Giới răn yêu thương của Thiên Chúa là một giới răn mà người tín hữu thường nghe và đọc đi đọc lại nhiều lần trong Thánh kinh, sách tu đức và những bài diễn giảng lời Chúa trong thánh lễ và lời kinh nguyện hàng ngày.
Ðồng thời người ta cũng nghe nói đến những câu chuyện về tình yêu trong tiểu thuyết, những loại phim ảnh về tình yêu và những mối tình lãng mạn của giới trẻ khác phái. Ðọc những chuyện tiểu thuyết tình cảm, hoặc coi phim ảnh về tình yêu lãng mạn, người ta thường bàn tán nhiều về tình yêu. Những cử chỉ tỏ tình yêu của những nhân vật trong cốt chuyện, xem ra có vẻ lãng mạn và thơ mộng. Người ta quan niệm yêu là cảm giác âu yếm và trìu mến, một cảm tình lôi cuốn giữa hai người khác phái. Người ta viết về tình yêu, đọc chuyện tình yêu, phác hoạ cảnh yêu đương trên tranh ảnh nghệ thuật. Người khác lại thơ mộng hoá tình yêu bằng những vần thơ bất hủ hoặc phổ nhạc vào tình yêu.
Do đó mà quan niệm về tình yêu trong Thánh Kinh nơi loài người đã bị hoen ố bởi những quan niệm về tình yêu trong sách vở, báo chí và phim ảnh. Vì thế nhiều khi chữ yêu vọng lên như một lời nói trống rỗng bởi vì người ta nói về yêu mà không thực hành. Tình yêu trong Thánh Kinh không phải là trống rỗng và nông cạn. Ðức Kitô đến diễn tả tình yêu bằng cách chết cho người yêu là nhân loại tội lỗi. Và tình yêu theo nghĩa Phúc Âm đã trở thành một biến cố tử nạn trên thập giá.
Trong Thánh Kinh, Đức Kitô trích sách Ðệ nhị Luật (Ðnl 6:5) để trả lời người thông luật trong nhóm Pharisêu: ‘Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi’ (Mt 22:37). Yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn .. là kiểu nói của người Do Thái nói lên tính cách toàn diện và trọn vẹn của tình yêu. Điều đó có nghĩa là yêu bằng toàn diện con người, chứ không cần phải phân tích và xét xem làm sao để yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Làm như vậy chỉ mệt óc và tổn thọ mà thôi. Trong Phúc Âm thánh sử Mác-cô có thêm ‘hết sức lực’(Mc 12:30) vào từ ngữ yêu mến, thì mức độ yêu mến mà Chúa đòi nơi loài người phải dành cho Chúa trong Phúc Âm thánh sử Mát-thêu và thánh sử Mác-cô cũng vẫn như nhau, không hơn không kém.
Thế nào là yêu mến Chúa?
Khi Thượng Đế là Thiên Chúa đặt để những định luật vật lí học, những phương trình hoá học và những công thức toán học trong vũ trụ, thì Thiên Chúa cũng phú bẩm những nguyên tắc dẫn đàng thiêng liêng vào trong tâm khảm của loài người. Như vậy thì hệ quả của lòng tin và yêu mến Thiên Chúa nơi loài người là có được những cảm thức sau đây:
1/. Ý thức và cảm nghiệm được về sự hiện diện và quyền năng của Chúa.
Khởi điểm của tình yêu mến Chúa là việc ý thức về sự hiện diện và quyền năng của Chúa trong những kì công của vũ trụ, những vẻ đẹp thiên nhiên trong thế giới, những nét hồn nhiên của trẻ thơ.
2/. Nảy sinh tâm tình cảm tạ/biết ơn về công trình sáng tạo và quan phòng của Chúa.
Khi ngắm nhìn những công trình sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa trong vũ trụ cũng như loài người, người ta sẽ nảy sinh ra tâm tình cảm tạ và biết ơn Đấng sáng tạo và quan phòng.
3/. Ý thức về thân phận mỏng manh và yếu đuối của loài người.
Khi chiêm ngắm những kì công tạo dựng của Thiên Chúa và công trình điều hành trong vũ trụ, người ta sẽ ý thức được thân phận mỏng manh và yếu đưối của mình. Để có thể ý thức được thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình, người ta phải xin cho được ơn biết kính sợ Thiên Chúa: sợ làm mất lòng Chúa. Kính sợ Chúa theo ngôn ngữ Thánh Kinh, không có nghĩa là sợ Chúa mà xa tránh Chúa, nhưng chỉ sợ làm mất ơn nghĩa với Chúa. Cũng như thánh Phêrô sau khi kéo lên được mẻ lưới đầy cá, đã ý thức được quyền năng của Chúa, đưa đến ý thức về sự yếu hèn và tội lỗi của mình, mới thốt lên: ‘Xin Thầy tránh xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi’ (Lc 5:8).
