Lễ Chúa Hiển Linh, Năm B
Is 60:1-6; Ep 3:2-3a,5-6; Mt 2:1-12
Vào thời ngay trước Ðấng cứu thế giáng sinh, người Do thái hi vọng Ðấng cứu thế đến như một nhà lãnh đạo chính trị trổi vượt, một nhà cải cách xã hội lừng danh và một tướng lãnh tài giỏi, bách chiến bách thắng, có thể đánh đuổi đạo quân viễn chinh La mã đang cai trị họ thời bấy giờ, hầu cho dân tộc họ có thể ngẩng đầu lên với thiên hạ.
Vì thế khi các nhà đạo sĩ đến hỏi vua Hêrôđê xem: Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu (Mt 2:2), thì Hêrôđê hiểu theo nghĩa vua mới sinh với tham vọng chính trị. Hêrôđê được đưa lên làm vua người Do thái là do ân huệ của đế quốc La mã. Vì thế Hêrôđê coi tin của những vị Hiền sĩ báo cáo về vua mới sinh như một tin hoang mang, làm rối loạn tâm trí nhà vua. Thay vì vui mừng, thì Hêrôđê trở nên nghi kị và e sợ Ðấng cứu thế mới sinh. Và ông bắt đầu lập mưu để triệt hạ Ðấng cứu thế mới sinh bằng cách cho sát hại các nam ấu nhi từ hai tuổi trở xuống tại Bêlem và miền phụ cận (Mt 2:16).
Từ khi sinh ra, Ðấng cứu thế đã làm xáo trộn tâm trí loài người. Trong Phúc âm thánh Mát-thêu, Chúa Giêsu phát biểu một lời có tính cách rất là hoang mang, làm xáo trộn tâm trí loài người. Ðó là lời: Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất chăng? Thầy bảo cho anh em biết: Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ (Lc 12:51). Như vậy phải chăng có sự mâu thuẫn trong sứ mệnh và đường lối Phúc âm của Chúa sao? Trong đêm Giáng sinh, các thiên thần ca hát vang dội: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương (Lc 2:14). Trong Phúc âm Chúa hứa ban bình an cho nhân loại (Ga 14:27-28)0; Ga 20:19). Vậy sao Chúa lại nói Người đến để đem sự chia rẽ?
Theo đạo Chúa đã đưa đến việc tử đạo cho hàng trăm ngàn người chết vì đạo trên khắp thế giới. Cho tới lúc này đạo Chúa vẫn còn bị cấm đoán và bách hại tại một số quốc gia trên thế giới. Giáo lí của Chúa vẫn còn làm xáo trộn tâm trí loài người. Khi làm điều sai quấy và tâm trí bị xáo trộn, người ta có thể nại đến một thứ lương tâm gọi là lương tâm tập thể để tạm trấn an cho mình. Chẳng hạn như thấy người khác làm điều sai quấy, họ cũng dựa vào đó để tiếp tục làm. Lúc khác, họ lại cố đàn áp tiếng lương tâm để làm chuyện tội lỗi. Họ tìm cách biện hộ cho những việc làm tội lỗi của họ bằng cách phê bình Giáo hội, cho Giáo hội là bảo thủ, không theo đà tiến hoá của tư tưởng, văn hoá hiện tại. Họ còn lập thành nhóm nọ, hội kia để ủng hộ và cổ võ lập trường và lối sống tội lỗi của họ. Vì thế mà người ta thấy có những việc làm mà xưa kia nhân loại thuộc các tôn giáo cho là tội lỗi, thì ngày nay lại có những nhóm người coi là một lối sống của họ.
Sứ mệnh của Chúa là đem bình an. Tuy nhiên sự hiện diện của Chúa, giáo lí của Chúa, đường lối Chúa dạy trong Phúc âm thường làm xáo trộn tâm trí loài người, khiến cho họ không bằng lòng với con người cũ, lối suy tư cũ và nếp sống cũ. Vậy thì chỉ khi nào người ta chấp nhận đường lối Phúc âm, coi Chúa là một nhân vật quan trọng nhất trong đời, để Chúa làm chủ đời sống và là gia nghiệp đời mình, người ta mới cảm nghiệm được sự bình an của Chúa. Khi mà người ta đầu hàng và qui phục thiên ý và quyền năng siêu việt, bình an thật sự mới đến với họ.
Đó là những người nghe tin Ðấng cứu thế đến thì hân hoan vui mừng. Ðó là viễn tượng mà ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy: Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng (Is 60:5). Viễn tượng mà thánh Phaolô thấy được thực hiện khi: Các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa (Ep 3:6).
Ðó là những người đã nhận thức được rằng để đến với Chúa, họ phải mở rộng con mắt, lỗ tai, trí óc và tâm hồn. Họ là những mục đồng đến thờ lạy Chúa hài nhi nơi máng cỏ (Lc 2:15-16). Họ là những nhà Hiền sĩ, quen gọi là Ba Vua, đã bỏ nhà ra đi tìm Chúa. Và khi tìm thấy Chúa, họ quì gối bái lậy Người và dâng lễ vật là vàng, nhũ hương và một dược để bầy tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ (Mt 2:11). Họ thuộc giới nhà giầu, tên là Dakêu, mừng rỡ được tiếp đón Chúa vào nhà và hứa sẽ phân phát phân nửa gia tài cho người nghèo và đền bù lại gấp bốn lần cho những ai mà ông đã làm thiệt hại vì tệ nạn thu thuế bất công (Lc 19:1-10). Họ thuộc loại đàn bà tội lỗi, quyết từ bỏ đàng tà bằng những giọt lệ sám hối, tuôn trào ra làm ướt chân Chúa, rồi lấy tóc mình mà lau và sức dầu thơm vào chân Chúa (Lc 7:36-50). Họ là người gian phi bị treo trên thập giá bên Chúa, thú nhận tội lỗi mình và xin với Chúa khi về Trời thì nhớ đến anh ta (Lc 23:42).
Ðọc Thánh kinh và giáo lí vể đạo Chúa, người ta thấy đạo Chúa không phải là đạo ba phải. Ðọc lởi Chúa, nghe giáo lí về đạo Chúa hay nghe một bài giảng thuyết về đạo mà thấy mình suy tư, thì đó là bước khởi đầu cho việc thức tỉnh tâm hồn và hoán cải đời sống. Theo đạo Chúa, người ta phải sẵn sàng trả một giá cao cho việc làm môn đệ. Người ta phải đặt lại giá trị ưu tiên cho cuộc sống. Ðối với người Kitô giáo thì những giá trị vật chất phải nhường chỗ cho những giá trị tinh thần, và những giá trị tinh thần phải nhường chỗ cho những giá trị siêu nhiên. Chỉ lúc đó người ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của sự bình an mà Chúa hứa ban: Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, không như thế gian ban tặng (Ga 14:27).
Lời cầu nguyện: xin Chúa ban ơn nhận biết Người:
Lạy Chúa hài nhi, Chúa đã đến mạc khải cho loài người
về sự hiện diện cũng như quyền năng và giáo lí của Chúa.
Xin cho những người thành tâm tìm kiếm sự thật,
tìm đấng cao siêu và quyền thế vô song
với lòng chân thành và khiêm tốn,
xin cho họ được tìm thấy Chúa.
Và xin cho con được làm mới lại đức tin của con
vào một Chúa tể duy nhất, toàn năng và chân thật. Amen.
Lm Trần Bình Trọng