Trong thời đại ngày nay, thế giới dường như không còn cách biệt nữa khi mà trong tích tắc mọi sự việc trong từng ngõ ngách xa xôi nhất cũng có thể được biết đến. Nhưng nghịch lý thay, đôi lúc những người sống chung trong một mái nhà được gọi là mái ấm gia đình lại không biết nhiều về nhau, không thấu hiểu lẫn nhau, thậm chí cảm thấy lẻ loi cô độc trong chính ngôi nhà của mình do những cách biệt về tuổi tác, về ý thức hệ, về lối sống, về nhận thức trước những hiện tượng của đời sống.

Nói đến xã hội Việt Nam hôm nay, buồn thay, là phải nói đến những vấn nạn, những hệ lụy qua năm tháng của việc du nhập không chắt lọc những khuynh hướng, những trào lưu khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập vào toàn cầu hóa. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình là Hội Thánh tại gia, trong đó mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái luôn biến đổi theo thời gian, lúc dịu êm, hòa hoãn trong an bình, nhưng lắm lúc lại bùng phát những tranh cãi, những xung khắc tưởng chừng bất tận, mà đã là xung khắc, có lúc cũng sẽ đạt đến đỉnh điểm là tan vỡ, những tan vỡ trong gia đình sẽ làm cho xã hội càng rối ren với biết bao nhiêu vấn nạn, một điều đáng báo động cho cả xã hội và giáo hội.

Trăn trở trước những vấn nạn xảy ra trong gia đình, chiều hôm thứBảy 16/10/2010, Ban Mục Vụ Gia Đình, Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện tọa đàm đề tài: “XUNG KHẮC GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI – NGUYÊN NHÂN & GIẢI PHÁP” do Cha Giuse Hoàng Huy Cường, Dòng Đa Minh thuyết trình. Để buổi nói chuyện không đơn điệu, cha đã khéo léo lồng ghép vào các hoạt động như những bài múa cử điệu chung theo nhạc do linh hoạt viên Phạm Khải dẫn dắt để tạo ra bầu khí thoải mái cho tham dự viên. Đôi lúc là sự xen lẫn những đoạn video clip, những vở kịch rất ngắn, và một ca khúc truyền cảm do các bạn cộng tác viên của Nhóm Niềm Tin thực hiện nhằm diễn tả những vấn nạn đang xảy ra trong đời sống của các gia đình ngày nay.

Mở đầu buổi nói chuyện, cha đã nhắc đến những hiện trạng xã hội với nhiều lổ hổng, và hậu quả của nó bằng kinh nghiệm của một người làm công tác giáo dục thiếu nhi ở giáo xứ, cũng như kinh nghiệm của một người cộng tác vào công việc giúp cho những người bị nhiễm HIV/AIDS.

Xung khắc trong gia đình chính là những trận cãi vã, không ai chịu nghe ai, và điều đó hiển hiện trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Ngoài chuyện xung khắc giữa vợ chồng với nhau thì xung khắc giữa con cái và cha mẹ là một vấn đề rất lớn trong xã hội hiện nay. Trước đây, trong gia đình truyền thống, nói đến xung khắc là xung khắc giữa cha mẹ với nhau, những đứa con rất hiếm khi bất hòa với cha mẹ, nhưng thời nay, đứa con có thể là nguyên nhân gây bất hòa, xung khắc giữa cha mẹ, giữa cha và con, mẹ và con, đây là hiện tượng vẫn xảy ra nhan nhản trong đời sống. Nguyên nhân là do xã hội phát triển, các thành viên trong gia đình không có thời giờ để trao đổi, trò chuyện với nhau, ai lo việc người nấy. Cả cha và mẹ phải làm lụng vất vả, đứa con cũng phải bù đầu với việc học, thời gian gặp gỡ nhau rất ít, người vợ, người chồng trong thâm tâm ai cũng nghĩ rằng mình phải rất vất vả để xây dựng gia đình, nhưng thật ra, lại cộng tác vào một trong những nguyên nhân gây ra tan vỡ gia đình.