4/. Cảm nghiệm được sống gần gũi với Chúa và vui sống đức tin.
Khi đã đạt tới mức độ yêu mến Chúa thực sự trong tâm hồn, người ta sẽ làm những việc đạo đức như đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ và làm việc từ thiện bác ái một cách tự nguyện và an vui. Trước đó người ta có thể giữ đạo vì luật buộc, vì sợ tội nếu không giữ đạo, hoặc không tuân giữ giới răn Chúa. Trước đó, người ta giữ đạo, nhưng vẫn có thể sợ Chúa, phàn nàn, than phiền và trách móc Chúa. Và nếu như vậy thì làm sao có thể nói được là họ yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực được. Bây giờ người ta đến với Chúa như là bạn hữu, thay vì sợ sệt và xa cách.
5/. Ý thức về việc tuân giữ giới răn Chúa.
Trong Phúc theo Thánh Gio-an, Đức Giêsu dạy: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ tuân giữ lời Thầy (Ga 14:23). Ngôn sứ Isaia nói về những người yêu mến Chúa mà không tuân giữ giới răn Chúa là những người chỉ thờ Chúa bằng môi miệng (Is 29:13; Mt 15:8).
Thế nào là yêu người?
Giới răn thứ hai được trích từ sách Lêvi (Lv 19:18) cũng giống giới răn thứ nhất là: ‘Ngươi phải yêu tha nhân như chính mình’ (Mt 22:39). Ðã yêu mến Chúa thì cũng phải yêu mến tha nhân, nhìn nhận tha nhân như chính mình. Yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân là hai điều răn quan trọng nhất, gắn liền với nhau, không thể tách biệt như lời Chúa phán: Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy (Mt 22:40). Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu nhắc nhở: Nếu ai nói họ yêu mến Chúa mà ghét tha nhân là người nói dối (1Ga 4:20-21). Hai giới răn mến Chúa và yêu người có thể được gồm tóm lại trong một giới răn yêu thương kép như lời thánh Gioan dạy: ‘Ai yêu mến Chúa thì cũng phải yêu thương người anh em mình’ (1Ga 4:21).
1/. Yêu người vì loài người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được máu Con Thiên Chúa đổ ra để cứu chuộc.
Yêu mến người có thể đi kèm với cảm giác, nhưng không phải là cảm giác. Yêu phải là việc cam kết và quyết định của lí trí. Người ta có thể không có cảm tình với người nọ người kia vì tính tình, tập quán, cách nhìn đời cũng như cách nói năng, hành động của họ khác biệt. Ðó là cảm giác, cảm tình của mỗi người. Tuy nhiên người ta phải làm quyết định không được ghét bỏ, ngược đãi và áp bức người tha nhân.
2/. Yêu người bằng cách giúp đỡ người có nhu cầu.
Yêu tha nhân là giúp đỡ người cần cơm ăn, áo mặc và nhà ở như lời Chúa dạy trong sách Xuất hành (Xh 22:20-25). Trong ngày thẩm phán, Chúa nói với những người được chúc phúc: ‘Bất cứ việc gì các ngươi làm để giúp đỡ những người hèn mọn là làm cho Ta’(Mt 25:40). Để cụ thể hoá giới răn yêu người, Đức Giêsu trưng dụ ngôn về ‘người Samari nhân hậu’ (Lc 10:29-37). Người Samari đã áp dụng giới răn yêu thương của Chúa bằng cách chấp nhận mối nguy hiểm để đi đến cứu chữa, băng bó vết thương và săn sóc cho người bị kẻ cướp đánh đập. Ông ta bỏ qua mối ác cảm giữa người Samari và người Do Thái thời bấy giờ để đi đến giúp đỡ nạn nhân. Tình huynh đệ bác ái đã thúc đẩy ông đưa người bị thương đến quán trọ để được chữa trị và còn trả tiền phí tổn cho nạn nhân nữa.
Đức Giêsu còn dạy các môn đệ phải ‘Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi họ’ (Mt 5:44). Tuy nhiên Chúa không đòi buộc người ta phải yêu thương người thù địch với cùng một độ yêu mà người ta dành cho người thân yêu và bạn hữu. Người ta không thể yêu kẻ thù với một thứ tình yêu phát xuất tự con tim, do khuynh hướng tự nhiên thúc đẩy. Chúa bảo các môn đệ phải yêu thương kẻ thù với một thứ tình yêu do động lực siêu nhiên thúc đẩy và làm quyết định không được ghét bỏ kẻ thù, mà còn phải cầu nguyện cho kẻ thù cũng được cứu rỗi.
