá trị ảo làm giá trị thật, lệch lạc về tình yêu, tình bạn về sự trưởng thành, đều ảnh hưởng và cản trở chúng ta trường thành. Tạo ra cảm xúc tiêu cực hay mất trật tự, ngăn cản chọn lựa điều tốt hơn, ngăn cản yêu thương đích thực.

3. Áp lực từ bên ngoài môi trường: Sự giáo dục khắc khe, cha mẹ áp đặt lên con cái những giá trị mà không cho con cái hiểu mình hay triển nở sự tự do, con cái bị đè nén. Áp lực bên ngoài cũng xây dựng thang giá trị lệch lạc, giả tạo ảnh hưởng đến đời sống trưởng thành tâm cảm.

Làm gì để trưởng thành tâm cảm? Có 2 phương thế để trưởng thành tâm cảm

Phương thế tự nhiên - nhân bản

1. Luyện tập - Sử dụng ý chí

§ Ý chí ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta, ý chí còn liên quan đến nhận thức và cảm xúc, khi luyện tập ý chí chúng ta đã điều hành Tâm và Trí có sự hài hòa, giúp chúng ta sử dụng hành vi có lý trí. Khi chúng ta luyện tập và đưa ra những ý nghĩa hay giá trị của hành vi này, sẽ giúp cho ý chí của chúng ta thêm sức mạnh để thực hiện hành vi. Luyện tập những thói quen tốt, từ đơn giản đến phức tạp để chúng ta có thể trưởng thành được, từ công việc nho nhỏ mới giúp ta tích tụ để trưởng thành với công việc lớn hơn.

2. Tập kiểm soát – Điều chỉnh cảm xúc

§ Chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn 100% cảm xúc, nhưng chúng ta cần phải nhận diện cảm xúc, điều chỉnh cảm xúc và hiểu biết được cảm xúc của mình.

§ Cảm xúc được hình thành từ nhận thức được một tín hiệu, tín hiệu này đưa vào bộ nhớ, liền lúc đó chúng ta đưa ra một sự lượng giá ngay trong bộ nhớ của mình. Lượng giá đó có thể là tốt hoặc xầu, an toàn hay không an toàn, tích cực hay tiêu cực. Lượng giá đó dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ của mình. Ví dụ: Trước đây tôi gặp một người bị rắn cắn chết thì ta đưa ra lượng giá là rắn cắn chết, lượng giá là xấu, cảm xúc tạo ra là sợ hãi hoặc trước đây tôi có một lần ăn cháo rắn và thấy ngon, lượng giá là tốt, cảm xúc thì thích thú. Cảm xúc được hình thành và đưa đến sự thay đổi trong cơ thể. Sau khi cảm xúc đi kèm với sự thay đổi trong cơ thể rồi lúc đó chúng ta mới ý thức về cảm xúc, và có thể chúng ta đưa đến phản ứng hoặc đáp lại có suy nghĩ. Tập nhận diện cảm xúc là tập lắng nghe cơ thể của mình, lúc đó ta sẽ biết cảm xúc của mình, hiểu mình.

§ Khi nhận diện cảm xúc của mình ta hãy nhận lấy, sở đắc cảm xúc của đó mà không sợ hãi, lắng nghe cảm xúc nói với mình về cách tôi đang nhận thức vấn đề, về giá trị, về niềm tin nào đó mà ta đang nhận thức. Cảm xúc nói với tôi về nguyên nhân về cách ta đang phản ứng về vấn đề. Ta cần thay đổi nhận thức gây cảm xúc tiêu cực không mang đến sức sống, và tập diễn tả cảm xúc theo cách thức xây dựng.

3. Đồng cảm

§ Học cách đồng cảm là học hiểu và lắng nghe người khác, như thể là họ như thế đó, không bắt người khác theo ý mình, người trưởng thành tâm cảm là người hiểu mình và hiểu người khác. Trước hết là ta tập thái độ "dừng lại - chậm lại", đặt mình trong hoàn cảnh của họ, đi vào trong tình huống, bối cảnh của họ, tại sao họ lại như thế? Từ đó ta tránh sự phê phán họ một cách vội vã, và đi sâu vào chiều sâu nội tâm của họ, ta còn phải chú ý đến cơ thể của bản thân mình, chúng ta còn biết học từ quá khứ và sống hiện tại, đồng cảm ta còn phải biết tôn trọng tính "độc nhất" của người khác thì mới thiết lập được các mối tương quan tốt đẹp.

4. Thiết lập giới hạn thích đáng trong tương quan

§ Ta cần phải thiết lập giới hạn thích đáng, tôn trọng sự thật riêng tư của người khác, chúng ta cần có khoảng cách, không xen vào hay can thiệp vào cuộc sống người khác một cách áp đặt hoặc bạo lực. Không đi xa hơn ranh giới giữa ta và người khác không phải chỉ về phương diện thể lý mà còn cả về giới hạn về thời gian, không gian, và nội tâm của nhau nữa.