   ChaMe-Concai02   ChaMe-Concai03

Để đi tìm một vài nguyên nhân gây xung khắc, cha đã tiếp cận vấn đề bằng cách đưa ra những hiện trạng dựa trên 4 lĩnh vực: xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, và từ đó, người ta có thể đối chiếu vào mỗi gia đình để giải quyết vấn đề. Muốn nhận ra vấn đề, cần phải đóng vai trò của người làm cha làm mẹ, nhưng đồng thời cũng cần phải đóng vai trò của những người làm con để tìm ra được điều gì gây nên những xung khắc giữa cha mẹ và con cái trong gia đình.

Xã hội tại Việt Nam chuyển mình từ giai đoạn chiến tranh sang hậu chiến và thời bình, ngày nay lại chịu thêm ảnh hưởng của toàn cầu hóa, đã du nhập đủ thứ trào lưu, muôn vàn khuynh hướng làm ảnh hưởng khủng khiếp đến đời sống xã hội, đời sống gia đình, có thể nói đó là xã hội thời “thực dụng”.

Nói đến thực dụng ắt phải nói đến tiền, người ta thường nói có tiền mua tiên cũng được??? Đời sống bây giờ, người ta lại thường có tâm thức ra đường phải có tiền, để từ đó đề cao tiền bạc, đánh giá nhau trên tiền bạc. Xung khắc nằm ở chỗ cha mẹ không đáp ứng được tiền bạc cho con do không khéo léo trong cách dạy con biết sử dụng đồng tiền. Cũng nằm trong lối sống thực dụng là khuynh hướng “tự thưởng”: ban đầu có thể là cuối tuần ăn uống ngoài quán xá, lâu dần rồi quen, ăn uống ngoài đường nhiều hơn trong nhà, mạnh ai nấy lo buổi ăn của mình, khi đó bữa cơm trong mái ấm gia đình không được chú trọng, bầu khí thân tình trong gia đình phai nhạt, tình yêu thương, quan tâm san sẻ lẫn nhau dần mất đi. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây xung đột.

Tất bật trong lối sống, trong cách nghĩ, trong mọi hoạt động, có thể nói đó là khuynh hướng “mì ăn liền”, khuynh hướng này làm cho con người ta không đủ kiên nhẫn để chịu đựng mọi thứ, dường như điều này đã thâm nhập vào xương máu mỗi con người, nhất là người thành thị.

Trong lĩnh vực văn hóa, do Việt Nam thường thường chạy theo văn hóa Tây Phương, nhưng lại hấp thụ rất nhanh những điều mà nền văn hóa đó tuyền tải, cả tốt lẫn xấu, từ đó du nhập nhiều trào lưu ảnh hưởng đến gia đình như trào lưu quan hệ trước hôn nhân, các loại thời trang, điện ảnh… có thể gọi đó là văn hóa thời “mở cửa”. Điện ảnh ảnh hưởng mạnh đến thời trang, trong điện ảnh có những mốt gì mới thì y như rằng giới trẻ đua theo ngay, đó các loại mốt quần áo hở lưng, thiếu vải, hàng hiệu, điện thoại, xe máy đắt tiền, tóc vàng, tóc xanh, môi tím… làm sao cho giống minh tinh màn bạc. Đây là nguyên nhân thường xuyên gây bất đồng giữa cha mẹ và con cái. Nền văn hoá này du nhập cả những ý thức hệ, khuynh hướng “chiến thắng ở kẻ mạnh” làm cho cha mẹ hành động độc đoán, đôi khi đàn áp con trong cách giáo dục. Nó còn du nhập trào lưu chủ nghĩa cá nhân, trong đó ai cũng đòi quyền lợi cho riêng mình mà không nghĩ đến quyền lợi của cộng đồng, điều này trở thành bản chất của bản thân mình lúc nào không hay.

Thời mở cửa cũng du nhập nền văn hóa hưởng thụ: đi shopping mua sắm hàng hiệu, đi vũ trường, bar ăn chơi nhảy nhót tìm cảm giác mạnh thậm chí rơi vào vòng xoáy của thuốc lắc, ma túy, AIDS… dĩ nhiên làm gia đình tan vỡ.

Giáo dục: thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông luôn nói đến những lổ hổng của giáo dục, đã bao nhiêu năm qua chữ cải cách luôn văng vẳng trong lĩnh vực giáo dục, nhưng càng cải cách lại càng làm cho các bậc phụ huynh thêm ta thán, có thể nói, giáo dục thời nay là giáo dục thời “cải cách”. Cho đến bây giờ, cần phải cải cách thêm nữa là điều hiển nhiên vì với lề lối hiện nay trẻ con không biết học cái gì, hỏng kiến thức. Giáo dục cũng làm cho cha mẹ và con cái thường xuyên xung khắc nhau trong các vấn đề chọn trường học (vấn nạn chạy trường), học thêm, học ngoại khóa Anh ngữ… vì tâm lý cha mẹ không muốn con thua sút bạn bè đồng trang lứa trong việc học.

Giáo dục không hoàn thiện do định hướng giáo dục chưa đúng, quá nhiều kiến thức nhưng học sinh không nhớ gì, chủ yếu học để đối phó với điểm số. Giáo trình trong giáo dục cũng còn nhiều tranh cãi, ngay chính giáo viên cũng bảo là chương trình nặng nề, cả những quan chức giáo dục cấp cao cũng thấy điều đó nhưng để tìm giải pháp cho vấn đề này vẫn còn là mơ hồ, mọi cuộc cải cách xưa nay đều theo cảm tính, chủ quan của một số ít quan chức giáo dục, thiếu tầm nhìn và không dựa trên phương pháp khoa học.

Ví dụ điển hình để so sánh là giáo trình của Pháp dạy cho học sinh tiểu học tại Việt Nam: đó là cách giáo dục chữ ít, hình ảnh nhiều, điều này chính là khơi gợi ý tưởng học sinh, tuy là học ít nhưng nắm chắc kiến thức.

Giáo dục Việt Nam còn có vấn nạn nữa là học làm “tấn sĩ” hơn là học làm người dẫn đến hệ lụy là đánh giá con người qua bằng cấp, mục đích của học là để lấy bằng cấp và tìm mọi cách lấy cho được được bằng cấp. Ngay trong chính sách cũng đã sai lạc: “Đến 2020, Hà Nội phấn đấu 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ” 

Bên cạnh đó là giáo dục theo khẩu hiệu: 99% học sinh giỏi, đây là thành quả ảo, làm cho trẻ ảo tưởng chúng giỏi thật, tâm lý ỷ lại, ảo tưởng về khẩu hiệu, làm đầu óc con người rỗng tuếch.

Ảnh hưởng tôn giáo cũng tác động đến đời sống gia đình. Phải chăng có thể nói tôn giáo thời bây giờ là tôn giáo thời “giải thiêng”? vì người ta xem tôn giáo không còn gì là thiêng liêng nữa. Triết thuyết vô thần đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều tầng lớp trong xã hội, ngay trong chính sách nhà nước đã quan niệm tôn giáo chỉ nên để trong tủ, tôn giáo chỉ được hoạt động, thờ phượng trong nhà thờ, nhà chùa, thánh đường (tại cơ sở tôn giáo) mà thôi. Những thực tại thiêng liêng đã trở thành bình thường, để rồi người ta giữ đạo theo kiểu “đoàn lũ”, với tâm thức đạo đức “tương đối”. Thậm chí, trong một lần tĩnh tâm, một Đức Giám Mục phải nói lên rằng: “ngày nay các cha không dám nói chuyện đời sau, qua đời thì được lên thiêng đàng”. Tâm lý “vái tứ phương”: nơi nào nghe Đức Mẹ hiển linh đều đến viếng chỉ để cầu khẩn theo ý riêng chứ không phải bằng niềm tin tưởng phó thác.

Ngày nay, người ta tham dự Thánh Lễ cho có, xem tôn giáo như một thời trang, không có cội rễ, không có tâm linh. Bên cạnh đó con người cũng dần mất đi cảm thức về tội, làm cho người ta không phân biệt được thiện - ác, một điều rất nguy hiểm cho gia đình, xã hội.

Thử đưa ra một vài giải pháp để  giải quyết xunh đột giữ cha mẹ và con cái:

Trước hết là thanh lọc môi trường xã hội: Cần phải chắc lọc xem luồng tư tưởng nào ảnh hưởng đến mình, đến gia đình mình và đến con cái mình. Có thể đó là khuynh hướng theo số đông, vì ngày nay, những chuyện bất thường xem ra trở thành bình thường, những chuyện bình thường trở thành bất thường, điển hình nhất là câu chuyện giao thông: vượt đèn đỏ, leo lề, lấn tuyến… Bên cạnh đó, cha mẹ phải có trách nhiệm với con, phải hướng dẫn con trong mọi vấn đề, cần lập ra kế hoạch dạy con trong dài hạn, từ 17 đến 20 năm, chuyện không đơn giản nhưng nhất thiết phải thực hiện để giáo dục con cái nên người. Vấn nạn xã hội đã đi đến cao trào khi mà một vị linh mục linh hướng phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể nhắc nhở rằng: “Các huynh trưởng phải giành giật các em thiếu nhi từ môi trường xã hội”.

Kế đến, cần phân định trào lưu văn hóa: Việt Nam đi từ nền văn hóa phong kiến sang văn hóa phương Tây, thế nên cần chọn trào lưu văn hóa nào có thể giúp cho con em chúng ta, chọn loại văn hóa nào chấp nhận được trong đời sống, phù hợp với lễ giáo gia phong, và cần phải có kiên thức về văn hoá đó để giải thích cho con em mình tại sao phải chọn như vậy.

Thứ ba, là chọn phương pháp giáo dục: cha mẹ và con cái có thể hấp thụ cách giáo dục khác nhau, vì vậy, cách dạy con và cả cách tiếp thu của con không còn giống như thời của cha mẹ nữa, thế nên cần xem lại cách tiếp cận để giáo dục con cái của mình và đồng thời xem xét con mình tiếp thu thế nào để điều chỉnh cho phù hợp.

Cuối cùng, cần gây bầu khí gia đình Kitô giáo: với nguy cơ ít gặp gỡ nhau, nếu có cơ hội gặp nhau thì chỉ trao đổi qua loa những vần đề hời hợt, điều đó sẽ làm cho “bầu khí yêu thương” mất dần trong gia đình. Vì thế, cần phải chú trọng đến những sinh hoạt chung trong gia đình như bữa cơm chung, cầu nguyện chung là những cơ hội để cha mẹ và con cái trao đổi và lắng nghe nhau, cùng nhau xây dựng gia đình trong bầu khí yêu thương đích thực theo giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội.

Kết thúc bài nói chuyện chuyên đề là lời mời gọi thiện chí của xã hội để cổ vũ cho nền văn hóa sự sống, văn minh tình thương. Bên cạnh đó cần tiếp cận nền giáo dục chủ động, nuôi dưỡng bầu khí tôn giáo và nhất thiết phải hiểu biết và nắm bắt biểu hiện của xung đột để giải quyết xung đột.

Buổi tọa đàm cũng đã thực hiện một cuộc thăm dò nho nhỏ để tìm hiểu đánh giá của tham dự viên về nguyên nhân gây khung khắc giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó là 2 đoạn video clip trong đó mỗi lời nói, mỗi hành động phản ánh khái quát bối cảnh xã hội. Đó là câu chuyện một bà mẹ tự hào về con mình ham học, học sáng, trưa, chiều, tối, học đến nửa đêm, và con biết áp dụng vi tính vào việc học nhưng thực chất bà không biết rõ ràng con học những gì, dùng vi tính vào việc gì. Còn một ông bố thì tự hào là mình kiểm soát con kỹ lưỡng, con đi đâu cũng đón đưa nên không sợ con hư nhưng một lần tình cờ ông lại phát hiện con mình kẻ mắt, tô môi khi mà con ông vẫn còn trong độ tuổi học trò, và ông đã dùng quyền làm cha để bắt con không được làm như vậy mà không giải thích rõ tại sao. Đoạn video clip thứ hai nói đến một cặp học trò không lo học hành nhưng lại lao vào việc yêu trước tuổi trước sự cấm đoán của gia đình để rồi cuối cùng cô gái phải nhận lấy hậu quả là mang thai. Có thể nói 2 đoạn video clip đã khái quát hoá bộ mặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hôm nay.

Cũng trong chiều hướng minh họa cho đề tài, Nhóm Niềm Tin đã cộng tác để đem lại không khí trầm lắng đáng suy tư với hai vở kịch diễn tả công thức trong thời đại hôm nay, diễn tả ý thức hệ, khoảng cách, sự không hiểu nhau vì khoảng cách đó.

Đó là vở kịch nói về người cha và cô con gái lớp 10. Vở kịch minh họa cho sự xung đột ý thức hệ. Cha mẹ không hiểu con cái, con cái không hiểu cha mẹ. Cha mẹ lo lắng con mình chưa lớn, phải bao bọc chở che, quản lý nghiêm về thời gian, sợ con hư hỏng. Con cái thì cho rằng cha mẹ chẳng hiểu gì về thời đại văn minh, cổ hủ, phong kiến…

Vở kịch thứ hai nói đến một người con tiến sĩ và người mẹ già tội nghiệp quê mùa, thất học. Người con tuy có học vị cao nhưng cư xử với cha mẹ mình như người ở trong nhà, thậm chí đánh mẹ vì cho là mình có quyền. Đó là hệ quả của một lối giáo dục chỉ chú trọng kiến thức, tiền bạc và danh vọng mà quên đi đạo đức và nhân cách là cốt lõi.

Bên cạnh đó, bài hát “Nhớ nhé” bằng chất giọng thiết tha truyền cảm của một thành viên Nhóm Niềm Tin cũng mang lại sự suy tư cho tham dự viên (link video clip của bài hát: http://www.youtube.com/watch?v=768P8AbJFyY)

Buổi nói chuyện kết thúc, nhưng trong mỗi người vẫn còn quyến luyến vì đã nhận được những kinh nghiệm qúy báu để áp dụng vào hoàn cảnh gia đình mình nhằm làm giảm thiểu xung khắc.

Những câu hỏi trong phiếu thăm dò và đúc kết thăm dò:

Trong cuộc sống hằng ngày, “xung khắc” giữa cha mẹ và con cái rất hay thường xảy ra. Theo bạn, thường là do những nguyên nhân nào? (Mỗi câu hỏi được trả lời bằng cách lựa chọn có hay không)

PHU_HUYNH_CON_CAI_XUNG_KHAC1. Do cha mẹ không theo kịp tâm thức thời đại?   

