Chúa Nhật Phục Sinh, Năm B
Cv 10:34, 37-43; Cl 3:1-4; Ga 20:1-9
Mỗi dân tộc có những câu truyện thần thoại khác nhau. Trí tưởng tượng người ta càng giầu thì truyện càng thần thoại. Tuy nhiên câu truyện của một người đã chết đi ba ngày, rồi tự mình sống lại, là một truyện quá thần thoại, vượt sức tưởng tượng của loài người.
Ðối với những người chống Thiên Chúa giáo, thì đó chỉ là một câu truyện hoang đường, không hơn, không kém. Tuy nhiên câu truyện Ðấng Cứu thế chết đi sống lại đã được các ngôn sứ tiên báo cả hàng trăm năm trước, và chính Chúa cứu thế cũng tự tiên báo. Ðể phản bác lời tiên tri về việc Ðấng cứu thế phục sinh, những kẻ kết án Chúa đã xin Pilatô phái quân lính đến canh mộ Người, hầu tránh âm mưu có thể xẩy ra do việc môn đệ lấy trộm xác, rồi phao tin là Thầy họ đã sống lại (Mt 27:63-66).
Sự kiện Chúa phục sinh từ cõi chết là một biến cố quan trọng không những trong lịch sử Kitô giáo, mà còn có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử loài người. Tuy nhiên cả thành Giêrusalem bấy giờ hãy còn ngái ngủ trước biến cố phục sinh của Ðức Giêsu. Còn các môn đệ Chúa thì hoang mang, không biết đâu là thực hư. Mọi người đều bị khủng hoảng trầm trọng, không còn hi vọng gì nữa. Tâm trí họ bị rối loạn vì họ vừa khiếp sợ, vừa bực bực mình. Họ khiếp sợ vì người Do thái bách hại. Họ bực mình vì cái chết của Thầy họ đã làm tiêu tan mọi mối hi vọng.
Chỉ có bà Maria Mácđala là người đầu tiên đã vượt qua được nỗi khiếp sợ, sầu khổ và hoang mang về cảnh đóng đinh thập giá để đi tìm Chúa. Khi thấy mồ trống, bà đoán ngay được là đã lấy trộm xác Thầy mình. Khi thấy Thầy mình sống lại hiển linh, bà tưởng đó là người làm vườn cho tới khi Ðức Giêsu gọi bà bằng tên: Maria (Ga 20:16).
Vậy bà Maria Mácđala là ai? Bà Maria Mácđala không nhất thiết phải là người phụ nữ tội lỗi vô danh đến xức dầu thơm bình thường lên chân Ðức Giêsu, như người ta lầm tưởng trước kia, khi Người đến dùng cơm tại nhà một người Pharisêu trong Phúc âm thánh Luca (Lc 7:36-50). Bà Maria Mácđala cũng không phải là người phụ nữ ngoại tình, không tên, trong Phúc âm thánh Gioan, bị nhóm kinh sư và Pharisêu đem đến hỏi ý Ðức Giêsu về việc ném đá phạm nhân ngoại tình theo luật Môsê (Ga 8:3-11). Bà Maria Mácđala này, cũng không phải là bà Maria, em bà Mácta 1, thuộc gia đình giầu có, đã xức dầu thơm cam tùng hảo hạng lên chân Ðức Giêsu khi Người đến dùng bữa ăn tối tại Bêtania, có bà Mácta hầu bàn, trong Phúc âm thánh Gioan (Ga 12:3-8).
Bà Maria Mácđala đây là bà Maria quê thành Mácđala gần biển hồ Tibêria, đã được Ðức Giêsu giải thoát khỏi bảy qủi ám (Mc 16:9; Lc 8:2); là người đã theo Ðức Giêsu cùng với mấy bà khác để giúp đỡ Người (Mt 27:55; Lc 8:3, Mc 15:41). Bà là một trong những bà chứng kiến cảnh đóng đinh Ðức Giêsu (Mt 27:56; Mc 15:40; Ga 19:25) và là một trong những bà có mặt trong việc mai táng Ðức Giêsu (Mt 27:61; Mc 15:47). Bà Maria Mácđala cũng là người thấy ngôi mộ trống (Mt 28:1-10; Mc 16:1-8; Lc 24:10). Việc Ðức Giêsu hiện ra với bà Maria Mácđala được ghi lại trong Phúc âm thánh Mác-cô và Gioan (Mc 16:9; Ga 20:1-18).
Cuối Phúc âm Thánh Gioan hôm nay được thêm một ý tưởng rất quan trọng: Trước đó họ chưa hiểu rằng, theo Thánh kinh, Ðức Giêsu phải sống lại từ cõi chết (Ga 20:9). Nếu muốn: Nói có sách, mách có chứng, thì ta cần tìm hiểu xem Thánh kinh nói gì về việc sống lại của Người. Trước hết Thánh kinh Cựu ước đã tiên báo về mầu nhiệm phục sinh (Tv 16:10; Hs 6:2). Còn chính Ðức Giêsu cũng đã tiên báo về việc phục sinh của Người ba lần trong Tân ước. Lần thứ nhất được ghi chép trong cả ba Phúc âm Nhất lãm (Mt 16:21; Mc 8:31; Lc 9:22). Lần hai được tìm thấy trong hai Phúc âm thánh Mát-thêu và Mác-cô: (Mt 17:22; Mc 9:31). Lần này thánh Luca có nhắc đến việc Ðức Giêsu bị nộp vào tay người ta (Lc 9:44) mà có lẽ quên không nói đến việc phục sinh của Người. Lần thứ ba lại được nhắc lại trong cả ba Phúc âm Nhất lãm (Mt 20:19; Mk 10:34; Lc 18:32). Riêng thánh sử Gioan thì nhắc đến việc phục sinh của Người trong việc xây dựng lại Ðền thờ khi Người bảo người Do thái cứ phá huỷ Ðền thờ này, Người sẽ xây lại trong ba ngày (Ga 2:19). Ở đây Ðức Giêsu muốn nói đến Ðền thờ là thân thể phục sinh của Người.
Vào thời bấy giờ tại tòa án Do thái, đàn bà không thể đứng ra làm nhân chứng. Vậy mà Ðức Giêsu đã chọn bà Maria Mácđala làm chứng nhân cho việc Người sống lại. Như vậy phải có lý do nào đó. Và đó là đường lối của Chúa. Khi bà Maria Mácđala vội vã chạy về báo tin cho ông Phêrô và Gioan rằng xác Thầy họ không còn ở trong mồ nữa, hai ông cũng chạy ra mồ. Ông Gioan chạy mau hơn nhưng vì tế nhị không vào ngay, đợi cho ông Phêrô đến sau để vào trước. Ông Phêrô không hiểu tại sao khăn liệm xác lại được để riêng một bên. Nếu xác Ðức Giêsu bị lấy cắp như các thượng tế và người Pharisêu đã đề phòng xin Philatô ra lệnh cho quân lính canh mồ, thì kẻ cướp phải làm cách vội vàng, chứ đâu còn giờ mà lột khăn liệm ra khỏi thân mình Chúa, và cũng đâu còn giờ để gấp khăn che đầu lại làm chi cho mất công và mất giờ. Do đó việc gấp khăn che đầu là dấu chỉ cho các tông đồ tin là Thầy họ đã sống lại. Và thánh Gioan, có lẽ vì được Ðức Giêsu thương mến (Ga 20:2) và không bận tâm với việc vợ con, nên mới tinh ý nhận ra được ý nghĩa của dấu chỉ này.
Cũng như các tông đồ, cũng như bà Maria Mácđala, ta cũng có thể có những lần hồ nghi về việc Chúa sống lại. Có những khi ta cảm thấy những giờ phút tuyệt vọng, chán chường, những ngày giờ, những năm tháng mà tâm hồn bị bóng tối bao phủ. Ta cảm thấy như là Chúa đi vắng và ta không còn gì để bám víu. Tuy nhiên cũng như bà Maria Mácđala, cũng như thánh Phêrô và Gioan, ta vẫn phải đi tìm Chúa, ngay cả khi cảm thấy tâm hồn hoang mang. Chúa vẫn ở đó chờ đợi ta. Chúa vẫn đến với ta trong cuộc sống hằng ngày. Ta sẽ khó lòng tìm thấy Chúa nếu ta quá bận tâm lo lắng về những sự vật trần thế, và mê đắm theo đuổi những chuyện phù vân quả là phù vân (Gv 1:2).
Lời cầu nguyện xin cho được ơn tiếp tục đi tìm Chúa:
Lậy Ðức Kitô phục sinh!
Muôn vàn lần xin tạ ơn Chúa đã ban cho con
được ơn nhận lãnh đức tin khi chịu Phép Rửa tội.
Xin cho con được nhận thức rằng
đức tin không phải là bảo vật gì
có thể chôn chất hay bỏ vào hộp an toàn nhà băng,
mà luôn phải được tìm kiếm, bảo trì và phát triển.
Xin cho con được tiếp tục đi tìm Chúa
ngay cả khi đức tin bị thử thách. Amen.
__________________________
- Theo bản dịch Thánh kinh Tân ước (Lc 10:38-42) của linh mục Trần Văn Kiệm, thì bà Mác-ta là chị Bà Maria. Khi đọc bản thảo sách: Hằng tuần Chúa nói với Ta – Ta đáp trả lời Chúa, Năm A của linh mục Trần Bình Trọng, Linh mục Trần Văn Kiệm lại viết: Theo sự khám phá mới (không cho biết từ đâu) thì bà Maria là chị bà Mác-ta, còn ông Ladarô là anh cả.
Lm Trần Bình Trọng