atinKhách tới thăm khu quần thể Nhà Thờ Lớn Phát Diệm hẳn không ai có thể bỏ qua Phương Đình.

Khách tới thăm khu quần thể Nhà Thờ Lớn Phát Diệm hẳn không ai có thể bỏ qua Phương Đình. Ai đã thăm Phương Đình, đều có ấn tượng rất sâu đậm về quả chuông nam được treo ở tầng cao nhất của công trình này: ấn tượng về độ lớn (cao khoảng 1m90, đường kính 1m10, nặng khoảng 2000 kg), về một quả chuông nam trong một ngôi nhà thờ Công giáo, về tiếng vọng xa, về đường nét hài hoà ...

Thế nhưng, hẳn không mấy ai để ý rằng cũng giống như phong cách chung của toàn thể quần thể này, quả chuông ở đây còn chuyển tải những sứ điệp mang tính hội nhập văn hoá rất độc đáo. Trong khuôn khổ bài viết này, xin gửi tới những ai yêu thích công trình kiến trúc Nhà Thờ Phát Diệm một vài nhận định về văn tự và ý nghĩa qua cách bố trí quả chuông ở đây.

Văn tự

Trên các quả chuông nam, thông thường người ta khắc rất nhiều chữ Hán. Đó thường là những bài văn khá dài được soạn kĩ lưỡng, nội dung nói về lí do, về thời gian đúc chuông, và về những người đã tham gia đúc chuông v.v...

Trên quả chuông ở Phương Đình Phát Diệm cũng có khắc chữ, nhưng không khắc theo kiểu các chung bi, tức là bài văn bia trên chuông, như thường thấy, mà theo một lối riêng vừa có những nét truyền thống, vừa rất hài hoà với phong cách của toàn thể quần thể: dùng ngôn ngữ biểu tượng, ít lời nhưng lại diễn tả được rất nhiều ý nghĩa.

Bốn góc có bốn núm chuông, bên trên mỗi núm là một chữ Hán ghi tên từng mùa trong năm.

Từ đỉnh chuông, những đường chỉ chạy dọc suốt thân chuông chia quả chuông thành bốn mặt. Mỗi mặt chuông đều có văn tự theo thứ tự như sau:

- Mặt đông nam là dòng chữ Hán: “Phát Diệm xứ công vật”, nghĩa là vật chung của xứ Phát Diệm.

- Mặt đông bắc là dòng chữ Hán: “Thành Thái Canh Dần tạo”, nghĩa là được đúc dưới triều vua Thành Thái, năm Canh Dần.

- Mặt tây bắc là những dòng chữ Latinh:

“Laudo Deum verum, voco plebem, congrego clerum, defuntos ploro, pestem fugo, festa decoro.”

Nghĩa là: “Tôi ca tụng Thiên Chúa thật, tôi kêu gọi dân chúng, tôi triệu tập giáo sĩ, tôi khóc người qua đời, tôi đẩy lui dịch tễ, tôi điểm tô ngày lễ.”

- Mặt tây nam là những dòng chữ Latinh:

“Sancta Maria, Sanctus Joseph, Sanctus Joannes, Baptista Anno Domini 1890.”

Nghĩa là: “Thánh Maria, Thánh Giuse, Thánh Gioan Baotixita, năm của Chúa 1890.”

Ý nghĩa và cách sắp xếp

Nhìn thoáng qua phần văn tự trên đây có lẽ ta chỉ nhận ra một nét đặc biệt là khác với phần lớn những quả chuông nam truyền thống, quả chuông Phát Diệm có thêm chữ Latinh. Tuy nhiên, nếu nhìn theo nhãn quan văn hoá thì cách sắp xếp vị trí quả chuông với bố trí văn tự như thế thật giàu ý nghĩa.

Trong một số công trình kiến trúc cổ Á Đông, chuông thường đi với trống. Chuông và trống được bố trí theo nguyên tắc “tả chung hữu cổ”, nghĩa là chuông bên tay trái, trống ở bên tay phải, tính theo hướng nhìn của công trình, đúng theo luật âm - dương: “tả dương hữu âm”. Ở Phương Đình Phát Diệm cũng có chuông và trống, nhưng cách bố trí truyền thống đã được vận dụng sáng tạo cho phù hợp với cách xếp đặt truyền thống của các ngôi nhà thờ Công giáo. Do vậy mà chuông (yếu tố dương) được đặt ở tầng trên, trống (yếu tố âm) được đặt ở tầng dưới. Vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng, tiếng chuông và tiếng trống quyện vào nhau giữa không gian rất riêng biệt của Phát Diệm như là một biểu hiện sự hoà hợp âm - dương, một biểu hiện của sự sinh sôi, vươn lên, phát triển.

Quan sát gần ta sẽ thấy tên bốn mùa xuân, hạ, thu, đông được ghi bằng chữ Hán bên trên bốn núm chuông. Nét độc đáo ở đây là vị trí tên của các mùa được đặt theo đúng phương vị của ngũ hành: mùa xuân thuộc mộc ở phía đông; mùa hạ thuộc hoả ở phía nam; mùa thu thuộc kim ở phía tây; mùa đông thuộc thuỷ ở phía bắc.

Để ý hơn một chút ta còn thấy rằng các chữ ở phía tây của quả chuông hầu hết là chữ Latinh, còn ở hai mặt phía đông của quả chuông lại hoàn toàn bằng chữ Hán. Đây phải chăng là một hình ảnh về sự giao lưu văn hoá Đông – Tây, vốn đã được thể hiện một cách nhuần nhuyễn trong quần thể Nhà Thờ Phát Diệm? Bên cạnh đó, còn một nét đặc biệt là nếu như mặt đông bắc ghi niên hiệu đúc chuông theo âm lịch, thì ở mặt đối xứng, tức là mặt tây nam, niên hiệu đúc quả chuông lại được ghi theo dương lịch. Cách xếp đặt này khiến quần thể Nhà Thờ Phát Diệm vốn đã giàu ý nghĩa lại càng giàu ý nghĩa và giá trị hơn.

Trên đây là một vài nhận xét về ý nghĩa của quả chuông tại Phương Đình Phát Diệm khởi đi từ khía cạnh văn hoá và hội nhập văn hoá. Với tiếng chuông trầm ấm, lắng đọng, trên 100 năm nay, quả chuông này đã tô điểm cho vẻ đẹp của quần thể Nhà Thờ Phát Diệm, một vẻ đẹp hiển hiện, nhưng cũng rất sâu lắng, một vẻ đẹp mang sức nặng văn hoá và trí tuệ, mà cũng đầy chất linh thiêng.

Kim Ân                                                                                            Nguồn: Trang Tin GP Phát Diệm

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch