Chúa Nhật 33 Thường Niên, Năm B
Dn 12:1-3; Dt 10:11-15, 18; Mc 13:24-32
Vào cuối năm Phụng vụ, Giáo hội chọn những bài đọc Thánh kinh đề cập đến những tai hoạ xẩy ra trong vũ trụ, khiến người nghe liên tưởng đến ngày tận thế. Hôm nay là Chúa nhật áp cuối cùng của năm phụng vụ. Chúa nhật tới là lễ Chúa Kitô Vua. Chúa nhật sau nữa là Chúa nhật thứ nhất mùa vọng, đánh dấu ngày đầu năm của Giáo hội trong niên lịch phụng vụ mới. Tuy nhiên chủ đề của ba Chúa nhật này đều có những điểm tương đồng: Chúa Kitô là trung tâm điểm của lịch sử loài người. Chúa đến để khởi sự kỷ nguyên Kitô giáo và người sẽ trở lại để kết thúc lịch sử loài người, để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi dùng ngày sinh nhật của Chúa cứu thế đẻ tính niên hiệu, người ta nói năm nọ trước Chúa giáng sinh hay năm kia sau Chúa giáng sinh.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay dùng ngôn ngữ khải huyền, một loại ngôn ngữ biểu tượng đặc biệt. Ðó là loại ngôn ngữ mà ngôn sứ Ðanien dùng để nói về thời gian thử thách sẽ qua, và Thiên Chúa sẽ đến cho người công chính được chiếu sáng muôn đời như những vì sao (Ðn 12:3). Phúc âm thánh Mác-cô hôm nay cũng dùng ngôn ngữ và tư tưởng khải huyền trong sách Ðanien. Bài Phúc âm cũng bàn bàn về ngày sau hết: Trong những ngày ấy sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các vì sao không còn chiếu sáng, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển (Mc 13:24-25). Rồi bài Phúc âm kết luận: Còn về ngày đó và giờ đó, thì không ai biết được (c. 32).
Khi bàn về ngày sau hết, tác gỉả Thánh kinh thường nại đến loại ngôn ngữ khải huyền, nghĩa là ngôn ngữ hay mẫu tư tưởng biểu tượng khó hiểu về ngày sau hết, gợi lại những tai hoạ với những hình ảnh tàn phá xẩy ra trong vũ trụ như chiến tranh, động đất, bão tố, lụt lội và chết chóc. Những hình ảnh tàn phá mà tác giả Thánh kinh dùng để nói về ngày sau hết đã có thể xẩy ra trong quá khứ ở đâu đó trên thế giới rồi, chứ không hẳn được tiên đoán sẽ xẩy ra trong tương lai. Văn chương khải huyền được giả sử viết vào thời quá khứ trước khi tai hoạ xẩy ra, nhưng thực sự được viết sau khi tai hoạ đã xảy ra để cảnh giác người đọc. Như vậy những hình ảnh tàn phá trong ngôn ngữ khải huyền, không hẳn nói về những biến cố sẽ xẩy ra trong tương lai. Ý nghĩa của ngôn ngữ khải huyền chỉ có dụng ý là cảnh giác người đọc rằng sẽ có ngày sau hết và Thiên Chúa sẽ toàn thắng. Ðó là điều ngày sau hết sẽ xẩy ra và là điều người tín hữu phải tin. Còn ngày sau hết xẩy ra như thế nào thì không hẳn xẩy ra như được diễn ta trong ngôn ngữ khải huyển. Việc dùng ngôn ngữ khải huyền chỉ nhằm mục đích để cảnh tỉnh những tâm hồn lơ là hay ham mê sự đời mà thôi..
Do đó không phải hễ có chiến tranh, động đất và tai hoạ xẩy ra là ngày sau hết sắp đến. Tuy nhiên nếu hiểu cái chết của cá nhân mỗi người là ngày sau hết của người đó thì khi những thiên tai hoặc tai hoạ xẩy ra có thể giúp cảnh tỉnh, báo hiệu cho cá nhân liệu mà sửa soạn tâm hồn. Như vậy ngày sau hết được hiểu theo nghĩa của ngày kết thúc đời sống cá nhân của mỗi người tại thế, hoặc ngày kết thúc lịch sử loài người nói chung. Việc phán xét trong ngày tận thế dựa trên căn bản là người ta có chấp nhận và sống lời Chúa không? Theo khuynh hướng tự nhiên của loài người, người ta thường sống thờ ơ, lãnh đạm, nghĩ rằng người ta có nhiều giờ để sửa soạn tâm hồn. Sự thực thì người ta không biết ngày nào, giờ nào Thiên Chúa sẽ gọi họ ra khỏi thế gian, lại càng không biết ngày kết thúc lịch sử loài người, quen gọi là ngày tận thế.