5. Tập dấn thân, trao – nhận

§ Người trưởng thành cần phải biết dấn thân, cần biết mở ra khả năng tương quan với người khác, đi ra khỏi con người của mình, sống tương quan yêu và được yêu, trao và nhận từ nơi người khác.

6. Cân bằng giữa làm việc – nghỉ ngơi

§ Con người không quân bình giữa làm việc và nghỉ ngơi thì dễ mất quân bình về thể lý, thể lý mất quân bình thì sức khỏe bị giảm xuống làm ảnh hưởng đến tâm lý, tâm linh và môi trường xã hội vì 4 khía cạnh này luôn liên quan đến nhau. Người không quân bình dễ bị stress, cảm giác tiêu cực, đóng kín mình vì thế cần lưu ý đến sự quân bình giữa làm việc và nghỉ ngơi.

Phương thế siêu nhiên: Đối với con người có đức tin Kitô giáo cần có:

1) Phát triển con tim biết nhận định

Để phát triển con tim biết nhận định cần có nhiều bước:

§ Bước 1: Nhận thức những cảm xúc khác nhau đang xảy ra bên trong

§ Bước 2: Hãy khám phá những thực tại nằm dưới/nằm sau những cảm xúc là gì? Tôi buồn vì sao tôi buồn? bên ngoài là buồn nhưng bên trong lại là bực tức, ta tìm ra nguồn gốc phát sinh ra nỗi bực tức đó đến từ đâu?

§ Bước 3: Nhận ra những nguồn gốc từ sinh lý hay từ tâm lý đã tạo ra những cảm xúc?

§ Bước 4: Mang giá trị Tin Mừng vào cảm xúc đặt mình trước mặt Chúa, Chúa mời gọi tôi đón nhận cảm xúc này như thế nào khi tôi lắng nghe lời Chúa nói với tôi? Cần để ánh sáng Tin Mừng đi vào cảm xúc của mình.

§ Bước 5: Nhận xem Chúa muốn nói gì với tôi qua cuộc đời của tôi, Chúa đang ở đâu trong cuộc đời của tôi, từ cách thức tôi tương giao với người khác? Nhận ra những cách thức khác nhau qua đó nhận ra Chúa đang chia sẻ chính Chúa trong kinh nghiệm của tôi.

§ Bước 6: Chúa đang thôi thúc tôi điều gì trong cuộc sống của tôi? Nhận ra cách chính xác những chuyển động thiêng liêng trong bản thân tôi.

2) Cầu nguyện

§ Một người trưởng thành tâm cảm vượt lên trên đam mê nhờ có thang giá trị. Khi ta gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện ta nghe Chúa nói, để thấm nhuần giá trị Tin Mừng vào cuộc sống của mình, lấy thang giá trị của Chúa Giêsu làm nền tảng, dựa lên thang giá trị thật, cho chúng ta có nhận thức đứng đắn.

3) Phút hồi tâm

§ Nhìn lại đời sống của mình trong một ngày, hồi tâm không phải là xét mình, mà là nhìn lại cảm xúc của mình trong một ngày sống, từ sáng tới giờ có điều gì tôi cảm thấy tôi vui, tôi biết ơn chúa ban cho tôi những quà tặng như thế nào? Biết ơn Chúa những gì mình nhận được, nghe Chúa đang làm việc với tôi trong cuộc đời của mình. Sau đó mới thấy tôi chưa sống được như thế nào và tôi cần sống ra sao cho xứng đáng với ơn Chúa ban?

Giữa một cuộc sống nhiều dao động, lắm bôn ba, đầy những sự cám dỗ mời gọi vui chơi trong những giây phút cuối tuần. Hôm nay hơn 200 bạn trẻ đã vượt qua các cơn cám dỗ thú vui đó để đến với Chương Trình Chuyên Đề để có những giây phút nhìn lại mình, khám phá ra mình, nhận biết mình qua các cảm xúc và nhất là nhìn lại mình trong các mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Đây là một tín hiệu vui cho giáo hội và xã hội, chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng nơi các bạn trẻ là những nhân tố tích cực trong công cuộc đổi mới trên bình diện giáo hội và xã hội, vì các bạn là những người sẵn sàng đang đổi mới chính mình để được trưởng thành tâm cảm. Qua sự trình bày vui vẻ, dí dỏm dễ gần gũi của Linh mục Trần Sĩ Nghị đã đem lại cho hội trường một bầu khí vui tươi, dễ dàng tiêu hóa một món ăn đặc sản bổ dưỡng cho đời sống tinh thần của các tham dự viên.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho Chương Trình Chuyên Đề, cho các giảng viên, các tham dự viên để CTCĐ luôn mãi là người bạn đồng hành của mọi người.

AP. Mặc Trầm Cung

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch