Mừng Lễ Tạ Ơn: A, B, C
Is 63:7-9; Cl 3:12-17; Lc 1:39-55
Người Hoa Kì dành ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một để nghỉ ngơi và tạ ơn. Món ăn đặc biệt của họ trong ngày Tạ ơn là gà tây. Những người Việt sành ăn ở Mĩ thì biến chế và thêm gia vị như thái nhỏ gan và mề gà, miến, kim châm, cần tây, hạt đìu, nấm tươi, hạt tiêu với chút muối trộn đều với bánh mì cũng cắt nhỏ rồi nhét vào bụng con gà, đã lấy hết ruột gan đi, rồi bọc kín con gà bằng giấy bạc hay giấy plastic mà không cháy, rồi nướng trong lò với nhiệt độ 375oF trong vòng ba giờ đồng hồ. Gà nhỏ thì nướng ít giờ hơn. Thịt gà sẽ được mềm mại, thơm ngon, hợp khẩu vị của người mình. Người Mĩ được mời ăn gà tây nấu pha kiểu Việt cũng rất thích và thích ăn mãi. Ðúng là: Quen mui thấy mùi ăn mãi.
Lễ Tạ ơn của người Hoa Kì không phải là ngày lễ tôn giáo. Tuy nhiên Giáo hội công giáo cũng như người Thiên Chúa giáo tại Hoa Kì cố đem ý nghĩa tôn giáo, ý nghĩa thiêng liêng vào ngày lễ Tạ ơn. Vậy thì tại những quốc gia không có lễ tạ ơn trong năm, thì gia đình hay gia tộc cũng nên dùng ngày nào đó trong năm làm ngày tạ ơn chính thức của gia đình hay gia tộc mình để tạ ơn Chúa và sum họp gia đình.
Mừng lễ tạ ơn là dịp nhắc nhở cho người tín hữu về những hồng ân, những ân huệ về vật chất cũng như tinh thần và thiêng liêng, mà mỗi người nhận được. Người ta thường coi thường hoặc quên lãng những ân huệ mà họ nhận được, coi đó là ngẫu nhiên. Tuy nhiên nếu phải vất vả khổ cực trong việc làm ăn để tranh thủ miếng cơm manh áo, người ta mới đánh giá được những ân huệ mà họ nhận được. Tạ ơn nói lên tâm tình thiếu thốn, muốn tuỳ thuộc vào Chúa, và muốn nhớ đến người đã làm ơn cho mình, mà không quên. Ðó là cảm tình của người uống nước nhớ nguồn, hoặc ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ðó cũng là cách thế nói lên rằng mình cần người khác. Nhớ ơn người khác thì cũng nhớ ơn Chúa. Chúa là Ðấng vô hình nên ta không biết diễn tả lòng biết ơn thế nào. Ta cần học cách diễn tả lòng nhớ ơn đối với loài người để ta có thể diễn tả lòng biết ơn đối với Chúa.
Trong dịp lễ tạ ơn, ta ghi nhớ lời ngôn sứ Isaia nhắc nhở cho dân chúng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những gì Người đã làm cho họ (Is 63:7). Thánh Phaolô thì khuyên giáo hữu Côlôxê đối xử với nhau bằng tâm tình biết ơn lẫn nhau nên phải: Có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có điều gì phải trách móc người kia (Cl 3:13). Còn trinh nữ Maria cảm tạ Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại nơi mình bằng cách ra đi phục vụ bà chị họ đang mang thai trong tuổi cao niên (Lc 1:39-44). Khi còn tại thế, Ðức Giêsu thường dạy các môn đệ sống tâm tình biết ơn. Khi ngồi vào bàn ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời cảm tạ (Mt 15:36; Mc 8:6; Ga 6:11). Khi lập Bí tích Thánh thể trong bữa Tiệc Li, Chúa Giêsu cũng cầm bánh, dâng lời tạ ơn (Lc 22:19), rồi cầm chén rượu cũng dâng lời cảm tạ (Mt 26:27; Mc 14:23).
Mỗi người có nhiều lí do để tạ ơn: những ơn mà ta nhận được cách chung như ơn được sinh ra làm người, ơn được nhận lãnh đức tin, ơn có nhà ở, việc làm, có cơm ăn áo mặc, ơn được cắp sách đến trường học. Mỗi người còn nhận được những ân huệ và tài năng khác nhau nữa như tài nói năng hoạt bát, làm thơ bay bướm, hát hay, có năng khiếu về văn chương, nghệ thuật, khoa học, âm nhạc, thể thao.. Tài năng và ân huệ Thiên Chúa ban phải được phát triển và được dùng để phục vụ đồng loại và để làm vinh danh Thiên Chúa.
Vậy còn những điều không may xẩy đến cho ta thì sao? Ta có cảm ơn Chúa hay là than trách, oán hận Chúa? Thường người ta hay phàn nàn, than trách về những rủi ro bệnh tật họ gặp, hoặc về những sự vật người ta không có mà người khác lại có, cho nên mắt họ bị che đậy lại, không nhìn thấy chiều sáng của cuộc đời, không nhìn thấy những điều may mắn. Kết quả là người ta nảy sinh ra thái độ tiêu cực như: ghen tuông, bất mãn, hận đời và còn hận cả đấng Hoá công như: Hoá công sao khéo trêu ngươi (Cung Oán Ngâm Khúc). Với con mắt đức tin, những gì xem ra bề ngoài là rủi ro, có thể lại mang lợi ích cho ta về đường dài hay về đời sống tinh thần và thiêng liêng.
Chỉ khi nào sống trong tâm tình biết ơn, ta mới nhìn thấy chiều sáng của cuộc đời. Nếu nhìn quanh, ta sẽ thấy còn bao nhiêu người nghèo đói, thiệt thòi, đau khổ về phần xác và tinh thần. Như vậy phải chăng ta còn được may mắn hơn nhiều người.
Vậy thì đế áp dụng thực hành, trong ngày sống, người tín hữu phải dâng lên Thiên Chúa những lời cảm tạ, những cử chỉ tạ ơn. Tạ ơn phải là tâm tình phải có hàng ngày, hàng giờ của người tín hữu. Chẳng hạn tạ ơn Chúa cho một ngày đẹp trời, có nắng ấm dưới bầu trời xanh biếc với những vầng mây trắng điểm tô, thêm gió hiu hiu thổi nhè nhẹ và tiếng chim hót véo von. Tạ ơn Chúa cho một giấc ngủ yên lòng, khiến tâm thần được thanh thản. Cảm tạ Chúa cho một bữa ăn ngon lành. Nhiều người không dám cảm tạ Chúa cho bữa ăn ngon, sợ làm như vậy là mất nhân đức hi sinh hãm mình.
Ði du lịch sang Mĩ, người ta thường nghe thấy hai tiếng cám ơn và xin lỗi trên cửa miệng họ. Một lời mình khen họ về bất cứ chuyện gì, họ cũng cám ơn mình. Sơ ý chạm vào họ, họ cũng xin lỗi mình. Có lẽ năng cám ơn nhau, cũng phải nhắc nhở cho người ta đừng quyên cám ơn Chúa. Khi Chúa Giêsu chữa mười người phong cùi, mà chỉ có một người trở lại cám ơn, mà người ấy lại là người ngoại bang, thì Chúa mới hỏi: Còn chín người kia đâu ? (Lk 17:14-18).
Nói lời cám ơn thôi có thể chỉ là bôi bác bề ngoài, nếu lời cảm tạ không phát xuất tự đáy lòng hoặc không có việc làm đi theo. Trên một chuyến bay chở hàng giám mục Mĩ sang La mã họp Công Ðồng Vaticanô II, tổng Giám mục Fulton Sheen, một nhà giảng thuyết hùng biện và cự phách trên truyền hình Mĩ, thấy một chiêu đãi viên trẻ đẹp, ghé vào tai cô hỏi có bao giờ cô đã tạ ơn Chúa về sắc đẹp mà Chúa ban chưa? Sau đó cô đến xin ý kiến tổng Giám mục Sheen xem cô nên làm gì để tạ ơn.
Bất chợt không sửa soạn đề nghị cách thế cảm tạ cho cô, mà lại vừa nghe tin Tổng Giám mục Sàigòn xin từ chức để phục vụ người phong cùi tại Di Linh, Ðức Cha Sheen mới đề nghị cô nên sang Việt Nam giúp Ðức Cha Cassaigne phục vụ người cùi ở đây một thời gian để làm dịu bớt những đau khổ và buồn tủi của người xấu số. Thất vọng về lời đề nghị, cô quay ngoắt ra về mà không thèm chào. Ðến năm 1963, báo chí Sàigòn loan tin về một chiêu đãi viên trẻ đẹp, hãng máy bay PANAM Mĩ, tình nguyện sang phục vụ người phong cùi ở trại Di Linh sáu tháng.
Thánh lễ theo nguyên tự Hi Lạp Eucharistos có nghĩa là tạ ơn. Người tín hữu thời Giáo hội sơ khai khi đi dâng lễ, họ mang trong tâm tư ý niệm và tâm tình tạ ơn. Ðối với người tín hữu, đến nhà thờ dâng lễ là cách thế tốt nhất để bầy tỏ tâm tình tạ ơn. Vậy tạ ơn Thiên Chúa mà không đến nhà thờ dâng thánh lễ tạ ơn là một thiếu sót lớn, làm mất đi nhiều ý nghĩa của ngày tạ ơn vậy.
Lời cầu nguyện xin cho được sống tâm tình biết ơn:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh,
Ðấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá đời con.
Con xin tạ ơn Chúa về muôn hồng ân Chúa đã ban cho con.
Với đức tin, con tin rằng mọi sự vật con có là do Chúa ban.
Xin dạy con bớt phàn nàn kêu trách
và cho con được nhận thức rằng
sống trong tâm tình biết ơn hằng ngày, hằng giờ, hằng phút
phải là tâm niệm của kẻ thụ ơn. Amen.
Lm Trần Bình Trọng