2. Do không hiểu về trào lưu trong giới trẻ?

3. Do quan niệm khác nhau?

4. Do khoảng cách về tuổi tác?

5. Do muốn con ăn mặc theo ý của cha mẹ?

6. Do muốn con theo “thời khoá biểu” của cha mẹ?

7. Do không cho sử dụng điện thoại di động?

8. Do không cho đổi điện thoại theo thời trang?

9. Do không cho sử dụng Internet trong phòng riêng?

10. Do không cho đi xe máy?

11. Do không cho đi chơi đêm (quá 22 giờ)?

12. Do không cho tham gia “băng nhóm”?

13. Do không cho đi shopping?

14. Do không cho mặc thời trang “thiếu vải”?

15. Do bắt con định hướng nghề nghiệp tương lai?

16. Do không hiểu tâm lý con?

17. Do không lắng nghe con nói?

18. Do dùng quyền áp đảo con?

19. Do bắt con thường xuyên đi lễ?

20. Do buộc con đọc kinh tối trong gia đình?

Trong phần đúc kết thăm dò, thầy Giuse Phạm Thanh Châu đã đưa ra kết quả thăm dò, trong đó những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực xã hội (từ câu 1 đến đâu 5) là 80% trả lời có, 20% trả lời không. Những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tâm lý (từ câu 6 đến đâu 17): 50% trả lời có, 50% trả lời không. Cuối cùng, những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tâm linh (từ câu 18 đến đâu 20): 50% trả lời có, 50% trả lời không. 

Thầy cho biết thêm, nền giáo dục hiện nay không dựa trên nền tảng đạo đức và nhân văn. Ngày nay, con em chúng ta cũng học đạo đức, nhưng là một thứ đạo đức khác chứ không phải là đạo đức do ông bà ta để lại, xem như cái nền, cái gốc đã bị mất. Thời nay, tiền và quyền là trên hết, khi cha mẹ cho con cái đi học, ít khi nào nghĩ rằng cho con học để thành tài sau này giúp đời mà cứ nghĩ rằng cho học để sau này kiếm được nhiều tiền.

Do chỉ lo kiếm thật nhiều tiền để đáp ứng nồi cơm, manh áo và lo cho con cái, nên đôi khi các bậc cha mẹ không nắm bắt được tình hình xã hội phát triển như thế nào để dạy dỗ, hướng dẫn con cái. Dù các bậc cha mẹ đã kinh qua lứa tuổi của con từ thưở bé, đến thiếu niên rồi trưởng thành, nhưng không thể bắt con cái sống như cha mẹ đã từng sống. Cha mẹ cần thông cảm cho con cái và chịu khó ngồi lại phân tích vấn đề đặt hoàn cảnh mình vào độ tuổi của con cái nhằm hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của con cái để biết con học hành ra sao, ăn uống thế nào, vui chơi những gì. Đáp ứng nhu cầu của con cái không có nghĩa là đáp ứng tiền bạc để cho con vui lòng, mà không nắm bắt được niềm vui nào trọn vẹn, niềm vui nào làm cho con sa chân lỡ bước, điều này có nghĩa là đôi khi cha mẹ quên đi sự quan tâm đến con cái mà chỉ lo kiếm tiền để đáp ứng những đòi hỏi tiền bạc của con cái. Nếu chỉ đáp ứng tiền bạc cho con mà không quan tâm con, đến khi giật mình thấy con cái có những biểu hiện khác thường của sự hư hỏng, lúc đó cha mẹ có truy vấn con tại sao con thế này, tại sao con thế nọ thì xem như đã muộn. Có thể nói đó là nguyên nhân lớn tạo nên xung khắc giữa cha mẹ và con cái.

Về vấn đề tâm linh, cha mẹ thường buộc con phải đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ nhưng lại quên giải thích cho con biết đi lễ để làm gì, tại sao phải đi lễ và lợi ích thiêng liêng của việc đi lễ.

Thầy kết luận phần đúc kết thăm dò của mình bằng cách nhắn nhủ rằng đừng để con cái mình sợ, nhưng hãy để con cái nghe lời cha mẹ để chúng tự suy xét chọn lựa điều gì đúng, điều gì sai, điều gì nên làm, điều gì không qua cách quan tâm, hướng dẫn và giáo dục con cái.  

