Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm C
Is 66:10-14c; Gl 6:14-18; Lc 10:1-12, 17-20
Nói chung, môn đệ hay môn sinh là học trò hay người theo một thày dạy về một môn phái nào đó như đạo, văn, võ, nghệ.. Trong Thánh kinh Cựu ước, học trò theo học các thày ráp-bi Do thái giáo được gọi là môn đệ. Trong Thánh kinh Tân ước, những người nghe theo lời Chúa dạy và sống theo đường lối Phúc âm cũng được gọi là môn đệ.
Từ ngữ môn đệ được nhắc tới hai trăm năm mươi (250) lần trong Thánh kinh Tân ước. Trong số các môn đệ, có mười hai người thân tín đi theo Ðức Giêsu được gọi là tông đồ (Mt 12:2-4; Mc 3:16-19; Lc 6:13-16, Cv 1:13).
Phúc âm hôm nay ghi lại: Ðức Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến (Mc 10:1). Người căn dặn các ông: Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, cũng đừng chào hỏi ai dọc đường (Mc 10:4). Nếu áp dụng lời Chúa theo nghĩa đen thì đa số những nhà đi truyền giáo đời nay, đều đi trật lất đường rầy vì họ có thể mang theo hai hay ba va-li đồ dùng và quần áo, lại còn mang tiền trong túi hay thẻ tín dụng nữa.
Lời Chúa trong Phúc âm hôm nay còn khác với lời Chúa trong Phúc âm Thánh Mát-thêu và Mác-cô về hành trang lên đường của người đi rao giảng Phúc âm (Mt 10:5-15; Mc 6:7-13). Sở dĩ có sự khác biệt về chỉ thị mang theo hành trang có lẽ tại vì trí nhớ khác nhau của các thánh sử về lời Chúa. Ðiểm này cho thấy rằng cắt nghĩa lời Chúa theo nghĩa đen là không thực tế. Vì thế ta cần nhờ đến những nhà chú giải Thánh kinh để cắt nghĩa lời Chúa cho trung thực. Ta cũng cần nhờ đến Giáo hội để giải thích lời Chúa vì Giáo hội có sứ mệnh bảo toàn kho tàng mạc khải trong Thánh kinh để khỏi bị cắt nghĩa sai lạc. Như vậy chi tiết về hành trang truyền giáo không quan trọng cho bằng sứ điệp rao giảng tin mừng Phúc âm.
Lời Chúa dạy các môn đệ về hành trang trên đường truyền giáo là họ chỉ cần mang theo những vật dụng cần thiết tối thiểu mà thôi. Vật dụng cần thiết tối thiểu tại đất Do thái thời bấy giờ khác những vật dụng cần thiết và tối thiểu thời nay trong quốc gia hoặc thế giới hiện tại. Làm việc tông đồ ở xứ giàu mạnh thì có thể sống thế này, nhưng làm việc tông đồ ở xứ nghèo đói thì lại phải sống thế khác.
Theo nghĩa hẹp thì linh mục và tu sĩ thường là thợ gặt cánh đồng truyền giáo. Tuy nhiên theo nghĩa rộng thì tất cả mọi người tín hữu đều là thợ gặt đồng lúa của Chúa. Qua Bí tích Rửa tội, người tín hữu được gọi để sống đời sống đức tin. Qua Bí tích Thêm sức, người tín hữu được gọi để làm chứng cho đức tin. Ðời sống của người môn đệ phải là phản ảnh đức tin và là chứng nhân cho đức tin họ đã lãnh nhận.
Lời Chúa trong Thánh kinh hôm nay nói lên tính cách khẩn thiết của việc tông đồ truyền giáo. Chúa phán: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít (Lc 10:2). Có những người công giáo, không phải hết mọi người công giáo, nhưng một số người, không dám hay không muốn nói về đức tin cho người khác vì những lí do như sau:
Thứ nhất là vì người ta tưởng lầm rằng chỉ có linh mục tu sĩ mới được gọi để rao giảng tin mừng cứu độ. Còn người giáo dân chỉ cần làm sao giữ đạo một cách tối thiểu là đủ, chứ không phải truyền bá đức tin cho người chung quanh.
Lý do thứ hai khiến người giáo dân ngần ngại không muốn nói về đức tin là vì người ta không biết đủ về Thánh kinh. Trong quá khứ trước Công đồng Vaticanô II người giáo dân không được khuyến khích đọc và học hỏi Thánh kinh, sợ rằng họ có thể cắt nghĩa sai lạc, rồi đi theo Tin lành. Nhận thức rằng khi ở thế tự vệ là người công giáo ở trong thế yếu cho nên sau Công đồng Vaticanô II, Giáo hội khuyến khích người giáo dân đọc và học hỏi lời Chúa trong Thánh kinh. Vậy thì nếu có sách Thánh kinh, có bao giờ ta mở ra đọc, hay cuốn sách thánh đã mang nhiều lớp bụi bặm? Khi tặng quà cho con cháu trong dịp Thêm sức hay đi học đại học ở xa, phụ huynh thường cho những gì: có phải cuốn Thánh kinh hay ảnh tượng đạo đức không?
Lý do thứ ba khiến người ta không nói về đức tin là vì người công giáo ít hiểu biết về đạo giáo. Người ta sợ bị vặn hỏi mà không trả lời được. Làm sao người ta có thể cho người khác điều mà mình không có như ngạn ngữ La tinh diễn tả: Nemo dat quid non habet. Làm sao người ta có thể gây ảnh hưởng về đức tin cho người khác, nếu người ta không am hiểu, không xác tín về đức tin? Làm sao người ta có thể giới thiệu đạo Kitô giáo cho người khác, nếu người ta không nắm chắc được lẽ đạo? Làm sao người ta có thể rao giảng tin mừng Phúc âm cho người ngoài Giáo hội, nếu đời sống đức tin của người ta không vững? Làm sao người ta có thể nói cho người khác về đạo giáo một cách xác tín, nếu người ta không biết đủ về đạo giáo của mình?
Ngược lại thì có những người ít hiểu biết về Thánh kinh và đạo giáo, nhưng họ sống niềm tin tôn giáo một cách xác tín. Do đó họ giảng đạo và làm chứng cho đức tin bằng chính đời sống của họ, thay vì dùng lẽ đạo để thuyết phục. Ðiều Chúa căn dặn các môn đệ lần này là đem bình an (Lc 10:5) cho nhà mà họ đến thăm, cho người mà họ gặp, chứ Chúa không bảo hay chưa bảo họ phải thuyết phục người khác về đạo giáo.
Mỗi người tín hữu đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức được gọi để làm môn đệ Chúa và làm chứng tá cho Phúc âm bằng lời cầu nguyện, gương sáng, việc hi sinh và từ thiện bác ái. Người được nhận biết Chúa trước có bổn phận đem Chúa đến cho người khác tuỳ theo hoàn cảnh, phương tiện và khả năng có thể.
Ðức tin mà người tín hữu lãnh nhận không phải là điều riêng tư, nhưng có tính cách cộng đồng. Vì thế tin mà thôi chưa đủ. Họ cần chia sẻ đức tin với người chưa tin, và nâng đỡ niềm tin của người yếu đức tin. Và đó chính là ý nghĩa lời Chúa: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10:8). Lời Chúa ở đây có nghĩa là ân huệ đức tin mà người tín hữu nhận được, phải được chia sẻ với người khác.
Lời cầu nguyện xin cho biết làm việc tông đồ giáo dân:
Lạy Chúa Giêsu linh mục tối cao!
Xin cho con được nhận thức rằng nhờ Bí tích Rửa tội
con cũng được ‘tham dự thực sự vào sứ vụ
tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa’1,
để cùng với linh mục thừa tác, làm việc tông đồ,
dâng lên Chúa của lễ tạ ơn, hi sinh và đền tội
cho chính mình con và cho toàn thế giới. Amen.
Lm Trần Bình Trọng
____________________
1. Sắc lệnh về Tông Ðồ giáo dân # 2