LeCacLinhHon_BLễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, Năm B

Is 25:6a, 7-9; Rm 8:14-23; Lc 23:33, 39-42

Hằng ngày người ta chứng kiến hoặc nghe nói hoặc đọc trên báo chí về những cái chết do già yếu, bệnh tật, tai nạn, thiên tai, chiến tranh, bạo động.. gây ra. Và người ta nghĩ chết chóc là chuyện xẩy ra cho người khác, chứ chưa xẩy ra cho chính mình. Ða số loài người có thể đương đầu với cuộc sống dù có vất vả khổ cực đi nữa. Tuy nhiên ít ai muốn đương đầu với cái chết. Người ta cũng cảm thấy khó chấp nhận cái chết của người còn trẻ tuổi và người thân yêu. Tâm trạng đó có nghĩa là người đời sợ chết hay chưa muốn chết vì người ta sợ đối diện với những gì xẩy ra ở đời sau mà người ta không biết trước được. Có những người sợ chết đến nỗi dặn những người thân yêu phải nắm chặt tay chân họ trong lúc hấp hối.

Trong thực tế, chết có thể xẩy đến cho bất cứ ai: già trẻ, lớn bé, hoặc bất cứ lúc nào: ngày cũng như đêm, hay bất kì ở đâu, ngay cả tại những nơi mà người ta tưởng là an toàn nhất,  người ta vẫn có thể chết. Như vậy, chết không kiêng nể một ai. Khi nào thiên thần Chúa đến gõ cửa nhà linh hồn, gọi ra khỏi xác, là một điều bí mật. Sống và chết gắn liền với nhau. Có thể nói được là người ta sinh ra để mà chết. Và tất cả cuộc sống là một tiến trình đi về cái chết: sinh lão bệnh tử. Do đó mà có những người tập thành thói quen cho họ như khi đi máy bay đều xin làm hoà vói Chúa qua bí tích giải tội.

Ðối với người tin tưởng vào ơn cứu độ của Chúa Kitô, Ðấng cứu thế trần gian, thì chết không phải là hết, cũng không phải là xa cách vĩnh viễn. Chết chỉ là một biến đổi từ đời này qua đời khác. Người thân nhân còn sống cần đem sự hiện của người khuất bóng vào đời sống gia đình bằng hình ảnh của người quá cố, bằng công nghiệp của người quá cố để lại, bằng những kỉ niệm có được với người quá cố và nhất là bằng lời cầu nguyện và lễ dâng cho người quá cố.

Phụng vụ lễ các linh hồn nhắc nhở cho người tín hữu là người lữ hành trên cuộc hành trình đi về nhà Chúa, họ không đi một mình, nhưng cùng đồng hành với toàn thể dân Chúa, cùng đi với Mẹ Maria và các thánh, cùng với người tín hữu tại thế và các linh hồn nơi luyện ngục.

Theo tín điều Các Thánh cùng Thông, thì Mẹ Maria và các thánh trên trời có thể hỗ trợ cho người tín hữu tại thế. Người tín hữu tại thế có thể cầu nguyện cho nhau, ủng hộ tinh thần cho nhau và cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Giáo lí về việc người tín hữu tại thế cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục được các Công Ðồng Nicea II, Firenze và Triđentinô gọi là Tín Ðiều Các Thánh cùng Thông Công thì Công Ðồng Vaticanô II gọi là sự hiệp thông sống động (GH #51).

Như vậy đức tin của người công giáo được hỗ trợ một cách tối đa bằng lời bầu cử của Mẹ Maria và các thánh và lời cầu nguyện, hi sinh và gương sáng của người khác. Và ngay cả khi nằm xuống vĩnh viễn, người quá cố vẫn còn được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của họ hàng, thân nhân và bạn hữu và của toàn thể Giáo hội và bằng ý chỉ của thánh lễ dâng. Biết được như vậy, nghĩa là biết được sau khi chết mà còn có những người thân yêu, bạn hữu nhớ đến mình trong lời cầu nguyện và thánh lễ, là điều sưởi ấm tâm hồn biết bao.

Trường hợp người bệnh mà bác sĩ bó tay, thì tới lúc nào đó, người thân nhân phải cho người bệnh biết để họ sửa soạn đối diện với cái chết và để nói những lời trối trăng cho người thân nhân còn sống. Người thân nhân cũng nên giàn xếp mời một linh mục đến xức dầu cho người bệnh và cho người bệnh có dịp hoà giải tâm hồn với Chúa, thay vì đợi tới lúc hấp hối của người bệnh mà lỡ ra trễ chăng? Ðể cho người còn sống khỏi ân hận vì không biết phải tổ chức đám tang như thế nào, cũng như để tránh cảnh tranh tụng về tài sản đáng kể của người quá cố, thì đến tuổi nào đó người ta cần làm di chúc cho con cháu thực hiện.

Ngay trong thời Cựu ước, ngôn sứ Isaia đã có thể nhìn đến một viễn tượng khi Ðấng cứu thế trần gian sẽ đến để: tiêu diệt tử thần (Is 25:8). Còn thánh Phaolô thì bảo tín hữu Rôma phải cậy trông vào ngày mà họ: sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (Rm 8:21). Kinh Tiền tụng I trong Thánh lễ cầu cho những người đã qua đời nhắc nhở cho người tín hữu rằng: Sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan, thì được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời. Chết là một biến đổi vì Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết bằng việc phục sinh của Người. Bằng việc sống lại, Chúa đã xoá bỏ tội lỗi và toàn thắng sự chết.

Trước khi về trời, chính Chúa Giêsu cũng hứa với ta qua các tông đồ: Thầy đi dọn chỗ cho chúng con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho chúng con thì Thầy sẽ trở lại và đón chúng con về với Thầy, để Thầy ở đâu, chúng con cũng được ở đó (Ga 14:2-3). Lời hứa đó đã được thực hiện cho người gian phi cùng chịu đóng đanh với Chúa Kitô mà có lòng ăn năn sám hối: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng (Lc 23:43).

Hôm nay vì lòng hiếu thảo và tình bác ái Kitô giáo, ta đến nhà thờ dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục: những linh hồn tổ tiên, ông bà cha mẹ, anh chị em, họ hàng thân quyến và bạn hữu đã khuất bóng. Xin Chúa vì lòng nhân hậu, khoan dung và hay tha thứ xét nhử nhân hậu với các linh hồn, đưa các linh hồn về hưởng ơn nghĩa trong nước Chúa. Theo truyền thống trong Giáo hội, hôm nay người tín hữu được khuyến khích ra viếng nghĩa địa để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, đặc biệt cho các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân họ hàng. Và trong cả tháng các Linh hồn người tín hữu còn được nhắc nhở để dâng lễ cầu nguyện theo những ý chỉ trên.

Lời cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời:

Lạy Chúa cả nhân lành hay thương xót.

Chúa không muốn cho loài người phải chết đời đời,

nhưng được sống.

Xin Chúa dủ lòng thương xót các linh hồn đã qua đời.

Xin dùng máu thánh Con Chúa đã đổ ra vì tội lỗi loài người

mà tẩy sạch vết nhơ tội lỗi cho các linh hồn

cho được hưởng phúc trường sinh. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch