Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm A
Ed 18:25-28; Pl 2:1-11; Mt 21:28-32
Dụ ngôn hai người con được người cha sai đi làm vườn nho nhấn mạnh đến sự tương phản giữa lời hứa và việc làm. Người con thứ nhất từ khước, không chịu ra làm vườn nho, nhưng rồi đổi ý.
Anh ta là loại người có lương tâm biết hối hận. Sau một thời gian suy đi nghĩ lại, lương tâm bảo anh ta cần hối cải và hành động. Còn người con thứ hai hứa làm vườn nho, nhưng lại không thi hành. Anh ta thuộc loại người sẵn sàng nói có, đồng ý với người cha, muốn cho cha hài lòng, nhưng chỉ bằng môi miệng mà không có hành động.
Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để cảnh giác các thượng tế và kì mục trong dân. Họ thuộc về dân được chọn. Qua Thánh kinh Cựu ước, các ngôn sứ tiên báo cho họ về việc Ðấng Thiên sai sẽ đến. Và họ cam kết đón chờ Ngài. Tuy nhiên khi Gioan tiền hô đến rao giảng phép rửa sám hối, họ lại không chịu hối hận với niềm tin. Họ còn từ khước Ðấng cứu thế. Trái lại, những người thu thuế và tội lỗi lúc đầu từ khước lời dạy bảo trong Thánh kinh, sau lại tin theo đường công chính mà Gioan chỉ cho họ (Mt 21:32). Họ còn sẵn sàng lắng nghe và đón nhận lời Ðấng cứu thế. Vì thế mà Chúa nói với nhóm thượng tế và kì mục: Những người thu thuế và gái điếm vào Nước Thiên Chúa trưóc các ông (Mt 21:31).
Thiên Chúa ban cho loài người ý chí tự do và Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của loài người. Nếu không có tự do lựa chọn, thì không có vấn đề thưởng phạt. Hay nói cách khác, nếu không có tự do lựa chọn, thì vấn đề thưởng phạt là điều bất công. Do đó sự lựa chọn của loài người bao hàm việc chúc lành hay chúc dữ. Và đó là ý nghĩa của bài trích sách ngôn sứ Êdêkien hôm nay: Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình (Ed 18:27). Nếu không có tự do lựa chọn thì bài Phúc âm hôm nay không còn ý nghĩa. Nếu không có tự do lựa chọn thì người con hứa mà không làm vườn nho trong Phúc âm cũng không phải mang trách nhiệm.
Hôm nay mỗi người cần tự xét xem lời nói của mình có đi đôi với hành động, nghĩa là xem lời nói và hành động của mình có ăn khớp với nhau không? Khi cầu nguyện, ta có thể nói ta mến Chúa và yêu tha nhân. Tuy nhiên ta không đem ra thực hành. Ta có thể nói dạ vâng với Chúa và người láng giềng bằng những lời dịu dàng ngon ngọt. Ta nói như vậy để lấy lòng và tỏ ra lịch sự với họ, nhưng lời nói của ta không đi đôi với việc làm. Ta có thể đi tĩnh tâm nghe giảng, nghe lời Chúa dạy trong Thánh kinh, bảo ta phải sống theo đường lối Chúa và chính ta cũng muốn sống theo đường lối của Người. Tuy nhiên ta không tìm ra những biện pháp cụ thể để thi hành, không đặt ra những chương trình hành động thiết thực sau những mối cảm súc nhất thời.
Giả sử có đứa con luôn nói với cha mẹ - con yêu mến cha mẹ - nhưng không bao giờ làm điều cha mẹ truyền dạy. Mỗi khi cha mẹ nhờ làm việc gì, đứa con luôn đánh trống lảng. Như vậy thì ta phải thắc mắc không biết đứa con có thành thực không, hoặc là đứa con bị bệnh đãng trí. Chúa cũng nhìn thấy như vậy. Và Chúa bảo các tông đồ: Nếu các con giữ các giới răn Thày truyền, các con sẽ ở lại trong tình yêu của Thày (Ga 15:10). Nơi khác Chúa còn nói: Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi (Mt 7:21). Chính Ðức Giêsu, mặc dầu là Thiên Chúa cũng đã vâng phục thánh ý Chúa Cha, xuống thế làm người và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc loài người (Pl 2:6-8).
Nếu được hỏi xem ta thuộc loại người nào: người con thứ nhất hay người thứ hai, hoặc lời nói và hành động của ta có ăn khớp không? Nếu trung thực với lòng mình, ta phải nhận rằng mỗi người đều mang một số tế bào và lượng máu - nhiều hay ít - của cả hai người con. Nói cách khác mỗi người đều mang những tính nết, có thể là rõ rệt, hay ngấm ngầm của cả hai loại người. Vậy thì, nếu ta đã từ khước ơn Chúa, hoặc tẩy chay lời mời gọi của Chúa như người con thứ nhất, để làm việc nọ chuyện kia cho Chúa hoặc cho người tàn tật, đau khổ, xấu xố, ta xin Chúa cho được hồi tâm nghĩ lại. Nếu ta đã hứa với Chúa như người con thứ hai, mà không làm, ta cũng xin Chúa tha thứ những lần thất hứa đó.
Bao nhiêu lần ta đã thề hứa với Chúa chẳng hạn như trên đường vượt biên ngoài biển cả, khi thuyền bị hết xăng, khi bị sóng to bão lớn ập vào thuyền, khi bị hải tặc rượt đuổi, ta đã hứa với Chúa những gì? Có phải ta đã hứa: Nếu Chúa để con sống sót, cho con cập bờ tới bến bình an, con sẽ làm cho Chúa điều này chuyện nọ? Có những điều ta không cần phải hứa, nhưng thuộc bổn phận ta phải làm cho Chúa, cho người nọ người kia do lòng hiếu thảo và lòng biết ơn thúc đẩy: những người đã làm ơn cho ta, những người mà ta mắc nợ họ. Vậy ta đã làm chưa?
Ðể nhắc nhở ta làm bù lại điều mà mình đã chối bỏ, hoặc làm điều mình đã hứa với Chúa hay tha nhân mà quên chưa làm, ta cần tìm cách thế nhắc nhở cho mình như ghi vào lịch, để nhắc nhở cho ta ngày tháng năm đó, ta sẽ làm việc này việc nọ. Ðời xưa chưa có lịch hay không có lịch, hay người ta không biết đọc thì họ dùng phương pháp thắt chỉ cổ tay như là cách nhắc nhớ cho mình làm việc nọ chuyện kia. Không có gì phải ngăn cản ta dùng phương pháp thắt chỉ cổ tay xưa kia hay đeo vòng gì đơn giản vào tay để nhắc nhở mình về việc phải làm. Nếu không, người mà ta mắc nợ họ, sắp nằm xuống, hoặc chính ta sắp nằm xuống vĩnh viễn, mà ta không có cơ hội làm cho họ, thì lương tâm ta có thể không yên.
Lời nguyện xin cho được thi hành ý Chúa bằng việc làm:
Lạy Chúa, Chúa luôn trung thành với lời giao ước
Chúa đã làm với loài người.
Xin tha thứ những lần con lỗi lời giao ước với Chúa.
Cũng xin thứ tha những lần con từ khước ơn Chúa
và lời mời gọi của Chúa để làm việc nọ chuyện kia.
Xin ban cho con một lương tâm biết hối hận
và một ý chí kiên trì để con thực thi ý Chúa. Amen.
Lm Trần Bình Trọng