Thế nào là yêu mình?
Yêu mình đây không hiểu theo nghĩa tự ái quá đáng. Yêu mình là tìm cách thích ứng với những khả năng, hoàn cảnh và giới hạn của mình và phát triển những ưu điểm của mình.
1/. Yêu mình là chấp nhận bản thân và gia cảnh của mình.
Nếu bản thân và gia cảnh túng thiếu, người ta không thể học kiểu làm sang, mượn tiền để tiêu pha, sống kiểu nhà giầu. Mựợn tiền tiêu pha, sống kiểu nhà giầu mà không trả lại được người ta có thể phải nghèo túng thêm. Người ta cần phải “liệu cơm gắp mắm”. Có những người nghèo túng mà luôn mơ ước làm giầu là ảo tưởng. Những người nghèo mà có đầu óc kinh doanh thì mới có thể trở nên giầu có được. Cũng có những người nghèo mà khi thời thế đổi thay hoặc gặp vận may mới trở thành giàu có được.
2/. Yêu mình là phải biết tài năng, ưu điểm và cả giới hạn và yếu khuyết điểm của mình.
Có những người chỉ biết người khác mà không biết mình. Binh pháp Tôn Tử dạy: “Tri kỉ tri bỉ, bách chiến bách thắng”, nghĩa là biết mình biết người trăm trận đều thắng. Như vậy người ta cần quan sát để so sánh mình với người xem mình hơn thua người khác về những phương diện nào. Nếu mình có khả năng về phưong diện nào, thì nên theo đuổi ngàng đó và nghề đó mới thành công và tìm cách phát triển khả năng đó để làm tăng thêm động lực yêu mình. Nếu thấy mình không có khả năng về môn học nào đó, thì nên tránh theo đuổi ngành học đó và nghề đó, để khỏi thất bại, làm giảm khả năng yêu mình. Đó là thuộc lãnh vực nghề nghiệp.
Còn trong đời sống giao tiếp thường ngày, người ta cũng cần biết những khả năng và ưu điểm để tham gia vào đời sống cộng đồng và đời sống xã hội. Khi thấy mình góp phần vào việc xây dựng cộng đồng và xã hội, người ta sẽ cảm thấy có thêm động lực để yêu mình. Người ta cũng cần biết những yếu điểm và những giới hạn của mình để tránh những việc nói năng và hành động trước công chúng kẻo gặp thất bại, mình sẽ bị mặc cảm.
3/. Yêu mình thì phải biết chăm sóc sức khoẻ thể xác và tâm linh của mình.
Chăm sóc sức khoẻ thân xác mình bằng cách ăn uống, vận động và nghỉ ngơi cách điều độ và tránh những gì làm hại cho sức khoẻ của đời sống thể lí và tâm linh như xì ke, ma tuý. Yêu mình thì cũng cần tỉnh trí và dè dặt trước những lời dụ dỗ và hứa hẹn của những đường giây tội phạm lừa đảo, buôn bán gian lận, bất hợp pháp, gồm cả buôn bán người xuyên biên giới quốc gia trên Internet, để khỏi bị sa vào vòng lao lí.
4/. Yêu mình còn có nghĩa là biết tha thứ cho mình sau khi đã làm lỗi.
Người ta thường chỉ nghĩ đến việc tha thứ cho người khác, nhưng ít ai nghĩ đến việc phải tha thứ cho mình ngay cả sau khi xưng thú tội lỗi và được thứ tha. Sở dĩ người ta không nghĩ đến việc tha thứ cho mình, vì có những khi người ta không muốn nhận mình có lỗi. Nếu không biết tha thứ cho mình, người ta sẽ trách mình. Trách mình sẽ đưa đến mặc cảm tội lỗi, làm mất bình an trong tâm hồn.
5/. Yêu mình thì phải loại trừ cảm nghĩ thương hại mình nếu bị bệnh hoạn tật nguyền.
Nếu mang bệnh hoạn tật nguyền nan trị, thân xác không đủ kích thước, trí khôn kém lanh lợi, tính tình khó chịu, hoặc số phận hẩm hiu, người ta phả loại trừ cảm nghĩ thương hại mình. Cảm nghĩ thương hại mình sẽ khiến mình tự huỷ diệt về tinh thần, rồi đến thể xác. Người khác cũng cần tránh thái độ thương hại người khuyến tật. Tỏ thái độ thương hại người khuyến tật sẽ khiến họ bị tủi thân. Do ảnh hưởng của môi trường giáo dục từ nhỏ mà người ta có thể thấy có những đám trẻ con khi thấy người khuyến tật lại còn nhạo báng họ.
Khi phải mang bệnh hoạn, tật nguyền, người ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Tuy nhiên bao lâu còn mang bệnh tật, khổ đau, trong thân xác và tinh thần mặc dầu đã đi nhà thương và cộng tác với bác sĩ y khoa hoặc bác sĩ tâm linh để điều trị, mình cầu xin cho được biết chấp nhận, với tâm tình phó thác vào Chúa. Mình xin Chúa giúp để biết tìm ra ý nghĩa của thánh giá đau khổ và cầu xin để biết chấp nhận đau khổ và thánh giá vì yêu mến Chúa. Như vậy thánh giá và đau khổ mới có thể biến đổi tâm hồn và đời sống và trở thành phương tiện cứu rỗi. Mình cũng cầu xin Chúa sai sứ thần đến để soi sáng, hướng dẫn, che chở, gìn giữ và bảo vệ mình trong cảnh bệnh hoạn, tật nguyền.
Hệ quả của việc không biết yêu mình
Nếu không biết yêu mình, người ta có thể nảy sinh ra những phản ứng như sau:
1/. Phàn nàn, kêu trách hoặc buồn giận Chúa.
Khi người ta phải mang những bệnh tật về thể xác hoặc tinh thần lâu dài, người ta có thể phàn nàn, kêu trách hoặc buồn giận Chúa vì phải chịu bệnh tật. Khi người ta phải gặp hoạn nạn và mang vác ‘thánh giá’ trong đời sống, người ta có thể tự hỏi tại sao Chúa gửi thánh giá đến cho họ hay gia đình họ. Người hay phàn nàn kêu trách Chúa cần nhận thức rằng còn biết bao nhiêu người nghèo đói, tàn tật, đau khổ, bất hạnh hơn họ nhiều lần. Phàn nàn, kêu trách hoặc buồn giận Chúa thì không thể nói được rằng người ta yêu mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”, nghĩa là yêu Chúa bằng một tình yêu trọn vẹn và bền vững được.
2/. Phân bì, ghen tuông, ganh tị hoặc đố kị người khác
Không biết chấp nhận mình với hoàn cảnh và giới hạn của mình, người ta sẽ nhìn người khác với cặp mắt phân bì, ghen tuông, ganh tị hoặc đố kị người khác. Phân bì, ghen tuông, ganh tị và đố kị tha nhân, thì làm sao có thể coi là yêu tha nhân được? Khi người ta không yêu mình, người ta cũng khó có thể thực sự yêu ai. Khi người ta không thoả hiệp với chính mình, với tài năng, của cải mình có, với tầm thước, vóc dáng, diện mạo và điệu bộ của mình, thì người ta khó có thể dành thời giờ lưu ý đến tha nhân.
3/. Bất mãn, than phiền và trách phận mình
Không biết chấp nhận mình với những gì thuộc về mình, người ta sẽ bất mãn, than thân và trách phận mình. Bất mãn, than thân và trách phận mình thì làm sao có thể gọi là yêu mình được. Khi người ta không bằng lòng với số phận hẩm hiu, hoặc số kiếp lầm than của mình, người ta có thể đóng khung trong những cảm tình thương hại mình. Khi người ta không hài lòng với một phần thân thể hoặc một chi thể nào đó trong bản thân mình hoặc về một phương diện nào đó trong đời sống mình, người ta sẽ bận tâm, áy náy và lo ngại về mình, sợ người khác khám phá ra những khuyết điểm hoặc yếu điểm của mình. Do đó người ta tìm cách biện hộ cho mình và che đậy những yếu/khuyết điểm của mình.
Kết luận
Người ta có thể yêu mến Chúa bằng cách thường xuyên đến nhà thờ dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện và tuân giữ giới răn Chúa. Tuy nhiên đối với mình, thì người ta lại bất mãn, than thân và trách phận mình. Còn đối với tha nhân người ta lại phân bì, ghen tuông, ganh tị hoặc đố kị tha nhân. Còn đối với Chúa, người ta lại phàn nàn, kêu trách Chúa. Tình yêu như vậy là một thứ tình yêu không lành mạnh. Vậy chỉ khi nào người ta chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình với những khuyết điểm và những lỗi lầm của mình, rồi dâng lên Chúa, xin Chúa giúp sửa sai và cải tiến, thì người ta mới có thể yêu Chúa và đến với tha nhân trong mối liên hệ an bình được. Nói tóm lại, để có thể yêu mến Chúa và tha nhân cách trung thực và thanh thản, người ta phải biết yêu mình.
Lm Trần Bình Trọng