Ðối với người Kitô giáo, khi nào ngày giờ đó đến và đến như thế nào, thì không phải là điều quan trọng. Người ta không thể làm gì được về thời giờ và cách thế xẩy ra trong ngày tận thế, hay ngày người ta lìa bỏ thế gian. Ðiều quan trọng là người ta phải kiên nhẫn chờ đợi ngày đó. Việc kiên nhẫn chờ đợi này sẽ giúp người tín hữu khỏi nản lòng thoái chí trước những cám dỗ thử thách.
Vậy thì ta phải có thái độ nào đối với ngày sau hết? Có những người nghĩ rằng ngày sau hết sẽ đến nay mai. Họ nghĩ rằng ngày tận thế sắp xẩy đến cho nên lúc nào họ cũng lo âu, sợ hãi, yếm thế. Một số giáo phái Kitô giáo cũng chủ trương như vậy. Có một vài giáo phái kia tiên đoán ngày tận thế đến vào năm nọ năm kia trong đời họ. Và khi năm đó qua đi mà không có gì xẩy ra, họ lại đề nghị thời điểm khác cho ngày tận thế. Việc tiên đoán ngày tận thế mà người ta đồn gần đây là vào năm hai ngàn, ngay trước khi bước sang thiên niên kỉ thứ ba. Trước ngưỡng cửa năm hai ngàn, có những người tích trữ nhiều đèn nến để sửa soạn đốt cho những ngày đen tối. Những người khác lại xin nước thánh, nhiều nước thánh để rảy, sợ rằng qủi dữ sẽ xuất hiện trong ngày sau hết. Lại có những người nghĩ rằng ngày sau hết không bao giờ đến, và đời sống họ sẽ kéo dài mãi mãi. Vì thế họ cứ ăn uống, vui chơi buông thả. Dĩ nhiên cả hai quan điểm này đều vô trách nhiệm và không thực tế.
Như vậy ý tưởng hàm chứa trong Phúc âm là mỗi người sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Và nếu là người khôn ngoan, ta phải hoà giải tâm hồn với Chúa vì mỗi ngày tháng trôi qua là mỗi lúc ta tới gần cuối đời. Nghề bói toán đã xuất hiện trên địa cầu hàng chục thế kỉ - một nghề khá ăn khách bởi vì khuynh hướng loài người là tò mò, muốn biết về tương lai thế nào, duyên số và sự nghiệp ra sao? Tuy nhiên xét về phương diện gặp gỡ Chúa trong ngày sau hết thì không ai biết được ngày giờ nào thiên thần Chúa sẽ đến gõ cửa nhà linh hồn. Vì thế mà có những người tập thành thói quen như mỗi khi đi máy bay đều xin hoà giải với Chúa qua bí tích giải tội.
Tư tưởng cũng như văn chương của loài người chứa đầy những quan niệm về thời giờ như: Thời giờ là vàng bạc. Thời giờ thấm thoát thoi đưa. Không nên bỏ phí thời giờ. Ðùng đợi tới ngày mai điều mà bạn có thể làm hôm nay. Thường khi ta nhìn đi thì thấy lâu, nhất là khi ta đang mong đợi một điều gì đó. Khi nhìn lại, ta lại cảm thất thời giờ đi rất mau lẹ, nhất là khi phải gò bó vào công việc làm trong xã hội kỹ nghệ hoá. Ta không thể đi trước thời gian, cũng không thể kéo dài thời giờ vì thời giờ là của Chúa. Do đó kiên nhẫn đợi chờ trong niềm tin tưởng, hi vọng và cậy trông phải là tâm niệm của mỗi người tín hữu.
Lời cầu nguyện xin cho được ơn kiên nhẫn chờ đợi ngày sau hết:
Lạy Thiên Chúa là Ðấng con thờ!
Chúa là hi vọng, là cùng đích
và là lẽ sống của mọi loài, mọi vật.
Con xin phó tác toàn thân trong tay Chúa:
thân xác, trí khôn, linh hồn cùng các quan năng.
Xin dạy con biết sống mỗi ngày
như là ngày cuối hết của đời con
để con sống trong bình an và ơn nghĩa với Chúa. Amen.
Lm Trần Bình Trọng