Dưới đây là những câu hỏi và kết quả nhận được từ việc thảo luận nhóm, trong thời gian hạn hẹp chỉ 15 phút:

Với môi trường văn hóa và xã hội

1. Hướng dẫn con cái tiếp cận các trào lưu xã hội?

Cần phải phân định trào lưu tốt xấu để lựa chọn, chẳng hạn như đối với trào lưu sống thử thì không nên vì nó ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến đạo đức, tinh thần, tâm linh… với trào lưu nhảy hiphop chỉ tốt khi nó đơn thuần là rèn luyện sức khỏe và là một cách giải trí nhưng khi nó đi quá giới hạn thì trở nên xấu. Cần giải thích cho con hiểu nhưng cần tôn trọng ý kiến của con để hướng con đi đến lựa chọn đúng và giám sát con khi thực hiện

Tạo kỷ luật trong gia đình, có tự do nhưng trong khuôn khổ, lắng nghe ý kiến và suy nghĩ của con trong vấn đề này và hướng con đến mặt tích cực của các trào lưu. Nói đến kỷ luật trong gia đình, cần biết sử dụng quyền hành của cha mẹ sao cho khôn khéo để con cái cảm nhận được tình thương.

2. Trao đổi với con cái về thời trang và điện ảnh

Tạo niềm tin cho con, mua sắm cùng con, tôn trọng lựa chọn của con với những giải thích, phân tích. Nắm bắt, cập nhật thông tin về thời trang, điện ảnh để có thể trao đổi với con.

Với môi trường giáo dục

3. Hướng dẫn con cái học cái gì và hướng nghiệp?

Nhóm thảo luận đưa ra sơ đồ với chữ “Học gì?” là trung tâm với các nhánh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và hướng nghiệp. Cấp 1: học giáo lý, học văn hóa, kỹ năng sống. Cấp 2: học như cấp một cộng thêm thể chất và năng khiếu. Cấp 3: học thêm về giới tính và hướng nghiệp. Hướng nghiệp: với ước mơ, khả năng, điều kiện và nhu cầu.

4. Hướng dẫn con sử dụng các phương tiện công nghệ mới.

Bản thân cha mẹ phải học, phải biết để đồng hành với con em mình. Cần phải biết giới hạn độ tuổi sử dụng các phương tiện công nghệ mới, giải thích mặt lợi, mặt hại, sử dụng khi nào, ở đâu. Đối với các trò chơi cần quy định thời gian chơi, kèm theo điều kiện. Điều kiện ở đây cần phải hiểu không theo ý nghĩa thưởng vật chất mà phải là sử dụng có hiểu quả.

Với môi trường tôn giáo

5. Thuyết phục con tiếp tục tham gia các lớp giáo lý hoặc các đoàn thể trong xứ đạo.

Trước nhất cha mẹ phải là tấm gương để từ đó hướng dẫn con cái mình có ý thức về đạo cũng như khi tham gia các đoàn thể. Cha mẹ quan tâm và giúp trẻ tích cực tham gia học giáo lý. Điểm quan trọng là cần quan tâm giáo dục trẻ từ nhỏ.

Kinh nghiệm của cha Giuse cho thấy tâm lý cha mẹ thường nghĩ rằng cho con học xong giáo lý để được chịu Bí tích Thêm Sức là đủ, sau đó xin cho con nghỉ học giáo lý để tập trung học văn hóa. Đây là điều không nên.

6. Gia đình cùng đi lễ?

Gia đình cùng đi lễ có thể gây khó khăn do lễ người lớn, lễ thiếu nhi, lễ giới trẻ riêng, hoặc trong nhà thờ nam nữ ngồi riêng. Chỉ có vợ chồng hoặc nhóm bạn cùng đi lễ là thuận tiện. Cần giáo dục con cái từ nhỏ như bế con, dắt con đi nhà thờ, dạy làm dấu thánh giá, chào Chúa. Giới thiệu về Mẹ Maria, các thánh. Có thể cả nhà cùng tham dự Thánh Lễ vào một  buổi chiều trong tuần để tạo thói quen thích đi lễ, để con tự ý thức tham gia Thánh Lễ Chúa Nhật. Thánh Lễ đem lại sự bình an. Gia đình cùng đi lễ là tạo bầu khí gia đình Kitô giáo.

Sài Gòn, ngày 20/10/2010.

Nguyễn Hoàng Thương 

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch